Ngân hàng xếp hàng bán nợ xấu
Chưa đầy một tháng kể từ khi đi vào hoạt động, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã tiếp nhận nhiều hồ sơ đăng ký bán lại nợ xấu.
Với mục tiêu mua lại tối thiểu 30.000 tỷ đồng nợ xấu từ nay đến cuối năm, dự kiến các tổ chức tín dụng sẽ có khoảng 20.000 tỷ đồng được tái tạo qua sử dụng trái phiếu đặc biệt của VAMC để nhận tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước. Lãi suất tái cấp vốn dự kiến tối thiểu là 2%/năm. |
Sau khi mua lại 1.723 tỷ đồng nợ xấu của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), trong tuần này VAMC sẽ tiếp tục ký các hợp đồng với Ngân hàng Sài Gòn (SCB), Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGBank).
Đây là những hợp đồng đầu tiền và mới chỉ là đợt 1 trong kế hoạch mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng mà VAMC đã xác định. Dự kiến riêng tháng 10 này, công ty sẽ mua lại khoảng 10.000 tỷ đồng nợ xấu, và từ nay đến cuối năm mục tiêu đề ra là từ 30.000 - 35.000 tỷ đồng.
Sau khi ký hợp đồng chung, VAMC và các bên sẽ ký hợp đồng cụ thể cho từng khoản nợ. Việc phát hành trái phiếu đặc biệt được tiến hành ngay sau đó. Tuy nhiên, hiện lãi suất tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước qua trái phiếu này vẫn đang chờ Thủ tướng Chính phủ quyết định, dự tính tối thiểu là 2%/năm.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch Hội đồng Thành viên VAMC cho biết, để có được tiến độ mua nợ ngay trong tháng 10, công ty và các tổ chức tín dụng đã có quá trình làm việc từ trước. Do có nhiều hồ sơ đăng ký gửi về, cán bộ nhân viên VAMC phải làm việc thêm ngoài giờ và cả ngày nghỉ và hiện vẫn chưa phân loại được hết các khoản nợ để quyết định mua hay không.
Trước đó, hai hội nghị triển khai việc mua lại nợ xấu cũng đã được tổ chức tại Hà Nội và Tp.HCM. Theo ông Hùng, ngay sau hội nghị trên, có 5 tổ chức tín dụng tại Tp.HCM đã đặt vấn đề và đăng ký bán lại nợ xấu. Tại Hà Nội, do chưa bố trí được thời gian làm việc, nhiều tổ chức tín dụng đã chủ động và trực tiếp tìm đến trụ sở VAMC để đặt vấn đề.
Tính đến ngày 1/10/2013, đã có 10 tổ chức tín dụng đăng ký và gửi hồ sơ bán nợ xấu cho VAMC. Trong đó có 4 tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu trên 3%, có 1 tổ chức tín dụng là ngân hàng quốc doanh.
Riêng trường hợp Ngân hàng Nam Việt (Navibank), sau khi đặt vấn đề dự kiến bán lại khoảng 200 tỷ đồng nợ xấu, hiện chưa có kế hoạch xúc tiến cụ thể.
Trong thông cáo phát đi chiều nay (2/10), Hội đồng Thành viên VAMC cho biết: “Mua bán nợ chỉ là bước khởi đầu trong quá trình hợp tác nhiều năm giữa VAMC và các tổ chức tín dụng. Mục tiêu hướng tới ở những giai đoạn sau là hoạt động cơ cấu lại nợ để lành mạnh hóa tài chính tại các tổ chức tín dụng, các công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động vay vốn tại các tổ chức tín dụng để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong quá trình đó, VAMC kỳ vọng, với sự hỗ trợ của các tổ chức tín dụng, các cơ quan, ban ngành liên quan, VAMC sẽ nhanh chóng hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra, có đóng góp quan trọng trong việc xử lý nhanh nợ xấu và là nhân tố tích cực đóng góp vào quá trình phục hồi hoạt động của các doanh nghiệp và qua đó góp phần tạo ra tăng trưởng trở lại của nền kinh tế”.
Theo VNECONOMY.VN