.
.

Tái cơ cấu các lĩnh vực trọng yếu ngành giao thông vận tải

Thứ Ba, 24/12/2013|09:57

"Bài toán" tái cơ cấu với nhiều ẩn số hóc búa của ngành giao thông vận tải (GTVT) cho đến thời điểm hiện tại dường như vẫn chưa tìm ra đáp số thỏa mãn, mặc dù được khởi động khá sớm. Tuy nhiên, so với thời điểm ba năm trước, nhìn nhận lại những gì có được hôm nay cũng đủ khiến người trong cuộc mãn nguyện, mặc dù công việc trước mắt còn đang rất bề bộn, ngổn ngang.

Tiêu điểm Vinashin, Vinalines

Một trong những tiêu điểm thu hút sự chú ý mạnh nhất của dư luận vừa qua là Bộ GTVT quyết định thành lập Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC), trên cơ sở tổ chức lại công ty mẹ và một số đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Công ty mẹ SBIC là Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, tại thời điểm thành lập có vốn điều lệ hơn 9.500 tỷ đồng, với khoảng 8.000 lao động, tập trung vào các ngành, nghề chính như đóng mới tàu thủy, thiết bị và phương tiện nổi, sửa chữa, hoán cải tàu thủy,... Quá trình tái cơ cấu Vinashin, Bộ đã sắp xếp được 52 doanh nghiệp (DN) trong tổng số 236 DN không giữ lại trong mô hình tập đoàn. Khoản nợ đối với các tổ chức tín dụng trong nước từng gây tranh cãi và quan ngại lớn đã được "giảm áp" khi mới đây, Vinashin, Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) và các tổ chức tín dụng đã hoàn thành việc tái cơ cấu nợ giai đoạn 1 (đối với số nợ gốc gần 11.540 tỷ đồng) theo hình thức phát hành trái phiếu hoán đổi nợ, kỳ hạn 10 năm, lãi suất 8,9%/năm.

Theo nhận định của Bộ trưởng GTVT Ðinh La Thăng, phương án này đã giúp Vinashin giảm nợ gốc và lãi hơn 13 nghìn tỷ đồng, khoản nợ này sau tái cơ cấu còn 3.462 tỷ đồng, sẽ trả một lần sau 10 năm (năm 2023). Với khoản nợ 600 triệu USD mà Vinashin vay các tổ chức tín dụng nước ngoài, đầu tháng 10 vừa qua, Vinashin và DATC cũng đã hoàn thành việc phát hành trái phiếu DN có bảo lãnh của Chính phủ trên thị trường Xin-ga-po. Với phương án này, quy về giá trị hiện tại thuần, tương đương khoảng 48% nợ gốc, giảm 25% nghĩa vụ nợ so với phương án phải thanh toán ngay toàn bộ khoản nợ nếu không thực hiện tái cơ cấu.

Khoản nhận nợ bắt buộc với các chủ tàu do hủy hợp đồng và các khoản vay khác, trong đó nghĩa vụ nợ có thể đàm phán giảm nợ với các chủ nợ nước ngoài khoảng 135 triệu USD, Vinashin đã hoàn thành cơ cấu nợ tương đương 112 triệu USD, với điều kiện mua lại nợ bình quân khoảng 30% khoản nợ gốc. Phương án này giảm khoảng 85 triệu USD, tương đương 1.704 tỷ đồng. Sau tái cơ cấu tài chính, các khoản nợ của Vinashin cơ bản sẽ được giảm nợ, xóa lãi, giảm lãi suất, một số khoản sẽ được Vinashin thực hiện mua lại.

Ngoài ra, ngành GTVT cũng đang thực hiện tái cơ cấu toàn diện đối với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Theo đó, Vinalines đã thu gọn đầu mối từ 73 DN xuống còn 36 DN, tập trung vào ba nhóm ngành, nghề kinh doanh chính gồm vận tải biển, cảng biển và dịch vụ hàng hải. Vinalines cũng cơ cấu dư nợ 7.855 tỷ đồng tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, cơ cấu nợ hơn 20.400 tỷ đồng tại các tổ chức trong nước theo hướng giãn nợ, giảm số tiền phải trả mỗi kỳ trong giai đoạn 2013 - 2014, đồng thời bổ sung vốn điều lệ 900 tỷ đồng. Nhằm tập trung nguồn lực tái cơ cấu, Vinalines rút khỏi liên doanh dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), dừng triển khai Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong.

Bước đột phá đổi mới cơ chế quản lý

Thứ trưởng GTVT Trương Tấn Viên cho biết, Bộ GTVT đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo tái cơ cấu ngành GTVT, tập trung tái cơ cấu ba lĩnh vực trọng tâm: tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thuộc Bộ và tái cơ cấu vận tải. Bộ coi công tác cổ phần hóa là then chốt, bước đột phá để các DN đổi mới cơ chế quản lý, huy động vốn từ các cổ đông, giảm tỷ trọng nợ vay, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Trong ba năm qua, Bộ đã cổ phần hóa được 54 DN; trong đó, cổ phần hóa 11 DN có quy mô lớn. Tuy nhiên, tiến độ còn chậm do khó khăn về tài chính, âm vốn chủ sở hữu, phải xử lý qua mua bán nợ, mặt khác các quy định về đối chiếu công nợ, phê duyệt phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa DNNN chưa phù hợp nhưng chậm được sửa đổi. Nguồn tài chính phục vụ tái cơ cấu, nhất là xử lý nợ rất hạn hẹp, thị trường chứng khoán suy giảm khiến việc mua bán, chuyển nhượng khó khăn. Trong thời gian qua, các DN ngành giao thông phải đối mặt nhiều thách thức do giá cả vật liệu tăng, vay vốn khó khăn, nhiều công trình phải dừng, hoãn tiến độ, khiến đời sống, việc làm của người lao động hết sức khó khăn.

Theo nhận định của Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường, thông qua tái cơ cấu, cổ phần hóa, các DN thuộc Bộ đã bước đầu lành mạnh hóa tài chính, tăng vốn điều lệ, giảm hệ số nợ phải trả/vốn điều lệ bình quân giảm 50%. Quy định về giải quyết chính sách cho lao động dôi dư của Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi, giúp doanh nghiệp sắp xếp, cổ phần hóa thành công. Sau khi cổ phần hóa, các DN đã đổi mới phương thức quản lý, tinh giản bộ máy gián tiếp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Tiến hành tái cơ cấu trong tình cảnh hết sức khó khăn, ngành GTVT đã đúc rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Việc sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN phải được thực hiện đồng bộ từ việc quán triệt chủ trương đến khâu tổ chức thực hiện. Công tác chỉ đạo có ý nghĩa quyết định, vì vậy các cơ quan phải xây dựng kế hoạch, có giải pháp khả thi, chỉ đạo triệt để. Những DN làm tốt công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa đều do người đứng đầu thực hiện quyết liệt, chỉ đạo chặt chẽ. Thực tiễn công tác đổi mới DNNN ngành GTVT cho thấy cán bộ là nhân tố quyết định, nếu không có cán bộ dày dạn kinh nghiệm, không quyết liệt đổi mới và tuân thủ nghiêm quy định thì không có cơ chế nào kiểm soát được. Bộ đã yêu cầu Chủ tịch, Tổng giám đốc các đơn vị rà soát, xây dựng chương trình, có giải pháp tích cực, gắn trách nhiệm với kết quả cổ phần hóa DN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, coi đây là chỉ tiêu quan trọng đánh giá hiệu quả sản xuất của DN và năng lực điều hành lãnh đạo.

Tái cơ cấu DNNN là chủ trương lớn, đúng đắn của Ðảng và Nhà nước. Trong quá trình triển khai đã phát sinh nhiều vấn đề vướng mắc đặt ra từ thực tiễn. Bộ GTVT đang kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi bổ sung Luật Phá sản phù hợp thực tiễn hơn; có cơ chế, chính sách đặc thù đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Minh Trang (Theo Nhân dân)

.
.
.
.