.
.

Công nghiệp sau gần 30 năm đổi mới

Thứ Hai, 11/08/2014|11:01

Công cuộc đổi mới được Đại hội VI đề ra từ năm 1986, đến nay đã gần 30 năm. Trong thời gian này, công nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu, đồng thời cũng còn nhiều việc phải làm để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Nhìn tổng quát, quy mô giá trị sản xuất công nghiệp năm 2013 so với năm 1986 đã cao gấp trên 19,9 lần, bình quân 1 năm tăng trên 11,7%.

Theo thời gian, tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp từ năm 1986 đến nay được chia làm 3 thời kỳ, đó là: 1987-1990, 1991-2007 và từ 2008 đến nay.

Trong thời kỳ 1987-1990, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân năm đạt 5,65%, trong đó có năm còn bị giảm (năm 1989 giảm 3,9%) chủ yếu do thời kỳ này đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội kéo dài ở trong nước, bị hụt hẫng về vốn đầu tư, về thị trường do Liên Xô (cũ) và các nước XHCN Đông Âu đổ vỡ, do bị bao vây cấm vận… Hơn nữa trong thời gian này, để khắc phục khủng hoảng, Việt Nam đã đưa ra mục tiêu nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, lương thực là trọng điểm số một.

Trong thời kỳ 1991-2007, sau khi đã cơ bản giải quyết được vấn đề nông nghiệp nói chung và lương thực nói riêng, thì việc chuyển sang làm công nghiệp với ý nghĩa “phi công bất phú” là phù hợp và có ý nghĩa chiến lược.

Trong thời kỳ này, ở trong nước đã chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp với hai thành phần kinh tế, hai hình thức sở hữu chủ yếu là quốc doanh, tập thể, sang cơ chế thị trường, với nhiều thành phần sau khi có sự ra đời của các luật về doanh nghiệp; đối với nước ngoài, đã thực hiện việc mở cửa, hội nhập, thông qua Luật Đầu tư nước ngoài (FDI), vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), gia nhập Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), ký Hiệp định Thương mại song phương Việt-Mỹ, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)… Giá trị sản xuất công nghiệp thời kỳ này tăng tới 14,35%/năm, với tỷ trọng trong GDP của cả nước ngày một lớn, thì công nghiệp đã trở thành động lực và đầu tàu tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế.

Thời kỳ 2008-2013, tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 7,19%/năm, chỉ bằng một nửa tốc độ tăng của thời kỳ 1991-2007. Hạn chế, yếu kém rõ nhất là công nghiệp mang nặng tính gia công, việc sản xuất và xuất khẩu phụ thuộc vào nguyên nhiên phụ liệu nhập khẩu từ nước ngoài, công nghiệp hỗ trợ ở trong nước sớm được đề ra từ hàng chục năm nay, nhưng chậm được phát triển. Dẫn tới hiệu quả và sức cạnh tranh thấp, thể hiện ở hiệu quả đầu tư và năng suất lao động còn thấp.

Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới trăm năm mới có xảy ra từ Mỹ đã ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam nói chung và công nghiệp nói riêng, với thời gian suy giảm tốc độ tăng bị kéo dài. Tiêu thụ sản phẩm chậm lại, tồn kho sản phẩm tăng cao do tổng cầu bị co lại so với trước (tỷ lệ tích luỹ, đầu tư/GDP và tỷ lệ tiêu dùng cuối cùng/GDP đều bị giảm mạnh).

Trong 3 ngành công nghiệp chủ lực, ngành khai khoáng đã tăng chậm dần, trong đó có những năm còn bị giảm (tốc độ tăng thời kỳ 2006-2013 của công nghiệp khai khoáng chỉ đạt 1,3%/năm). Công nghiệp chế biến - ngành chiếm tỷ trọng cao nhất trong toàn ngành công nghiệp  - đã tăng khá (thời kỳ 2006-2013, chỉ số sản xuất tăng 11,0%/năm). Các ngành còn lại là sản xuất, phân phối điện, khí đốt và sản xuất nước, quản lý và xử lý rác thải tăng khá.

Về sản phẩm công nghiệp chủ yếu. Năm 2013 so với năm 1986, nhiều sản phẩm công nghiệp cao gấp nhiều lần: Than sạch gấp 6,4 lần, vải lụa 4,2 lần, xi măng 38,4 lần, điện phát ra 21,9 lần… Năm 2013 so với 1997, dầu thô gấp 1,7 lần, bia gấp 5 lần, ô tô lắp ráp gấp 15,2 lần, xe máy lắp ráp gấn 47,8 lần… Năm 2013 so với 2005, thủy sản chế biến gấp 2,7 lần. Năm 2013 so với 2009, điện thoại di động gấp 18,9 lần.

Xuất khẩu hàng công nghiệp tăng cao hơn tốc độ chung. Xuất khẩu lượng than đá năm 2013 so với 1976 gấp 9,8 lần; dầu thô năm 2013 gấp 3,2 lần năm 1980. Năm 2013 so với 1997, xuất khẩu dệt may gấp 11,9 lần, giày dép gấp 8,6 lần… Điện tử máy tính năm 2013 cao gấp 18,1 lần năm 1999. Năm 2013 so với năm 2000, dây điện và cáp điện cao gấp 5,2 lần, sản phẩm chất dẻo gấp 18,9 lần. Năm 2013 so với năm 2002, xuất khẩu túi xách, ví, va li, mũ, ô dù gấp 8,2 lần.

Năm 2013 so với năm 2008, xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng cao gấp 3,2 lần; xuất khẩu phương tiện vận tải và phụ tùng gấp 4,5 lần… Năm 2013 so với năm 2010, xuất khẩu sắt thép gấp 1,7 lần, xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện gấp 9,2 lần, xuất khẩu sản phẩm hóa chất gấp 1,6 lần…

Bên cạnh những thành tựu nổi bật, trong công nghiệp hiện cũng còn những hạn chế, bất cập và đứng trước những thách thức không nhỏ, đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ và quyết liệt để khắc phục.

Trước hết là nâng cao trình độ kỹ thuật-công nghệ, khắc phục tình trạng tỷ trọng số doanh nghiệp có kỹ thuật-công nghệ hiện đại thuộc loại thấp so với các nước trong khu vực. Tránh ham rẻ để nhập khẩu thiết bị-công nghệ của một số nước không phải công nghệ nguồn hoặc thải ra trong quá trình hiện đại hoá...

Phát triển công nghiệp hỗ trợ là chủ trương đã sớm được đề cập từ hàng chục năm trước, nhưng thực hiện còn rất chậm. Đây là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng gia công, lắp ráp, vừa phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài, vừa làm cho giá trị gia tăng thấp, vừa làm cho tỷ trọng lao động công nghiệp tăng chậm, thậm chí có năm còn bị giảm.

Khắc phục khó khăn ở cả đầu vào (vốn thiếu, tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp, hiệu quả đầu tư còn thấp...), ở cả đầu ra (tiêu thụ sản phẩm thấp, tồn kho cao, hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu còn nhiều...).

Cần đặc biệt quan tâm đến việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn vì đây là đối tượng, là trọng điểm số 1 của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Minh Ngọc (Theo Chinhphu.vn)

.
.
.
.