.
.

Mua bán và sáp nhập trong tái cơ cấu doanh nghiệp

Thứ Năm, 14/08/2014|16:32

Có thể nói, chưa bao giờ trên các diễn đàn kinh tế ở Việt Nam, những cụm từ như: tái cơ cấu doanh nghiệp, mua bán và sáp nhập (M&A)... được nhắc đến nhiều như hiện nay. Nhiều người kỳ vọng là hoạt động mua bán và sáp nhập sẽ có làn sóng mới, mạnh mẽ, sôi động, tác động tích cực cho nền kinh tế phát triển và tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Nhìn lại những thương vụ mua bán và sáp nhập gần đây, có thể thấy, hoạt động này tăng  trưởng đáng kể. Năm 2008, khi nền kinh tế khó khăn, thị trường mua bán và sáp nhập ở Việt Nam bắt đầu bùng phát mạnh mẽ. Nếu như 2008, giá trị các vụ mua bán và sáp nhập chỉ đạt 1 tỷ USD thì năm 2013 tăng lên hơn 5 tỷ USD. Nhưng trong 6 tháng đầu năm nay, các vụ mua bán và sáp nhập ở Việt Nam lại có dấu hiệu chững lại.

tccdn
Diễn đàn M&A 2013 với chủ đề "Cơ hội trong thị trường 5 tỷ USD" với sự tham gia của 500 khách mời, diễn giả, nhà đầu tư trong nước và quốc tế. 

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, các chuyển biến của kinh tế vĩ mô như: GDP 6 tháng đầu năm đạt 5,18%, lạm phát ở mức thấp, thị trường bán lẻ hấp dẫn, quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước...là những yếu tố tích cực, sẽ tác động mạnh mẽ lên thị trường mua bán và sáp nhập thời gian tới. Trong đó, các lĩnh vực mà các nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm là ngân hàng, bất động sản, hàng tiêu dùng và dược phẩm.

Ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc điều hành cấp cao, Công ty Recof của Nhật cho rằng, Việt Nam có 90 triệu dân số với chi phí lao động thấp, lực lượng lao động ổn định, người  tiêu dùng Việt Nam tăng nhanh do dân số trẻ, chính trị ổn định, quy mô tăng trưởng kinh tế tốt, Việt Nam sẽ là cửa ngõ tiếp cận hạ nguồn Me Kong. Các doanh nghiệp Nhật rất quan tâm và tiếp tục có xu hướng đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam.

Hiện nay, tiến trình cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước đang được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và theo dõi sát sao để lựa chọn  đầu tư. Đó là tiến trình cổ phần hóa của VietNam Airlines, MobiFone, Sabeco, Vinatex. Trong đó, một số hãng hàng không lớn trong liên minh Skyteam hay một số hãng đồ uống của Nhật như Kinri Brewery Company, Asahi Breweries Limited... đang muốn làm cổ đông chiến lược của các doanh nghiệp này. 

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, nếu các thương vụ giao dịch này thành công sẽ tạo ra cú hích lớn cho làn sóng mua bán và sáp nhập thời gian tới. Để làn sóng này  diễn ra mạnh mẽ và sôi động thì về phía Chính phủ và doanh nghiệp cần phải làm nhiều việc.

Ông John Ditty, Tổng giám đốc công ty Kiểm toán và tư vấn KPMG Việt Nam và Campuchia cho rằng, Nhà nước cần giảm bớt cổ phần của mình ở các doanh nghiệp của nhà nước. Việt Nam cần điều chỉnh Luật Doanh nghiệp, Luật chống tham nhũng theo hướng sát thực tế, đồng thời cần minh bạch thông tin để các nhà đầu tư nước ngoài không phải  mất quá nhiều thời gian để thực hiện các giao dịch ở Việt Nam.

Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam kỳ vọng rất cao về giá cổ phần của mình, các nhà đầu tư nước ngoài lại nhìn vào giá trị thực của nó trên thị trường. Nhiều nhà đầu tư ngoại muốn nắm cổ phần chi phối ở doanh nghiệp để tham gia điều hành doanh nghiệp hiệu quả hơn. Nhưng ở Việt Nam, một số ngành nghề, lĩnh vực cũng hạn chế số cổ phần của doanh nghiệp nước ngoài. 

Ông Ngô Thanh Tùng, Chủ tịch công ty Luật  quốc tế Việt Nam - Vilaf cho rằng, nếu vẫn tiếp hạn chế số cổ phần của nhà đầu tư ở lĩnh vực ngân hàng 30%, vô tuyến viễn thông 25%, trong công ty đại chúng 49%, với mục tiêu để bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam là không cần thiết. Chúng ta cần mở cửa hơn nữa thì mới tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Hoạt động mua bán và sáp nhập diễn ra mạnh sẽ mẽ là cơ hội tạo thêm sức mạnh mới cho tăng trưởng kinh tế. Phần còn lại vẫn phụ thuộc ở những động thái tích cực từ Chính phủ và sự chuẩn bị sẵn sàng của các doanh nghiệp Việt Nam./.

Theo TNVN

.
.
.
.