.
.

Bảo toàn và phát triển vốn nhà nước qua hoạt động đầu tư vào các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế

Thứ Hai, 22/05/2017|10:23

Từ năm 2005 đến nay, thông qua các hoạt động tiếp nhận, tái cơ cấu, quản trị doanh nghiệp, bán vốn..., Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến trình sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả vốn nhà nước ở doanh nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nga Dmitry  Medvedev chứng kiến Lễ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Tổng  Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước với Quỹ đầu tư trực  tiếp Liên bang Nga, ngày 16-5-2016.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev chứng kiến Lễ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước với Quỹ đầu tư trực tiếp Liên bang Nga, ngày 16-5-2016.

Góp phần nâng cao hiệu quả vốn nhà nước ở doanh nghiệp

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị TW 3, Hội nghị TW 9 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X về đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, với mục tiêu tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu của Nhà nước; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 151/2005/QĐ-TTg ngày 20/6/2005 về thành lập Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Quyết định số 152/2005/QĐ-TTg ngày 20/6/2005 về ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của SCIC.

Trong tiến trình đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước ở doanh nghiệp, chuyển từ cơ chế hành chính sang đầu tư, kinh doanh vốn theo các nguyên tắc thị trường, thông qua các hoạt động tiếp nhận, tái cơ cấu, quản trị doanh nghiệp, bán vốn..., hơn 10 năm qua, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến trình sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả vốn nhà nước ở doanh nghiệp.

Ngày 26/7/2010, Bộ Chính trị có Kết luận số 78-KL/TW về kết quả kiểm tra thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, Trung ương 9 (khóa IX) và Nghị quyết Đại hội X của Đảng về việc tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và Đề án củng cố, phát huy vai trò của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước. Theo đó, Bộ Chính trị ghi nhận “những kết quả hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, đồng thời tiếp tục khẳng định đây là chủ trương đúng đắn của Đảng trong quá trình đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước”, và chỉ đạo “tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho SCIC hoạt động có hiệu quả, làm rõ địa vị pháp lý và định hướng hoạt động của SCIC”.

Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, về cơ bản, SCIC đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đầu tư vào các ngành, lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ được giao và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể:

Với nguồn vốn điều lệ và vốn tích tụ trong quá trình kinh doanh, tổng vốn đầu tư của SCIC đến 30/11/2016 đạt khoảng 24.000 tỷ đồng, trong đó đầu tư mua cổ phiếu phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu tại các doanh nghiệp tiếp nhận: 10.262 tỷ đồng; đầu tư thành lập mới doanh nghiệp và đầu tư cổ phiếu: 5.942 tỷ đồng; đầu tư trái phiếu 6.850 tỷ; đầu tư theo chỉ định 1.036 tỷ đồng.

Hoạt động đầu tư của SCIC tập trung vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, gắn với thị trường và đã đạt được một số dấu ấn nhất định như: trở thành cổ đông chiến lược của ngân hàng TMCP Quân Đội; đầu tư mua trái phiếu Chính phủ với số tiền 5.000 tỷ, đầu tư trái phiếu ngân hàng (1.250 tỷ), triển khai một số dự án lớn như: dự án Tháp Tài chính Quốc tế, dự án 29 Liễu Giai... ; nghiên cứu đầu tư tại một số dự án trọng điểm như: Tháp Truyền hình Việt Nam (hợp tác với VTV và BRG), dự án Bệnh viện Nhi Trung ương - Cơ sở 2, dự án xây dựng nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư, dự án xây dựng nhà máy sản xuất văcxin quy mô công nghiệp... Ngoài ra, thực hiện chỉ định của Thủ tướng Chính phủ, SCIC cũng tham gia tái cơ cấu CTCP Gang thép Thái Nguyên (TISCO)…       

Hơn 10 năm qua, hoạt động đầu tư kinh doanh vốn của SCIC đạt được kết quả khả quan, bảo toàn và phát triển vốn. Các chỉ tiêu kinh doanh chủ yếu đều tăng trưởng liên tục, năm sau cao hơn năm trước.     Tính đến 30/11/2016, so với thời điểm thành lập: Doanh thu tăng gấp 64,8 lần; Vốn chủ sở hữu tăng gấp 9,9 lần; Tổng tài sản tăng gấp 13,5 lần; Lợi nhuận sau thuế tăng gấp 61.8 lần; Nộp ngân sách nhà nước tăng 26.8 lần; Tỷ suất lợi nhuận/Vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân 13%/năm; Tỷ suất lợi nhuận/Tổng tài sản (ROA) bình quân 6%/năm. Tổng số tiền đã thu về (cổ tức và thặng dư bán vốn) là gần 34.100 tỷ đồng. Tổng số vốn đang quản lý (theo giá thị trường) là 104.276 tỷ đồng.

­­­­­­

Những khó khăn vướng mắc và nguyên nhân

Theo Nghị định 151/2013/NĐ-CP, trong kế hoạch đầu tư hàng năm, SCIC luôn dành tối thiểu 70% nguồn vốn đầu tư để đầu tư vào các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế (y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng…)  hoặc các dự án đầu tư trọng yếu do Chính phủ giao. Mặc dù luôn xác định đầu tư là một trong những nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng của Tổng công ty, song công tác đầu tư tại SCIC trong những năm qua chưa đạt được như kết quả mong muốn, tỷ lệ giải ngân đầu tư theo kế hoạch chưa cao.

Đồng chí Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư  Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương làm việc với Đảng ủy Tổng  Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, ngày 11-7-2016.
Đồng chí Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương làm việc với Đảng ủy Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, ngày 11-7-2016.

Có nhiều nguyên nhân, vướng mắc chính dẫn đến những hạn chế này, đó là:

- Hiện nay, các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chưa thực có quyền chủ động trong hoạt động kinh doanh nói chung và hoạt động đầu tư nói riêng; chưa được phép triển khai các hoạt động mà pháp luật không cấm thay vì các hoạt động được cho phép, miễn là có hiệu quả. Trong đánh giá hiệu quả hoạt động đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (đặc biệt là các cơ quan kiểm toán và thanh tra) còn đánh giá theo từng dự án đầu tư cụ thể, chưa có cơ chế đánh giá xem xét tổng thể.

- Thủ tướng Chính phủ đã ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước, theo đó quy định các lĩnh vực của nền kinh tế nhà nước cần nắm giữ chi phối cũng như quy định cụ thể tỷ lệ nắm giữ của nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực trọng yếu sau khi tiến hành đổi mới, sắp xếp và cổ phần hóa phần lớn được nắm giữ bởi các Tập đoàn (điện lực, dầu khí, khoáng sản…) hoặc các cơ quan quản lý khác (như Ngân hàng nhà nước đối với lĩnh vực ngân hàng…). Do đó, cơ hội để SCIC triển khai đầu tư vốn vào các ngành, lĩnh vực trọng yếu nhà nước cần nắm giữ vốn chi phối là không cao.

- Trong những năm qua, nhiều văn bản pháp luật mới ban hành (như Luật xây dựng, Luật đấu thầu, Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp...), cùng một số quy định về trình tự, thủ tục đầu tư còn nhiều vướng mắc làm kéo dài quá trình triển khai đầu tư, dẫn đến bỏ lỡ cơ hội khi thị trường có diễn biến thuận lợi.

- Cơ chế thu hồi vốn đầu tư theo quy định tại Nghị định 151/2013/NĐ-CP còn thiếu linh hoạt, chưa có quy định về cơ chế cắt lỗ để giảm thiểu thiệt hại đối với các khoản đầu tư không đạt kỳ vọng ban đầu.

- Chiến lược phát triển của SCIC vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, trong khi các cơ hội đầu tư trải rộng trên nhiều lĩnh vực nên việc sàng lọc, tìm kiếm cơ hội đầu tư gặp nhiều khó khăn;

- Đối với đầu tư dự án: Một số dự án chưa triển khai được như kế hoạch đề ra do chịu tác động của nhiều yếu tố khách quan như: năng lực của đối tác, cơ chế thực hiện mới (dự án Bệnh viện Nhi TW…), thay đổi đối tác (Nhà máy thuốc chữa ung thư) và vướng mắc về quy hoạch… Một số dự án do SCIC chủ động dừng nghiên cứu sau khi đánh giá tổng thể về các yếu tố kinh tế kĩ thuật và sự phù hợp của dự án (Dự án khu đô thị Hiệp Phước, Công nghiệp phụ trợ -TP. HCM)...;

- Kết quả đầu tư phụ thuộc nhiều vào yếu tố thị trường, chứa đựng nhiều rủi ro nên khó kiểm soát trong việc bảo toàn vốn. Tình hình thị trường những năm gần đây biến động khá lớn, dẫn đến việc lựa chọn và ra quyết định đầu tư cũng gặp nhiều khó khăn.

­­­­

Đề xuất, kiến nghị

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trao tặng Huân chương  Lao động hạng Nhất cho Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh  vốn nhà nước, ngày 19-10-2015.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, ngày 19-10-2015.

Để phát huy được vai trò đầu tư vào các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, đồng thời vẫn đảm bảo bảo toàn và phát triển nguồn vốn, SCIC kiến nghị một số giải pháp trọng tâm như sau:

- Lựa chọn lĩnh vực đầu tư phù hợp: Lựa chọn lĩnh vực đầu tư phù hợp là điều kiện mấu chốt để đảm bảo được hiệu quả khi đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế then chốt, đồng thời nhằm khuyến khích đa dạng các thành phần kinh tế khác nhau cùng tham gia đầu tư, tối đa hóa nguồn vốn đầu tư để phát triển kinh tế. Trong đó, các tổ chức kinh tế nhà nước chỉ nên tham gia đầu tư vào những lĩnh vực đòi hỏi vốn lớn, thời gian hoàn vốn dài... mà khu vực kinh tế tư nhân không quan tâm hoặc không đủ điều kiện tham gia, hoặc nếu nhà nước tham gia đầu tư và vận hành sẽ đảm bảo tốt hơn quyền lợi của nhân dân (các lĩnh vực độc quyền tự nhiên như vận hành – điều động – truyền tải điện, dịch vụ quản lý -  đảm bảo an toàn hàng hải, an toàn bay, quản lý - khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt, xây dựng cơ sở hạ tầng...). Đối với những lĩnh vực thương mại cạnh tranh, nhà nước sẽ không tham gia mà thoái vốn để tạo nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực trọng yếu khác. Đối với những lĩnh vực đầu tư có độ rủi ro cao nhưng cũng hứa hẹn lợi nhuận tiềm năng (như đầu tư khởi nghiệp, nghiên cứu các sản phẩm mới...), nhà nước không trực tiếp đầu tư mà chỉ tạo điều kiện ưu đãi thuận lợi (về thuế, phí, thủ tục...) để khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia.

- Trong đầu tư luôn luôn chứa đựng yếu tố rủi ro, kết quả đầu tư phụ thuộc vào yếu tố thị trường. Do đó, cần làm rõ khái niệm bảo toàn và phát triển vốn: (i) Bảo toàn phát triển vốn sẽ phải xem xét trên khoảng thời gian xác định dài bao lâu (có thể lỗ tạm thời trong ngắn hạn nhưng lãi trong dài hạn); (ii) Bảo toàn phát triển vốn phải xem xét trên tổng thể cả danh mục chứ không phải từng khoản đầu tư. SCIC quản lý một danh mục đầu tư,  bên cạnh những khoản đầu tư lãi thì cũng sẽ có những khoản đầu tư bị lỗ là không tránh khỏi, nhưng quản lý đầu tư phải hướng đến mục tiêu tổng thể danh mục đầu tư phải có lợi nhuận, đảm bảo tăng trưởng và phát triển.

Đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng,  Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tặng cờ thi đua  xuất sắc cho Đảng bộ Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, ngày 8-4-2015
Đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tặng cờ thi đua xuất sắc cho Đảng bộ Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, ngày 8-4-2015

- Xây dựng, hoàn thiện quy trình đầu tư, đảm bảo các bước tiến hành đầu tư được triển khai hợp lý:

+Trước khi đầu tư, cần có bộ tiêu chí sàng lọc các tiêu chuẩn đầu tư, đánh giá xem xét toàn diện các khía cạnh của dự án. Cần quan tâm  xây dựng các phương pháp quản trị rủi ro hiệu quả, có những biện pháp kĩ thuật để hạn chế rủi ro (như đầu tư trái phiếu phải lựa chọn những trái chủ có hệ số tín nhiệm cao, có tài sản đảm bảo, thời gian đầu tư phù hợp; đầu tư dự án phải lựa chọn đối tác có uy tín, kinh nghiệm, cùng đầu tư để phân tán rủi ro, chia sẻ hỗ trợ dự án; hợp đồng hợp tác đầu tư phải đảm bảo các điều khoản chặt chẽ, tính toán đến mọi tình huống có thể xảy ra ...).

+Trong quá trình đầu tư, cần chú trọng thực hiện giám sát đầu tư chặt chẽ, thực hiện đầy đủ công tác báo cáo về đầu tư, đảm bảo người lãnh đạo có được các thông tin đánh giá kịp thời nhất để ra các quyết định, điều chỉnh đầu tư phù hợp.

+ Như đã phân tích, trong một danh mục đầu tư có cả khoản lãi và lỗ, do vậy trong quy trình đầu tư, cần có cả quy trình để thoái các khoản đầu tư bị lỗ (cắt lỗ kịp thời), tập trung nguồn lực để đầu tư vào những hạng mục khác hiệu quả hơn.

+ Sau đầu tư, cần có bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư một cách tổng thể toàn diện, phản ánh được đẩy đủ hiệu quả đầu tư của toàn bộ danh mục trong khoảng thời gian xác định.

- Để đảm bảo hiệu quả của công tác đầu tư, yếu tố con người là rất quan trọng. Cần có biện pháp cải cách chế độ lương thưởng, đãi ngộ, đảm bảo tuyển dụng được nhân lực có trình độ và kinh nghiệm trong đầu tư. Đồng thời tiếp tục tăng cường đào tạo cả lý thuyết và thực tế, nâng cao năng lực cho các cán bộ của Tổng công ty trong công tác đầu tư.

SCIC

.
.
.
.