.
.

Đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt

Thứ Năm, 11/05/2017|15:56

Hệ thống giao thông vận tải đường sắt Việt Nam có tổng chiều dài 3.181 km, trong đó có 2.597 km đường chính tuyến, 108 km đường nhánh, 403 km đường ga; gồm 3 loại khổ đường: Khổ đường 1.000mm chiếm 85%, khổ đường 1.435mm chiếm 6%, khổ đường lồng (1.435mm lồng 1000mm) chiếm 9%, riêng tuyến Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh (khổ 1000mm) có chiều dài 1.726,264Km, chiếm 65,37% đường sắt chính tuyến trên toàn mạng lưới ĐSVN.

Phân bố của mạng lưới đường sắt Việt Nam dọc theo chiều dài của đất nước và theo hình xương cá, đi qua 34 tỉnh, thành phố, trải dài từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây và các tuyến vào các cảng biển, các khu công nghiệp, nhà máy hầm mỏ.

Các tuyến chính của Đường sắt Việt Nam:

+ Tuyến Hà Nội - Sài Gòn (Thống Nhất): dài 1726 Km.

+ Tuyến Hà Nội – Lào Cai: dài 294 Km.

+ Tuyến Hà Nội – Hải Phòng: dài 102 Km.

+ Tuyến Hà Nội – Quán Triều: 75 Km.

+ Tuyến Hà Nội – Đồng Đăng:  167 Km.

Trong những năm gần đây, trước sự hòa nhập phát triển của Việt Nam với khu vực và thế giới, rất nhiều các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp trong nước, khu đô thị, các trung tâm thương mại, khu chung cư được quy hoạch và phát triển rộng khắp, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông phát triển nhanh, mạnh cả về chiều dài và chiều rộng.

Sự phát triển trên kéo theo sự bùng nổ về phát triển các nút giao cắt đồng mức của hệ thống giao thông đường bộ với đường sắt; làm gia tăng tình hình mất trật tự an toàn giao thông nói chung và giao thông đường sắt nói riêng.

Hiện nay trên toàn mạng lưới quốc gia có 5.793 vị trí giao cắt đồng mức giữa đường bộ với đường sắt. Trong đó:

- Đường ngang có người gác phòng vệ bằng rào chắn, cần chắn: 622 điểm.

- Đường ngang phòng vệ cảnh báo tự động: 333 điểm.

- Đường ngang phòng vệ bằng biển báo: 540 điểm.

- Đường ngang dân sinh (lối đi không có phòng vệ, không có giấy phép mở): 4.305 điểm.

Như vậy, tỷ lệ đường ngang dân sinh chiếm 74% trong toàn bộ giao cắt; bình quân 1 km đường sắt có 1,85 lối giao cắt đường sắt.

Tình trạng đường ngang tự phát mở trái phép băng qua đường sắt, sự lấn chiếm vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt, đường bộ, trật tự an toàn giao thông, tai nạn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt luôn tiềm ẩn nguy cơ cao về trật tự an toàn giao thông.

Qua công tác theo dõi, thống kê cho thấy, trong những năm gần đây, tai nạn giao thông tại các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ với đường sắt chiếm khoảng 85% trong tổng số các vụ tai nạn giao thông đường sắt. Nguyên nhân chủ yếu, do:

Thứ nhất: Hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt còn nhiều bất cập như:

+ Giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ còn quá nhiều, đặc biệt là đường ngang dân sinh bất hợp pháp (chiếm tỷ lệ 74%);

+ Các công trình vi phạm hành lang ATGTĐS chưa được giải tỏa dứt điểm;

+ Hệ thống đường gom, hàng rào hộ lan giữa đường sắt và đường bộ chạy song song liền kề, hàng rào bảo vệ hành lang ATGTĐS,… chưa được đầu tư, xây dựng kịp thời trong khi đường sắt chạy qua nhiều khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp.

+ Nhiều đường ngang chưa đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn như tầm nhìn bị hạn chế, độ dốc của đường bộ trên đoạn đường ngang vượt quá quy định, đặc biệt là những đường ngang tại vị trí đường bộ nằm liền kề với đường sắt.

Thứ hai: Ý thức tự giác chấp hành các quy định về bảo đảm ATGTĐS của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ và người tham gia giao thông đường bộ còn nhiều hạn chế, đa số do thiếu quan sát hoặc không chấp hành báo hiệu, tín hiệu khi đi qua các vị trí giao cắt giữa đường sắt với đường bộ; công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGTĐS chưa được thường xuyên, hiệu quả chưa cao;

Thứ ba: Các hành vi vi phạm trật tự ATGTĐS chưa được phát hiện và xử lý nghiêm minh; sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan đến công tác bảo đảm ATGTĐS chưa được thường xuyên, liên tục. Tại vị trí các lối đi do người dân địa phương tự mở, phía Đường sắt đã tổ chức rào chắn nhưng vẫn không thể ngăn chặn được việc tự tháo dỡ và đi lại bình thường của người dân.

Thứ tư: Công tác kiểm tra, giảm sát ở một số đơn vị còn bị buông lỏng, việc phát hiện và xử lý các yếu tố tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây sự cố, tai nạn chưa kịp thời.

Với thực trạng nêu trên, trong thời gian gần đây để đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, Tổng công ty ĐSVN đã đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ nhằm kéo giảm và hạn chế đến mức thấp nhất sự cố, tai nạn giao thông đường sắt như: đầu tư xây dựng hầm chui, cầu vượt, đường gom, hàng rào cách ly; nâng cấp, cải tạo đường ngang; thu hẹp, xóa bỏ lối đi dân sinh; cắm biển hiệu “Chú ý tàu hỏa”; lắp đặt cần chắn, dàn chắn bán tự động; nâng cấp từ đường ngang biển báo lên cảnh báo tự động có cần chắn tự động; tổ chức cảnh giới tại các vị trí tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn,...

Trong năm 2016, Tổng công ty tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục ĐSVN trong công tác tham mưu triển khai thực hiện Quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT và UBND các địa phương có đường sắt đi qua trong việc đảm bảo trật tự ATGT tại các vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt; ra quyết định kiện toàn 34 tiểu ban An ninh trật tự, ATGTĐS khu vực; làm việc trực tiếp với Sở GTVT và Ban ATGT của 13 địa phương để đôn đốc việc thực hiện Quy chế phối hợp; lập hồ sơ và bàn giao toàn bộ các vị trí lối đi dân sinh cho UBND các xã, phường, thị trấn để quản lý; đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị đường sắt tiếp tục phối hợp với địa phương, các cơ quan chức năng liên quan để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm về hành lang ATGTĐS; tiếp tục thực hiện các nội dung theo quy chế phối hợp. Rà soát, để có các biện pháp đảm bảo ATGTĐS tại các lối đi dân sinh; sửa chữa cải tạo, bổ sung biển báo, phát quang tầm nhìn tại các đường ngang; tập huấn, bổ sung, trang bị dụng cụ phòng vệ, cung cấp giờ chạy tàu cho các điểm cảnh giới do địa phương đảm nhận (hiện tại các địa phương đang đảm nhận cảnh giới tại 182 vị trí).

Tổng công ty ĐSVN đã kịp thời chỉ đạo làm rõ, giải quyết, xử lý ngay các vụ việc liên quan đến trật tự ATGTĐS. Kịp thời có văn bản báo cáo Chính phủ, Bộ GTVT, Ủy ban ATGT quốc gia, Cục ĐSVN; đồng thời công khai, minh bạch thông tin về tình hình trật tự ATGTĐS để các cơ quan thông tấn, báo chí, các tổ chức và người dân được biết và hiểu đúng vấn đề, thực trạng hiện nay của trật tự ATGTĐS. Năm 2016 đã triển khai nhiều giải pháp truyền thông để hướng dẫn người tham gia giao thông chấp hành Quy tắc điều khiển phương tiện giao thông đường bộ qua các vị trí giao cắt với đường sắt (xây dựng video clip, in tờ gấp để tuyên truyền tại các nhà ga, trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe, Đài phát thanh và truyền hình các địa phương,...).

Từ  nay đến năm 2020, Tổng công ty tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương, Nghị quyết số 88/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ thị, công điện, kế hoạch của Chính phủ, Ủy ban ATGT quốc gia, Bộ GTVT, Cục ĐSVN, Quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc bảo đảm trật tự ATGTĐS tại các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt. Tăng cường các biện pháp nhằm nâng cao nhận thức và ý thức của người tham gia giao thông khi đi qua giao cắt đường bộ và đường sắt; lập lại trật tự, kỷ cương pháp luật trong việc chấp hành các quy định của pháp luật tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt. Tiếp tục kiềm chế và giảm dần tai nạn giao thông đường sắt từ 5-7% cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, bị thương) hàng năm; giảm tai nạn giao thông đường sắt đặc biệt nghiêm trọng. Tổng công ty ĐSVN đề ra các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như sau:

Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Đề án đảm bảo ATGTĐS đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; tiếp tục triển khai các công trình dự án theo Quyết định 994/QĐ-TTG ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ và tập trung triển khai kế hoạch lập lại trật tự hành lang ATGTĐS đến năm 2020.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT và  UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc bảo đảm trật tự ATGTĐS tại các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt. Trong đó: rà soát, phân loại và thống kê các lối đi dân sinh để tổ chức các giải pháp đảm bảo an toàn GTĐS; đầu tư, cải tạo, nâng cấp, xây dựng đường ngang có phòng vệ phù hợp với quy định hiện hành. Thực hiện việc thu hẹp các lối di dân sinh; các lối đi dân sinh không thể thu hẹp được phải tổ chức cảnh giới; xây gờ giảm tốc cưỡng bức; ngăn chặn việc mở mới lối đi dân sinh, từng bước xoá bỏ các lối đi dân sinh trái phép có nguy cơ cao gây ra tai nạn giao thông. Thực hiện các công trình phụ trợ bảo vệ hành lang ATGTĐS.

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác đảm bảo ATGTĐS, quản lý, giám sát và phân tích sự cố, tai nạn giao thông đường sắt. 

Phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trật tự an toàn giao thông đường sắt, thực hiện thường xuyên, kiên trì và liên tục để mọi người dân có ý thức tự giác chấp hành.

Phân công cụ thể, gắn trách nhiệm của người đứng đầu, đơn vị, cá nhân trong việc triển khai các nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGTĐS; xử lý nghiêm đối với đơn vị, cá nhân không thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, để tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ và các giải pháp kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông đường sắt trong năm 2017 và các năm tiếp theo rất cần sự quan tâm của Chính phủ, sự chủ động vào cuộc của các ban ngành, chính quyền địa phương. Cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ từ trong nhận thức: Đường sắt không phải chỉ của Tổng công ty Đường sắt; trách nhiệm đảm bảo an toàn GTĐS thuộc về mọi cấp, mọi ngành, mọi người dân tham gia giao thông./.

                   Đoàn Duy Hoạch

Phó Tổng giám đốc Tổng công ty ĐSVN

.
.
.
.