.
.

Khai thác và phát triển nền công nghiệp nội dung số

Thứ Tư, 17/05/2017|16:02

Nội dung số là ngành công nghiệp còn non trẻ trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Tuy có nhiều tiềm năng phát triển nhưng do tính da dạng, linh hoạt và tính mở cao trong sản xuất và phân phối nội dung dẫn đến nhiều khó khăn trong quản lý nhà nước cũng như nhìn nhận của xã hội, nên những năm gần đây ngành nội dung số của Việt Nam có phần chững lại và có chiều hướng chuyển dịch sang các doanh nghiệp nước ngoài. Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC là một trong những đơn vị đi đầu và đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của nền công nghiệp nội dung số tại Việt Nam. Trong những năm tới, VTC xác định đây vẫn là mảng kinh doanh mũi nhọn của doanh nghiệp.

Khái niệm về nội dung số và công nghiệp nội dung số

Khái niệm về nội dung số

Nội dung số là khái niệm được nhắc đến nhiều trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay. Tuy nhiên, hiện chưa có một định nghĩa thống nhất về khái niệm này.

Theo bách khoa toàn thư mở trên Internet–Wikipedia, nội dung số được định nghĩa là là bất kỳ loại nội dung nào tồn tại dưới dạng dữ liệu số. Nội dung số có thể được lưu trữ trên các thiết bị lưu trữ kỹ thuật số hoặc thiết bị lưu trữ kỹ thuật tương tự ở các định dạng cụ thể. Các hình thức của nội dung số bao gồm các thông tin được phát sóng quảng bá, truyền phát trên mạng bằng công nghệ số hoặc chứa trong các tập tin máy tính.

Có ý kiến cho rằng, nội dung số là các dữ liệu hoặc các sản phẩm thông tin được cung cấp ở định dạng kỹ thuật số như là một chuỗi các số 0 và 1 mà chúng có thể được đọc bằng máy tính và đưa ra các chỉ lệnh cho máy tính. Nội dung số bao gồm nhạc số, phần mềm, các bộ phim được truyền phát qua mạng, sách điện tử, game online và các ứng dụng. Phương thức cung cấp các nội dung số rất đa dạng, nội dung số có thể được tải hoặc truyền phát qua Internet, gửi qua email hoặc qua các phương thức khác như cung cấp qua phương thức vật lý (ví dụ như đĩa DVD) hoặc tích hợp vào các sản phẩm khác (ví dụ như xe ô tô với hệ thống dẫn đường).

Khái niệm về ngành công nghiệp nội dung số

Xét về lý luận và thực tiễn, việc triển khai sản xuất, cung cấp và kinh doanh các dịch vụ nội dung số ở mức chuyên sâu và đạt được quy mô lớn sẽ hình thành nên ngành công nghiệp nội dung số.

Tại hội thảo "WTO - cơ hội và thách thức cho công nghiệp công nghệ thông tin – truyền thông Việt Nam” năm 2007, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng: “Công nghiệp nội dung số (CNNDS) là ngành giao thoa giữa 3 nhóm ngành: công nghệ thông tin (CNTT), viễn thông và ngành sản xuất nội dung. Công nghiệp nội dung số là ngành thiết kế, sản xuất, xuất bản, lưu trữ, phân phối, phát hành các sản phẩm nội dung số và dịch vụ liên quan. Nó bao gồm nhiều lĩnh vực như: tra cứu thông tin, dữ liệu số, giải trí số, nội dung giáo dục trực tuyến, học tập điện tử, thư viện và bảo tàng số, phát triển nội dung cho mạng di động, giải trí số (trò chơi trực tuyến, trò chơi tương tác), thương mại điện tử…”.

Các sản phẩm nổi bật của ngành công nghiệp nội dung số được đề cập và biết đến nhiều tại Việt Nam là các sản phẩm về game, âm nhạc, hình ảnh, tin tức điện tử, mạng xã hội, nội dung cho các mạng di động, quảng cáo internet, thương mại điện tử, thanh toán điện tử…

Sự hình thành nền công nghiệp nội dung số trên thế giới

Tuy có nhiều định nghĩa khác nhau nhưng các ý kiến đều thống nhất về cơ bản vai trò của công nghiệp nội dung số là rất quan trọng, nó được ví như “con gà đẻ trứng vàng” của ngành CNTT.

Các nội dung số đầu tiên được tạo ra bởi những máy tính điện tử trong giai đoạn 1950-1970. Tuy nhiên ngành công nghiệp nội dung số thế giới chỉ thực sự bắt đầu phát triển vào nửa cuối những năm 1990 khi máy tính cá nhân (PC), hệ điều hành Windows, phần mềm xử lý ảnh số - video số, trình duyệt Internet trở nên phổ biến và Internet lan rộng trên khắp thế giới khiến cho các nội dung số được sản xuất, trình bày, truyền dẫn, trao đổi, mua bán một cách dễ dàng.

Sau 20 năm xuất hiện, ngành công nghiệp nội dung số thế giới đã có bước phát triển mạnh mẽ. Theo McKinsey & Company, năm 2008, tổng doanh thu của ngành trên toàn cầu là 308,374 tỷ USD, năm 2009 là 344,346 tỷ USD, năm 2014 là 659,5137 tỷ USD và năm 2015 là 729,859 tỷ USD. Cũng theo McKinsey & Company trong Global Media Report các năm 2013, 2014, 2015 thì khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và khu vực Mỹ la tinh là 2 khu vực có doanh thu tăng mạnh nhất.

Bên cạnh Mỹ và Nhật Bản, Hàn Quốc là nước có nền công nghiệp nội dung số phát triển hàng đầu thế giới. Các quốc gia mới nổi tại châu Á như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Singapore, Hồng Kông đều là những thị trường đáng chú ý và sẽ vươn lên trong tương lai gần.

VTC và sự hình thành nền công nghiệp nội dung số tại Việt Nam

Ngành công nghiệp nội dung số Việt Nam chỉ bắt đầu hình thành vào giai đoạn 2004 - 2005 khi có sự xuất hiện và bùng nổ của các nội dung số cho điện thoại di động như nhạc chuông, nhạc chờ, tin nhắn hình ảnh và sự xuất hiện các trò chơi trực tuyến trên mạng Internet.

Có thể nói VTC là một trong những doanh nghiệp tham gia ngành công nghiệp nội dung số sớm nhất ở Việt Nam. Những năm cuối thập kỷ 1990, khi còn là Công ty đầu tư và Phát triển công nghệ truyền hình Việt Nam, một doanh nghiệp trực thuộc Đài truyền hình Việt Nam, VTC là đơn vị tiên phong trong việc tư vấn, chuyển giao công nghệ số hóa truyền hình cho hầu hết các đài phát thanh truyền hình trên cả nước, góp phần đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, năng lực sản xuất chương trình truyền hình của các đài.

Năm 2000, VTC triển khai thử nghiệm thành công phát sóng truyền hình số mặt đất theo tiêu chuẩn nén tín hiệu video số MPEG-2 và tiêu chuẩn truyền dẫn tín hiệu DVB-T. Sau khi triển khai thử nghiệm thành công truyền hình số mặt đất tại Hà Nội, đến năm 2002, VTC đã bắt đầu hình thành mạng phát hình số mặt đất với hơn 40 trạm phát sóng trên toàn quốc.

Ngày 19/8/2004, Ban biên tập truyền hình số mặt đất Việt Nam trực thuộc VTC được cho phép thành lập, sau đó được nâng cấp thành Đài truyền hình kỹ thuật số Việt Nam trực thuộc Tổng công ty truyền thông đa phương tiện VTC và trở thành đơn vị sản xuất nội dung và cung cấp dịch vụ truyền hình số mặt đất đầu tiên ở Việt Nam. Năm 2009, VTC chính thức cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trả tiền dộ phân giải cao qua vệ tinh Vinasat-1 và trở thành đơn vị đầu tiên ở Việt Nam cung cấp thương mại dịch vụ truyền hình số độ phân giải cao.

Năm 2003, VTC đã bắt đầu nghiên cứu ứng dụng chuẩn nén MPEG-4 vào việc truyền phát trực tuyến các tín hiệu truyền hình trên mạng Internet. Năm 2006, dịch vụ phát thanh và truyền hình trực tuyến qua mạng Internet của VTC được nhà nước công nhận là dịch vụ phát thanh và truyền hình qua mạng Internet chính thức phục vụ kiều bào Việt Nam ở nước ngoài.

Cũng vào đầu năm 2006, VTC bắt đầu tham gia cung cấp dịch vụ giải trí trên mạng di động và Internet với việc thành lập Công ty VTC Công nghệ và nội dung số - VTC Intecom với chức năng kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ giải trí trên di động và Internet và tiếp theo đó là thanh toán điện tử, thương mại điện tử. Năm 2010, VTC thành lập công ty cổ phần VTC Dịch vụ di động – VTC Mobile với mục tiêu tập trung đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ giải trí số cho thiết bị di động, đồng thời cũng tạo sức ép cho cả 2 đơn vị từ việc cạnh tranh nội bộ lành mạnh để phát triển.

Hiện tại, VTC có 7 đơn vị thành viên hoạt động trong lĩnh vực truyền thông đa phương tiện và cung cấp các sản phẩm và dịch vụ nội dung số sau cho thị trường:

· Sản xuất các nội dung số bao gồm: các kênh truyền hình, chương trình truyền hình, các trò chơi trực tuyến, các ứng dụng trên máy tính và điện thoại di động…

· Cung cấp các dịch vụ nội dung số bao gồm: truyền hình số qua vệ tinh, truyền hình qua mạng Internet, dịch vụ giải trí trên mạng Internet và mạng di động, dịch vụ trung gian thanh toán và thương mại điện tử, dịch vụ lưu trữ trên điện toán đám mây, dịch vụ thông tin về xổ số điện toán…

Các dịch vụ nội dung số của VTC trong những năm vừa qua đã có dấu ấn tốt trên thị trường trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp kinh doanh nội dung số của VTC luôn có tăng trưởng hàng năm cao, đóng góp phần lớn vào doanh thu và lợi nhuận của VTC. Đến nay, mảng nội dung số của VTC đã có đại diện tại 3 trung tâm kinh tế lớn của cả nước là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, có hợp tác với rất nhiều đơn vị sản xuất nội dung trên cả nước, có thương hiệu tốt tại Châu Á và đã có kết nối thanh toán cũng như hợp tác kinh doanh thương mại điện tử với nhiều cổng thanh toán quốc tế. Các doanh nghiệp nội dung số của VTC cũng luôn nỗ lực trong quan hệ hợp tác với đối tác trên tinh thần đôi bên cùng có lợi, nỗ lực bảo vệ thương hiệu chung của VTC, duy trì sự tin cậy của đối tác để hợp tác lâu dài.

Hiện trạng và tiềm năng của nền công nghiệp nội dung số Việt Nam

Theo thống kê của Vụ CNTT, Bộ TT&TT, tốc độ tăng trưởng doanh thu của ngành công nghiệp nội dung số năm 2009 đạt 40%, sang năm 2010 giảm xuống còn 25% và năm 2011 tiếp tục tụt xuống 20%. Từ năm 2012 đến 2015, tăng trưởng của ngành chỉ đạt trung bình 10%/năm. Năm 2010, doanh thu của ngành đạt 1 tỷ USD thì năm 2015 doanh thu của ngành cũng chỉ đạt trên 1,5 tỷ USD. So với tốc độ tăng trưởng của ngành CNTT là trên 15%/năm và kỳ vọng tăng trưởng trung bình 35% thì tăng trưởng của ngành công nghiệp nội dung số trong những năm vừa qua là thấp hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, tỷ trọng doanh thu của ngành công nghiệp nội dung số trong toàn ngành công nghiệp CNTT cũng còn khiêm tốn, chưa đạt được 10%.

Nguồn nhân lực yếu về chất lượng và thiếu về số lượng: so với các nước phát triển trên thế giới, các nhân sự trong ngành nội dung số ở Việt Nam có khả năng sáng tạo chưa cao. Ngoài ra ngành công nghiệp nội dung số còn có sự thiếu hụt lớn về số lượng nhân lực. Có thể nêu ra ví dụ, năm 2013, toàn Việt Nam chỉ có 1.000 người làm được game online trong đó hầu hết mới chỉ do đam mê vì không có trường nào đào tạo nghề này. Trong khi đó, lực lượng làm game của Hàn Quốc có tới 100.000 người, Trung Quốc là 300.000 người. Vì vậy, các sản phẩm game tại thị trường Việt Nam phần lớn là nhập khẩu.Có một số nguyên nhân khiến ngành công nghiệp nội dung số trong 5 năm vừa qua không tăng trưởng như kỳ vọng:

Yếu kém về năng lực nội tại của doanh nghiệp: rất nhiều doanh nghiệp nội dung số ở Việt Nam đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện đang gặp nhiều khó khăn về năng lực đầu tư, kinh nghiệm và trình độ quản trị. Ngoài ra, việc vi phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ, ăn cắp ý tưởng, nhái sản phẩm trong ngành công nghiệp nội dung số ở Việt Nam diễn ra rất thường xuyên và phổ biến. Điều này dẫn đến việc bản thân các doanh nghiệp và cả ngành công nghiệp nội dung số vẫn còn phát triển manh mún, thiếu lộ trình và bước đi cụ thể.

Bất cập về chính sách quản lý dịch vụ nội dung số trên môi trường Internet: mặc dù ngành công nghiệp nội dung số đã được hình thành và phát triển hơn 10 năm, nhưng các chính sách quản lý, hỗ trợ phát triển công nghiệp nội dung số của nhà nước đến nay vẫn chưa rõ ràng, tốc độ ban hành văn bản quy phạm phát luật còn chậm và còn nhiều bất cập, chưa tạo được môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp ở nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới.

Dư luận xã hội chưa đồng thuận  về một số dịch vụ nội dung số: việc nhìn nhận thiếu tích cực của xã hội về một số dịch vụ nội dung số mà chủ yếu là game online hiện cũng là một trong những nguyên nhân khiến ngành công nghiệp nội dung số Việt Nam gặp khó khăn.

Tuy còn gặp khó khăn trong thời gian qua, nhưng ngành công nghiệp nội dung số Việt Nam trong những năm tới vẫn có nhiều tiềm năng để phát triển và tạo đột phá. Sự phát triển của ngành công nghiệp nội dung số sẽ góp phần tạo ra nhu cầu lớn sử dụng người lao động có trình độ, thúc đẩy các dịch vụ công của xã hội phát triển theo hướng thông minh và minh bạch, nâng cao trình độ dân trí, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và đất nước trong thời kỳ hội nhập và cạnh tranh quốc tế, đồng thời đóng góp hiệu quả cho ngân sách nhà nước.

Định hướng phát triển mảng nội dung số của VTC đến năm 2020

Từ nay đến năm 2020, Tổng công ty VTC xác định nội dung số là mảng kinh doanh mũi nhọn, chủ lực của doanh nghiệp và sẽ tiếp tục đẩy mạnh theo hướng “Tích hợp dịch vụ, kết nối cộng đồng”, lấy phát triển dịch vụ làm trọng tâm, lấy công nghệ và hạ tầng làm nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển dịch vụ, cụ thể:

Ngoài việc tiếp tục thúc đẩy về chiều sâu, Tổng công ty VTC sẽ mở rộng cung cấp nhiều loại hình dịch vụ nội dung số ra thị trường, tham gia rộng hơn vào chuỗi giá trị như phát triển các nền tảng cung cấp dịch vụ, nền tảng thanh toán, …. Đồng thời, VTC cũng sẽ từng bước hình thành các studio sản xuất nội dung nhằm chủ động phát triển các sản phẩm mới, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường nội địa và tạo điều kiện vươn ra thị trường khu vực, quốc tế. VTC sẽ tập trung vào xu hướng di động hóa và ưu tiên phát triển các dịch vụ đa nền tảng, đảm bảo chất lượng quốc tế để từng bước triển khai toàn cầu hóa dịch vụ.

Các giải pháp thúc đẩy sự phát triển của nền công nghiệp nội dung số

Để thúc đẩy sự phát triển của nền công nghiệp nội dung số, vốn là một ngành còn nhiều tiềm năng phát triển, Tổng công ty VTC đề nghị một số giải pháp sau:

Giải pháp về nguồn nhân lực:  Nhà nước, xã hội, ngành giáo dục và doanh nghiệp tại Việt Nam cần phối hợp để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng sáng tạo, đủ sức cạnh tranh trong phạm vi khu vực và thế giới cho ngành công nghiệp nội dung số. Cần đầu tư mạnh vào việc đào tạo để có đội ngũ nhân lực có tay nghề, tập trung vào những lĩnh vực có lợi thế của Việt Nam. Việc đào tạo cần phải làm tốt tại cả nhà trường lẫn doanh nghiệp, khuyến khích các cá nhân tự học.

Giải pháp về chính sách quản lý và hỗ trợ ngành công nghiệp nội dung số: xây dựng và hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế chính sách bằng cách xác lập rõ ràng khái niệm về nội dung số và ngành công nghiệp nội dung số ở Việt Nam, các loại hình, lĩnh vực dịch vụ; kịp thời hoàn thiện các văn bản quản lý đối với ngành cũng như cấp phép các dịch vụ nội dung số; tăng cường môi trường pháp lý bảo vệ sở hữu trí tuệ về phần mềm và nội dung số; hoàn thiện cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nội dung số về ưu đãi thuế và ưu đãi đầu tư; xây dựng giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nội dung số Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Giải pháp nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp: Nhà nước và doanh nghiệp phối hợp hình thành các quỹ đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp; tăng cường xây dựng các khóa đào tạo nâng cao trình độ quản trị của doanh nghiệp nội dung số, đẩy mạnh các mô hình vườn ươm, hệ sinh thái khởi nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và các sản phẩm mới về nội dung số; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ và bản quyền phần mềm và nội dung.

Giải pháp nâng cao nhận thức của xã hội đối với ngành công nghiệp nội dung số: Nội dung số cũng như mọi sản phẩm, dịch vụ khác đều mặt tích cực và tiêu cực. Tuy nhiên, một số dịch vụ nhạy cảm như mạng xã hội, game online,… thường nhận được nhiều chỉ trích, phê bình thậm chí là lên án, tẩy chay do các tác động tiêu cực của nó như tính bạo lực, khả năng gây nghiện, khả năng gây mất tập trung, … mà không quan tâm đến các mặt tích cực như tính giải trí, phát triển và gắn kết cộng đồng, phát triển trí tưởng tượng, khả năng sáng tạo, khả năng tính toán,tăng cường sự phát triển của não bộ,… cũng như tiếp cận các tri thức nhân loại một cách nhanh nhất, và là công cụ làm quen với máy tính và phổ cập tin học… Điều đó làm cho nội dung số nói chung và một số dịch vụ nói riêng chưa được quan tâm và đón nhận đúng mức để phát triển. Nhà nước cần có các khảo sát, đánh giá bài bản và độc lập, giúp xã hội có cái nhìn chính xác, công bằng về lĩnh vực này, qua đó định hướng dư luận, định hướng phát triển của ngành một cách có hiệu quả, giảm thiểu các tác động tiêu cực nếu có.

Tóm lại, cùng với sự phát triển của công nghệ, ngành công nghiệp nội dung số ở Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng phát triển. Việc có thể khai thác tốt tiềm năng và biến công nghiệp nội dung số trở thành một ngành công nghiệp mũi nhọn nhằm mang lại giá trị lớn hơn cho đất nước và xã hội sẽ phụ thuộc rất nhiều vào chính sách của nhà nước cũng như sự năng động và quyết tâm của doanh nghiệp trong ngành.

Với vai trò là một trong những doanh nghiệp có thị phần đáng kể trong lĩnh vực nội dung số ở Việt Nam, Tổng công ty VTC và các doanh nghiệp nội dung số trực thuộc trong thời gian tới sẽ tiếp tục nỗ lực, nâng cao trình độ quản trị, xây dựng và thực hiện hiệu quả các chiến lược kinh doanh nhằm đóng góp tốt hơn nữa cho xã hội và đất nước, góp phần đưa Việt Nam sớm trở thành một đất nước phát triển mạnh về công nghệ thông tin.

Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện

.
.
.
.