.
.

Kinh nghiệm bước đầu từ việc cơ cấu lại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam

Thứ Ba, 16/05/2017|16:09

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) được hình thành từ việc cổ phần hóa và cấu trúc lại Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam theo Quyết định số 828/QĐ-TTg ngày 31/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ và chính thức hoạt động từ ngày 01/12/2011 theo Luật Doanh nghiệp, dưới hình thức công ty cổ phần với vốn điều lệ 10.700 tỷ đồng.

Lễ bàn giao
Lễ bàn giao giữa Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.

Quá trình thực hiện cổ phần hóa

Petrolimex là một trong những doanh nghiệp Nhà nước đi đầu trong việc cổ phần hoá và tái cấu trúc, thực hiện cụ thể các nội dung như cổ phần hoá công ty mẹ, quy định tỷ lệ Nhà nước nắm giữ sau cổ phần hoá, tên gọi, mô hình quản trị, cơ cấu và loại hình các doanh nghiệp thành viên đều đã được xác lập. Mô hình quản trị, tổ chức bộ máy và các quy chế quản trị nội bộ của Công ty mẹ - Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cũng đã được sắp xếp và ban hành lại theo đúng quy định của pháp luật. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cũng đã đăng ký với Uỷ ban chứng khoán Nhà nước và chính thức trở thành công ty đại chúng quy mô lớn kể từ ngày 17/8/2012. Toàn bộ các thông tin về hoạt động của Petrolimex đều được công bố rộng rãi, công khai theo đúng quy định về công bố thông tin của Bộ Tài chính và Uỷ ban chứng khoán Nhà nước.

Đổi mới, sáng tạo để tiến xa hơn.
Đổi mới, sáng tạo để tiến xa hơn.

Để thực hiện thành công quá trình cổ phần hóa, bảo toàn vốn Nhà nước, đảm bảo tiến độ và theo đúng chỉ đạo của các cơ quan chức năng, Tập đoàn đã phải nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, đặc biệt là việc xác định quyền sử dụng đất với đặc điểm của một doanh nghiệp có quy mô lớn, hệ thống đơn vị thành viên rộng khắp toàn quốc. Việc tháo gỡ các vướng mắc khi quyết toán cổ phần hóa cũng là một vấn đề lớn và cần có thời gian để giải quyết triệt để. Tập đoàn đã xác định giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chuyển sang công ty cổ phần, hoàn thành đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật trong việc chuyển đổi sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp đối với hình thức công ty cổ phần, đại chúng, mở ra những tiền đề và hướng đi mới nhằm bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư.

Thay đổi nhận thức, tư duy quản trị, vận hành doanh nghiệp theo đúng quy luật thị trường

Nhìn chung, sau khi cổ phần hóa và chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, từ 2012 đến nay, tình hình tài sản/nguồn vốn của Tập đoàn có sự tăng trưởng đều qua các năm với tốc độ tăng trưởng bình quân cao hơn so với năm trước và các chỉ tiêu tài chính cơ bản hợp nhất giai đoạn 2011-2015 đều tăng cao hơn so với giai đoạn trước cổ phần hóa. Vốn chủ sở hữu năm 2015 tăng 47,4% so với 2011; lợi nhuận sau thuế 2015 tăng 396,2% so với 2012; lãi cơ bản trên cổ phiếu năm 2015 tăng 500,9% so với 2012.

Với mô hình tổ chức mới, Tập đoàn đã xây dựng và ban hành các quy chế, quy định trong các lĩnh vực tài chính, kinh doanh, tổ chức, công tác cán bộ, truyền thông…, xác lập mô hình quản trị, cơ cấu và loại hình các doanh nghiệp thành viên phù hợp với các giai đoạn phát triển mới của Tập đoàn. Tập đoàn đã sửa đổi bổ sung và ban hành lại toàn bộ các quy chế quản trị nội bộ theo đúng mô hình công ty đại chúng quy mô lớn.   

Đại hội đồng cổ đông
Petrolimex tiến hành Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016.

Thực tiễn tái cấu trúc Petrolimex cho thấy một số hiệu quả bước đầu

1)Chính thức hoạt động theo mô hình Tập đoàn đa sở hữu với Công ty mẹ là công ty đại chúng quy mô lớn. Chuyển đổi hình thức sở hữu của Công ty mẹ từ Công ty Nhà nước sang Công ty cổ phần để huy động nguồn vốn của xã hội phục vụ việc đầu tư phát triển Petrolimex. Cổ phần hoá, công bố thông tin, tuân thủ thể chế pháp lý của một công ty đại chúng là minh chứng rõ nhất cho chủ trương minh bạch hoá, thị trường hoá hơn nữa hoạt động kinh doanh xăng dầu.

2)Nâng cao hiệu quả hoạt động, hoàn thành tốt vai trò đảm bảo an ninh năng lượng, bình ổn thị trường xăng dầu, góp phần vào điều tiết các cân đối lớn của nền kinh tế.

3)Thay đổi nhận thức, tư duy quản trị, có điều kiện đổi mới và áp dụng các hệ thống quản trị doanh nghiệp tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả lao động. Thực tế, Petrolimex là doanh nghiệp có quy mô lớn đầu tiên ở Việt Nam hoàn thành việc đưa hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) vào hoạt động.

4)Phân bổ lại nguồn lực theo hướng hợp lý hoá, tập trung cho các lĩnh vực kinh doanh chính, đặc biệt là nguồn lực con người và nguồn lực tài chính. 5)Phát triển cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ kinh doanh, tăng cường lợi thế kinh doanh trên thị trường.

6)Triển khai quản trị rủi ro trên toàn hệ thống.

Những ghi nhận trên cho thấy hiệu quả trước tiên và mang tính lâu dài nhất đối với doanh nghiệp (và từ doanh nghiệp sẽ tác động đến nền kinh tế) chính là sự thay đổi tư duy quản trị và mô hình tổ chức, nâng cao năng lực quản trị theo hướng công khai, minh bạch kết quả hoạt động. Sau tái cơ cấu, Petrolimex trở thành công ty đại chúng quy mô lớn, ngoài việc Người đại diện vốn Nhà nước phải tuân thủ những quy định của chủ sở hữu Nhà nước, còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về công ty đại chúng quy mô lớn. Toàn bộ hệ thống quy chế quản trị nội bộ (khoảng gần 20 quy chế) phải sửa đổi hoàn thiện và ban hành lại. Định kỳ hàng tháng, hàng quý phải công bố thông tin đầy đủ chi tiết về mọi mặt hoạt động. Cơ cấu sở hữu, tuy tỷ trọng Nhà nước còn cao, nhưng đã có sự tham gia của các cổ đông thuộc các thành phần kinh tế khác cũng góp phần quan trọng, tạo ra áp lực tích cực để thay đổi nhận thức, tư duy quản trị, vận hành doanh nghiệp theo đúng quy luật thị trường. Tiềm năng và độ tin cậy trong con mắt các nhà đầu tư cũng được cải thiện đáng kể. Có thể nói, cổ phần hoá kết hợp tái cơ cấu là bước chuyển đổi đột phá của Petrolimex, tạo đà cho các bước cải tổ sâu sắc hơn trong nội tại doanh nghiệp.

Sắp xếp tổ chức lại bộ máy tổ chức, tìm cổ đông chiến lược

Cổ đông chiến lược
JX Nippon Oil & Energy trở thành cổ đông chiến lược của Petrolimex.

Sau cổ phần hóa, Tập đoàn đã sắp xếp lại 4 tổng công ty theo mô hình công ty mẹ - công ty con với ¾ công ty mẹ là công ty đại chúng quy mô lớn (Tổng công ty Hóa dầu, Gas, Bảo hiểm). Hiện nay Tập đoàn có 46 Tổng công ty, công ty TNHH 1 thành viên 100% vốn Tập đoàn; 17 Tổng công ty, công ty cổ phần và TNHH từ 2 thành viên trở lên do Tập đoàn sở hữu trên 50% vốn điều lệ; 3 công ty cổ phần do Tập đoàn sở hữu từ 30-50% vốn điều lệ nhưng nắm quyền kiểm soát và 3 công ty liên kết. Tập đoàn đang tiến hành các bước để hình thành Tổng công ty Xây lắp và Tổng công ty Dịch vụ Petrolimex.

Căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương, Tập đoàn đã tích cực thực hiện tái cơ cấu tài chính, tăng vốn điều lệ của Tập đoàn, giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước. Petrolimex chưa đủ điều kiện niêm yết thì khả năng phát hành thành công toàn bộ số vốn bổ sung ra công chúng là rất thấp. Giá đấu thành công nếu có cũng không cao do lợi nhuận kinh doanh xăng dầu chưa đạt kỳ vọng của thị trường bởi nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là yếu tố điều hành giá.

Với số lượng cổ đông ngoài Nhà nước trên 20 ngàn cổ đông, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam là công ty cổ phần có số cổ đông đại chúng vào loại cao trên thị trường, trong khi đó lại chưa có cổ đông chiến lược nước ngoài với các nguồn lực về công nghệ, tài chính, nhân lực phù hợp cho chiến lược phát triển và phương án tái cơ cấu đã được Bộ Công Thương phê duyệt. Chính vì vậy, nhóm đại diện vốn của Bộ Công Thương tại Tập đoàn đã chỉ đạo xây dựng phương án tăng vốn thông qua việc phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược nước ngoài, tập trung vào các công ty đa quốc gia lớn trong lĩnh vực kinh doanh trung/hạ nguồn xăng dầu như Gasprom Neft, Lukoil, JX Holdings (công ty mẹ của JX Nippon Oil and Energy) ... Các công ty này đều nằm trong số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn, có nhiều điểm tương đồng với Tập đoàn, có nguồn lực tài chính, kinh nghiệm và quan trọng nhất là đều mong muốn được tham gia vào thị trường Việt Nam thông qua đầu tư vốn vào doanh nghiệp trong nước và các thỏa thuận hợp tác chiến lược.

Giá phát hành cho cổ đông chiến lược nhiều khả năng sẽ cao hơn giá phát hành rộng rãi trong nước thông qua đấu giá tại thị trường chứng khoán. Có thể nói, lựa chọn phương án phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược nước ngoài là giải pháp tối ưu nhất để thực hiện phương án tăng vốn điều lệ và giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước theo đúng lộ trình tái cơ cấu đã được Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phát hành vốn cho cổ đông chiến lược, giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước

Sau khi được chính phủ phê duyệt phương án phát hành tăng vốn, giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, Tập đoàn đã chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông nước ngoài (Tập đoàn năng lượng Nhật bản JX Holdings - chủ sở hữu của JX Nippon Oil and Energy và JX Minerals).

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã hoàn thành các hồ sơ niêm yết chứng khoán tại Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh và được quyết định ngày niêm yết có hiệu lực kể từ 14/04/2017.

Cố phiếu của Tập đoàn với mã chứng khoán PLX đã chính thức giao dịch tại Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 21/04/2017.

Sau quá trình chuẩn bị hồ sơ, thuyết trình, giải trình và các phiên họp giữa hai bên, cùng với sự ủng hộ và hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước, ngày 26/5/2016, Tập đoàn JX đã chính thức chuyển tiền mua cổ phiếu, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam báo cáo kết quả tới Uỷ ban chứng khoán Nhà nước và Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam đã xác nhận số chứng khoán đăng ký lưu ký mới của Petrolimex sau khi đã bổ sung số cổ phiếu phát hành cho Tập đoàn Năng lượng Nhật Bản JX Holdings, giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước. Kể từ ngày 26/5/2016, Công ty TNHH Tư vấn và Holdings JX Nippon Oil and Energy Việt Nam chính thức là cổ đông của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.

Đại hội đồng cổ đông thường niên của Tập đoàn ngày 23/6/2016 đã thông qua kết quả phát hành cổ phần riêng lẻ cho cổ đông chiến lược nước ngoài JX NOE và bầu 01 đại diện của Tập đoàn JX tham gia HĐQT Tập đoàn nhiệm kỳ 2016-2021. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu mốc phát triển mới của Tập đoàn. Vốn điều lệ của Tập đoàn sau ngày 23/6/2016 là 12.941 tỷ đồng. Như vậy JX chính thức trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài của Petrolimex với 8% cổ phần theo vốn điều lệ.

Việc cổ phần hóa đã tạo tiền đề cơ bản để tái cấu trúc tài chính và việc phát hành tăng vốn thành công với giá phát hành rất tốt so với tình hình thị trường chứng khoán hiện nay là nguồn lực quan trọng, là nền tảng để đầu từ phát triển kinh doanh cho toàn Tập đoàn. Petrolimex sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình giảm vốn Nhà nước xuống dưới 75% theo quy định.   

Thoái vốn tại các doanh nghiệp có vốn góp của Tập đoàn

Thực hiện phương án tái cơ cấu, Tập đoàn tiếp tục chỉ đạo thực hiện cơ cấu lại vốn đầu tư của Petrolimex, thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu tại lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản theo lộ trình.

Nội dung thoái vốn ngoài lĩnh vực kinh doanh chính, Tập đoàn đang tích cực triển khai thực hiện phương án thoái vốn, tiếp cận các nhà đầu tư chiến lược, lựa chọn cách thức thoái vốn tối ưu cho doanh nghiệp, người lao động trên cơ sở các yếu tố pháp lý, vĩ mô thuận lợi để hoàn thành theo đúng thời gian quy định. Được sự đồng ý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) đang hoàn tất các thủ tục tiến hành sáp nhập theo quy định pháp luật. Tập đoàn chỉ đạo xây dựng “Phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài” để giảm tỷ lệ vốn góp của Tập đoàn tại Tổng Công ty CP Bảo hiểm Petrolimex (Pjico), về tỷ lệ theo quy định của pháp luật đảm bảo nguyên tắc cao hơn mệnh giá, giá sổ sách và giá cổ phiếu của Pjico đang giao dịch trên sàn chứng khoán HOSE. Chỉ đạo các đơn vị thành viên thực hiện rà soát, đánh giá, xây dựng phương án thoái vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp.       

Đổi mới phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp cổ phần hóa

Để đảm bảo cho quá trình tái cấu trúc Tập đoàn thành công và tiếp tục thành công, cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Thực hiện kiện toàn cấp uỷ về mọi mặt, về cơ cấu phải đảm bảo hợp lý, đủ sức bao quát được các lĩnh vực hoạt động của Đảng bộ, cần lựa chọn những người có đủ tiêu chuẩn quy định; có năng lực lãnh đạo, cán bộ trẻ, có khả năng cụ thể hóa và tổ chức thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng vào thực tiễn hoạt động của Tập đoàn và các doanh nghiệp thành viên.

Đại hội Đảng
Đảng bộ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam được Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương tặng Cờ đơn vị đạt thành tích xuất sắc trong nhiệm kỳ 2010 - 2015.  

Thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc của Cấp uỷ, thường xuyên rà soát, bổ sung, sửa đổi những nội dung chưa phù hợp. Rà soát, bổ sung, xây dựng, thực hiện quy chế, quy định về mối quan hệ công tác giữa Cấp uỷ đảng với HĐQT, Ban Tổng giám đốc. Coi trọng kiện toàn cơ quan tham mưu giúp việc Cấp uỷ, tổ chức bộ máy tham mưu đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng phù hợp với điều kiện thực tế tại Đảng bộ Tập đoàn; bố trí cán bộ chuyên trách có tâm huyết, trách nhiệm, có kiến thức quản lý doanh nghiệp, vững về nghiệp vụ công tác Đảng. Thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo chủ chốt của Tập đoàn.

Trên tổng thể, Petrolimex được ghi nhận là doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn đi đầu trong việc cổ phần hóa, tái cơ cấu không chỉ ở các công ty thành viên mà còn đối với cả Công ty mẹ. Các nội dung cơ bản của Đề án tái cơ cấu đã hoàn thành. Các kết quả đạt được cần được tiếp tục điều chỉnh để khẳng định tính hiệu quả nhưng đã mang lại các chuyển biến tích cực trong quản trị doanh nghiệp và phát triển kinh doanh.

Tập đoàn đã chính thức hoạt động theo mô hình Tập đoàn đa sở hữu với Công ty mẹ là công ty đại chúng quy mô lớn. Chuyển đổi hình thức sở hữu của Công ty mẹ từ Công ty Nhà nước sang Công ty cổ phần để huy động nguồn vốn của xã hội phục vụ việc đầu tư phát triển Petrolimex. Cổ phần hoá, công bố thông tin, tuân thủ thể chế pháp lý của một công ty đại chúng là minh chứng rõ nhất cho chủ trương minh bạch hoá, thị trường hoá hơn nữa hoạt động kinh doanh xăng dầu. Nâng cao hiệu quả hoạt động, hoàn thành tốt vai trò đảm bảo an ninh năng lượng, bình ổn thị trường xăng dầu, góp phần vào điều tiết các cân đối lớn của nền kinh tế. Thay đổi nhận thức, tư duy quản trị, có điều kiện đổi mới và áp dụng các hệ thống quản trị doanh nghiệp tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả lao động.  

Bài học kinh nghiệm

Phát huy vai trò tiên phong của Cấp ủy, Ban Thường vụ

Trong quá trình tái cơ cấu, Đảng ủy Tập đoàn đã cơ bản làm tốt công tác tư tưởng, công tác dân vận để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao từ chủ trương đến tổ chức thực hiện, tạo sức mạnh tổng hợp giữa lãnh đạo doanh nghiệp và tổ chức Đảng để tái cơ cấu, cổ phần hóa thành công. Đảng ủy- Hội đồng quản trị Tập đoàn đã đoàn kết thống nhất cao, phát huy tư tưởng tập thể, đề ra nhiều chủ trương, giải pháp đúng, vừa giải quyết tính cấp bách, trước mắt, vừa đáp ứng tính cơ bản, lâu dài. Đây thực sự là động lực, là đầu tầu đưa Petrolimex vượt qua những giai đoạn khó khăn, đạt được những kết quả nhất định.Thực tế cho thấy ở đâu tổ chức Đảng mạnh thì ở đó có sự khác biệt và điều này đúng với mọi doanh nghiệp, không chỉ riêng tại Petrolimex.

Luôn xác định công tác cán bộ là cái gốc của mọi thành quả

Xác định tầm quan trọng của việc lựa chọn nhân sự đúng người, đúng việc, Đảng bộ, Lãnh đạo Tập đoàn luôn chú trọng việc đánh giá, lựa chọn, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ có năng lực, đúng vị trí, phù hợp với yêu cầu công việc, thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát huy năng lực, nghiệp vụ chuyên môn của cán bộ; tăng cường phân cấp, phân quyền cho các đơn vị để tăng tính chủ động trong quản lý nghiệp vụ, chuyên môn.

Đề ra mục tiêu rõ ràng, cụ thể với kế hoạch toàn diện, có lộ trình chi tiết kèm theo trách nhiệm của các doanh nghiệp, bộ phận có liên quan

Đây là bài học kinh nghiệm không mới trong tái cơ cấu doanh nghiệp, nhưng không phải lúc nào cũng được chú trọng thích đáng trong tổ chức thực hiện. Đây cũng là khâu quyết định đến tiến độ thực hiện tái cơ cấu sau khi phương án tổng thể đã được phê duyệt.  

Lựa chọn những điểm đột phá để tiến hành tái cấu trúc  

Vận dụng bài học này vào lĩnh vực kinh doanh xăng dầu của Tập đoàn là một trong những luận cứ để Petrolimex quyết định lựa chọn cổ đông chiến lược thông qua phát hành tăng vốn, một mặt thực hiện chỉ đạo giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước về mức quy định, mặt khác, đây chính là điểm đột phá khi có cổ đông chiến lược nước ngoài tham gia vào quản trị doanh nghiệp sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc không chỉ kinh doanh xăng dầu mà còn lan tỏa sang các lĩnh vực kinh doanh chính khác. Điều này cũng góp phần tạo tiền đề để giải bài toán tái cơ cấu lĩnh vực cơ khí- xây lắp, lĩnh vực vận tải bộ…đang được đặt ra đối với Đảng ủy và Lãnh đạo Tập đoàn.

Định kỳ đánh giá lại tổng thể hoạt động của tập đoàn và môi trường kinh doanh

Mặc dù công tác này cũng đã được triển khai trong thời gian trước đây, nhưng chỉ dừng lại ở từng bộ phận, từng lĩnh vực, chưa mang tính tổng thể, chưa chuẩn hóa phương pháp. Đây là việc làm hết sức cần thiết để từ đó đưa ra những đánh giá, những khuyến cáo là tiền đề cho Đảng ủy, Hội đồng quản trị đề ra chủ trương, quyết sách phù hợp, thích ứng tốt nhất với những thay đổi trong môi trường kinh doanh, giảm thiểu rủi ro đến hiệu quả hoạt động của Petrolimex.

Đại hội đồng cổ đông Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam năm 2015.
Đại hội đồng cổ đông Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam năm 2015.

Giai đoạn 2016-2020, Tập đoàn tiếp tục tiến hành công tác cơ cấu lại doanh nghiệp, nhằm thực hiện được các mục tiêu tổng quát:

1)Nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp phù hợp với bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế của đất nước ngày càng đi vào chiều sâu.

2)Điều chỉnh để doanh nghiệp có cơ cấu hợp lý, đổi mới, ứng dụng khoa học – công nghệ, giữ vững và phát triển thị phần, hoàn thành tốt vai trò đảm bảo an ninh năng lượng, bình ổn thị trường xăng dầu, góp phần vào điều tiết các cân đối lớn của nền kinh tế.

3) Bổ sung, hoàn thiện thể chế quản lý doanh nghiệp, áp dụng chế độ quản trị tiên tiến phù hợp với kinh tế thị trường. Tiếp tục thực hiện chế độ kiểm toán, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch.

4)Sắp xếp,đầu tư, phân bổ nguồn lực theo hướng hợp lý hoá, tập trung cho các lĩnh vực kinh doanh chính, đặc biệt là nguồn lực con người và nguồn lực tài chính.

5) Rà soát, xây dựng quy hoạch phát triển cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ kinh doanh, tăng cường lợi thế kinh doanh trên thị trường.

6) Triển khai và vận hành hệ thống quản trị rủi ro trên mọi mặt hoạt động và trên phạm vi toàn hệ thống.

7)Tăng cường công tác xây dựng Đảng, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực quản lý của đội ngũ lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam

.
.
.
.