.
.

12 dự án thua lỗ đang dần hồi phục

Thứ Sáu, 21/09/2018|16:36

Chiều 21/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém đối với 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương.

Còn 25 nhiệm vụ chưa hoàn thành

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, theo Kế hoạch 4269, có 98 nhiệm vụ được giao cho các bộ, ngành, tập đoàn và tổng công ty để triển khai thực hiện. Đến thời điểm 31/8/2018, trong tổng số 66 nhiệm vụ phải hoàn thành trong năm 2017 và 2018, đã có 41 nhiệm vụ hoàn thành, còn 25 nhiệm vụ chưa hoàn thành, trong đó có 15 nhiệm vụ đã quá hạn.

Các nhiệm vụ chưa hoàn thành và đã quá hạn tập trung vào 3 nhóm vấn đề: Xử lý dứt điểm vướng mắc để quyết toán hợp đồng EPC và quyết toán toàn bộ dự án; Cơ cấu lại các khoản vay nợ, trích giãn khấu hao, điều chỉnh lãi suất vay; Xây dựng phương án thoái vốn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém đối với 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém đối với 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương.

Theo Bộ Công Thương, trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đến nay đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh bước đầu có lãi (Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng lợi nhuận ước đạt 147,692 tỷ đồng; Nhà máy thép Việt - Trung lợi nhuận ước đạt 527,24 tỷ đồng), 4 dự án còn lại từng bước khắc phục khó khăn (Nhà máy đạm Hà Bắc lỗ 203 tỷ đồng, giảm lỗ 210 tỷ đồng so với cùng kỳ; Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai lỗ 110,78 tỷ đồng, giảm lỗ 324,82 tỷ đồng so với cùng kỳ; Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình lỗ 701,845 tỷ đồng; Công ty DQS doanh thu thực hiện ước đạt 318,03 tỷ đồng, nộp Ngân sách nhà nước 3,29 tỷ đồng).

Cùng với đó, trong số 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh, đến nay Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ đã vận hành trở lại 3 dây chuyền của phân xưởng sợi Filament từ ngày 20/4/2018; 2 dự án còn lại đã chuẩn bị xong phương án khởi động lại nhà máy, hiện đang chọn thời điểm giá nguyên liệu thuận lợi (Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước).

Đối với 3 dự án xây dựng dở dang, đến nay, Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đang thực hiện phương án bán đấu giá toàn bộ tài sản và hàng hóa tồn kho; Dự án Nhà máy sản xuất Nhiên liệu sinh học Phú Thọ tiếp tục gặp khó khăn do PVOil không phải là cổ đông chính (chiếm 39,76%), các cổ đông ngoài ngành (chiếm 60,24%) không muốn tiếp tục triển khai Dự án; Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên chưa giải quyết được tranh chấp Hợp đồng EPC với Tổng thầu là Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC) và các nhà thầu phụ.

Vướng mắc tranh chấp các hợp đồng EPC

Bộ Công Thương cho biết, các khó khăn vướng mắc lớn nhất hiện nay chính là tranh chấp tại các hợp đồng EPC của một số dự án chưa được giải quyết dứt điểm dẫn đến chưa thể Quyết toán được Hợp đồng EPC của các dự án: Nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình, Nhà máy sản xuất Đạm Hà Bắc, Nhà máy sản xuất DAP số 2 Lào Cai, Nhà máy sản xuất Nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, Nhà máy sản xuất Nhiên liệu sinh học Bình Phước, Nhà máy sản xuất sơ sợi Polyester Đình Vũ, Nhà máy sản xuất Nhiên liệu sinh học Phú Thọ, Nhà máy Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS), Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên Nhà máy thép Việt-Trung và Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam.

Trước tình hình hiện nay, đối với các dự án sản xuất phân bón, Bộ Công Thương kiến nghị các bộ ngành liên quan xem xét hỗ trợ hướng dẫn và tư vấn để giải quyết dứt điểm các vướng mắc để quyết toán Hợp đồng EPC và toàn bộ dự án, đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Đối với Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, Bộ Công Thương kiến nghị Bộ Công an xem xét, phân định rõ trách nhiệm giai đoạn đầu tư để tạo điều kiện cho cán bộ kế tiếp và đối tác yên tâm phục hồi Nhà máy; Bộ Tài Chính xem xét, cho phép khoanh khấu hao tài sản cố định tối thiểu trong vòng 3 năm đầu khi đưa Nhà máy đi vào vận hành lại.

Đối với dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên (TISCO), Bộ kiến nghị Chính phủ xem xét sớm giải quyết về việc xin cơ cấu thời gian trả nợ gốc và lãi vay Dự án cho TISCO theo công văn số 5523/BCT-CN ngày 12/7/2018 của Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ.

Về Dự án Nhà máy thép Việt – Trung, Bộ Công Thương kiến nghị Ban chỉ đạo Chính phủ chấp thuận cho Công ty VTM chuyển đổi thành Công ty cổ phần, qua đó kêu gọi thêm các nhà đầu tư có năng lực để thực hiện các dự án đầu tư phát triển công ty; cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện nhiệm vụ tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạng mục dây chuyền cán thép 500.000 tấn/năm trong thời gian 2017-2018 theo Kế hoạch 4269 thành tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạng mục dây chuyền cán thép 500.000 tấn/năm sau khi Công ty VTM xóa hết lỗ lũy kế.

Với Dự án Nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam, kiến nghị Chính phủ xem xét thông qua phương án mà Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ ngành trình Thủ tướng Chính phủ hoặc chỉ đạo các Bộ, ngành nghiên cứu xây dựng phương án, cơ chế xử lý bán đấu giá dự án sau khi dự án được định giá lại.

Theo tienphong.vn

.
.
.
.