.
.

10 giải pháp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp

Thứ Sáu, 21/08/2020|17:30

Theo kế hoạch, giai đoạn 2017-2020 phải hoàn thành cổ phần hóa (CPH) 128 doanh nghiệp (DN), tuy nhiên tính đến hết tháng 7/2020 mới tiến hành CPH được 37 DN, bằng 28% kế hoạch. Để đạt tiến độ, 5 tháng còn lại, mỗi tháng phải CPH ít nhất 18 DN. Với tốc độ này, kế hoạch e là sẽ khó hoàn thành.

Dịch bệnh là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ cổ phần hóa Doanh nghiệp nhà nước.
Dịch bệnh là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ thì giai đoạn 2017-2020 phải CPH 128 DN. Song cho đến hết tháng 7, mới CPH được 37 DN, nghĩa là còn 91 DN nữa cần phải được thực hiện CPH trong năm 2020.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính, trong 7 tháng đầu năm 2020, đơn vị này nhận được báo cáo phê duyệt phương án CPH của 6 DN, trong đó có 1 DN thuộc kế hoạch CPH theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg.

Tính lũy kế giai đoạn 2016 - tháng 7/2020, đã có 177 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị DN là trên 443,5 nghìn tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là trên 207,1 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên trong 177 DN đã CPH chỉ có 37/128 DN CPH thuộc danh mục CPH theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trong số những đơn vị còn nhiều DN thuộc danh sách phải thực hiện CPH trong năm 2020 có tên những địa phương, cơ quan lớn như thành phố Hà Nội CPH 13 DN (4 tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch; thành phố Hồ Chí Minh CPH 38 DN (11 tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp CPH 6 DN (3 tập đoàn, 3 tổng công ty); Bộ Công Thương CPH 4 DN (3 tổng công ty, trong đó đã công bố giá trị 1 tổng công ty); Bộ Xây dựng CPH 2 tổng công ty…

Nguyên nhân của tiến độ CPH, thoái vốn trong những tháng đầu năm 2020 chậm được chỉ ra một phần là do diễn biến khó lường của dịch bệnh COVID-19 khiến cho sản xuất, kinh doanh và các hoạt động khác của xã hội đình trệ đã phần nào khiến công tác triển khai CPH, thoái vốn của các DN gặp khó khăn.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc CPH, thoái vốn chậm đã trở thành bệnh kinh niên. Lý do vẫn muôn thuở là khó khăn gặp phải như: cần nhiều thời gian để triển khai thực hiện một số nội dung về phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định giá trị phần vốn nhà nước để thoái vốn. Dịch bệnh COVID-19 gây tác động lớn đến thị trường tài chính, chứng khoán, làm giảm sự quan tâm của các nhà đầu tư, giảm sức hấp thụ của thị trường.

Một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và DN nhà nước chưa nghiêm túc, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện; chưa chủ động theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập. Còn hiện tượng không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, viện dẫn vào các khó khăn, vướng mắc để chậm hoặc không thực hiện gây ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ CPH, thoái vốn.

Cùng với đó, việc triển khai kế hoạch CPH còn gặp nhiều khó khăn do một số DN thực hiện CPH quy mô lớn như: VNPT, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, MobiFone, Argibank… hiện vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để có thể tiến hành xác định giá trị DN.

Sốt ruột trước thực trạng bê bết của công tác CPH, thoái vốn, Bộ Tài chính đã đề ra 10 giải pháp để thúc tiến độ, trong đó gồm 3 nhóm giải pháp chính.

Nhóm thứ nhất là về vĩ mô như quán triệt quan điểm, chủ trương của Chính phủ, cũng như tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của DNNN và DN có vốn nhà nước về CPH, thoái vốn.

Nhóm giải pháp thứ 2 liên quan đến phần việc cụ thể của các bộ ngành và DN, trong đó yêu cầu người đứng đầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo quyết liệt trong việc triển khai công tác CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo kế hoạch đã đề ra, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả triển khai công tác cơ cấu lại DNNN, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ khi không hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch.

Nhóm thứ 3, theo Bộ Tài chính là trong quá trình CPH, thoái vốn, cần vừa đảm bảo yêu cầu chống dịch COVID-19, vừa đảm bảo tối đa hoạt động sản xuất, kinh doanh; quan tâm đối với người lao động, sắp xếp, bố trí lao động hợp lý, bảo đảm công ăn việc làm, thu nhập ổn định, chăm lo đời sống cho người lao động.

Mặt khác, Bộ Tài chính cho rằng cần xây dựng Đề án cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2021-2025, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, làm cơ sở tiếp tục triển khai cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN để DNNN là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội…

Theo cand.com.vn

.
.
.
.