Hội thảo "Giải pháp quản trị tài chính và đầu tư nhằm nâng cao vai trò chủ đạo của DNNN trong phát triển kinh tế"
Cơ chế quản trị của doanh nghiệp Nhà nước còn chậm đổi mới, không phù hợp với thông lệ, tính công khai minh bạch còn hạn chế và tụt hậu về ứng dụng công nghệ tiên tiến.
Toàn cảnh Hội thảo. |
Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thời gian qua còn chậm chưa đạt kế hoạch đề ra; một số DNNN quy mô lớn trong lĩnh vực then chốt chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo với chủ đề “Giải pháp quản trị tài chính và đầu tư nhằm nâng cao vai trò chủ đạo của DNNN trong phát triển kinh tế” do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng 31/3, tại Hà Nội.
Chỉ chiếm khoảng 0,07% số lượng DN cả nước, nhưng DNNN lại đóng góp tới 7% tổng tài sản và 10% tổng vốn trên thị trường. Cùng với đó, khối DN này đang góp phần tạo việc làm cho người lao động, điều tiết, ổn định thị trường khi có bất ổn.
Tuy nhiên, hiện sự phát triển khu vực DN này đang đặt ra không ít vấn đề như hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Cụ thể, hiện DNNN đóng góp gần 40% GDP, phần còn lại 60% GDP là đóng góp từ DN tư nhân và DN FDI. Trong khi đó, khoảng 60% nguồn lực xã hội đang tập trung cho khối DNNN.
Các chuyên gia nhìn nhận, bên cạnh cơ chế quản trị DN còn chậm đổi mới, không phù hợp với thông lệ, tính công khai minh bạch còn hạn chế thì việc ứng dụng công nghệ tiên tiến của DNNN vẫn tụt hậu từ 2 - 3 thế hệ; Công tác đào tạo quy hoạch cán bộ đang thiếu chưa phát hiện nhiều người tài…
“Tiến độ CPH thoái vốn thời gian qua còn chậm chưa đạt kế hoạch đề ra, đặc biệt là các tập đoàn, Tổng công ty lớn chưa thực sự trở thành đầu tàu để phát triển hình thành các chuỗi giá trị, thúc đẩy tham gia các DNNVV trong nước tham gia. Còn nhiều DNNN chưa cải thiện thực chất quản trị của DN”, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn nhận xét.
Trước thực tế này, các đại biểu cho rằng, cần nâng cao năng lực quản trị của DNNN phù hợp với trình độ bậc cao của mô hình tập đoàn kinh tế, bằng phương pháp quản trị hiện đại. Nâng cao tính tự chủ, phân cấp để tăng tính cạnh tranh là điều cần thiết.
Theo đó, đẩy mạnh tận dụng cuộc cách mạng 4.0 để nâng cao hiệu quả giám sát, quản lý. Hoàn thiện những khâu yếu trong DNNN như tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ. Để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, cần xây dựng những tập đoàn có thương hiệu Việt có khả năng kiểm soát một phần lớn hoặc toàn bộ chuỗi giá trị. Do đó cần biến các tập đoàn, tổng công ty lớn trở thành đầu tàu và chủ thể có vai trò dẫn dắn trong chuỗi giá trị, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ xanh…
Theo ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hiện Chính phủ đang giao cho Bộ nghiên cứu xây dựng Đề án: “Phát triển DNNN quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho DN thuộc các thành phần kinh tế khác phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng trong thời kỳ mới”.
“Với chính sách hiện nay khiến quản lý DNNN khá chậm, tuy nhiên, nguồn lực hiện nay khối DN này đang nắm giữ rất lớn, nếu không tháo gỡ, không sử dụng hiệu quả nguồn lực thì sẽ khó phát triển. Do vậy, cần thúc đẩy các nguồn lực đang có để sử dụng hiệu quả hơn trên cơ sở cho việc tái cơ cấu sắp xếp lại, củng cố và phát triển DN theo hướng xây dựng các chuỗi đổi mới sáng tạo, định hướng sử dụng nguồn lực của DNNN. Thu hút thêm các nguồn lực từ khu vực tư nhân cũng như khu vực khác thông qua việc CPH, hoặc đa dạng hóa sở hữu”, ông Nguyễn Đức Trung cho biết./.
Theo vov.vn