.
.

Vinatex nỗ lực giữ vững chuỗi sản xuất trong toàn hệ thống

Thứ Sáu, 06/08/2021|11:27

Nửa đầu năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nỗ lực duy trì chuỗi sản xuất, đạt được kết quả đáng ghi nhận: lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng mạnh tới 217%, cao gấp đôi so với nửa đầu năm ngoái và cao nhất trong 25 năm qua, đồng thời bảo đảm đời sống và thu nhập của người lao động. 

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam Lê Tiến Trường báo cáo tại buổi gặp mặt.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam Lê Tiến Trường báo cáo với Chủ tịch nước tại buổi gặp mặt các điển hình tiên tiến trong thực hiện mục tiêu kép của ngành Dệt May Việt Nam, ngày 03/8/2021.

Vừa qua, báo cáo với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại buổi gặp mặt các điển hình tiên tiến trong thực hiện mục tiêu kép của ngành Dệt May Việt Nam, đồng chí Lê Tiến Trường, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, nửa đầu năm 2021, ngay trong bối cảnh dịch bệnh, thị phần của ngành Dệt may tăng lên 6,7% so với 5% của năm ngoái. 7 tháng qua, toàn ngành xuất khẩu đạt gần 23 tỷ USD so với mục tiêu khoảng 39 tỷ USD của năm nay. Nếu kiểm soát được dịch bệnh, năm nay toàn ngành có thể xuất khẩu được 40 tỷ USD.

Riêng Tập đoàn Dệt may Việt Nam, lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng mạnh tới 217%, cao gấp đôi so với nửa đầu năm ngoái và cao nhất trong 25 năm qua, tương đương 620 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của lao động là 8,4 triệu đồng. Đặc biệt, lợi nhuận không chỉ từ khâu may mà cả các công nghệ phụ trợ của ngành may. Nếu như năm 2015, lợi nhuận từ khâu may chiếm đến 80% thì đến nay 40% lợi nhuận đến từ công nghiệp phụ trợ cho toàn ngành. Ngành cũng đã sản xuất thành công một số loại nguyên liệu và vải chống cháy chất lượng tốt có thể xuất khẩu ra nước ngoài. 

Để đạt được kết quả đó, Đảng ủy, ban lãnh đạo Vinatex đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, đề ra nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp tình hình thực tế, phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết của tập thể cán bộ, đảng viên, người lao động trong Tập đoàn, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi sản xuất trong toàn hệ thống.

Trở ngại lớn

Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư với diễn biến rất phức tạp, khó lường ở hầu khắp các địa phương trong cả nước, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch, đời sống, sức khỏe của người lao động và hoạt động sản xuất, kinh doanh tại nhiều doanh nghiệp trong Tập đoàn Dệt May Việt Nam.

Các doanh nghiệp phía Nam của Vinatex như: Tổng công ty may Việt Tiến, Tổng công ty Phong Phú, Tổng công ty dệt may miền Nam, Tổng công ty may Nhà Bè, Tổng công ty Việt Thắng… đã tổ chức làm việc theo phương châm “3 tại chỗ” nhưng gặp không ít trở ngại. Nguyên nhân do lực lượng lao động đăng ký ở lại nhà máy tham gia sản xuất 3 tại chỗ không đồng đều, có nơi chỉ tổ chức được 10-20% trên tổng số lao động của nhà máy, năng suất lao động giảm. Các nhà máy may của doanh nghiệp đóng trú tại các địa phương khác nhau với quy định của mỗi nơi có điểm khác biệt, nhiều cán bộ đang công tác tại các địa phương “mắc kẹt” không về được. Đặc biệt là các nhà máy trong địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh hầu như ngưng trệ từ ngày 26/7 khi người dân không được ra đường từ 18h đến 6 giờ sáng hôm sau.

Công nhân dệt may vừa chống dịch, vừa sản xuất.
Công nhân dệt may vừa chống dịch, vừa sản xuất.

Trong khi việc tổ chức theo phương thức này làm gia tăng nhiều chi phí như chi phí xét nghiệm sàng lọc Covid-19, chi phí cho 3-4 bữa ăn/ngày, chi phí mua sắm trang thiết bị phục vụ cho người lao động ở lại, chi bồi dưỡng thêm cho người lao động…

Tại Hà Nội, Tổng công ty May 10 đã xây dựng phương án 3 tại chỗ tại trường cao đẳng, mầm non, kí túc xá cho khoảng 700 người/tổng số 2000 người. Tuy nhiên đó chỉ là giải pháp tạm thời, chỉ để giải quyết các đơn hàng gấp. Tổng công ty May Đức Giang chọn phương án “1 cung đường 2 điểm đến”.

Hầu hết các doanh nghiệp đều đang gặp phải tình trạng khó khăn chưa từng có và phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kiểm soát dịch bệnh trong thời gian tới. Đặc biệt lo ngại có xuất hiện ca F0 trong nhà máy làm gián đoạn sản xuất, có thể phá hỏng toàn bộ những cố gắng mà doanh nghiệp đang thực hiện. Rủi ro nguy cơ khách hàng chuyển đơn hàng đi nơi khác là hiện hữu; và khi hết thời gian phong tỏa các nhà máy có thể rơi vào tình trạng thiếu hụt đơn hàng…

Ngoài những khó khăn kể trên, hiện nay doanh nghiệp còn gặp trở ngại khi vận chuyển nguyên phụ liệu để phục vụ sản xuất, hàng hóa xuất kho, vận chuyển thực phẩm…

Ổn định tư tưởng, chăm lo đời sống người lao động

Trong những ngày qua, Đảng ủy, ban lãnh đạo Tập đoàn đã kịp thời thăm hỏi, động viên, chia sẻ với các doanh nghiệp ở phía Nam, bởi đây là thời điểm khó khăn nhất từ trước tới nay mà các doanh nghiệp gặp phải.

Công đoàn Dệt May Việt Nam và nhiều công đoàn cơ sở miền Bắc và miền Trung đã kịp thời hỗ trợ kinh phí, lương thực, thực phẩm… gửi đến các đơn vị đang thực hiện 3 tại chỗ tại khu vực phía Nam nhằm chia sẻ, hỗ trợ công đoàn cơ sở trong chăm lo, phục vụ bữa ăn cho người lao động.

Trước khó khăn, thách thức lớn với hoạt động sản xuất kinh doanh, lãnh đạo các doanh nghiệp vẫn quan tâm chăm lo cho đời sống của người lao động, động viên tinh thần người lao động. Để giữ được lao động, nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị đầy đủ suất ăn từ 3-4 bữa/ngày, đảm bảo đủ vitamin, cung cấp nước uống chanh gừng sả… hỗ trợ thêm cho người lao động làm tại chỗ khoảng 50.000 đồng/ngày. Từ đó, người lao động cảm thấy yên tâm khi tham gia sản xuất 3 tại chỗ, vừa sản xuất vừa phòng, chống dịch bệnh, giao hàng đúng tiến độ, đảm bảo năng lực sản xuất, giữ chân khách hàng.

Mới đây, Tập đoàn đã Quyết định thành lập các tổ công tác hỗ trợ hoạt động phòng chống dịch Covid-19, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn và các đơn vị thành viên trong điều kiện dịch bệnh, bao gồm: Tổ điều phối và tổ chức tiêm Vắc xin; Tổ Cơ chế chính sách; Tổ đánh giá khó khăn và đề xuất hỗ trợ; Tổ triển khai Phương án 3 tại chỗ; Tổ hỗ trợ làm việc online.

Theo đó, các tổ công tác theo chức năng, nhiệm vụ được phân công sẽ là đầu mối nắm bắt thông tin, tổng hợp các khó khăn, đề xuất của các đơn vị để tham mưu cho Ban lãnh đạo Tập đoàn xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ nhằm ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp…Tham mưu xây dựng phương án “3 tại chỗ” (sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ hoặc có phương án đưa đón người lao động đi làm) của Tập đoàn và của từng doanh nghiệp thành viên với các kịch bản, mức độ, diễn biến lây lan của dịch bệnh trên cơ sở bảo đảm an toàn cho sản xuất, người lao động và phòng, chống dịch hiệu quả; Chuẩn bị các nguồn lực của Tập đoàn và kết nối với các doanh nghiệp để thực hiện phương án “3 tại chỗ”. Tổ chức triển khai phương án “3 tại chỗ” khi có tình huống xảy ra.

Tham mưu cho Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Tập đoàn để báo cáo Chính phủ, Bộ Y tế và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về nguồn vắc xin cung cấp cho các đơn vị, doanh nghiệp thành viên Tập đoàn Dệt May Việt Nam; Điều phối, phân bổ lượng vắc xin tiêm cho các đơn vị, doanh nghiệp trên cơ sở nguồn vắc xin được cấp và số lượng lao động của từng đơn vị, doanh nghiệp; Xây dựng phương án triển khai cho mỗi đợt tiêm vắc xin và tổ chức tiêm vắc xin cho người lao động dệt may…

Nỗ lực, quyết tâm cao

Đồng chí Lê Tiến Trường - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn nhận định: Tình hình diễn biến dịch bệnh đang hết sức phức tạp, nhất là tại các thành phố lớn có giao thương nhiều và dự báo phải tới tháng 9/2021 thì hoạt động sản xuất kinh doanh mới có thể trở lại như trước thời điểm của đợt bùng phát dịch hồi cuối tháng 4 năm nay. Trong đó, ngành May với các nhà máy quy mô lớn nhiều lao động đang chịu những ảnh hưởng nặng nề nhất kể từ khi phát sinh dịch bệnh Covid -19 đến nay.

Thực hiện phương án
Thực hiện phương án "3 tại chỗ" tại Công ty CP Quốc Tế Phong Phú - Chi nhánh Long An.

Với quyết tâm tìm mọi giải pháp giữ việc làm cho người lao động và mục tiêu duy trì được kết quả sản xuất kinh doanh của toàn đơn vị, lãnh đạo Tập đoàn đề nghị, các doanh nghiệp cần làm công tác tư tưởng, ổn định tâm lý tốt cho người lao động hiểu và chia sẻ để cùng đồng hành với doanh nghiệp trong lúc khó khăn. Doanh nghiệp không chỉ là đầu mối liên hệ giải quyết các chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước, mà còn phải có chính sách riêng hỗ trợ cho người lao động là những đối tượng phải nghỉ việc, phần nào giúp họ vượt qua khó khăn. Hệ thống công đoàn tổ chức nhóm hỗ trợ cung cấp thực phẩm cho hoạt động 3 tại chỗ, nhóm này cần phải được cách ly tốt và đảm bảo cũng cấp đủ và an toàn cho người lao động.

Về hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp tiếp tục duy trì tốt việc sản xuất theo phương châm 3 tại chỗ, đặc biệt tổ chức cho người lao động ở các tỉnh khác ở lại nhà máy, tránh di chuyển giữa các địa phương và áp dụng linh hoạt các kịch bản, phương án tổ chức sản xuất. Các đơn vị chưa có các kịch bản thì cần phải xây dựng ngay các kịch bản ứng phó cho những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.

Đảng ủy Tập đoàn cũng chỉ đạo các đơn vị tiếp tục duy trì các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế và chính quyền địa phương. Để giảm thiểu sự ảnh hưởng lan truyền trong công tác truy vết khoanh vùng, các doanh nghiệp cần lập danh sách và nắm bắt địa chỉ nơi lưu trú của người lao động để (i) phân nhóm lao động theo khu vực lưu trú, (ii) vận động những người đang lưu trú tại các khu vực đông dân phức tạp vào nhà máy thực hiện sản xuất 3 tại chỗ…

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, những giải pháp đồng bộ, quyết liệt của Tập đoàn đang tiếp tục được triển khai theo đúng yêu cầu của Chủ tịch nước tại buổi gặp mặt điển hình tiên tiến ngành Dệt May vừa qua. Đó là, tiếp tục phát huy kết quả đạt được, bám sát thực tiễn, có chính sách kịp thời, sáng tạo, linh hoạt, tự lực tự cường, hoàn thành mục tiêu kép. Có các giải pháp ưu tiên đến từng doanh nghiệp, từng giai đoạn và từng loại sản phẩm.  

Ưu tiên lớn nhất vẫn là bảo vệ sức khỏe của công nhân, tiếp tục hạn chế thấp nhất số ca F0 như hiện nay. Toàn bộ hệ thống doanh nghiệp cần động viên công nhân lao động, quan tâm hơn nữa đến đời sống, thu nhập, việc làm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân, không để ảnh hưởng xấu đến sản xuất kinh doanh. Cùng với đó là phát huy tối đa năng lực sản xuất ở các vùng nguy cơ dịch bệnh thấp, giữ gìn chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành dệt may. Có phương án chuẩn bị sẵn sàng để khi kiểm soát được dịch bệnh thì bắt tay ngay vào đẩy mạnh sản xuất. Những đơn vị dẫn đầu, nòng cốt như Vinatex đã phát huy được vai trò dẫn dắt trong thời gian vừa qua và cần tiếp tục phát huy vai trò này, góp phần chiến thắng dịch bệnh và phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn tới. 

Giang Nguyễn

 

.
.
.
.