.
.

Pháp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ở Việt Nam

Thứ Bảy, 27/10/2012|19:01

Bộ trưởng ngoại thương Pháp Nicole Bricq khẳng định Pháp sẽ tăng cường khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư và kinh doanh tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Bộ trưởng ngoại thương Pháp Nicole Bricq phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)
Bộ trưởng ngoại thương Pháp Nicole Bricq phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)

Tại cuộc hội thảo mang tên "Đông Nam Á: Những thị trường cần khám phá và chinh phục", ngày 25/10 tại Paris, Pháp, bà Nicole Bricq cũng cho biết một đoàn doanh nghiệp Pháp sẽ tới thăm Việt nam cùng một số quốc gia Đông Nam Á vào tháng 4/2013 nhằm thúc đẩy chiến lược này của Pháp.

Hội thảo do Thượng viện Pháp phối hợp với Cơ quan của Pháp vì sự phát triển quốc tế các doanh nghiệp tổ chức, thu hút sự tham gia của nhiều quan chức, đại diện thương mại của Pháp, chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đầu tư tại Đông Nam Á.

Hội thảo được chia làm ba bàn tròn với các chủ đề : “Singapore, Malaysia, Thái Lan – Thị trường chín muồi của những tiêu thụ mạnh mẽ”, “Indonesia, Philippines và Việt Nam: Đâu là chiến lược để thâm nhập vào thị trường kinh tế mới nổi ?” và “Myanmar, thị trường của tương lai cần khám phá”.

Nhiều vấn đề tổng quan về địa chính trị khu vực Đông nam Á cũng được các đại biểu dành nhiều thời gian đề cập đến. Tại hội thảo, các ý kiến đều cho rằng Đông Nam Á đang là nơi thuận lợi để mở rộng đầu tư, kinh doanh, bởi tại đây, ngoài nguồn nhân lực chất lượng cao, giá rẻ, còn có nhiều ưu đãi cho đầu tư nước ngoài, có các thị trường đông dân, dân số trẻ và nhu cầu tiêu dùng cao.

Tại bàn tròn thứ hai, Việt Nam, được một số nhà phân tích đánh giá như “con rồng trong tương lai - trung tâm của ASEAN”, với sự năng động đáng kể về kinh tế, nhiều động lực tăng trưởng đang xuất hiện nhiều hướng phát triển mới.

Ông Marc Cagnard, Giám đốc văn phòng xúc tiến thương mại của Pháp tại Việt Nam (Ubifrance Việt Nam) nhấn mạnh Việt Nam là một thị trường có tiềm năng rất lớn với trao đổi thương mại năng động; công nghiệp hóa nhanh chóng và mạnh mẽ; có một thị trường nội địa mạnh với nhu cầu tiêu dùng cao và mặt hàng chất lượng.

Ubifrance mong muốn các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Pháp tăng cường đầu tư tại Việt Nam. Hiện tại có khoảng 300 doanh nghiệp Pháp đang triển khai các dự án tại Việt Nam với khoảng 400 các đối tác là các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, khoa học kỹ thuật, công nghệ, chế biến nông sản thực phẩm ...

Theo ông Marc Cagnard, Pháp cần phải đẩy mạnh sự có mặt của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại thị trường này.

Ông Nguyễn Cảnh Cường, tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, đánh giá cao tầm quan trọng của hội thảo và cho rằng đây là “sáng kiến tốt” của Ubifrance giúp Việt nam đưa ra những nhận định và những biện pháp phù hợp để cải thiện môi trường đầu tư hấp dẫn hơn và định hướng doanh nghiệp của mình. Việt Nam nên nắm bắt cơ hội này để khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam chủ động với các đối tác Pháp.

Theo ông, trong chiến lược toàn cầu hóa và hợp tác quốc tế, các nhà đầu tư có thể chọn nhiều địa điểm trong chiến lược phát triển của họ, vì thế nên, nếu Việt Nam không muốn bị bất lợi trong cạnh tranh, cần “tăng tốc” cải thiện môi trường đâu tư, kinh doanh sao cho hấp dẫn hơn để trở thành địa chỉ ngày càng tin cậy của các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, ông cũng đưa ra nhận xét rằng Việt Nam chưa được xếp đầu tiên trong thứ tự ưu tiên quan tâm của Pháp, vì các quốc gia Đông Nam Á láng giềng của Việt Nam cũng đang cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh. Đặc biệt, Myanmar được coi như “điểm đến mới hấp dẫn” các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong lời kết luận hội thảo, bà Nicole Bricq, Bộ trưởng ngoại thương Pháp, cho rằng thúc đẩy quan hệ với các nước ASEAN là con đường nghiêm túc giúp Pháp có thể lấy lại thế cân bằng thương mại.

Nhiều quốc gia mạnh về kinh tế khác như Mỹ, Trung Quốc… đã và đang quan tâm và có mặt ở địa bàn này, vì thế Pháp không thể chậm trễ hơn nữa.

Lê Hà-Nguyễn Tuyên (Theo TTXVN)

.
.
.
.