.
.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trăn trở về FDI

Thứ Ba, 26/03/2013|21:45

 

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh

 

Đánh giá về quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam 25 năm qua, Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh cho biết: Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã thể hiện vai trò tích cực trong thành tựu tăng trưởng, phát triển của Việt Nam suốt 25 năm qua, và ngày càng khẳng định ảnh hưởng tích cực nhiều mặt đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời gian tới.

Vốn FDI vẫn chưa đạt kỳ vọng

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, từ sau khi có Luật Đầu tư nước ngoài (năm 1987) tại Việt Nam, vốn FDI trở thành giải pháp hữu hiệu góp phần đưa Việt Nam ra khỏi tình thế khó khăn của tình trạng bị bao vây, cấm vận; khẳng định xu thế mở cửa và quan điểm “Việt Nam muốn là bạn của các nước  trong cộng đồng thế giới”.

Không những thế, vốn FDI còn bổ sung quan trọng trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, góp phần đáng kể thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, khai thông thị trường quốc tế, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, đóng góp ngân sách nhà nước, phát triển nguồn nhân  lực chất  lượng cao và tạo thêm việc làm. 

Vốn FDI còn tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác của nền kinh tế, trong đó có việc khơi dậy các nguồn lực đầu tư trong nước, tạo sức ép cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới và chuyển giao công  nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất; phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, góp phần đưa Việt Nam từng bước tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Đến nay, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Việt Nam đã trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới trong nhiều lĩnh vực khác nhau như BP, Total, Toyota, Canon, Samsung, Intel, Unilever… với những sản phẩm chất lượng quốc tế. Điều này tạo động lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước nhằm thích ứng trong bối cảnh toàn cầu hóa. Dòng vốn FDI cũng đóng vai trò tích cực trong hỗ trợ quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước, khuyến khích đổi mới thủ tục hành chính và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.  

Mặc dù FDI đã đạt được những kết quả quan trọng nêu trên, song việc thu hút FDI thời gian qua, theo Bộ trưởng Bộ KHĐT, chưa đạt được một số mục tiêu như kỳ vọng.

Bộ trưởng chỉ rõ, đó là tỷ lệ dự án sử dụng công nghệ cao còn thấp, chưa thu hút được công nghệ nguồn, tỷ lệ việc làm mới chưa cao. Tình trạng cấp Giấy chứng nhận đầu tư không phù hợp với quy hoạch; chưa quan tâm đầy đủ đến vấn đề an ninh quốc gia; chưa chú ý đến hiệu quả sử dụng tài nguyên đất đai, khoáng sản... còn diễn ra ở nhiều địa phương.

Nhiều dự án chưa được thẩm tra, xem xét kỹ các khía cạnh công nghệ, lao động, môi trường, lao động... nên chất lượng dự án chưa cao. Còn có tình trạng chuyển giá; không đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động; vi phạm pháp luật về môi trường chậm được khắc phục…

4 định hướng thu hút FDI

Nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư gián tiếp không còn ổn định do tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, ODA có xu hướng giảm dần, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết: Vốn FDI càng trở thành là nguồn lực quan trọng cho mục tiêu phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, với mục tiêu đến năm 2020 đưa Việt Nam về cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại hóa, thu hút FDI trong giai đoạn tới cần quán triệt định hướng sau:

Một là, cần tạo bước chuyển mạnh về thu hút FDI từ chạy theo số lượng sang chọn lọc các dự án có chất lượng, công nghệ cao, thân thiện với môi trường và phù hợp với định hướng tái cấu trúc nền kinh tế của từng vùng, từng ngành và quốc gia.  

Hai là, đặc biệt quan tâm thu hút các dự án quy mô lớn, sản phẩm cạnh tranh cao tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia, từ đó xây dựng, phát triển hệ thống các ngành, các doanh nghiệp phụ trợ. 

Ba là, quy hoạch thu hút FDI theo ngành, lĩnh vực, đối tác phù hợp với lợi thế  của từng vùng để phát huy hiệu quả đầu tư của từng địa phương, từng vùng và phù hợp tổng thể lợi ích quốc gia.

Bốn là, chuyển dần thu hút FDI với lợi thế giá nhân công rẻ sang cạnh tranh bằng nguồn lực chất lượng cao.

Để thực hiện thành công các mục tiêu về thu hút và sử dụng FDI thời gian tới theo định hướng nêu trên, Bộ trưởng cho rằng, cần phải ổn định kinh tế vĩ mô, mở rộng thị trường nội địa để tạo ưu thế về quy mô thị trường, tập trung khắc phục các “nút  thắt” về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, phát triển hệ thống doanh nghiệp trong nước, trong đó có công nghiệp hỗ trợ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.

Đồng thời, phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư nhằm tạo môi trường đầu tư đồng bộ, minh bạch, rõ ràng và có tính tiên liệu. Sửa đổi chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với định hướng thu hút FDI giai đoạn tới; đảm bảo tính hấp dẫn, cạnh  tranh so với các nước trong khu vực. “Cải tiến một cách căn bản phương thức xúc tiến đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, theo từng ngành, lĩnh vực, khu vực và đối  tác”- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Công tác quản lý doanh nghiệp có vốn FDI, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, cần đặc biệt tập trung chuyển đổi mạnh áp dụng chế độ hậu ưu đãi và hậu kiểm, kết hợp tăng cường chế độ báo cáo, thống kê và giám sát, thanh tra.

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung nâng cao hiệu lực chỉ đạo, điều hành gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính giảm chi phí và thời gian thực hiện các thủ tục cho công dân và doanh nghiệp; kiên quyết đẩy mạnh hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí để tạo môi trường kinh tế xã hội  thuận lợi, cạnh tranh thu hút mạnh mẽ hơn nữa vốn đầu tư FDI.../.

Theo VOV

.
.
.
.