.
.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex): Tái cấu trúc là nhu cầu tự thân

Thứ Năm, 08/03/2012|22:35

Với Petrolimex thì “tái cấu trúc” là nhu cầu tự thân. Bởi, đứng trước những thách thức mới của môi trường kinh doanh, cũng như nhu cầu từ nội tại doanh nghiệp (DN) cần sắp xếp lại, để các ngành nghề hoạt động theo đúng chuyên môn và có hiệu quả. Để hiểu thêm về quá trình tái cấu trúc của Petrolimex, Tạp chí Công nghiệp đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn.

 

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo đọc diễn văn chính thức công cố hệ thống nhận diện thương hiệu mới Petrolimex
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo đọc diễn văn chính thức công cố hệ thống nhận diện thương hiệu mới Petrolimex

 

PV: Thưa ông, “tái cấu trúc DNNN” đang là một cụm từ rất nóng. Với cương vị là lãnh đạo của Tập đoàn, đại diện phần vốn Nhà nước, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

CTHĐQT Bùi Ngọc Bảo: Đúng vậy! “Tái cấu trúc” tuy là vấn đề không mới nhưng “nóng” và rất được quan tâm. Đúng ra thì việc tái cấu trúc DN được thực hiện từ năm 2000 và triển khai mạnh mẽ nhất kể từ năm 2005. Và việc tái cấu trúc DNNN hiện đang được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt từ nay đến 2015. Tái cấu trúc DN, đặc biệt là DNNN đang trở thành vấn đề thời sự nóng bỏng là do các DN chưa thực sự hội nhập, chưa thực sự đối mặt trước những áp lực cạnh tranh khốc liệt của nền kinh tế thị trường, đặc biệt là trong giai đoạn khủng hoảng. Đến khi buộc phải làm để tồn tại và phát triển trong quá trình hội nhập sâu rộng với thế giới thì chắc chắn là phải tính đến “tái cấu trúc”. Tôi cho rằng, có thể nói nó nóng ngay trong nội tại của mỗi DN. Với Petrolimex chính là như vậy, đó là nhu cầu tự thân.
 
PV: Phải chăng tái cấu trúc ở Petrolimex là tất yếu thưa ông?

CTHĐQT Bùi Ngọc Bảo: Petrolimex đã có quá trình hơn 50 năm phát triển với sự đa dạng của rất nhiều ngành hàng không phải xăng dầu. Tôi nói đơn cử, những năm 1980, việc điều động và bàn giao các công ty vận tải bằng đường biển cho xăng dầu từ Bộ Giao thông sang Tổng cục, rồi từ Viện thiết kế, các công ty xây lắp về TCty… Bên cạnh hoạt động xăng dầu, từ nhiều năm nay, chúng tôi đã hình thành nhiều ngành hàng khác phục vụ hỗ trợ hoạt động kinh doanh xăng dầu. Tổng công ty Xăng dầu trở thành đơn vị hoạt động đa ngành, lấy xăng dầu làm trục chính. Qua nhiều giai đoạn, những ngành nghề, những hoạt động hỗ trợ kinh doanh xăng dầu cũng phát triển đồng đều. Xuất phát từ nhu cầu, các hoạt động khác đã tích tụ và lớn cùng hoạt động kinh doanh xăng dầu và như vậy, đòi hỏi từ nội tại DN chúng tôi cần tái cấu trúc để các ngành nghề hoạt động theo đúng chuyên môn và phát triển có hiệu quả. Đặc biệt, hoạt động vận tải, hàng hải xăng dầu của chúng tôi rất phát triển, hiện là một trong những đơn vị lớn nhất Việt Nam về lĩnh vực hàng hải xăng dầu, chiếm 10% tổng năng lực vận tải của cả nước... 

Và điều quan trọng, các hoạt động như hóa dầu, ga đã hình thành nên các DN rất lớn và qui mô phát triển như một TCty, chiếm vị trí hàng đầu ở Việt Nam. Các đơn vị này đã được cổ phần hóa (CPH) và hoạt động rất chặt chẽ do Petrolimex chi phối. 

PV: Cấu trúc lại DN nghĩa là đổi mới, sắp xếp lại một cách toàn diện cả về đầu tư, tài chính và quản trị DN. Vậy Petrolimex cấu trúc lại những lĩnh vực đó như thế nào, thưa ông? 

CTHĐQT Bùi Ngọc Bảo: Tôi khẳng định, hoạt động của Petrolimex là hoạt động đa ngành, xăng dầu làm trục chính, nhưng đa ngành này vẫn liên quan chặt chẽ đến hoạt động kinh doanh xăng dầu. Vì vậy, năm 2011, tại Quyết định số 828/QĐ-TTg ngày 30/5/2011, Chính phủ phê duyệt Đề án của Petrolimex và cho phép Petrolimex CPH tái cấu trúc để trở thành Tập đoàn đa sở hữu. Đây là giai đoạn mà Petrolimex phải tiếp tục tái cấu trúc toàn diện, nhưng phải đảm bảo việc gia tăng hiệu quả SXKD của DN. 

Chẳng hạn như các hoạt động khác không phải kinh doanh xăng dầu, Petrolimex đầu tư với qui mô lớn khoảng 30% ở tất cả các ngành nghề từ hóa dầu, ga, bảo hiểm, xây lắp, hàng hải... tạo ra qui mô rất lớn. Thời gian qua, những đầu tư này mang lại lợi nhuận cơ bản và rất lớn cho Tập đoàn, tỷ suất lợi nhuận trên vốn hàng năm đạt khoảng gần 20%. Tuy nhiên, do quá trình CPH, hoạt động này cũng được sắp xếp lại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, trên cơ sở cấu trúc lại các công ty cùng nhóm ngành nghề lại thành TCty Tập đoàn sẽ có 6 TCty, trong đó có 3 TCty thành lập mới đó là: TCty Vận tải thủy Petrolimex, TCty Xây lắp, TCty Dịch vụ xăng dầu. 

PV: Với qui mô như hiện nay, Petrolimex đã có những bước cấu trúc nguồn nhân lực như thế nào, thưa ông ?

CTHĐQT Bùi Ngọc Bảo: Nguồn nhân lực cũng là một trong những mục tiêu Petrolimex tái cấu trúc. Chắc chắn với cấu trúc hiện nay cần phải thay đổi cơ cấu lao động và đầu tư thêm công nghệ mới, dần từng bước tự động hoá, nâng cao chất lượng đội ngũ lao động. Bên cạnh đó, chúng tôi có lộ trình đào tạo, rồi tiếp nhận thêm để đáp ứng được việc tổ chức quản lý theo cơ chế thị trường, nhằm nâng cao tính cạnh tranh. Chúng tôi cho rằng, nhân lực chính là nhân tố quyết định trong mọi hoạt động và mang lại hiệu quả cho DN. 

Hiện nay, Petrolimex là DN đầu tiên đi về cuối chặng đường thực hiện chương trình phần mềm máy tính tự động hoá các tác nghiệp của đội ngũ nhân viên của doanh nghiệp (ERP). Đây là dự án huyết mạch giúp quản trị tốt nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Chỉ có công cụ như vậy mới có khả năng đảm bảo minh bạch về các mặt tài chính cũng như hoạt động đa ngành hiệu quả. 

PV: Vốn, nợ đọng là vấn đề được quan tâm nhiều nhất trong việc tái cơ cấu ở các DN, Petrolimex có những biện pháp nào để giải quyết vấn đề này?

CTHĐQT Bùi Ngọc Bảo: Điểm khó của mặt hàng xăng dầu, mặt hàng chủ lực, mặc dù có những qui định chuyển dần sang cơ chế thị trường, nhưng do liên quan mật thiết đến an sinh xã hội, chương trình mục tiêu cân đối lớn của Nhà nước, vì vậy, giá bán vẫn do Nhà nước chỉ đạo và đến nay giá vẫn chưa tiệm cận với giá thị trường. Do đó ảnh hưởng 1 phần đến tái cơ cấu của Petrolimex. 

Thực ra với cơ cấu vốn hiện nay, Petrolimex không có nợ đọng. Tình hình tài chính, nếu không nói về việc lỗ do chính sách của xăng dầu thì cơ cấu vốn tương đối phù hợp. Tôi cho rằng, nếu cứ tiếp tục kinh doanh xăng dầu như thế này, tức là giá bán thấp hơn giá nhập thì Nhà nước phải có chính sách rõ ràng hơn với mặt hàng đó cho doanh nghiệp. 

Với Petrolimex, việc tái cấu trúc là nhằm mục đích để việc kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất, chứ không phải giải quyết bất cứ tồn đọng hay yếu kém, ngoại trừ tồn tại theo kinh doanh xăng dầu. 

PV: Đã có một số tập đoàn kinh tế đầu tư ngoài ngành không hiệu quả, thậm chí thua lỗ. Petrolimex có 30% đầu tư ngoài ngành. Vậy Tập đoàn sẽ làm thế nào để việc đầu tư có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn? 

CTHĐQT Bùi Ngọc Bảo: Quan điểm của chúng tôi là dù đầu tư trong ngành hay ngoài ngành, nếu không hiệu quả thì không nên đầu tư. Thực chất, Petrolimex không có bất cứ đầu tư ngoài ngành nào không liên quan đến lĩnh vực kinh doanh chính là xăng dầu. Xăng dầu là mặt hàng rất đặc thù liên quan đến ngoại tệ, đến tính thanh khoản trong cấu trúc hoạt động xăng dầu. Vì thế, những định chế về tài chính là vô cùng cần thiết. Chúng tôi cho rằng, đầu tư là phải chấp nhận rủi ro. Nhưng mức độ rủi ro đến đâu chính là ở khả năng quản trị. Thường thì các DN đầu tư tài chính nhưng không tham gia quản trị, không định hướng. Nhưng với Petrolimex, đã đầu tư là tham gia quản lý điều hành và thường “cầm trịch” những hoạt động mang lại hiệu quả. Những ngành nghề đó dứt khoát phải đi đúng định hướng chiến lược đã phê duyệt. 

PV: IPO lần đầu của Petrolimex rất thành công, vậy Petrolimex có ý định tiếp tục phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ không, thưa ông? 

CTHĐQT Bùi Ngọc Bảo: Chúng tôi dự định trong năm nay, vì còn liên quan đến cơ cấu vốn và tài chính.Với cơ cấu vốn như hiện nay của Petrolimex là phù hợp. Tuy nhiên, do nhu cầu phát triển một số dự án trong giai đoạn 2012-2015 phải cần thêm vốn nên sẽ tiếp tục phát hành cổ phiếu và tất nhiên là phải đảm bảo theo đúng qui định của Chính phủ là giảm vốn Nhà nước còn 75% và phát hành thêm ra ngoài 25%.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!
.
.
.
.