.
.

Hướng nào cho tái cấu trúc?

Thứ Tư, 24/10/2012|07:53

 

Có một vấn đề rất quan trọng nhưng không giới hạn trong lĩnh vực kinh tế mà liên quan đến mọi mặt của xã hội. Đó là chúng ta cần một chính phủ mạnh và hiệu quả ở cả trung ương và địa phương. Một chính phủ mạnh và hiệu quả là điều kiện tối cần thiết để kinh tế phát triển nhanh và có chất lượng cao. Để củng cố bộ máy nhà nước, cần cải cách chế độ tiền lương và thực hiện việc thi tuyển quan chức. Đây là vấn đề cốt lõi của nhiều vấn đề.

Lời toà soạnThưa quí vị độc giả, dòng thời sự chủ lưu hiện nay đang tập trung vào câu chuyện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Thực tiễn phát triển đất nước hơn hai chục năm qua đã cho thấy, nếu đứng trước một bước ngoặt mới, nếu chúng ta không tiếp tục đổi mới mạnh mẽ thì không thể đưa đất nước bật lên được.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ III vừa qua khẳng định: "Một nội dung mới rất quan trọng được hội nghị trung ương lần này xem xét và quyết định là phải tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng".

Giới nghiên cứu, các nhà khoa học có uy tín trong và ngoài nước cũng đã có những phân tích về vấn đề này. Để rộng đường dư luận, Tuần Việt Nam trò chuyện với GS. Trần Văn Thọ (Đại học Wesada, Nhật Bản), tác giả của nhiều bài nghiên cứu, phân tích chất lượng về kinh tế Việt Nam, và là đồng tác giả Bản ý kiến của nhóm trí thức ở nước ngoài về việc đẩy mạnh cải cách để đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Tái cấu trúc theo hướng nào?

- Thưa giáo sư, các nhà quản lý và giới nghiên cứu trong nước gần đây bàn tán sôi nổi về vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Hội nghị Trung ương vừa qua  nhấn mạnh nhiều lần điểm này. Xin hỏi nhận định của ông về cơ cấu kinh tế hiện nay?

GS Trần Văn Thọ: Còn quá sớm để nhận định nhưng chúng tôi cho rằng Hội nghị Trung ương vừa rồi đã phát đi một số tín hiệu tích cực, cho thấy bước đầu có nhận thức chung trong giới lãnh đạo về nhu cấu cấp thiết phải cải cách toàn diện để đất nước tiếp tục phát triển.

Đó cũng là nội dung của bản ý kiến mà một số anh em trí thức đang sống và làm việc ở nước ngoài, trong đó có tôi, mới đây đã gửi tới các vị lãnh đạo Đảng và nhà nước và đã nhận được những phản hồi tích cực.

Một trong những điểm nổi bật nhất là trong khi kinh tế Việt Nam hội nhập rất sâu vào nền kinh tế thế giới, nhất là hội nhập mạnh vào khu vực Đông Á là nơi đang diễn ra cạnh tranh gay gắt, nhưng sức cạnh tranh của nền kinh tế rất yếu. Điều này phản ánh trong cơ cấu xuất nhập khẩu, trong cán cân ngoại thương ngày càng nhập siêu lớn.

Trong thời đại toàn cầu hóa và khu vực hóa, Việt Nam đã đi theo hướng hầu như mở toang cửa nền kinh tế mà không kèm theo việc thiết lập một hệ thống pháp lý cần thiết nhằm giám sát các mặt trái của nền kinh tế thị trường, và không khẩn trương phát triển sâu và rộng các ngành công nghiệp đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.

Mặt khác, cơ chế và chính sách của Việt Nam cho đến nay đã gây nên những lãng phí về nguồn lực và làm nền kinh tế kém hiệu suất, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư công, trong việc ưu đãi các tập đoàn kinh tế trong khi các tập đoàn này hầu như không cạnh tranh được trên thị trường thế giới.

Một hậu quả khác của chính sách và cơ chế hiện nay là các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn về huy động vốn, đời sống của người lao động cũng khó khăn, và xã hội không tạo đủ công ăn việc làm khiến nhiều người phải ra nước ngoài tìm việc một cách miễn cưỡng.

Giáo sư Trần Văn Thọ trong một cuộc trực tuyến với
nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển trên VietNamNet

Vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn của ta hiện nay cũng có nhiều bất cập làm cho đời sống nông dân chậm cải thiện và làm cho cả nền kinh tế phát triển thiếu cân đối. Đặc biệt chính sách phân quyền xuống địa phương đã không phát huy được sức sáng tạo và cạnh tranh để phát triển mà ngược lại, mở cửa cho nhiều người có chức có quyền ở địa phương lợi dụng cơ hội đào khoét tài nguyên đất nước để làm giàu cá nhân, kể cả việc giao đất và tài nguyên cho nước ngoài khai thác ở những nơi trọng yếu về an ninh và quốc phòng.

Luật Đất đai coi đất đai là sở hữu công, do đó dành cho chính quyền quyền thu hồi đất của bất cứ ai. Luật lại giao quyền này cho Ủy ban Nhân dân ở mọi cấp, xuống tận cấp quận, huyện, với giá do chính Ủy ban Nhân dân quyết định. Đây chính là lý do nhiều đất đai mầu mỡ của nhân dân bị thu hồi để làm khu phát triển công nghiệp, sân golf, hay xây nhà kinh doanh mà hầu hết các lĩnh vực này đều không mang lại hiệu quả. Hạ tầng nông thôn và thị trường lao động chậm cải thiện cũng cản trở việc công nghiệp hóa nông thôn và dịch chuyển lao động sang các lĩnh vực phi nông nghiệp.

Vậy theo ông, đâu là phương hướng, chiến lược cần có? Chính sách tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng phải như thế nào?

Đây là vấn đề khá rộng và lớn, ở đây chỉ xin nói đến mấy điểm chúng tôi cho là quan trọng nhất.

Nguồn lực lớn nhất của Việt Nam là con người. Chiến lược phát triển phải vì cuộc sống của đại đa số dân chúng và chủ yếu dựa vào nguồn nhân lực ngày càng có kỹ năng cao qua giáo dục và đào tạo, qua khả năng làm chủ công nghệ.

Hiện nay xuất khẩu lao động và phụ nữ muốn ra nước ngoài lập gia đình vì lý do kinh tế đang là hiện tượng làm bức xúc người dân và ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên thế giới. Chúng tôi đề nghị nhà nước đưa ra mục tiêu đến năm 2020 phải thực hiện toàn dụng lao động, không còn ai phải miễn cưỡng ra nước ngoài chỉ vì sinh kế.

Để phát triển bền vững và hướng tới toàn dụng lao động cần đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng ngày càng cạnh tranh trên thị trường quốc tế và chú trọng phát triển nông thôn. Việc xây dựng kết cấu hạ tầng phải theo hướng ấy.

Chúng tôi đề nghị hoãn kế hoạch xây dựng đường sắt cao tốc vì chưa cần thiết, tốn kém lớn và đã được chứng minh bằng các phân tích khoa học là không có hiệu quả. Thay vào đó, cần tu bổ nâng cấp đường sắt Thống Nhất, mở rộng mạng lưới đường sắt phổ thông đến vùng đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Bắc, đồng thời xây dựng đường bộ cao tốc Bắc Nam và xây dựng các tỉnh lộ, huyện lộ nối nông thôn với đường sắt và đường cao tốc này, nhất là nối nông thôn với các đô thị gần đường cao tốc. Kết cấu hạ tầng như vậy mới thúc đẩy công nghiệp hóa nông thôn.

Liên quan đến phát triển nông thôn, việc cải cách chế độ hạn điền cần được đẩy mạnh. Chế độ hộ khẩu đã được cải thiện nhiều nhưng mỗi đô thị lại có các quy chế riêng, cần cải cách theo hướng tự do hóa việc thay đổi chỗ ở hơn nữa để người dân khi đến đô thị làm việc có thể yên tâm với cuộc sống ở đó và không cần giữ lại quyền sử dụng đất ở nông thôn.

Với sự phân tán, manh mún của ruộng đất hiện nay, việc tăng năng suất nông nghiệp gặp khó khăn. Tăng năng suất nông nghiệp và công nghiệp hóa nông thôn là hai trụ cột để nâng cao mức sống của người dân ở nông thôn nói riêng và phát triển kinh tế nói chung.

Đối với hoạt động của doanh nghiệp, thị trường lao động hiện nay có vấn đề không ăn khớp giữa cung và cầu: Ở các khu công nghiệp tại các thành phố lớn bắt đầu có hiện tượng thiếu lao động, doanh nghiệp khó tuyển dụng số lao động cần thiết, mặc dù ở nông thôn vẫn còn lao động dư thừa. Nguyên nhân là do thị trường lao động chưa phát triển, cung và cầu không gặp nhau.

Một nguyên nhân nữa là chất lượng lao động (trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn, khả năng tiếp thu tri thức về hoạt động của doanh nghiệp,...) không đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Biện pháp để cung cấp lao động một cách ổn định phải bao gồm chính sách ngắn hạn (phát triển thị trường lao động) và chính sách trung dài hạn (nâng cao chất lượng lao động, tăng cường giáo dục nghề nghiệp). Chính quyền địa phương ở nông thôn cần tích cực hơn nữa trong lĩnh vực này.

Một vấn đề khác là cải cách doanh nghiệp quốc doanh trong đó có các tập đoàn. Cần đặt các doanh nghiệp đó trong khung cảnh chung của luật pháp, xóa bỏ việc để hành pháp trực tiếp lãnh đạo kinh doanh nhằm hạn chế sự thao túng của các nhóm lợi ích.

Doanh nghiệp quốc doanh dùng tiền của dân và nhằm phục vụ dân, do đó phải có tiếng nói của đại diện nhân dân. Hội đồng quản trị có đại diện của dân do các tổ chức hội chuyên nghiệp và Mặt trận Tổ quốc đề cử, có đại diện của người tiêu dùng chính do các ngành sử dụng đề cử, có các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực hoạt động doanh nghiệp do các hội chuyên gia đề cử.

Để cho doanh nghiệp nhà nước hoạt động có hiệu quả và thực sự phục vụ nhân dân thì phải có các tổ chức chỉ đạo, kiểm tra nghiêm túc. Đặc biệt, phải công khai, minh bạch trong việc cấp vốn, việc cấp và sử dụng các nguồn lực quốc gia cho các doanh nghiệp nhà nước.

Ngoài những trường hợp đặc biệt ưu tiên cho doanh nghiệp nhà nước đã được công khai, minh bạch, chính sách cần bảo đảm công bằng cơ hội, bảo đảm hiệu quả sử dụng và không phân biệt giữa các thành phần kinh tế, không phân biệt giữa các công ty, kiểm soát và hạn chế việc sử dụng lãng phí các nguồn lực quốc gia.

Trong cơ chế thị trường, những chính sách vừa nói được thực thi triệt để thì nền kinh tế sẽ tự cái cấu trúc theo hướng hiệu suất và phát triển bền vững.

Việt Nam hiện nay cũng có những cơ quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư hay Bộ Công thương nhưng quyền hạn liên quan tới vấn đề này bị phân tán, ràng buộc bởi nhiều mối quan hệ với cơ quan hay doanh nghiệp nhà nước, vì vậy thường khó có thể đề xuất được những chính sách hiệu quả, hoặc do phải cân nhắc lợi ích của quá nhiều đối tượng nên những nội dung thống nhất được cũng mang tính thỏa hiệp, chung chung.

Để giải quyết tình trạng này, chúng tôi đề nghị nhà nước cần tập trung những chuyên gia có trình độ, thành lập một bộ phận chuyên trách để xây dựng và giám sát việc thi hành chiến lược phát triển với đủ thẩm quyền và chế độ đãi ngộ thích hợp. Bộ phận này phải được đặt trên tất cả các bộ ngành liên quan tới lĩnh vực kinh tế, đứng đầu là Thủ tướng hoặc Phó thủ tướng thường trực, có những chuyên viên tài năng, có cơ chế tiếp thu ý kiến của giới doanh nhân và trí thức.

Cải cách tiền lương và thi tuyển quan chức

Trong lĩnh vực kinh tế, ngoài vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế, còn điểm gì khác mà ông thấy quan trọng?

Có một vấn đề rất quan trọng nhưng không giới hạn trong lĩnh vực kinh tế mà liên quan đến mọi mặt của xã hội. Đó là chúng ta cần một chính phủ mạnh và hiệu quả ở cả trung ương và địa phương. Một chính phủ mạnh và hiệu quả là điều kiện tối cần thiết để kinh tế phát triển nhanh và có chất lượng cao. Để củng cố bộ máy nhà nước, cần cải cách chế độ tiền lương và thực hiện việc thi tuyển quan chức. Đây là vấn đề cốt lõi của nhiều vấn đề.

Cải cách chế độ tiền lương là một việc tuy khó nhưng cấp bách và không thể trì hoãn, vì nếu không sẽ không thể giải quyết được vấn đề nào khác. Thiết nghĩ, đây là vấn đề nan giải nhưng không hẳn là không có giải pháp nếu nhà nước thực lòng quyết tâm. Trước mắt, chúng tôi đề khởi một số nội dung cải cách như sau:

Thứ nhất, hiện tượng phổ biến hiện nay là tiền lương chỉ chiếm một phần nhỏ trong thu nhập của quan chức, công chức, thầy giáo, v.v.. Do đó, trước tiên phải minh bạch hóa các nguồn thu nhập này và lần lượt đưa vào lương.

Thứ hai, cải cách thuế để tăng thu ngân sách. Đặc biệt cần đánh thuế lưu thông bất động sản, đánh thuế suất cao đối với những người sở hữu nhiều bất động sản, và đánh thuế thừa kế tài sản.

Thứ ba, tăng tỉ lệ tiền lương trong tổng thu ngân sách. Trước mắt giảm tỉ lệ đầu tư công lấy từ ngân sách, hoãn những dự án đầu tư lớn cần nhiều vốn nhưng chưa thật cần thiết..

Thứ tư, tinh giảm bộ máy công quyền ở trung ương và địa phương.

Nhà nước cần lập ngay một ban chuyên trách về cải cách tiền lương gồm các chuyên gia kinh tế, tài chính, hành chính. Ban chuyên trách này sẽ khẩn trương nghiên cứu, xem xét 4 nội dung cải cách nói trên, để trong thời gian ngắn đưa ra đề án cải cách khả thi.

Quan chức, công chức phải là những người được tuyển chọn nghiêm túc qua các kỳ thi định kỳ và cuộc sống của họ và gia đình họ phải được bảo đảm bằng tiền lương. Tiền lương cũng phải đủ sức hấp dẫn người có năng lực vào bộ máy công quyền.

Nội dung các kỳ thi tuyển cho quan chức cấp trung trở xuống cũng cần chú trọng trình độ văn hóa và sự hiểu biết về luật pháp và cơ cấu hành chánh. Quan chức cấp trung ương, cũng với nội dung ấy nhưng ở trình độ cao cấp hơn và thêm các chuyên môn cần thiết. Trình độ văn hóa và sự khó khăn phải vượt qua các cửa thi tuyển sẽ nâng cao khí khái và lòng tự trọng của quan chức, tránh hoặc giảm được tệ nạn tham nhũng.

Việc thi tuyển quan chức còn có tác dụng tạo niềm tin và động lực học tập trong giới trẻ vì ai cũng có cơ hội bình đẳng thi thố tài năng cho việc nước. Chế độ tiền lương và việc thi tuyển quan chức cần được thực hiện trong vòng 3-4 năm tới.

Xin cám ơn giáo sư!

Theo Tuần Việt Nam

 

.
.
.
.