.
.

Nghị định 99: Đáp ứng yêu cầu quản lý, kiểm tra, giám sát của chủ sở hữu và bảo đảm quyền kinh doanh theo pháp luật của DN

Thứ Hai, 19/11/2012|22:04

 

Cổng TTĐT Chính phủ đã phỏng vấn Phó Chủ nhiệm VPCP Phạm Viết Muôn, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp về Nghị định phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.


Phó Chủ nhiệm VPCP Phạm Viết Muôn, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp
Phó Chủ nhiệm VPCP Phạm Viết Muôn, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp

 

PV: Xin ông cho biết sự cần thiết của việc ban hành Nghị định 99/2012/NĐ-CP về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp?

Phó Chủ nhiệm Phạm Viết Muôn: Trước hết phải khẳng định việc tổ chức thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước không phải là vấn đề mới.

Trước đây, Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003 và Luật Doanh nghiệp năm 2005 đều đã có quy định. Để thực hiện Luật Doanh nghiệp 2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định 132/2005/NĐ-CP quy định về phân công, phân cấp thực hiện quyền của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước.

Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 86/2006/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 132. Quá trình 7 năm qua triển khai thực hiện thì thấy cũng có nhiều điểm bất cập, vướng mắc, chưa đủ rõ, thậm chí có chỗ còn sơ hở.

Vì thế, cách đây 2 năm, Chính phủ đã đặt ra vấn đề phải sửa đổi Nghị định 132 và Nghị định 86 để làm sao vừa đáp ứng được yêu cầu của thực tế đặt ra, khắc phục được những tồn tại, vừa đảm bảo quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như tăng cường quyền kiểm tra, giám sát, thanh tra của chủ sở hữu nhà nước đối với hoạt động doanh nghiệp.

Trong 2 năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng dự thảo Nghị định, Chính phủ cũng đã họp, bàn rất nhiều lần. Thủ tướng Chính phủ đã dành rất nhiều thời gian chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan để hoàn chỉnh Nghị định thay thế Nghị định cũ.

Hội nghị Trung ương 6 mới đây khi bàn về đề án tiếp tục sắp xếp đổi mới nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước đặc biệt quan tâm vấn đề chủ sở hữu. Trung ương đã yêu cầu trước mắt phải hoàn thiện việc phân công, phân cấp thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước để sao cho tốt hơn.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2012 vừa qua, Chính phủ đã xem xét lần cuối cùng, thảo luận, kết luận và ngày 15/11 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định này.

Tôi cho rằng, Nghị định 99/2012/NĐ-CP ban hành đã đáp ứng được yêu cầu của thực tế, cũng như yêu cầu quản lý giám sát đối với doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Đi liền với đó, là không làm giảm quyền chủ động kinh doanh của doanh nghiệp.

PV: Xin ông cho biết về thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với nhân sự của tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước theo Nghị định mới có gì điều chỉnh so với trước không?

Phó Chủ nhiệm Phạm Viết Muôn: Nghị quyết Trung ương 3 khóa 9 năm 2001 đã có quy định về việc bổ nhiệm chủ tịch, thành viên hội đồng quản trị và tổng giám đốc tổng công ty nhà nước; Bộ Chính trị đã có quy định về việc phân cấp trong bổ nhiệm cán bộ tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, Ban Tổ chức Trung ương cũng đã có văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Theo Nghị định 132 và 86 trước đây, quy định Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Chủ tịch và các thành viên Hội đồng thành viên của tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước do Thủ tướng quyết định thành lập.

Với Nghị định 99 vừa ban hành thì có điều chỉnh về quy định này theo đúng phân cấp của Bộ Chính trị. Thủ tướng Chính phủ chỉ bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên của các Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.

PV: Vai trò của Bộ chủ quản và địa phương trong thực hiện chức năng quản lý của chủ sở hữu nhà nước đối với các tập đoàn, tổng công ty được quy định như thế nào tại Nghị định mới, thưa ông?

Phó Chủ nhiệm Phạm Viết Muôn: Nghị định này đã phân rõ thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương. Trong đó, thẩm quyền của Chính phủ là ban hành cơ chế, quy định về chế độ bổ nhiệm, tuyển dụng, tài chính, tiền lương, thưởng, rồi trách nhiệm kiểm tra, giám sát, thanh tra tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước... Đồng thời, ban hành điều lệ của các Tập đoàn kinh tế và một số tổng công ty nhà nước gồm: Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước; Hàng không Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Lương thực miền Bắc, Lương thực miền Nam.

Còn trách nhiệm, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ đối với tập đoàn kinh tế bao gồm quyết định thành lập; quyết định vốn điều lệ; bổ nhiệm Chủ tịch hội đồng thành viên và phê duyệt chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm.

Đặc biệt, quy định rất rõ quyền, trách nhiệm của Bộ quản lý ngành là thực hiện giám sát, kiểm tra thường xuyên và thanh tra việc tập đoàn chấp hành pháp luật, quản lý sử dụng bảo toàn và phát triển vốn; việc thực hiện chiến lược, kế hoạch; việc thực hiện chế độ tuyển dụng, tiền lương, tiền thưởng của tập đoàn kinh tế Nhà nước; đánh giá thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ ngành nghề kinh doanh được giao và kết quả hoạt động, hiệu quả sản xuất kinh doanh của tập đoàn kinh tế nhà nước; đánh giá đối với Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, kiểm soát viên chuyên ngành, rồi Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng trong việc quản lý điều hành Tập đoàn kinh tế nhà nước. Nội dung này là hết sức quan trọng.

Vừa qua, chúng ta làm chưa tốt việc kiểm tra, giám sát thường xuyên. Nếu kiểm tra, giám sát thường xuyên tốt thì sẽ kịp thời phát hiện những yếu kém, lệch lạc, thậm chí những sai phạm mới manh nha ta phát hiện được ngay, khắc phục ngay. Thế nhưng ta làm không tốt việc kiểm tra, giám sát thường xuyên, để đến khi xảy ra rồi ta mới thanh tra. Bởi vậy, với tinh thần Nghị định mới này, đã giao cho anh nhiệm vụ ấy thì có cơ chế đi liền, có phương tiện, điều kiện để cho anh làm. Tương tự như vậy, có nghĩa là bây giờ những việc xảy ra ở Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước thì trước hết về trực tiếp Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc phải chịu trách nhiệm. Đồng thời, Bộ quản lý ngành, địa phương là cấp trên của chủ sở hữu trực tiếp, phải chịu trách nhiệm, phải trả lời.

Anh kiểm tra, giám sát thường xuyên làm sao mà anh lại không phát hiện ra người ta đầu tư không đúng, phát triển dự án đầu tư mà lại không theo quy hoạch, không theo chiến lược,… Thường xuyên làm tốt thì phải phát hiện ra.

Bởi vậy bây giờ chúng ta giao nhiệm vụ rõ ràng, mạch lạc thì chúng ta hy vọng thực hiện sẽ tốt hơn.

PV:  Thưa ông, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ nhận được câu hỏi là: Sau khi Nghị định 99/2012/NĐ-CP được ban hành thì số lượng các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp quản lý có thay đổi không?Xin chuyển đến ông.

Phó Chủ nhiệm Phạm Viết Muôn: Trước hết, tôi phải nói rõ rằng không có một doanh nghiệp nhà nước nào Thủ tướng Chính phủ trực tiếp quản lý.

Lâu nay truyền thông cứ nói là doanh nghiệp trực thuộc Thủ tướng. Tôi cần nói rõ là chưa bao giờ chúng ta có quy định là Tập đoàn kinh tế hay Tổng công ty nhà nước trực thuộc Thủ tướng Chính phủ cả. Mà quy định của chúng ta là đối với tập đoàn, đối với tổng công ty nhà nước thì Thủ tướng thực hiện quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ gì. Cụ thể thì trên tôi đã nói rồi.

Trở lại vấn đề của bạn đọc quan tâm, nghĩa là bây giờ còn bao nhiêu tập đoàn và tổng công ty nhà nước mà Thủ tướng Chính phủ thực hiện các quyền như nêu trên. Đối với các tập đoàn kinh tế, tôi xin nói rõ rằng không phải do Nghị định 99 này còn bao nhiêu tập đoàn. Mà khi tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tổng kết thí điểm mô hình tập đoàn, chúng ta đã thấy được là trong 11 tập đoàn thí điểm thì cho đến nay có 8 tập đoàn đạt được mục tiêu đề ra và hoạt động tốt.

Còn Vinashin thua lỗ nặng nề, vi phạm nghiêm trọng pháp luật, đang tái cơ cấu theo kết luận của Bộ Chính trị, Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam và Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam do không đạt mục tiêu đề ra thì đã được tổ chức lại thành tổng công ty trực thuộc Bộ Xây dựng rồi.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Chinhphu.vn

.
.
.
.