Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam
Tái cơ cấu Vinacomin hướng tới mục tiêu bảo đảm, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển bền vững của Vinacomin đi đôi với bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
Ngành nghề kinh doanh chính của Vinacomin là công nghiệp than; công nghiệp khoáng sản – luyện kim; vật liệu nổ công nghiệp; công nghiệp điện.
Đồng thời, Tập đoàn còn được kinh doanh trong một số lĩnh vực có liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính như: công nghiệp cơ khí; công nghiệp hóa chất và vật liệu xây dựng; quản lý, khai thác cảng; vận tải, kho bãi; xây dựng công trình mỏ, dân dụng, công nghiệp, giao thông; thăm dò khảo sát địa chất; tư vấn khoa học công nghệ và đầu tư; giám định hàng hóa; đào tạo; y tế.
Về cơ cấu tổ chức, bao gồm: Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Công ty mẹ có 16 đơn vị phụ thuộc.
Trong giai đoạn 2012-2015 đề án dự kiến chuyển 10 doanh nghiệp thành đơn vị phụ thuộc công ty mẹ. Đồng thời, duy trì 5 doanh nghiệp do Vinacomin nắm giữ 100% vốn điều lệ; 9 doanh nghiệp Vinacomin năm giữ từ 65- 75% vốn điều lệ; 11 doanh nghiệp Vinacomin nắm giữ từ 50-65% vốn điều lệ và 11 doanh nghiệp nắm giữ không quá 50% vốn điều lệ.
Giải thể 2 công ty, phá sản 1 công ty
Cũng theo Đề án này, sẽ có 2 doanh nghiệp bị giải thể là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHHMTV) than Đồng Vông và Công ty TNHHMTV Đá quý Việt – Nhật; 01 công ty phá sản là Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Ninh – Vinacomin.
Song song sẽ tiến hành sáp nhập Công ty TNHHMTV Địa chất Việt Bắc – Vinacomin vào Công ty TNHHMTV Địa chất mỏ - Vinacomin. Và tiến hành hợp nhất Trường Cao đẳng nghề Mỏ Hữu Nghị - Vinacomin, Trường Cao đẳng nghề mỏ Hồng Cẩm – Vinacomin, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Việt Bắc – Vinacomin thành trường Cao đẳng nghề Mỏ - Vinacomin.
Thoái hết vốn tại 9 doanh nghiệp
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu thoái hết vốn của Vinacomin tại 9 doanh nghiệp: Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm SHB – Vinacomin; Công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không; Công ty TNHH Tài chính Than – Khoáng sản Việt Nam; Ngân hàng thương mại cổ phần Sài gòn – Hà Nội; Công ty cổ phần Chứng khoán SHS; Công ty cổ phần đầu tư Phát triển khu Kinh tế Hải Hà; Công ty liên doanh Quản lý quỹ đầu tư BIDV – VN Partners; Công ty TNHHMTV Đầu tư phát triển Nhà và Hạ tầng – Vinacomin; Công ty cổ phần Bóng đá Việt Nam.
Mặt khác yêu cầu tái cấu trúc doanh nghiệp cũng cần tập trung vào các nội dung như: Sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy chế quản lý nội bộ; sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành; tăng cường công tác kiểm soát nội bộ; tăng cường trách nhiệm, quyền hạn và chỉ đạo của Vinacomin đối với người đại diện vốn của Vinacomintại doanh nghiệp khác,…
Trần Mạnh
Theo Chinhphu.vn