Vinacafé với thương hiệu quốc gia
Tổng Công ty Cà phê Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 251/TTg ngày 29/4/1995 của Thủ tướng Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn Điều lệ tổ chức và hoạt động tại Quyết định số 04/2008/QĐ-TTg ngày 09/01/2008.
Công ty mẹ - Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (sau đây gọi là Tổng Công ty Cà phê Việt Nam) đựoc thành lập theo Quyết định số 1737/QĐ-TTg ngày 29/10/2009 trên cơ sở tổ chức lại Văn phòng Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, Công ty Cà phê 719, Công ty Cà phê Buôn Hồ, Công ty Cà phê Iasao, Công ty Cà phê Đắc Uy, các đơn vị hạch toán phụ thuộc, đơn vị sự nghiệp và các chi nhánh.
Ngày 25/6/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 980/QĐ-TTg về việc chuyển Công ty mẹ- Tổng Công ty Cà phê Việt Nam thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Ngày 31/3/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 475/QĐ-TTg phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng Công ty Cà phê Việt Nam.
Loại hình doanh nghiệp của Tổng Công ty Cà phê Việt Nam là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Tổng Công ty Cà phê Việt Nam có các đơn vị đặt trên địa bàn 15 tỉnh, thành phố trong nước và 1 đơn vị hoạt động tại Lào. Địa bàn trong nước chủ yếu vùng Tây Nguyên. Trong những năm qua Tổng Công ty đã có nhiều đóng góp quan trọng phát triển KT-XH trong vùng.
Tổng Công ty có hệ thống hoàn chỉnh các đơn vị từ sản xuất cà phê, ca cao, lúa nước, mía đường, tiêu có năng suất cao, chất lượng tốt, có hệ thống các công ty kinh doanh xuất nhập khẩu, các nhà máy chế biến cà phê từ nguyên liệu đến thành phẩm cuối cùng phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tổng Công ty là nhà cung cấp hàng đầu của Việt Nam về cà phê nhân - chiếm 30% thị phần xuất khẩu cà phê nhân cả nước. Tổng Công ty còn có hệ thống các Trung tâm Thương mại dịch vụ VINACAFE trong các vùng sản xuất, tiêu thụ cà phê lớn, các đô thị lớn trong cả nước nhằm thúc đẩy thương mại và quảng bá thương hiệu VINACAFE.
Ngành, nghề kinh doanh của Vinacafe gồm:
Ngành, nghề kinh doanh chính:
- Trồng, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu cà phê, hồ tiêu, điều, cao su, lương thực, nông sản và các loại cây công nghiệp khác;
- Công nghiệp chế biến: cà phê, chè, cao su, ca cao, tiêu, điều, đường, mật, nông sản, thực phẩm….
Ngành, nghề kinh doanh có liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính:
- Sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón, giống cây trồng, vật tư, máy móc thiết bị chế biến cà phê phục vụ trong nước và xuất khẩu.
- Đào tạo, chuyển giao kỹ thuật liên quan đến trồng, sản xuất, chế biến cà phê và các hàng hoá nông, lâm, thuỷ, hải sản;
- Kinh doanh: kho bãi; vận tải hàng hóa, hành khách; dịch vụ lữ hành nội địa, quốc tế; khách sạn, dịch vụ ăn uống; các thiết bị vận tải.
- Đầu tư tài chính vào các công ty khác hoạt động theo quy định của pháp luật.
- Kinh doanh các ngành, nghề khác theo quy định của pháp luật và quyết định của Thủ tướng Chính phủ.