.
.

Khai thông nguồn vốn cho nông nghiệp

Thứ Bảy, 26/11/2011|21:10

 Năm 2011, ngành nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá, góp phần tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, nguồn vốn thu hút đầu tư vào ngành này gặp nhiều khó khăn.

 

Năm 2011, nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá, góp phần tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Tại diễn đàn doanh nghiệp nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  tổ chức diễn ra ngay cuối tháng 3/2011, nhiều doanh nghiệp đã nêu khó khăn về vấn đề tiếp cận vốn.

 

Ông Nguyễn Hữu Điệp, Trưởng ban đổi mới doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thừa nhận, hiện trên 90% các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có vốn dưới 10 tỷ đồng. Do quy mô vốn nhỏ nên nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, đặc điểm sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp chịu nhiều rủi ro do điều kiện tự nhiên, thị trường... nên các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp khó thu hút vốn đầu tư so với các lĩnh vực khác.

Trên lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài, cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguồn FDI đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ lệ rất ít và có xu hướng giảm dần, từ 8% trong tổng cơ cấu FDI của cả nước năm 2001 xuống chỉ còn 1% năm 2010. Còn tính chung từ 1990 đến 2010, vốn FDI vào ngành chỉ đạt 4,3 tỷ USD (chiếm 2,3%), tức 215 triệu USD mỗi năm.

Thực tế, việc thu hút ODA, FDI càng khó khăn hơn do ảnh hưởng từ kinh tế thế giới. Trong năm 2011 này, ngành nông nghiệp chỉ đặt ra mục tiêu thu hút được khoảng 50 triệu USD vốn FDI. Trong 6 tháng đầu năm, cũng chỉ có 16 dự án ODA trong nông nghiệp được phê duyệt với số vốn tương đương khoảng 250 triệu USD, chỉ bằng một nửa so với năm 2010.

Trước thực tế này, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp, chính sách nhằm thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước đầu tư vào nông nghiệp.

PPP - Giải pháp cho nguồn vốn ngoại

 

Riêng trên lĩnh vực xuất khẩu, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 10 tháng qua, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đã đạt 20,8 tỷ USD, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm 2010 và chiếm 1/4 kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Mới đây, 12 tập đoàn quốc tế lớn tham gia Nhóm công tác PPP nông nghiệp đã chính thức triển khai đầu tư 5 dự án. Đây được xem như một bước tiến mới trong đầu tư nông nghiệp của Việt Nam, dù kết quả đạt được còn khiêm tốn.

 

Trong Dự án Nâng cao năng suất cây trồng và chất lượng trái cây, rau, Công ty Pepsico Việt Nam và Công ty Syngenta Việt Nam (Tập đoàn Syngenta, Thụy Sỹ) đã nhập khẩu và hướng dẫn nông dân trồng thử nghiệm 4 giống khoai tây mới. Theo cam kết của Pepsico, mỗi tháng, họ sẽ thu mua 5.000 tấn khoai tây từ nông dân để chế biến các sản phẩm khoai tây chiên. Với dự án này, lãnh đạo Pepsico Việt Nam hy vọng, sẽ nâng công suất chế biến khoai tây ở Việt Nam lên 20.000 tấn/tháng.

Ngoài ra, các chương trình đào tạo nông dân nuôi trồng thủy sản tốt, dự án nâng cao chất lượng cà phê, dự án trồng ngô, đậu tương biến đổi gen,  dự án cải thiện chất lượng, hình ảnh chè cũng đang được triển khai.

Ông Trần Văn Công, Trưởng phòng Hội nhập và Đầu tư (Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện số vốn đầu tư vào các dự án này chưa nhiều. Chẳng hạn, đối với dự án cà phê, các doanh nghiệp mới đầu tư khoảng 200.000 USD.

Tuy nhiên, sự vào cuộc của các doanh nghiệp FDI đã thu hút được nhiều nguồn vốn khác. Ở giai đoạn đầu thí điểm, Nhà nước cũng chưa rót vốn trực tiếp, mà chỉ hỗ trợ về chính sách, kỹ thuật, nhân lực…, nhất là thông qua cơ chế về tín dụng. Nếu các dự án thí điểm này thành công, vốn của khu vực tư nhân và vốn FDI sẽ đổ vào nông nghiệp.

Cho tới nay, ngoài 12 tập đoàn quốc tế lớn tham gia Nhóm công tác PPP nông nghiệp, đã có thêm nhiều doanh nghiệp FDI khác đăng ký tham gia. Tại cuộc họp liên ngành mới đây về kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp năm 2012 và giai đoạn 2011-2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tập trung chỉ đạo xem xét, có cơ chế đối với các dự án có khả năng kêu gọi các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư theo hình thức PPP.

Động thái mạnh mẽ từ phía ngân hàng

Cũng nhằm thu hút mạnh mẽ hơn nữa nguồn vốn đầu tư vào nông nghiệp, mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã một lần nữa khẳng định chính sách tín dụng năm 2012 và những năm tiếp theo sẽ ưu tiên hàng đầu cho nông nghiệp, nông thôn.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước sẽ có những biện pháp cụ thể để triển khai định hướng này. Với các ngân hàng hoạt động tích cực, có thể có ưu tiên về mức dự trữ bắt buộc, hoặc sẽ dành một phần tiền cung ứng cho tái cấp vốn để các tổ chức tín dụng cho vay lĩnh vực này.

Ngân hàng Nhà nước sẽ giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có dư nợ tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn của năm 2012 chiếm từ 75 – 80% tổng dư nợ. Các tổ chức tín dụng khác ít nhất phải có dư nợ tương ứng với khoảng 20% tổng dư nợ của mình để phục vụ cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.

Những tổ chức tín dụng nào không có điều kiện đầu tư ở lĩnh vực nông nghiệp nông thôn thì có thể chuyển số vốn tương ứng về cho Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cho vay lĩnh vực này.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng cho biết, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn ngoài vấn đề lợi nhuận, còn có ý nghĩa xã hội rất lớn vì giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn. Bởi vậy, cùng với nỗ lực đưa ra chính sách ưu đãi doanh nghiệp, các cấp chính quyền cần đặc biệt quan tâm chỉ đạo quyết liệt trong quá trình triển khai các chính sách, để kịp thời gỡ khó cho doanh nghiệp. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần năng động hơn nữa trong chiến lược sản xuất kinh doanh.

Theo Chính Phủ

.
.
.
.