.
.

Gỡ vướng trong thực hiện quy định doanh nghiệp tự in hóa đơn

Thứ Sáu, 30/12/2011|22:11

 

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã đồng ý với những kiến nghị của Bộ Tài chính về tình hình triển khai thực hiện Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

Ảnh minh họa

Theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP từ ngày 1/1/2011 doanh nghiệp được trao quyền tự chủ trong việc tự in, đặt in hóa đơn.

Trao đổi với Vụ Kinh tế tổng hợp, Văn phòng Chính phủ cho biết, tính đến hết tháng 11/2011, trên địa bàn cả nước đã có 413.935 doanh nghiệp đã tự in, đặt in hóa đơn hoặc đã đăng ký sử dụng hóa đơn tự in, đặt in (trong đó có 222.713 doanh nghiệp đã chuyển sang tự in và đặt in hóa đơn từ ngày 1/1/2011; 191.222 doanh nghiệp siêu nhỏ đã ký hợp đồng đặt in hóa đơn hoặc đăng ký áp dụng hóa đơn tự in để có hóa đơn sử dụng từ ngày 1/1/2012).

So với 10.900 doanh nghiệp sử dụng hóa đơn tự in (đặt in) trước năm 2011 thì nay số lượng doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn tự in và số lượng doanh nghiệp chuẩn bị sử dụng hóa đơn đặt in đặt in, tự in từ ngày 1/1/2012 đã tăng lên hơn 40 lần.

Hiện trên địa bàn cả nước chỉ còn 1.963 doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp ở tại địa bàn kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn đang thực hiện mua hóa đơn của cơ quan thuế.

Tháo gỡ khó khăn trong việc sử dụng hóa đơn tự in

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, Bộ Tài chính cho biết cũng còn một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc khuyến khích sử dụng hóa đơn tự in và xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể:

Về điều kiện sử dụng hóa đơn tự in, đối với các doanh nghiệp có mức vốn điều lệ dưới quy định của Bộ Tài chính (hiện nay là 1 tỷ đồng) thì một trong những điều kiện để sử dụng hóa tự in là doanh nghiệp phải có phần mềm bán hàng hóa, dịch vụ gắn liền với phần mềm kế toán, đảm bảo việc in và lập hóa đơn chỉ được thực hiện khi nghiệp vụ kế toán phát sinh.

Hình thức hóa đơn tự in trực tiếp từ máy tính tiền, máy vi tính đã được áp dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, quá trình triển khai áp dụng, nhiều doanh nghiệp phản ánh quy định phầm mềm bán hàng hóa, dịch vụ gắn liền với phần mềm kế toán để chuyển dữ liệu ngay lập tức khi bán hàng hóa về phần mềm kế toán là khó thực hiện, các doanh nghiệp chỉ có thể kết chuyển định kỳ dữ liệu từ phần mềm bán hàng hóa (phần mềm in hóa đơn) vào phần mềm kế toán.

Do đó, để khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp sử dụng hóa đơn tự in, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ cho phép Bộ Tài chính hướng dẫn: đối với các doanh nghiệp trên, được sử dụng phần mềm tự in hóa đơn đảm bảo định kỳ hàng tháng dữ liệu từ phầm mềm tự in hóa đơn phải được chuyển vào sổ kế toán để hạch toán doanh thu trước khi người nộp thuế nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng cho cơ quan thuế.

Trường hợp doanh nghiệp có hành vi vi phạm không kết chuyển đủ dữ liệu bán hàng từ phần mềm tự in hóa đơn vào sổ kế toán để khai thuế thì doanh nghiệp sẽ bị xử phạt theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Đối với việc chậm nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong năm đầu thực hiện Nghị định 51/2011/NĐ-CP, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ cho phép, trường hợp tổ chức, cá nhân nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn trong thời gian 10 ngày kể từ ngày hết hạn nộp thì không bị xử phạt, trường hợp nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn sau 10 ngày kể từ ngày hết hạn thì bị phạt ở mức phạt tối thiểu của khung hình phạt quy định tại Khoản 3 Điều 33 Nghị định 51/2011/NĐ-CP.

Về việc sử dụng hóa đơn trước khi Thông báo phát hành hóa đơn và sử dụng hóa đơn của Bộ Tài chính sau ngày 1/4/2011, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ cho phép Bộ Tài chính hướng dẫn:

Trường hợp trong năm 2011 người bán lập hóa đơn giao cho khách hàng trong thời hạn 10 ngày trước khi gửi Thông báo phát hành hóa đơn cho cơ quan thuế hoặc trường hợp người bán sử dụng hóa đơn của Bộ Tài chính giao cho người mua sau ngày 1/4/2011, nếu hóa đơn có gắn với nghiệp vụ kinh tế phát sinh, có chứng từ thanh toán và người bán đã kê khai đầy đủ thuế giá trị gia tăng đầu ra tại các Tờ khai thuế giá trị gia tăng thì người bán bị xử phạt ở mức phạt tối thiểu của khung tiền phạt theo quy định tại Khoản 2 Điều 32 Nghị định 51/2010/NĐ-CP (người bán bị phạt tiền 4.000.000đ). Người mua là cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương án khấu trừ được căn cứ hóa đơn của người bán lập giao cho để kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng và hạch toán chi phí vì người bán đã kê khai nộp thuế.

Sau khi bị xử phạt, người bán là cơ sở kinh doanh phải thực hiện Thông báo phát hành hóa đơn theo quy định, tại Thông báo phát hành hóa đơn phải liệt kê rõ số lượng hóa đơn đã sử dụng trước khi Thông báo phát hành.

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã đồng ý với những kiến nghị trên của Bộ Tài chính và giao Bộ Tài chính hướng dẫn, xử lý cụ thể.

Trường hợp các doanh nghiệp nhỏ, điều kiện hạch toán khó khăn, sử dụng hóa đơn số lượng ít, việc tự in hóa đơn khó khăn, chi phí tốn kém, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu tiếp tục bán hóa đơn cho doanh nghiệp theo yêu cầu của các doanh nghiệp. Trường hợp cần phải sửa cơ chế thì Bộ Tài chính đề xuất cụ thể.

Trung Đức

Theo Chinh Phu

.
.
.
.