.
.

Sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam và Tập đoàn Dệt May Việt Nam

Thứ Năm, 12/01/2012|21:53

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tập đoàn Dệt May Việt Nam giai đoạn 2011-2015.

Cụ thể, đối với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt NamThủ tướng Chính phủ cho phép duy trì doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đối với 3 Công ty mẹ - Tổng Công ty: Công nghiệp Hóa chất mỏ - Vinacomin, Đông Bắc, Công nghiệp mỏ Việt Bắc - Vinacomin và 10 Công ty TNHH một thành viên: Than Mạo Khê - Vinacomin, Than Nam Mẫu - Vinacomin, Than Uông Bí - Vinacomin, Than Hòn Gai - Vinacomin, Than Hạ Long - Vinacomin, Than Dương Huy - Vinacomin, Than Quang Hanh - Vinacomin, Than Thống Nhất - Vinacomin, Than Khe Chàm - Vinacomin, Hoa tiêu hàng hải - Vinacomin.

Đồng thời, thực hiện cổ phần hóa, Nhà nước giữ 65% vốn điều lệ đối với Công ty mẹ - Tổng công ty Điện lực - Vinacomin, Công ty mẹ - Tổng công ty Khoáng sản - Vinacomin và Công ty TNHH một thành viên Nhôm Lâm Đồng - Vinacomin.

Thực hiện cổ phần hóa, nhà nước giữ trên 50% vốn điều lệ đối với 8 Công ty TNHH một thành viên: Cơ khí đóng tàu - Vinacomin, Địa chất mỏ - Vinacomin, Địa chất Việt Bắc - Vinacomin, Tài chính Than - Khoáng sản Việt Nam, Vật tư, vận tải và xếp dỡ - Vinacomin, Đầu tư phát triển nhà và hạ tầng - Vinacomin, Môi trường - Vinacomin, Kim loại màu Thái Nguyên (trực thuộc Công ty mẹ - Tổng công ty Khoáng sản - Vinacomin).

Công ty Phát triển Công nghệ và Thiết bị Mỏ được chuyển thành công ty TNHH một thành viên.

Thủ tướng Chính phủ giao Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam có trách nhiệm thực hiện sắp xếp các doanh nghiệp trên theo quy định hiện hành; có kế hoạch, lộ trình thoái vốn đã đầu tư vào các lĩnh vực ngoài ngành, nghề kinh doanh chính, đặc biệt là chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm.

Đối với Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Thủ tướng cho phép duy trì doanh nghiệp do Tập đoàn nắm giữ 100% vốn đối với 5 Công ty TNHH một thành viên: 8-3, Dệt kim Đông Xuân, Dệt kim Đông Phương, Thương mại Thời trang Dệt May Việt Nam, Nhuộm và hoàn tất Vinatex.

Hội đồng thành viên Tập đoàn Dệt May Việt Nam thực hiện cổ phần hóa Công ty mẹ - Tập đoàn Dệt May Việt Nam theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 6524/VPCP-ĐMDN ngày 20/9/2011 của Văn phòng Chính phủ; thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hóa mà Tập đoàn không cần nắm giữ cổ phần chi phối; sắp xếp các viện, trường trực thuộc Tập đoàn theo hướng thu gọn đầu mối, phù hợp với định hướng phát triển của Tập đoàn Dệt May Việt Nam.

Cổng Thông tin điện tử Chính Phủ

.
.
.
.