Thủ tướng phê duyệt quy hoạch thủy lợi 11 tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng
Cụ thể, phạm vi thực hiện gồm 11 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình với tổng diện tích tự nhiên khoảng 2,1 triệu ha, dân số khoảng 19,8 triệu người.
Quy hoạch cũng đặt mục tiêu, đảm bảo nguồn cấp nước sinh hoạt cho dân cư vùng đồng bằng sông Hồng (với quy mô dân số vào năm 2050 dự kiến khoảng 30 triệu người), đáp ứng nhu cầu nước cho công nghiệp, môi trường, du lịch, dịch vụ… |
Quy hoạch sẽ đề xuất các giải pháp tổng thể thủy lợi nhằm chủ động phòng, chống lũ, chống ngập, ổn định và phát triển sản xuất, đảm bảo an toàn cho nhân dân (đặc biệt là thủ đô Hà Nội), thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu - nước biển dâng, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Quy hoạch cũng đặt mục tiêu, đảm bảo nguồn cấp nước sinh hoạt cho dân cư vùng đồng bằng sông Hồng (với quy mô dân số vào năm 2050 dự kiến khoảng 30 triệu người), đáp ứng nhu cầu nước cho công nghiệp, môi trường, du lịch, dịch vụ…
Cùng với đó, nâng cấp, từng bước hoàn thiện hệ thống thủy lợi, đảm bảo chủ động cấp nước, tiêu thoát nước cho 1,3 triệu ha diện tích đất trồng lúa vùng đồng bằng sông Hồng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, chủ động nguồn nước đảm bảo thời vụ; cung cấp nước ngọt, nước mặn ổn định và bền vững cho khoảng 124.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ và nước ngọt.
Theo Quyết định, Quy hoạch được thực hiện qua 3 giai đoạn. Giai đoạn từ 2012-2015, nạo vét các trục kênh tưới, tiêu chính đảm bảo yêu cầu tưới, tiêu; nâng cấp tuyến đê biển Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, các tuyến đê sông hữu Hồng, tả Hồng; sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa nước, nhất là các hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ; sửa chữa, nâng cấp các trạm bơm lớn, cống lớn như: Cống Cầu Xe, cống và trạm bơm Liên Mạc...
Giai đoạn từ 2016-2020, tiếp tục đầu tư nâng cấp các tuyến đê biển thuộc Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Ninh Bình, các tuyến đê sông hữu Hồng, tả Hồng, sông Ninh Cơ, sông Thái Bình, sông Kinh Thày; tiếp tục thực hiện dự án củng cố đê, cải tạo sông Đáy, xây dựng các tuyến thoát lũ…
Sau năm 2020, sẽ triển khai các công trình còn lại của quy hoạch trên cơ sở điều chỉnh bổ sung nhiệm vụ, mục tiêu, quy mô công trình cho phù hợp thực tế phát triển kinh tế xã hội của các địa phương trong vùng.
Tổng kinh phí dự kiến để thực hiện Quy hoạch khoảng 142.450 tỷ đồng.
Theo Chinhphu.vn