.
.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần

Thứ Ba, 11/12/2012|13:56

Bảo đảm cân đối cung, cầu hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán; tăng mức lương tối thiểu vùng từ 1/1/2013; Đề án Tái cấu trúc thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm... là những thông tin văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần từ 3-7/12/2012.

Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 11/2012


Bảo đảm cân đối cung, cầu hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán
Bảo đảm cân đối cung, cầu hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán

 

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2012, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương bảo đảm cân đối cung, cầu hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán; tăng cường công tác quản lý thị trường, điều hành và bình ổn giá vào những tháng cuối năm 2012. Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ pháo nổ, hàng hóa nhập khẩu không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ nhận định, việc ban hành Nghị định số 71/2012/NĐ-CP là đúng quy trình, thủ tục về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; quy định việc xử phạt đối với hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện là cần thiết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cũng như việc quản lý chặt chẽ các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo quy định của Luật Giao thông đường bộ.

Tuy vậy, việc triển khai thực hiện chưa đúng với nội dung quy định trong Nghị định; công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện việc xử phạt đối với hành vi này chưa được chú trọng, cần rút kinh nghiệm và điều chỉnh cho phù hợp.

Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương ban hàng Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 71/2012/NĐ-CP và đăng ký, cấp biển số xe theo hướng giảm quy trình, thủ tục, điều kiện về đăng ký, sang tên, chuyển quyền sở hữu và cấp biển số xe, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc sang tên đổi chủ, kể cả đối với phương tiện đã qua mua bán nhiều lần.

Chính phủ ban hành chương trình hành động phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” giai đoạn 2012 – 2016.

Chính phủ xác định các nhiệm vụ chủ yếu trong công tác phòng chống tham nhũng là thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là trong việc hoạch định chính sách, xây dựng, thực hiện pháp luật và ban hành văn bản hành chính cá biệt, tập trung vào những lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng; bổ sung quy định cụ thể về công khai, minh bạch trong hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giải phóng mặt bằng, giá bồi thường khi thu hồi đất,…

Đồng thời, hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, thực hiện nghiêm cơ chế, chính sách về công tác tổ chức, cán bộ, nâng cao chất lượng thực thi công vụ. Hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội, xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng, minh bạch. Cũng như tiếp tục hoàn thiện thể chế và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử.

Tăng mức lương tối thiểu vùng từ 1/1/2013

Theo Nghị định 103/2012/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động, thay thế Nghị định 70/2011/NĐ-CP ngày 22/8/2011, từ ngày 1/1/2013 sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ 1.650.000 đến 2.350.000 đồng/tháng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động.

Đối tượng áp dụng bao gồm doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam); Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động; Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này).

Mức lương tối thiểu sẽ bắt đầu áp dụng từ ngày 1/1/2013 tới đây chia theo 4 vùng I, II, III, IV và cao hơn mức lương hiện nay khoảng từ 250.000 - 350.000 đồng/tháng.

Đề án Tái cấu trúc thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm

Quyết định số 1826/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "tái cấu trúc thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm" nêu rõ, quan điểm tái cấu trúc thị trường chứng khoán và các doanh nghiệp bảo hiểm phải được thực hiện một cách đồng bộ, toàn diện, bao gồm: tái cấu trúc cơ sở hàng hóa và sản phẩm dịch vụ; tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư; tái cấu trúc hệ thống các tổ chức kinh doanh chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm và tái cấu trúc tổ chức thị trường.

Một trong các giải pháp nhằm tái cấu trúc tổ chức kinh doanh chứng khoán là phân loại các tổ chức kinh doanh chứng khoán theo 4 nhóm trên cơ sở mức độ rủi ro đối với thị trường để có biện pháp xử lý thích hợp, gồm: nhóm hoạt động lành mạnh; nhóm hoạt động bình thường; nhóm bị kiểm soát; nhóm bị kiểm soát đặc biệt.

Về tái cấu trúc các doanh nghiệp bảo hiểm, cũng sẽ phân loại các doanh nghiệp bảo hiểm theo 4 nhóm, cụ thể: (i) Nhóm 1 gồm các doanh nghiệp bảo hiểm đảm bảo khả năng thanh toán, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc có lãi từ 2 năm liên tục trở lên; (ii) Nhóm 2 gồm các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đảm bảo khả năng thanh toán và hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc không có lãi trong 2 năm liên tục; (iii) Nhóm 3 gồm các doanh nghiệp bảo hiểm có nguy cơ không đảm bảo khả năng thanh toán; (iv) Nhóm 4 gồm các doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt.

Thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị nhà máy nhiệt điện

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện được xây dựng và đưa vào vận hành giai đoạn 2012 - 2025.

3 dự án nhà máy nhiệt điện áp dụng cơ chế này là: Sông Hậu 1, Quảng Trạch 1 và Quỳnh Lập 1. Việc áp dụng Cơ chế này (bao gồm cả mở rộng danh mục thiết bị đã chế tạo trong nước) cho các dự án nhiệt điện khác tiếp theo do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Mục tiêu chung là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước từng bước nâng cao năng lực, tiến tới làm chủ công nghệ thiết kế và chế tạo thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp cơ khí trong nước.

Kế hoạch hành động về xây dựng gia đình thời kỳ CNH-HĐH đất nước

Chính phủ đã có Nghị quyết ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện thông báo Kết luận số 26-TB/TW ngày 9/5/2011 của Ban Bí thư về việc sơ kết Chỉ thị số 49 – CT/TW ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư (khóa IX) về “xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Một trong các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu mà Kế hoạch đề ra là tăng cường công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng về tầm quan trọng, vị trí, vai trò của gia đình và xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước.

Theo đó, UBND các cấp sẽ chỉ đạo việc thực hiện tuyên truyền sâu rộng chính sách, pháp luật về gia đình và xây dựng gia đình trong nhân dân, đặc biệt ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp, khu chế xuất, các địa bàn có tỷ lệ bạo lực gia đình cao.

Để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đánh giá tình hình thực hiện Luật phòng, chống bạo lực gia đình và tình hình thực hiện bình đẳng trong gia đình; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về gia đình và công tác gia đình.

Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tăng cường hỗ trợ gia đình thực hiện các chức năng của gia đình; thực hiện các chính sách, chương trình an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình. Cũng như tạo điều kiện để gia đình chăm sóc, giáo dục trẻ em và chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi, phát huy vai trò người cao tuổi.

Chính sách vay vốn sản xuất với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg ban hành chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 – 2015, thay thế các Quyết định 32/2007/QĐ-TTg và 126/2008/QĐ-TTg.

Đối tượng được vay vốn là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số (kể cả các hộ có vợ hoặc chồng là người dân tộc thiểu số) sống ở các xã (phường, thị trấn) thuộc vùng khó khăn quy định tại Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 5/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ, có mức thu nhập bình quân đầu người hàng tháng từ 50% trở xuống so với chuẩn hộ nghèo theo quy định hiện hành; có phương án sản xuất nhưng thiếu hoặc không có vốn sản xuất.

Các hộ đủ điều kiện có thể vay vốn một hoặc nhiều lần với tổng mức vay không quá 8 triệu đồng/hộ mà không phải dùng tài sản để bảo đảm tiền vay và được miễn lệ phí làm thủ tục hành chính trong việc vay vốn. Lãi suất cho vay bằng 0,1%/tháng, tương ứng với 1,2%/năm. Thời hạn cho vay được căn cứ vào chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của hộ vay nhưng tối đa không quá 5 năm.

Sơ kết 1 tháng ngăn chặn gà nhập lậu

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, UBND thành phố Hà Nội sẽ chủ trì chuẩn bị tổ chức Hội nghị sơ kết 1 tháng thực hiện phương án ngăn chặn việc kinh doanh gà nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội. Hội nghị sơ kết trên dự kiến diễn ra vào ngày 13/12/2012.

Đồng thời, Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thành Đề án ngăn chặn gà không rõ nguồn gốc, có nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm, nhập lậu vào Việt Nam theo đúng tiến độ được giao, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trước ngày 12/12/2012 để công bố vào ngày 13/12 tới.

Theo Chinhphu.vn

 

.
.
.
.