.
.

Thông tin mới về nhà ở xã hội

Thứ Ba, 11/12/2012|13:55

Người mua nhà ở xã hội được phép bán lại sau khi trả hết tiền theo hợp đồng đã ký kết và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai, nhưng phải bảo đảm thời gian tối thiểu là 05 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua.


Người mua nhà ở xã hội được phép bán lại sau khi trả hết tiền theo hợp đồng đã ký kết và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Người mua nhà ở xã hội được phép bán lại sau khi trả hết tiền theo hợp đồng đã ký kết và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

 

Thông tin trên được nêu trong dự thảo Nghị định về Phát triển và quản lý nhà ở xã hội vừa được Bộ Xây dựng công bố lấy ý kiến nhân dân.

Quỹ đất 20% xây nhà ở xã hội

Theo dự thảo, nhà ở xã hội được dành để giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho các đối tượng: Người có công với cách mạng; Người có thu nhập thấp và người thuộc diện hộ gia đình nghèo tại khu vực đô thị; Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân  hưởng lương từ ngân sách nhà nước; Cán bộ, công chức, viên chức, nhân sỹ, trí thức, văn nghệ sỹ; Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ khi hết tiêu chuẩn thuê nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật về nhà ở; Công nhân, người lao động thuộc các thành phần kinh tế làm việc tại các khu công nghiệp; Học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung cấp nghề và trường dạy nghề cho công nhân, không phân biệt công lập hay ngoài công lập;  Đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội; người cao tuổi độc thân, cô đơn không nơi nương tựa; Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện tái định cư mà chưa được bố trí đất ở hoặc nhà ở tái định cư.

Để đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội của các đối tượng trên, dự thảo nêu rõ, trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, quy hoạch phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí đủ quỹ đất và chỉ đạo cơ quan chức năng xác định cụ thể địa điểm, quy mô diện tích đất của từng dự án phát triển nhà ở xã hội đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội để giao cho các chủ đầu tư triển khai việc đầu tư xây dựng.

Dự thảo cũng yêu cầu chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới, không phân biệt quy mô diện tích đất tại các đô thị từ loại 3 trở lên và khu vực quy hoạch là đô thị từ loại 3 trở lên phải dành 20% tổng diện tích đất xây dựng nhà ở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật của các dự án này để xây dựng nhà ở xã hội.

Đề xuất thí điểm xây nhà ở xã hội 25 - 90 m2/căn

Trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước tại các đô thị thì tiêu chuẩn thiết kế nhà ở được thực hiện theo quy định của pháp luật về nhà ở; tại khu vực khác thì có thể xây dựng nhà ở liền kề thấp tầng.

Trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước tại các đô thị loại đặc biệt, loại I, II thì phải là nhà chung cư, không khống chế số tầng. Tiêu chuẩn thiết kế diện tích sàn mỗi căn hộ chung cư tối thiểu là 30 m2, tối đa không quá 70 m2.

Đồng thời, Bộ Xây dựng đề xuất cho phép chủ đầu tư áp dụng thí điểm việc thiết kế diện tích sàn mỗi căn hộ chung cư tối thiểu là 25 m2, tối đa đến 90 m2.

Không chuyển nhượng nhà ở xã hội trong tối thiểu 5 năm

Bên cạnh đó, dự thảo nêu rõ nhà ở xã hội phải được bán, cho thuê, thuê mua theo đúng đối tượng; mỗi hộ gia đình cá nhân chỉ được giải quyết hỗ trợ nhà ở xã hội một lần theo quy định.

Trường hợp cho thuê mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước thì người thuê mua phải nộp tiền lần đầu bằng 20% giá trị nhà ở, phần còn lại được nộp theo thời hạn do bên cho thuê mua quy định nhưng phải bảo đảm thời gian tối thiểu là 10 năm, kể từ ngày ký hợp đồng.

Trường hợp nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, giá bán nhà ở xã hội do chủ đầu tư dự án xác định trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc tính đủ các chi phí để thu hồi vốn, kể cả lãi vay (nếu có) và lợi nhuận định mức của toàn bộ dự án không vượt quá 10% tổng chi phí đầu tư. UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức thẩm định giá bán, giá cho thuê, cho thuê mua đối với nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng theo dự án bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước trên phạm vi địa bàn.

Người mua, thuê mua nhà ở xã hội không được phép cho thuê lại, thế chấp (trừ trường hợp thế chấp với ngân hàng để vay tiền mua, thuê mua chính căn hộ đó) và không được chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức trong thời gian tối thiểu là 05 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở theo hợp đồng đã ký với bên bán, bên cho thuê mua.

Người mua, thuê mua nhà ở xã hội chỉ được phép bán lại hoặc cho thuê sau khi trả hết tiền theo hợp đồng đã ký kết và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai, nhưng phải bảo đảm thời gian tối thiểu là 05 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua theo hợp đồng đã ký với bên bán, bên cho thuê mua.

Kể từ thời điểm người mua, thuê mua nhà ở xã hội được phép bán lại nhà ở xã hội cho người khác thì ngoài các khoản phải nộp khi thực hiện bán nhà ở theo quy định của pháp luật, bên bán phải nộp cho Nhà nước 50% giá trị tiền sử dụng đất được phân bổ cho căn nhà đó, tính theo giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành tại thời điểm bán lại nhà ở.   

Chinhphu.vn

.
.
.
.