.
.

Dự thảo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Vinachem

Thứ Năm, 13/06/2013|07:24

 

Dự thảo Nghị định Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam đang được Bộ Công Thương soạn thảo.


Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) là công ty mẹ (doanh nghiệp cấp I) trong Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam
Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) là công ty mẹ (doanh nghiệp cấp I) trong Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam

 

Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) là công ty mẹ (doanh nghiệp cấp I) trong Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam, là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ.

Theo dự thảo, ngành, nghề kinh doanh chính của Vinachem là sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; sản xuất và kinh doanh hóa chất cơ bản, hóa chất tiêu dùng; hóa dược, hóa dầu; công nghiệp chế biến cao su; công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản.

Bên cạnh đó, Vinachem cũng kinh doanh các ngành, nghề có liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính như: Tư vấn thiết kế công nghiệp hóa chất; xuất nhập khẩu vật tư, thiết bị hóa chất; kinh doanh máy móc thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ cho ngành công nghiệp hóa chất; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp hóa chất.

Ngoài ra, Vinachem có thể kinh doanh các ngành, nghề khác như: Kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ, văn phòng phục vụ cho ngành, đại lý bán vé máy bay, in ấn phẩm; dịch vụ khoa học công nghệ phục vụ cho ngành.

Theo dự thảo, tùy từng thời điểm và tình hình sản xuất, kinh doanh, Vinachem có thể bổ sung các ngành, nghề khác mà pháp luật không cấm sau khi được chủ sở hữu nhà nước chấp thuận.

Cũng theo dự thảo, vốn điều lệ của Vinachem do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ Công Thương và thẩm định của Bộ Tài chính.

Cơ cấu tổ chức quản lý Vinachem

Theo dự thảo, cơ cấu tổ chức quản lý, điều hành của Vinachem gồm có: Hội đồng thành viên; Kiểm soát viên; Tổng giám đốc, các Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng; bộ máy giúp việc, Ban Kiểm soát nội bộ. Trong đó, Hội đồng thành viên Vinachem  có tối đa 7 thành viên, nhiệm kỳ 5 năm.

Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của Vinachem; điều hành hoạt động hàng ngày của Vinachem theo mục tiêu, kế hoạch và các nghị quyết, quyết định của các cấp có thẩm quyền và Hội đồng thành viên phù hợp với Điều lệ Vinachem; chịu trách nhiệm trước các cấp có thẩm quyền, Hội đồng thành viên và trước pháp luật về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao.

Tổng giám đốc Vinachem do Bộ trưởng Bộ Công Thương bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng, khen thưởng, kỷ luật theo đề nghị của Hội đồng thành viên. Nhiệm kỳ của Tổng giám đốc Vinachem là 5 năm.

Cũng theo dự thảo, người lao động trong Vinachem có thể tham gia quản lý doanh nghiệp thông qua: Đại hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu công nhân viên chức Vinachem; tổ chức Công đoàn Vinachem; Ban Thanh tra nhân dân và có thể thực hiện quyền kiến nghị, khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.

Theo Chinhphu.vn

.
.
.
.