Chỉ thị triển khai công tác kiểm soát thủ tục hành chính
Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính (KSTTHC).
Ngày 14/5/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 48/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến KSTTHC |
Trong những năm qua, thực hiện Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 8/6/2010 của Chính phủ về KSTTHC, hệ thống cơ quan, đơn vị KSTTHC được thành lập từ nhân sự của các tổ công tác thực hiện Đề án 30 và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Về cơ bản, TTHC trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước đã được đơn giản hóa và kiểm soát; bước đầu được người dân, cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài ghi nhận.
Trước yêu cầu nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, gắn công tác xây dựng thể chế, theo dõi thi hành pháp luật với công tác KSTTHC, bảo đảm thực hiện quản lý Nhà nước về KSTTHC thống nhất, hiệu quả trên phạm vi cả nước, ngày 14/5/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 48/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến KSTTHC.
Khẩn trương chuyển giao nhiệm vụ, biên chế KSTTHC
Để tổ chức thực hiện Nghị định số 48/2013/NĐ-CP kịp thời, thống nhất và đồng bộ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quán triệt đúng tầm quan trọng của công tác KSTTHC; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Nghị định số 48/2013/NĐ-CP kịp thời, thống nhất và hiệu quả; giao trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan trong công tác KSTTHC.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các Tổng Giám đốc: Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách Xã hội khẩn trương tổ chức thực hiện việc chuyển giao, tiếp nhận nhiệm vụ, tổ chức, biên chế hành chính được giao cho Phòng KSTTHC và các điều kiện về tài chính, trang thiết bị, tài sản, hồ sơ, tài liệu có liên quan từ Văn phòng Bộ, cơ quan, Văn phòng UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tổ chức pháp chế Bộ, cơ quan, Sở Tư pháp.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẩn trương xây dựng, ban hành Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV ngày 28/4/2009 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc UBND cấp tỉnh, Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện và công tác tư pháp của UBND cấp xã; Thông tư liên tịch hướng dẫn về tổ chức bộ máy, biên chế của tổ chức pháp chế và tiêu chuẩn đối với người làm công tác pháp chế trên cơ sở quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của tổ chức pháp chế.
Hoàn thiện các quy trình, quy chế phối hợp
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo việc sửa đổi, hoàn thiện quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh; trong đó, quy định trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc đánh giá tác động TTHC; trách nhiệm của tổ chức pháp chế, Sở Tư pháp trong việc góp ý kiến, thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về TTHC, không tiếp nhận hồ sơ gửi thẩm định nếu chưa có bản đánh giá tác động về TTHC và ý kiến góp ý về quy định TTHC tại dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Đồng thời, sửa đổi, hoàn thiện Quy chế phối hợp giữa tổ chức pháp chế với tổng cục, cục, vụ, đơn vị trực thuộc bộ, ngành; Sở Tư pháp với các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện trong việc tiếp nhận, xử lý, phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính và việc công bố, công khai minh bạch TTHC thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý theo quy định; trong đó cần quy định trách nhiệm cụ thể của tổ chức pháp chế, Sở Tư pháp trong việc đôn đốc, kiểm soát chất lượng dự thảo quyết định công bố trước khi trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành…
Đăng tải công khai kết quả thực hiện KSTTHC
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế thuộc Bộ, ngành và Sở Tư pháp tổ chức thực hiện nghiêm túc việc cho ý kiến đối với quy định về TTHC tại dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện có kết quả việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của các cá nhân, tổ chức về quy định hành chính và trực tiếp làm việc với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khi xử lý các phản ánh, kiến nghị; đăng tải công khai tình hình, kết quả thực hiện công tác KSTTHC tại bộ, ngành, địa phương trên Trang tin điện tử về TTHC của Bộ Tư pháp tại địa chỉ:http://www.thutuchanhchinh.vn và Trang tin điện tử của bộ, ngành, địa phương.
Các bộ, ngành, địa phương tăng cường tổ chức kiểm tra việc thực hiện KSTTHC trong phạm vi trách nhiệm được giao. Thực hiện nghiêm túc việc rà soát và sửa đổi theo thẩm quyền các TTHC và quy định có liên quan không còn phù hợp, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đối với những quy định vượt thẩm quyền.
Đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức; kịp thời xử lý những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết TTHC; định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình, kết quả giải quyết TTHC tại các cấp chính quyền thuộc phạm vi quản lý theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
Theo Chinhphu.vn