.
.

Đề xuất xử lý tài chính doanh nghiệp tái cơ cấu

Thứ Ba, 09/07/2013|07:31

Tại dự thảo Thông tư hướng dẫn tái cơ cấu doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước để chuyển thành công ty cổ phần, Bộ Tài chính đã nêu rõ việc xử lý tài chính doanh nghiệp tái cơ cấu.

 

Trường hợp phát sinh lỗ thì doanh nghiệp tái cơ cấu làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan để có biện pháp khắc phục, bồi thường
Trường hợp phát sinh lỗ thì doanh nghiệp tái cơ cấu làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan để có biện pháp khắc phục, bồi thường

 

 

Cụ thể, với việc xử lý tài chính theo phương án tái cơ cấu, theo đề xuất của Bộ Tài chính, đối với việc giảm trừ nghĩa vụ trả nợ cho doanh nghiệp tái cơ cấu, căn cứ phương án tái cơ cấu đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, Công ty Mua bán Nợ sẽ quyết định giảm trừ một phần nghĩa vụ trả nợ cho doanh nghiệp tái cơ cấu theo cam kết.

Mức giảm trừ nghĩa vụ trả nợ tối đa bằng số âm vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính gần nhất của doanh nghiệp tái cơ cấu đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập trừ (-) đi phần giảm trừ nghĩa vụ trả nợ của các chủ nợ khác (nếu có) và không vượt quá số chênh lệch giữa giá trị sổ sách khoản nợ mua và giá vốn mua nợ tính đến thời điểm quyết định giảm trừ nghĩa vụ trả nợ.

Bên cạnh đó, các chủ nợ khác quyết định giảm trừ nghĩa vụ trả nợ cho doanh nghiệp tái cơ cấu theo cam kết.

Theo Bộ Tài chính, từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần, doanh nghiệp tái cơ cấu tiếp tục xử lý tài chính  theo quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP và Thông tư số 202/2011/TT-BTC. Trong đó, lợi nhuận phát sinh được dùng để bù đắp số lỗ lũy kế (nếu có), số còn lại được bàn giao sang công ty cổ phần để quản lý, sử dụng.

Trường hợp phát sinh lỗ thì doanh nghiệp tái cơ cấu làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan để có biện pháp khắc phục, bồi thường theo quy định.

Bộ Tài chính đề xuất, tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần, sau khi bù trừ các khoản bồi thường (nếu có) mà doanh nghiệp tái cơ cấu vẫn còn lỗ lũy kế thì Công ty Mua bán Nợ phối hợp với các chủ nợ tham gia tái cơ cấu xem xét, thực hiện tiếp việc giảm trừ nghĩa vụ trả nợ cho doanh nghiệp tái cơ cấu tối đa bằng số lũy kế. Trong trường hợp này, Công ty Mua bán Nợ thực hiện giảm trừ nghĩa vụ trả nợ từ nguồn chênh lệch còn lại (giữa giá trị sổ sách khoản nợ mua và giá vốn mua nợ) sau khi trừ đi nguồn chênh lệch đã xử lý nêu trên.

Bán cổ phần lần đầu

Với việc bán cổ phần lần đầu của doanh nghiệp tái cơ cấu, Bộ Tài chính đề xuất, doanh nghiệp tái cơ cấu thực hiện trình tự, thủ tục, phương thức bán và giá bán cổ phần lần đầu theo quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP và Thông tư số 196/2011/TT-BTC. Trong đó, giá bán cổ phần cho người lao động và tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp tái cơ cấu không thấp hơn mệnh giá cổ phần theo quy định.

Theo Bộ Tài chính, Công ty Mua bán Nợ và các chủ nợ tham gia tái cơ cấu doanh nghiệp được chuyển nợ thành vốn góp cổ phần theo nguyên tắc: Công ty Mua bán Nợ thực hiện chuyển nợ thành vốn góp cổ phần theo tỷ lệ 1:1 (10.000 đồng nợ bằng 10.000 đồng vốn góp, tương đương 1 cổ phần theo mệnh giá quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP).

Các chủ nợ khác thực hiện chuyển nợ thành vốn góp theo tỷ lệ thỏa thuận với cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án tái cơ cấu và doanh nghiệp tái cơ cấu.

Ngày 18/7/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp (DN) 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần thay thế Nghị định109/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007.

Các đối tượng được cổ phần hóa gồm: 1- Công ty trách nhiệm hữu hạn (Cty TNHH) một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế; Tổng công ty Nhà nước (kể cả Ngân hàng Thương mại Nhà nước); 2- Cty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là DN thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 3- DN 100% vốn Nhà nước chưa chuyển thành Cty TNHH một thành viên.

Các DN trên thực hiện cổ phần hóa khi đảm bảo đủ 2 điều kiện: Không thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn điều lệ (Danh mục DN thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ) và còn vốn Nhà nước sau khi đã được xử lý tài chính và đánh giá lại giá trị DN.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý dự thảo trên tại website của Bộ.

Theo Chinhphu.vn

.
.
.
.