Hướng dẫn xử lý tội phạm về tài chính, chứng khoán
Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ Luật Hình sự (BLHS) về các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính-kế toán và chứng khoán, có hiệu lực thi hành từ 15/8 tới.
Tội thao túng giá chứng khoán, gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 3 tỷ đồng trở lên được coi là gây hậu quả rất nghiêm trọng |
Về tội trốn thuế, Thông tư nêu rõ, phạm tội trốn thuế trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác qui định tại khoản 3 Điều 161 của BLHS được hiểu là trường hợp tuy số tiền trốn thuế có giá trị từ 300 triệu đồng đến dưới 600 triệu đồng, nhưng người phạm tội đồng thời thực hiện một trong các hành vi liên quan khác mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội phạm độc lập, như: đưa hối lộ; chống người thi hành công vụ; gây thương tích cho người thi hành công vụ; hủy hoại tài sản của cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế và các cơ quan nhà nước khác có trách nhiệm trong việc thực hiện quản lý thuế. Trường hợp các hành vi này có đủ yếu tố cấu thành tội phạm khác thì ngoài tội trốn thuế, người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm tương ứng.
Về tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước, Thông tư hướng dẫn: In trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước là hành vi tự in hóa đơn hoặc tự khởi tạo hóa đơn điện tử khi không đủ điều kiện hoặc không đúng, không đầy đủ các nội dung theo qui định của pháp luật; in hóa đơn giả hoặc khởi tạo hóa đơn điện tử giả.
Phát hành trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước là hành vi lập tờ thông báo phát hành không đầy đủ nội dung; không gửi hoặc không niêm yết tờ thông báo phát hành hóa đơn theo đúng qui định;
Còn hành vi mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước gồm các hành vi như: Mua, bán hoá đơn chưa ghi nội dung hoặc ghi nội dung không đầy đủ, không chính xác theo qui định; mua, bán hoá đơn đã ghi nội dung, nhưng không có hàng hoá, dịch vụ kèm theo; mua, bán hoá đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hóa đơn đã hết giá trị sử dụng, hóa đơn của cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc cấp cho khách hàng khi bán hàng hóa dịch vụ; mua, bán, sử dụng hoá đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hoá, dịch vụ giữa các liên của hoá đơn.
Về tội thao túng giá chứng khoán, hành vi gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 1 Điều 181c của BLHS là trường hợp gây thiệt hại vật chất cho nhà đầu tư với số tiền từ 01 tỷ đồng đến dưới 03 tỷ đồng.
Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng quy định tại điểm c khoản 2 Điều 181c của BLHS là trường hợp gây thiệt hại về vật chất cho nhà đầu tư với số tiền từ 03 tỷ đồng trở lên.
Ngoài việc gây hậu quả là thiệt hại về vật chất, hành vi phạm tội còn có thể gây ra các hậu quả phi vật chất như: gây ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về thị trường chứng khoán; làm mất niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán; làm ảnh hưởng đến sự công bằng, tính minh bạch, công khai và an toàn của thị trường chứng khoán.
Trong các trường hợp này phải tùy vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ hậu quả do tội phạm gây ra thuộc loại nào: nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng.
Đối với tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán,Liên Bộ quy định, hành vi gây hậu quả nghiêm trọng là trường hợp gây thiệt hại về vật chất cho nhà đầu tư với số tiền từ 01 tỷ đồng đến dưới 03 tỷ đồng;
Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng là trường hợp gây thiệt hại về vật chất cho nhà đầu tư từ 03 tỷ đồng trở lên…
Thông tư liên tịch này có hiệu lực kể từ ngày 15/8/2013.
Theo Chinhphu.vn