.
.

Văn bản pháp luật không phù hợp gây bức xúc cho dân

Thứ Tư, 31/07/2013|14:25

 

Tại phiên họp thường kỳ tháng 7, Chính phủ có báo cáo Đề án thí điểm kiểm soát Thông tư liên Bộ trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật. 


Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam.

 


“Năm 2012, theo báo cáo của Bộ Tư pháp, khoảng 10 nghìn văn bản do bộ, ngành, các tỉnh ban hành không phù hợp với pháp luật hoặc không đúng thẩm quyền. Mục tiêu của Đề án này là gì? Làm thế nào để nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành, thưa Bộ trưởng?”. Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói: “Không phải 10.000 Thông tư đều sai, gây bức xúc. Trong hàng chục nghìn văn bản quy phạm pháp luật, có một số điểm chưa hợp lý và chính báo chí góp ý nhiều và các bộ đã tiếp thu”.

Bộ trưởng thừa nhận có một số văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn có một số điều không khả thi, không phù hợp với thực tiễn liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người dân. Vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp và các bộ, ngành xem xét thí điểm để có cơ chế kiểm soát văn bản hành chính mà từ trước đến nay giao toàn quyền cho Bộ trưởng các Bộ chuyên ngành. Bộ Tư pháp thí điểm đưa ra cơ chế thẩm định các văn bản, Thông tư của các Bộ trước  khi ban hành để tránh tình trạng bất cập, không khả thi như thời gian qua.

Bộ trưởng cũng lưu ý: việc làm này phải tuân theo trình tự ban hành quy định văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Thứ hai, không làm nhẹ vai trò của Bộ trưởng các Bộ chuyên ngành.

Ví dụ trường hợp Bộ Thông tin Truyền thông (TTTT). Trước đây, thuộc lĩnh vực thông tin truyền thông, Bộ trưởng chỉ đạo soạn Thông tư. Bây giờ, thí điểm việc Bộ Tư pháp thẩm định trước khi Bộ trưởng Bộ TTTT ban hành.

Khi Luật Xử lý vi phạm hành chính ban hành, có rất nhiều quy định ra đời.

Ví dụ liên quan đến thuế, đất đai, có nhiều thông tư hướng dẫn liên quan trực tiếp đến người dân. Bộ Tư pháp không thể làm hết tất cả mà sẽ chọn lĩnh vực “nóng” làm thí điểm trước, từ đó tổng kết lại để rút ra kinh nghiệm để không xảy ra sơ suất, để chấn chỉnh chứ không làm thay đổi quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ông Đam cũng cho hay: Mặc dù tổng số văn bản bị phản ứng ít nhưng gây bức xúc cho nhân dân.  Chính phủ sẽ bàn và thông qua Nghị quyết./.

Vũ Hạnh/VOV online

 

.
.
.
.