.
.

Hướng dẫn số 2974/HD-BTĐKT về các hình thức biểu dương, khen thưởng và tổ chức gặp mặt các tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Thứ Tư, 29/06/2022|15:08

Ngày 29/11/2021, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương ban hành Hướng dẫn số 2974/HD-BTĐKT về các hình thức biểu dương, khen thưởng và tổ chức gặp mặt các tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tạp chí điện tử Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương trân trọng đăng tải toàn văn Hướng dẫn như sau:

Thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; để kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, sau khi tiếp thu ý kiến góp ý của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương ban hành Hướng dẫn các hình thức biểu dương, khen thưởng và tổ chức gặp mặt các tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với những nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Biểu dương, khen thưởng, cổ vũ, động viên các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị;

- Đưa việc học tập và làm tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành công việc tự giác, thường xuyên của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động.

- Các tập thể, cá nhân được biểu dương, khen thưởng thực sự là những tấm gương tiêu biểu, được lựa chọn công khai, dân chủ từ cơ sở hoặc được phát hiện qua các phương tiện thông tin đại chúng trong các lĩnh vực học tập, công tác, lao động, sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Việc biểu dương, khen thưởng và tổ chức gặp mặt các tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình phải được tổ chức đảm bảo trang trọng, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm.

II. ĐỐI TƯỢNG TIÊU CHUẨN VÀ HÌNH THỨC BIỂU DƯƠNG, KHEN THƯỞNG

1. Đối tượng biểu dương, khen thưởng

Các tập thể và cá nhân là người Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài có thành tích xuất sắc, tiêu biểu, điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên tất cả các lĩnh vực, địa bàn, đều được xem xét biểu dương, khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2. Tiêu chuẩn khen thưởng

2.1. Khen thưởng hằng năm:

a) Đối với tập thể: Là tập thể gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội bộ đoàn kết, được cấp có thẩm quyền xem xét, giới thiệu, đạt các tiêu chuẩn sau:

- Tổ chức triển khai tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại địa phương, đơn vị với nhiều nét mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả, thu hút được sự tham gia tích cực, đông đảo và hiệu quả của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân;

- Tạo được sự chuyển biến rõ nét, hiệu quả nổi trội trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị thông qua việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; có nhiều gương điển hình tiêu biểu được học tập và nhân rộng;

- Tập thể xây dựng được chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và triển khai thực hiện có hiệu quả;

- Tập thể được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; nếu là tổ chức Đảng, phải được công nhận Chi bộ, Đảng bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

b) Đối với cá nhân: Cá nhân được biểu dương, khen thưởng chủ yếu là người đang trực tiếp lao động, sản xuất, công tác, học tập, chiến đấu và phục vụ chiến đấu; gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, được bình chọn từ cơ sở hoặc được phát hiện thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và đạt các tiêu chuẩn sau đây:

- Có phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, là tấm gương tiêu biểu về ý chí rèn luyện, phấn đấu, gương mẫu đi đầu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại địa phương, đơn vị;

- Có hành động và việc làm cụ thể thiết thực, hiệu quả trong rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực hoặc có nhiều sáng kiến có giá trị đem lại hiệu quả thiết thực... đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, giữ vững an ninh, quốc phòng của địa phương, đơn vị;

- Được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; nếu là đảng viên phải được công nhận là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

2.2. Khen thưởng vào dịp sơ kết và tổng kết:

a) Đối với tập thể: Tập thể được biểu dương, khen thưởng là tập thể gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội bộ đoàn kết, được cấp có thẩm quyền xem xét giới thiệu và đạt các tiêu chuẩn sau:

- Tổ chức triển khai tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại địa phương, đơn vị với nhiều nét mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả, thu hút được sự tham gia tích cực, đông đảo, hiệu quả của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân;

- Tạo được sự chuyển biến rõ nét, hiệu quả nổi trội trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị thông qua việc học tập và làm tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; có nhiều gương điển hình tiêu biểu được học tập và nhân rộng;

- Tập thể xây dựng được chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh;

- Liên tục hằng năm được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nếu là tổ chức đảng thì Chi bộ, Đảng bộ phải được công nhận liên tục hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong đó có ít nhất 01 năm (đối với khen thưởng sơ kết 3 năm) hoặc 02 năm (đối với khen thưởng sơ kết 5 năm) hoặc 4 năm (đối với khen thưởng tổng kết 10 năm) hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

b) Đối với cá nhân: Cá nhân được biểu dương, khen thưởng chủ yếu là người trực tiếp lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập, chiến đấu và phục vụ chiến đấu; gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, được bình chọn từ cơ sở hoặc được phát hiện thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, và phải đạt các tiêu chuẩn sau đây:

- Có phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, là tấm gương tiêu biểu về ý chí rèn luyện, phấn đấu, gương mẫu đi đầu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại địa phương, đơn vị;

- Có hành động và việc làm cụ thể thiết thực, hiệu quả trong rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; có nhiều sáng kiến có giá trị đem lại hiệu quả thiết thực... đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, dịch bệnh giữ vững an ninh, quốc phòng của địa phương, đơn vị;

- Hằng năm được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nếu là đảng viên hằng năm liên tục được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong đó có ít nhất 01 năm (đối với khen thưởng sơ kết 3 năm) hoặc 02 năm (đối với khen thưởng sơ kết 5 năm) hoặc 4 năm (đối với khen thưởng tổng kết 10 năm) được công nhận là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

3. Hình thức biểu dương, khen thưởng

a) Hình thức biểu dương:

- Tổng Bí thư gửi thư khen, biểu dương đối với những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc, tiêu biểu nhất, có chuyển biến rõ nét trong việc “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương;

- Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương gửi thư khen, kịp thời biểu dương đối với những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của bộ, ngành, địa phương.

- Biểu dương thông qua các phương tiện thông tin đại chúng: Báo chí, phát thanh, truyền hình...

b) Hình thức khen thưởng:

- Giấy khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và tương đương cho tập thể và cá nhân có thành tích tiêu biểu được tuyên dương ở cấp mình (nội dung Giấy khen ghi rõ đã có thành tích trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”).

- Bằng khen của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc được tuyên dương ở cấp mình (nội dung Bằng khen ghi rõ đã có thành tích xuất sắc trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”).

- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động hạng Ba cho một số tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong số các tập thể, cá nhân được tham dự Hội nghị gặp mặt, biểu dương của cấp Trung ương vào dịp sơ kết, tổng kết Chỉ thị 05-CT/TW về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

4. Khen thưởng hằng năm, sơ kết và khen thưởng tổng kết

a) Khen thưởng hằng năm:

- Tuyên dương cấp Trung ương do Ban Tuyên giáo Trung ương lựa chọn, xét, trình Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

- Các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương; các tỉnh ủy, thành ủy; đảng ủy trực thuộc Trung ương sử dụng hình thức khen thưởng theo thẩm quyền để khen thưởng kịp thời cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

b) Khen thưởng sơ kết, tổng kết:

- Hình thức khen thưởng sơ kết, tổng kết cấp Trung ương: Thư khen của Tổng Bí thư, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động hạng Ba cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc.

- Các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương; các tỉnh ủy, thành ủy; đảng ủy trực thuộc Trung ương tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết, khen thưởng bằng hình thức khen thưởng theo thẩm quyền; lựa chọn những tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc nhất để tham dự hội nghị sơ kết, tổng kết cấp Trung ương.

- Tuyên dương cấp Trung ương do Ban Tuyên giáo Trung ương lựa chọn, xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định khen thưởng hoặc trình Thủ tướng Chính phủ xét, đề nghị Chủ tịch nước quyết định khen thưởng.

5. Hồ sơ, thủ tục, kinh phí khen thưởng

5.1 Hồ sơ, thủ tục đề nghị khen thưởng Bằng khen cấp Bộ, Ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Giấy khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và tương đương do Cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng ở mỗi cấp chủ trì phối hợp với cơ quan liên quan tham mưu cho Bộ trưởng, thủ trưởng các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp hướng dẫn theo quy định hiện hành.

5.2. Thủ tục khen thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động hạng Ba

a) Thủ tục, hồ sơ khen thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động hạng Ba:

- Trên cơ sở đối tượng, tiêu chuẩn nêu trên, các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xét chọn, đề nghị khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân theo nguyên tắc “Cấp nào quản lý về tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và quỹ lương thì cấp đó có trách nhiệm trình cấp trên khen thưởng đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý”.

- Ban Tuyên giáo Trung ương là đầu mối tiếp nhận, xét chọn các tập thể, cá nhân do bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị và trình Thủ tướng Chính phủ (qua Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương). Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương thẩm định hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định khen thưởng hoặc trình Thủ tướng Chính phủ xét, đề nghị Chủ tịch nước quyết định khen thưởng.

b) Hồ sơ bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ: 02 bộ đối với Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 03 bộ đối với Huân chương Lao động hạng Ba, gồm:

- Tờ trình đề nghị khen thưởng của bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (kèm theo danh sách tập thể, cá nhân được đề nghị khen thưởng).

- Biên bản họp xét khen thưởng của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cấp bộ hoặc cấp tỉnh.

- Báo cáo thành tích của các tập thể, cá nhân được đề nghị khen thưởng có xác nhận của cấp trình Thủ tướng theo quy định tại Mẫu 07, Nghị định 91/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng (báo cáo thành tích theo đợt thi đua hoặc theo chuyên đề cho tập thể, cá nhân).

5.3. Đối với hình thức Thư khen của Tổng Bí thư: Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị, Ban Tuyên giáo Trung ương xét, trình Tổng Bí thư xem xét, quyết định.

5.4. Đối với hình thức Thư khen của Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương: Ban Tuyên giáo Đảng ủy cùng cấp xét trình Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định.

5.5. Kinh phí khen thưởng:

Thực hiện theo quy định tại Nghị định 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ và được trích từ quỹ thi đua, khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng.

6. Tổ chức gặp mặt, biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

6.1 Hình thức, nội dung:

Hình thức tổ chức: Tổ chức trong hội trường; hoặc tổ chức lễ báo công và tuyên dương tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu Di tích Phủ Chủ tịch; tại các di tích lịch sử, cách mạng gắn với cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh; hoặc vừa tổ chức trong hội trường, vừa kết hợp tổ chức các hoạt động giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm với điển hình tiêu biểu.

Nội dung chương trình:

- Văn nghệ chào mừng;

- Chào cờ;

- Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu;

- Phát biểu khai mạc;

- Báo cáo kết quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh;

- Tham luận của các tập thể, cá nhân tiêu biểu;

- Tuyên dương, trao thưởng;

- Phát biểu của lãnh đạo cấp trên;

- Tổng kết, bế mạc.

7.2. Thời gian tổ chức: Các hội nghị được tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày sinh nhật Bác 19/5.

Cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương; cấp bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội tổ chức hằng năm, thời gian tổ chức không quá 01 ngày.

Cấp Trung ương tổ chức sơ kết, tổng kết sẽ có hướng dẫn riêng.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Căn cứ Hướng dẫn, đề nghị Đảng đoàn, Ban Cán sự Đảng các Bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội Trung ương; các tỉnh ủy, thành ủy; đảng ủy trực thuộc Trung ương chỉ đạo Ban Tuyên giáo phối hợp chặt chẽ với Ban Thi đua - Khen thưởng các tỉnh, thành phố (cơ quan tham mưu của Hội đồng thi đua, khen thưởng) và cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội Trung ương xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, triển khai thực hiện có kết quả việc biểu dương, khen thưởng và tổ chức gặp mặt các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở các cấp.

Hằng năm, báo cáo kết quả triển khai thực hiện về Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

Trong quá trình triển khai, thường xuyên thông tin, trao đổi với Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương để kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh./.

.
Các bài viết khác:
.
.
.