.
.

Quy định kết nạp lại đối với đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng, kết nạp quần chúng vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình vào Đảng

Chủ Nhật, 17/03/2013|20:13

Ngày 11 tháng 3 năm 2013, Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 173- QĐ/TW, quy định về việc kết nạp lại đối với đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng, kết nạp quần chúng vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình vào Đảng. Tạp chí xin giới thiệu nội dung Quy định này.

 

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG

*

Số  173- QĐ/TW 

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Hà Nội, ngày 11  tháng  3  năm 2013

 

QUY ĐỊNH

kết nạp lại đối với đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng,

kết nạp quần chúng vi phạm chính sách dân số

và kế hoạch hóa gia đình vào Đảng

____­­­­­­­_______

 - Căn cứ Điều lệ Đảng;

- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa XI;

- Căn cứ Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 14-01-1993 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII “Về chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình”; Nghị quyết số 47-NQ/TW, ngày 22-3-2005 của Bộ Chính trị khoá X “Về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình”,

Ban Bí thư quy định một số điểm về kết nạp lại đối với đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng và kết nạp quần chúng vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình vào Đảng như sau:

Điều 1. Đối tượng áp dụng

Quy định này quy định điều kiện, thẩm quyền xem xét kết nạp lại vào Đảng đối với đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng do vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, kết nạp quần chúng vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình có nguyện vọng phấn đấu vào Đảng.

Điều 2. Những trường hợp sinh con không bị coi là vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình

1- Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỉ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỉ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

2- Cặp vợ chồng sinh lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên.

3- Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên.

4- Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi.

5- Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận.

6- Cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ):

a) Sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai người đã có con riêng (con đẻ).

b) Sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai người đã có con riêng (con đẻ). Quy định này không áp dụng cho trường hợp hai người đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống.

7- Phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh.

8- Sinh con thứ 3 trở lên trước ngày 19-01-1989 (ngày có hiệu lực thi hành Quyết định số 162-HĐBT, ngày 18-10-1988 của Hội đồng Bộ trưởng “Về một số chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình”).

Điều 3. Các trường hợp không xem xét kết nạp lại và kết nạp vào Đảng

1- Đảng viên sau khi bị đưa ra khỏi Đảng vì các lỗi vi phạm khác nhau lại vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình.

2- Đảng viên vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình bị đưa ra khỏi Đảng theo Quyết định số 09-QĐ/TW, ngày 24-3-2011 của Bộ Chính trị về bổ sung, sửa đổi Điều 7, Quy định số 94-QĐ/TW, ngày 15-10-2007 của Bộ Chính trị khoá X về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hoá gia đình.

3- Quần chúng đã vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình 2 lần trở lên.

Điều 4. Về kết nạp lại vào Đảng đối với đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng do vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình

Đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng do vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình chỉ được xem xét, kết nạp lại vào Đảng khi có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Điều lệ Đảng, các quy định, hướng dẫn của Trung ương và yêu cầu thực tế của công tác xây dựng đảng của địa phương, đơn vị; là người có uy tín trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư, được cấp ủy nơi công tác và nơi cư trú, các tổ chức đoàn thể mà mình là thành viên đánh giá cao về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, về ý thức trách nhiệm đối với nhân dân và phải có thời gian phấn đấu ít nhất là 60 tháng kể từ ngày bị đưa ra khỏi Đảng đến ngày chi bộ họp xét đề nghị kết nạp vào Đảng.

Đối với các trường hợp hiện đang giữ các chức vụ công tác chính quyền, đoàn thể (trưởng, phó thôn, bản, xóm, ấp; trưởng, phó các đoàn thể của thôn, bản, xóm, ấp...) ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đông đồng bào có đạo, dân tộc ít người, thì phải có thời gian phấn đấu ít nhất là 36 tháng kể từ ngày bị đưa ra khỏi Đảng đến ngày chi bộ họp xét đề nghị kết nạp vào Đảng.

Điều 5. Về kết nạp Đảng đối với quần chúng vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình

1- Quần chúng vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình chỉ được xem xét, kết nạp vào Đảng khi có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Điều lệ Đảng, các quy định, hướng dẫn của Trung ương và yêu cầu thực tế của công tác xây dựng Đảng của địa phương, đơn vị; là người có uy tín trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư, được cấp ủy nơi công tác và nơi cư trú, các tổ chức đoàn thể mà mình là thành viên đánh giá cao về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, về ý thức trách nhiệm đối với nhân dân và phải có thời gian phấn đấu ít nhất là 60 tháng kể từ ngày vi phạm đến ngày chi bộ họp xét đề nghị kết nạp vào Đảng.

Đối với các trường hợp đang sinh sống ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đông đồng bào có đạo, dân tộc ít người phải có thời gian phấn đấu ít nhất là 36 tháng kể từ ngày vi phạm đến ngày chi bộ họp xét đề nghị kết nạp vào Đảng.

2- Việc kết nạp quần chúng vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình vào Đảng phải được ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng uỷ trực thuộc Trung ương đồng ý bằng văn bản, cấp ủy huyện (hoặc tương đương) xem xét, quyết định.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1- Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với các ban đảng có liên quan ở Trung ương theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quy định này. Kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những vấn đề mới phát sinh hoặc không phù hợp.

2- Các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, đơn vị để triển khai thực hiện Quy định này và định kỳ hằng năm báo cáo kết quả thực hiện về Ban Bí thư (qua Ban Tổ chức Trung ương).

3- Các quy định trước đây trái với nội dung Quy định này đều bãi bỏ.

4- Quy định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký, được phổ biến đến chi bộ để thực hiện.

 
T/M BAN BÍ THƯ
Lê Hồng Anh (đã ký)
.
.
.
.