.
.

Biến văn hóa thành sức mạnh kinh doanh

Thứ Năm, 16/08/2012|22:14

Văn hóa kinh doanh tồn tại và tiềm ẩn trong doanh nghiệp như một nguồn lực, một hệ giá trị và để khơi dậy sức mạnh đó cần có một quá trình, một môi trường và sự tác động phù hợp. 

Trong khuôn khổ Hội nghị các tổ chức hữu nghị nhân dân ASEAN – Trung Quốc lần thứ VII, chiều 16/8, Diễn đàn về Văn hóa Doanh nghiệp với chủ đề Văn hóa Doanh nghiệp và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp đã diễn ra. Diễn đàn là cơ hội để các doanh nghiệp Trung Quốc và các nước ASEAN có dịp gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm đối tác kinh doanh.

Yếu tố nội sinh của DN

Ông Phạm Gia Túc – Phó chủ tịch VCCI, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc khẳng định:“Đối với các doanh nghiệp, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp và văn hóa kinh doanh có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong điều kiện doanh nghiệp thực hiện hội nhập quốc tế, kinh doanh trong môi trường toàn cầu hóa”.

Ông Phạm Gia Túc – Phó chủ tịch VCCI, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc phát biểu tại Diễn đàn

Nói đến văn hóa doanh nghiệp là bao gồm các giá trị văn hóa vật chất và giá trị văn hóa tinh thần tạo nên diện mạo đời sống văn hóa. Xu thế kinh tế của thời đại ngày nay là phát triển bền vững, tức là phải giải quyết vấn đề xã hội và môi trường ngay trong quá trình phát triển kinh tế. Bản chất của nó là hình thành mối quan hệ thân thiện giữa con người với con người và giữa con người với tự nhiên, tạo ra những con người mới, nền kinh tế mới, xã hội mới. Thực tiễn ấy làm nảy sinh một loại hình văn hoá mới tương ứng, và loại hình văn hóa này trước hết bắt đầu từ doanh nghiệp.

Theo TS. Mai Hải Oanh – Phó Vụ trưởng vụ văn hóa – xã hội Tạp chí cộng sản, văn hóa doanh nghiệp đóng một vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp quy mô lớn, là tập hợp những con người khác nhau về trình độ chuyên môn, trình độ văn hóa, trình độ nhận thức, quan hệ xã hội, vùng miền địa lý, tư tưởng văn hóa... Chính sự khác nhau này tạo ra môi trường làm việc đa dạng và phức tạp, thậm chí có những mặt trái ngược nhau. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của nền kinh tế thị trường và xu hướng quốc tế hóa buộc các doanh nghiệp phải liên tục tìm tòi đổi mới cho phù hợp với thực tế nếu muốn tồn tại và phát triển.

Muốn thế, doanh nghiệp phải trở thành nơi tập hợp, phát huy mọi nguồn lực con người, là nơi tạo ra lực điều tiết tác động tích cực đối với tất cả các yếu tố chủ quan khác nhau nhằm gia tăng giá trị của nguồn lực con người, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải xây dựng được và duy trì một nề nếp văn hóa đặc thù, phát huy được năng lực và thúc đẩy sự đóng góp của toàn thể nhân viên vào mục tiêu chung. 

 

Ông Hứa Khải Tùng - Tham tán kinh tế - Thương mại Đại sứ quán nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam

 

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Hứa Khải Tùng - Tham tán kinh tế - Thương mại Đại sứ quán nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam cũng khẳng định, hiện nay có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang làm ăn tại Việt Nam và tạo nhiều công ăn việc làm tại đây. Bên cạnh việc phát triển đầu tư kinh doanh thì các doanh nghiệp Trung Quốc cũng chú trọng đến việc phát triển văn hóa doanh nghiệp. Diễn đàn sẽ là cơ hội để hai nước Việt Nam - Trung Quốc giao thương, giúp cho kim ngạch thương mại hai chiều tăng cao so với trước.

Có thể nói, văn hóa kinh doanh tồn tại và tiềm ẩn trong doanh nghiệp kinh doanh như một nguồn lực, một hệ giá trị và để khơi dậy sức mạnh đó cần có một quá trình, một môi trường và sự tác động phù hợp.

Để văn hóa trở thành sức mạnh kinh doanh?

PGS.TS Phạm Thanh Tâm – Viện trưởng viện nghiên cứu và hỗ trợ phát triển nhân lực doanh nghiệp cho biết, trong điều kiện nền kinh tế hội nhập đã tạo ra mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp thuộc mọi loại hình khác nhau, kinh doanh các sản phẩm khác nhau phát triển nở rộ trên thị trường. Tuy nhiên cũng chính trong bối cảnh này đã khiến các doanh nghiệp phải tham gia cạnh tranh quyết liệt không chỉ với đối thủ trong nước mà còn thế giới. Ý thức được giá trị của văn hóa kinh doanh, trong nhiều năm nay các doanh nghiệp Việt Nam đã quan tâm đặc biệt tới xây dựng văn hóa kinh doanh nhằm không ngừng giữ vị thế trên thị trường và kinh doanh có hiệu quả. 

 

Diễn đàn thu hút đông đảo các DNVN và Trung Quốc tới tham dự

Tuy nhiên xã hội càng phát triển, nhu cầu sản phẩm của con người càng cao và yêu cầu của sản xuất kinh doanh càng gắt gao thì các doanh nghiệp cũng bộc lộ những điều bất cập. Theo PGS.TS Phạm Thanh Tâm, những bất cập đó thể hiện ở sản phẩm làm ra chưa có chất lượng cao, chưa đủ sức cạnh tranh với quốc tế; ở đâu đó, hiện tượng kinh doanh theo kiểu chụp dật, lừa phỉnh khách hàng vẫn còn khá nhiều; Hiện tượng vi phạm pháp luật dưới các dạng khác nhau còn diễn ra, nhất là trốn lậu thuế; Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc xây dựng văn hóa kinh doanh, còn phổ biên sản phẩm rởm, độc hại; quá trình hoạt động kinh doanh đã làm phá hủy môi trường, gây ảnh hưởng xấu cho xã hội; các nhà quản trị còn yếu và chưa ngang tầm với vị trí công tác; Hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp còn thấp…

Giá trị của văn hóa kinh doanh là vô cùng to lớn, vậy làm thế nào doanh nghiệp biến văn hóa thành sức mạnh kinh doanh để phát triển bền vững, đóng góp to lớn cho sự phát triển của xã hội là một câu hỏi được đặt ra? PGS.TS Phạm Thanh Tâm cho rằng, để xây dựng và phát triển văn hóa kinh doanh tốt trong doanh nghiệp cần: Có nhận thức đầy đủ và đúng đắn về văn hóa kinh doanh không chỉ bản thân doanh nghiệp mà là toàn xã hội; Doanh nghiệp phải xây dựng cho mình một đội ngũ nhân sự hợp lý, đảm bảo về lượng và chất theo yêu cầu chuyên môn, nghĩa là nhân sự làm việc mang tính chuyên nghiệp; Xây dựng các văn bản quy định về văn hóa kinh doanh và hướng dẫn các bộ phận cá nhân thực hiện; Nhà nước cần có chính sách quản lý doanh nghiệp phù hợp để đủ sức động viên, khích lệ; Cần xử lý nghiêm doanh nghiệp, cá nhân vi phạm trong quá trình kinh doanh như vi phạm pháp luật, làm ô nhiễm môi trường và gây hậu quả cho người tiêu dùng….

Đề xuất để phát triển văn hóa doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, bà Mai Hải Oanh cho rằng cần làm tốt những việc sau: Văn hóa doanh nghiệp hiện đại và chế độ doanh nghiệp hiện đại phải xây dựng đồng bộ; Chính sách quản lý kinh tế của chính quyền phải coi trọng vấn đề văn hóa doanh nghiệp; Hình thành hệ quan điểm giá trị và chuẩn mực hành vi cho văn hóa doanh nghiệp; Phải chú ý nâng cao phẩm chất văn hóa của người kinh doanh; Vai trò của tổ chức Đảng và các đoàn thể trong văn hóa doanh nghiệp; Phát huy tinh thần làm chủ của cán bộ công nhân viên chức trên tinh thần nhận thức mới; Phát huy trí tuệ của đội ngũ chuyên gia và tổ chức môi giới…

Trong vấn đề văn hóa doanh nghiệp một góc nhìn khi xây dựng mối liên kết bền vững giữa DN và người lao động cũng được đặt ra. TS. Hoàng Ngọc Thanh - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, xây dựng mối liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và người lao động là quá trình chuyển đổi từ nhận thức đến hành động. Quan hệ lao động tốt sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển của doanh nghiệp và cộng đồng, quyền và lợi ích của người lao động được bảo đảmnó vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển vững bền của doanh nghiệp. Xây dựng mối liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và người lao động có một ý nghĩa hết sức to lớn đối với xã hội, doanh nghiệp, người lao động, góp phần làm cho xã hội ổn định, doanh nghiệp phát triển.

Ông Dương Trung Quốc – Đại biểu Quốc hội khóa XI; Tổng thư ký Hội Sử học VN; Tổng biên tập Tạp chí Xưa và Nay:   "Văn hóa doanh nhân Xưa và Nay"

“Văn hóa là một khái niệm hết sức rộng và giờ đây người ta nhắc đến nhiều để gắn với công việc kinh doanh của các doanh nhân, doanh nghiệp hoặc một hoạt động kinh tế. Nhìn từ góc độ văn hóa doanh nhân Xưa và Nay có thể thấy tầng lớp doanh nhân của VN ra đời muộn. Nền tảng xã hội VN xuất phát từ làng xã, không có môi trường thuận lợi để phát triển những yếu tố phi nông nghiệp khác. Đặt trên bình diện kinh tế thì tầng lớp ngoại thương buôn bán của Trung Quốc phát triển rất sớm, ở VN hầu như không diễn ra và đó là hạn chế rất lớn và khiến cho tầng lớp doanh nhân việt nam ra đời muộn và chịu nhiều ý thức hệ phong kiến. Tầng lớp doanh nhân được hình thành từ việc chịu ảnh hưởng của văn hóa Khổng tử và được  “thoát thai” từ thuộc địa. Tuy nhiên, trên nền tảng còn nhiều hạn chế của yếu tố lịch sử thì tầng lớp doanh nhân VN cũng có những ưu điểm riêng.

Công cuộc đổi mới chỉ mới bắt đâu, xây dựng văn hóa trong đời sống các doanh nghiệp mà lấy doanh nhân làm trung tâm cũng chỉ mới bắt đầu. Nó chỉ mạnh khi gắn với quá trình dân chủ hóa. Nói cách khác xây dựng văn hóa doanh nhân chính là đẩy mạnh dân chủ trong đời sống của hoạt động doanh nghiệp. Hơn một phần tư thế kỷ “Đổi Mới” là một khoảng thời gian rất ngắn đối với lịch sử, những thành tựu là to lớn, những thách thức cũng rất to lớn nhất là giữa thời kỳ kinh tế thế giới cũng đang đối mặt với thử thách như chưa từng có... Nhưng xu thế không thể đảo ngược. Đạo làm Giàu với cốt lõi là tinh thần yêu nước và chí khí vưon lên hội nhập với kinh tế thế giới vẫn làn những nội hàm căn bản về “Văn hoá doanh nhân/doanh nghiệp” Việt Nam".

 

 

TS Đặng Đức Dũng – GĐ khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Tập đoàn Kangaroo: "Văn hóa doanh nghiệp dựa trên “kiềng ba chân”"

 

“Trong thời khủng hoảng khi các nguồn lực bên trong và bên ngoài đang dần cạn kiệt, khi doanh số ngày càng giảm, việc duy trì sự tồn tại trở thành mối quan tâm hàng đầu, thì việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp dựa trên “kiềng ba chân”: nâng tầm hợp tác quốc tế để hội nhập sâu; chú trọng cam kết chất lượng trong sản xuất, phân phối và dịch vụ; tích cực trong các hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội trở nên vô cùng cấp thiết. Giai đoạn suy thoái kinh tế là khoảng thời gian để các nhà quản lý thể hiện tài năng, tầm nhìn và bản lĩnh của họ. Họ phải biết cách xốc lại tinh thần của đội ngũ nhân viên, không để những nỗi ám ảnh về nợ nần ảnh hưởng đến hoạt động và môi trường văn hóa trong doanh nghiệp, đồng thời tìm kiếm giải pháp đưa doanh nghiệp thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng".

 

Nam Phương - Hồ Hường
.
.
.
.