.
.

ĐẢNG BỘ TẬP ĐOÀN ĐIỆN LỰC VIỆT NAM

LÃNH ĐẠO BẢO ĐẢM TIẾN ĐỘ, CHẤT LƯỢNG CÁC CÔNG TRÌNH

Thứ Tư, 07/12/2011|14:39

 

Nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm là ngành công nghiệp hạ tầng quan trọng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ và sự giúp đỡ của các Bộ, ban ngành Trung ương, địa phương, Đảng uỷ Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã lãnh đạo cán bộ đảng viên, CNVC vượt qua mọi khó khăn thách thức, cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển đi lên của đất nước.
 
Những chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ về phát triển Điện lực
 
Điện lực là một lĩnh vực có tầm ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Vì vậy, Bộ Chính trị đã có kết luận số 26-KL/TW ngày 24/10/2003 về chiến lược và qui hoạch phát triển ngành Điện lực Việt Nam, vạch ra chủ trương quan trọng phát triển ngành Điện lực từ năm 2001 đến năm 2020 nhằm đáp ứng đủ điện cho phát triển đất nước.
 
Chính phủ đã có quyết định số 176/2004/QĐ-TTg ngày 05/10/2004 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Điện Việt Nam giai đoạn 2004 - 2010, định hướng đến năm 2020 và ban hành quyết định phê duyệt chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050; cụ thể hoá bằng quyết định số 110/2007/QĐ-TTg ngày 18/07/2007 phê duyệt quy hoạch điện VI, giai đoạn 2006 - 2015, có xét đến năm 2025 (gọi tắt là Tổng sơ đồ VI). Theo đó:
 
Về nguồn điện: EVN được giao nhiệm vụ đầu tư và góp vốn 47 dự án nguồn điện với tổng công suất 23.900 MW, chiếm 34,6% tổng công suất lắp đặt mới của cả nước (69.194 MW). Trên 40 chủ đầu tư khác ngoài EVN được giao đầu tư 62 dự án với tổng công suất 45.300 MW, chiếm 65% tổng công suất lắp đặt mới của cả nước. Trong số 47 dự án nguồn điện trên (tổng vốn đầu tư 391.000 tỷ đồng), EVN đầu tư 100% vốn cho 33 dự án (tổng công suất 17.800 MW) và góp vốn đầu tư 14 dự án (tổng công suất 6.100 MW).
 
Về lưới điện: EVN được giao nhiệm vụ đầu tư 3.178 km và 13.200 MVA dung lượng máy biến áp cấp điện áp 500 kV; 9.592 km và 39.063 MVA dung lượng máy biến áp cấp điện áp 220 kV; 21.910 km và 32.064 MVA dung lượng máy biến áp cấp điện áp 110 kV (tổng vốn đầu tư cho lưới điện là 236.900 tỷ đồng).
 
Như vậy, tổng vốn để EVN đầu tư cho cả nguồn và lưới điện là 593.000 tỷ đồng, tương đương 33 tỷ USD. Vốn do các đơn vị khác đầu tư (45.300 MW) ước tính khoảng 54,3 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư Qui hoạch điện VI ước tính khoảng 87,3 tỷ USD. Đây là số vốn quá lớn cần có để đầu tư đáp ứng đủ điện giai đoạn 2006 - 2015.
 
Sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự giúp đỡ của các Bộ, ngành, địa phương
 
Trước những khó khăn, áp lực về tiến độ các dự án, nhu cầu vốn để đầu tư của EVN và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện lực, Thường trực Chính phủ đã chủ trì nhiều cuộc họp cùng các Bộ, chỉ đạo quyết liệt để giải quyết các vấn đề cấp bách.
 
Về thủ tục: Chính phủ đã ban hành một số quy định, cơ chế đặc thù nhằm rút gọn thủ tục đầu tư, tăng tính chủ động và tự chịu trách nhiệm cho chủ đầu tư bao gồm cơ chế 797, 400, 1195 (văn bản số 797/CP-CN ngày 17/06/2003; văn bản số 400/CP-CN ngày 26/03/2004 và Quyết định số 1195/QĐ-TTg ngày 09/11/2005), cho phép đẩy nhanh tiến độ dự án so với trước đây. EVN và các đơn vị đã xây dựng trên 30 dự án theo cơ chế này, nhờ đó đã đưa vào vận hành và cung cấp điện kịp thời cho đất nước.
 
Về vốn: Chính phủ đã chỉ đạo giải quyết vốn cho EVN, ưu tiên vốn ODA, vốn vay trong nước, bảo lãnh vốn vay cho ngành điện và trích dự trữ ngân sách Quốc gia 400 triệu USD để cho vay đầu tư thuỷ điện Sơn La. Cho phép phát hành trái phiếu trong nước, với giá trị khoảng 10.200 tỷ đồng, chỉ đạo điều chỉnh giá điện một số năm để bù đắp giá thành sản xuất điện để đưa điện về nông thôn, vùng sâu, vùng xa theo nghị quyết của Đảng, đồng thời dành vốn ngân sách để đầu tư cấp điện cho vùng sâu, vùng xa, Tây Nguyên và đồng bào Khơ me. Tổng số vốn đầu tư trong 10 năm qua đạt trên 20 tỷ USD, trong đó ngân sách cấp 120 triệu USD, số còn lại phần lớn là vốn vay.
 
Về chỉ đạo điều hành: Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước về QHĐ VI, dự án Thuỷ điện Sơn La, điện hạt nhân do một Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban để chỉ đạo điều hành các dự án trọng điểm quốc gia. Thành lập tổ công tác giúp việc với sự tham gia của các Bộ, ngành dưới sự chỉ đạo của một đồng chí phái viên của Chính phủ để đôn đốc giải quyết các vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng và đề xuất tham mưu cho Chính phủ nhằm đáp ứng mục tiêu, tiến độ và chất lượng công trình.
 
Việc lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam
 
Thực hiện nhiệm vụ chính trị với mục tiêu đã được nêu tại Nghị quyết Đại hội  toàn quốc lần thứ X của Đảng: “Phát triển nhanh nguồn điện với cơ cấu hợp lý, hoàn chỉnh hệ thống truyền tải, bảo đảm sự vận hành an toàn, hiệu quả, đáp ứng đủ điện cho yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, cả ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo”. (Văn kiện BCH TW trình Đại hội X của Đảng – Tr. 93), Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, trong đó trọng tâm lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị là đảm bảo công tác đầu tư để hoàn thành đưa vào các công trình điện theo đúng tiến độ được Chính phủ giao. Xây dựng Chương trình công tác toàn khóa của Đảng bộ đến năm 2010, đề ra kế hoạch thực hiện đầu tư phát triển điện giai đoạn 2006-2015.
 
Để sự chỉ đạo điều hành đảm bảo thường xuyên, thông suốt, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án, Tập đoàn đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai Quy hoạch điện VI do đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc trực tiếp đảm nhận trách nhiệm Trưởng Ban chỉ đạo triển khai Quy hoạch điện VI.
 
Ban chỉ đạo có trách nhiệm điều phối toàn bộ các công việc liên quan đến triển khai các công trình trong QHĐ VI, trong đó quan trọng nhất là kiểm soát các mốc tiến độ của toàn bộ quá trình từ chuẩn bị đầu tư, thiết kế, đấu thầu cho đến khi triển khai thi công.
 
Toàn bộ bộ máy đầu tư xây dựng của Tập đoàn được quán triệt và thực hiện nhiệm vụ được giao theo chức năng, qui định của từng khâu, từng cấp. Đặc biệt chú trọng quá trình lập và phê duyệt các thủ tục chuẩn bị đầu tư do quá trình này thường bị kéo dài.
 
Để hoàn thành nhiệm vụ được Đảng và Chính phủ giao, Ban cán sự Đảng trước đây và Đảng uỷ Tập đoàn hiện nay đã tập trung lãnh đạo, đề ra các chủ trương trong từng giai đoạn, bàn các giải pháp cụ thể nhằm phát huy tối đa nguồn lực của Tập đoàn, đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước và sinh hoạt của nhân dân, như phát huy tối đa công suất khả dụng các nhà máy phát điện; giảm suất sự cố; giảm tổn thất điện năng, đẩy mạnh các chương trình tiết kiệm điện; cải tiến công tác quản lý, tiếp nhận và cải tạo lưới điện nông thôn; đẩy mạnh củng cố, đổi mới, xắp xếp doanh nghiệp, nâng cao quản trị doanh nghiệp… Trong đó, trọng tâm là đảm bảo tiến độ các công trình, đặc biệt là công trình trọng điểm nguồn và lưới điện (công trình trọng điểm Quốc gia Nhà máy thuỷ điện Sơn La và lưới điện đồng bộ 500 kV…. ).
 
Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng uỷ đánh giá đúng những thuận lợi khó khăn, bàn và quyết định các chủ trương, giải pháp cụ thể về việc nâng cao chất lượng công tác lập kế hoạch, dự án; cải tiến thủ tục hành chính; thuê chuyên gia tư vấn, giám sát; mời cán bộ lãnh đạo Tập đoàn đã nghỉ hưu có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý, tham gia giám sát; phát động các phong trào thi đua trên các công trường, đặc biệt là phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, khuyến kích, động viên, biểu dương, tôn vinh các tập thể và cá nhân có nhiều thành tích góp phần nâng cao chất lượng các công trình, đảm bảo đạt và vượt tiến độ đề ra.
 
Kết quả đạt được trong lĩnh vực đầu tư xây dựng
 
Vượt qua nhiều khó khăn thử thách, giai đoạn 2006 - 2010 Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao, cụ thể:
 
Về nguồn điện: Từ năm 2006 đến nay, EVN đã và đang triển khai đầu tư xây dựng 47 dự án nguồn điện với tổng công suất 23.935 MW, trong đó có 21 dự án đã đưa vào vận hành với tổng công suất 6.280 MW; 15 dự án đang triển khai xây dựng với tổng công suất 9.381 MW đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra. 11 dự án giai đoạn chuẩn bị đầu tư với tổng công suất 5.287 MW. Ngoài ra, EVN đang triển khai 4 dự án nguồn điện đưa vào vận hành sau năm 2015 gồm 2 dự án thuỷ điện tích năng có tổng công suất 2.400 MW và 2 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1&2 (có tổng công suất hơn 4.000 MW)
 
Về lưới điện: EVN đã hoàn thành đóng điện các đường dây 110-220 kV mua điện Trung Quốc và các đường dây, TBA đồng bộ các nguồn điện. Trong 5 năm 2006 - 2010, đã đóng điện vận hành 445.000 dự án lưới điện từ 110-500 kV với tổng chiều dài 3.900 km và tổng dung lượng TBA đạt 15.500 MVA.
 
Trong năm 2010, EVN dự kiến khởi công 8 dự án nguồn điện, trong đó 8 tháng đầu năm đã khởi công 3 dự án (NĐ Nghi Sơn 1, TĐ Sông Bung 4, NĐ Vĩnh Tân 2) và các tháng còn lại phấn đấu khởi công 5 dự án (Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, NĐ Mông Dương 1, NĐ Ô Môn 1 tổ máy 2 và dự án Thuỷ điện Lai Châu). Hiện nay, đang khẩn trương chỉ đạo thực hiện nhiều công trình quan trọng, trọng điểm là công trình thủy điện Sơn La, nhằm phát điện (quí IV/2010) vượt tiến độ 2 năm, làm lợi cho nhà nước khoảng 20.000 tỷ đồng.
 
Tính chung, giai đoạn 2006 - 2010 Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đầu tư với tổng số vốn là 202.190 tỷ đồng. Như vậy, với sự quan tâm của Đảng và Chính phủ về đầu tư phát triển điện lực, sự nỗ lực của Tập đoàn Điện lực nói riêng và ngành Điện nói chung đã tạo ra bước phát triển vượt bậc. Hiện nay, công suất hệ thống điện tăng 3,7 lần, điện năng sản xuất tăng 3,65 lần so với năm 2000. EVN đã hoàn thành cơ bản nhiệm vụ của Chính phủ giao, đã triển khai 39/47 dự án, đạt tỷ lệ 86% về quy mô công suất.
 
Sự lớn mạnh của hệ thống điện thúc đẩy trình độ CBCNV ngành điện tiến bộ vượt bậc, đặc biệt trong công tác tư vấn, thiết kế, QLDA. Thực hiện chủ trương của Đảng về phát huy nội lực, những năm qua các đơn vị Tư vấn của EVN đã đảm đương được công tác tư vấn về lập dự án đầu tư, thiết kế chính các Nhà máy thủy điện (chỉ thuê tư vấn nước ngoài làm tư vấn phụ đối với phần kết cấu liên quan đến công nghệ mới như đập RCC). Biểu hiện rõ nhất là việc các đơn vị tư vấn đã đảm trách tư vấn chính trong thiết kế Nhà máy Thuỷ điện Sơn La một trong những nhà máy thủy điện lớn nhất của khu vực Đông Nam Á (công tác thiết kế các nhà máy thủy điện lớn, trước đây hoàn toàn phải đi thuê tư vấn nước ngoài) và tham gia lập dự án đầu tư và thiết kế các nhà máy nhiệt điện. Đã đảm đương thiết kế toàn bộ lưới điện truyền tải cao áp và siêu cao áp đến 500 kV. Sự nỗ lực của các đơn vị tư vấn trong nước đã góp phần giúp EVN chủ động về tiến độ xây dựng các dự án nguồn, lưới điện và tiết kiệm cho từng dự án được hàng chục tỷ đồng.
 
Mặc dù đã đạt được những kết quả to lớn trong công tác đầu tư xây dựng, đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án trọng điểm song quá trình thực hiện còn những hạn chế, bất cập ảnh hưởng đến mục tiêu của các dự án.
 
Đó là qui hoạch phát triển điện với số lượng dự án nhiều, số vốn quá lớn, nhưng giá điện không được tăng, gây áp lực về vốn rất lớn cho EVN, trong khi các yếu tố đầu vào như vật tư thiết bị, nguyên nhiên liệu tăng cao dẫn đến các dự án nguồn điện không hấp dẫn các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Một số chủ đầu tư trong nước (ngoài EVN) có nguyện vọng đảm nhận dự án nhưng hạn chế về năng lực quản lý, đặc biệt là vốn đầu tư, nên nhiều dự án nguồn điện xây dựng đưa vào vận hành không đúng tiến độ. Thời gian chuẩn bị các thủ tục về đầu tư xây dựng từ khi khảo sát lập dự án đầu tư đến khi thực hiện đầu tư còn bị kéo dài, đặc biệt với đặc thù đầu tư các dự án nguồn và lưới điện. Nguyên nhân là do: tuyến đường dây kéo dài qua nhiều địa phương; các dự án nhà máy thuỷ điện có diện tích lưu vực lớn, địa hình đồi núi phức tạp nên đến khi triển khai thi công các dự án có rất nhiều thay đổi so với khảo sát ban đầu; nhiều công trình kiến trúc, nhà cửa đã được xây dựng, thậm chí nhiều qui hoạch xây dựng của địa phương đã chồng lấn lên các dự án đã được khảo sát thiết kế nên nhiều dự án phải thay đổi tuyến, phát sinh khối lượng. Công tác di dân, đền bù giải phóng mặt bằng có số lượng tăng so với khảo sát, thiết kế ban đầu; vướng mắc cơ chế, giá đền bù nên công tác giải phóng mặt bằng kéo dài dẫn đến làm ảnh hưởng tiến độ thi công. Thủ tục đầu tư đối với công tác đầu tư xây dựng chưa được cải tiến nhiều, các khâu trung gian chưa được rút gọn. Các chế độ chính sách về quản lý dự án đầu tư thay đổi thường xuyên (tính trung bình khoảng hơn một năm lại có một Nghị định mới hoặc sửa đổi bổ sung), công tác thẩm định phải lập và hiệu chỉnh nhiều lần làm ảnh hưởng tiến độ triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án.
 
Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, từ chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ; sự ủng hộ của các Bộ ngành, địa phương trong cả nước; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Lãnh đạo Tập đoàn; nỗ lực phấn đấu vượt qua muôn vàn khó khăn của toàn thể cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức và người lao động, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội và tiến trình thực hiện công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước.  Tập đoàn Điện lực Việt Nam quyết tâm phấn đấu để luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ giao, như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trong chuyến thăm và làm việc với Tập đoàn“Trong tiến trình thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, ngành điện có ý nghĩa chiến lược quan trọng, phải đi trước một bước, là động lực của nền kinh tế. Ngành điện có vai trò quan trọng trong mục tiêu đưa Việt Nam sớm thoát khỏi tình trạng của một nước đang phát triển và đến năm 2020 trở thành một nước công nghiệp”.
 
ĐUK
.
.
.
.