CÁC THAM LUẬN TẠI ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ KHỐI DNTW NHIỆM KỲ 2010 - 2015
THAM LUẬN CỦA ĐẢNG BỘ TẬP ĐOÀN CAO SU VIỆT NAM
ĐẢNG BỘ TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN CAO SU TRÊN ĐỊA BÀN VÙNG NÚI, VÙNG KHÓ KHĂN, GÓP PHẦN QUAN TRỌNG VÀO ĐẢM BẢO NHIỆM VỤ AN NINH QUỐC PHÒNG
|
Bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời với việc nâng cao năng lực quản lý, đẩy mạnh đổi mới hoạt động doanh nghiệp theo hướng chất lượng hiệu quả, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tiếp tục mở rộng đầu tư trồng mới phát triển cây cao su trên một số địa bàn vùng núi, vùng khó khăn, biên giới. Cây cao su thực sự đã trở thành cây đa mục tiêu, vừa có giá trị kinh tế cao, vừa giải quyết được việc làm, tạo được thu nhập ổn định cho hơn 100.000 lao động với mức lương bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng; là cây trồng mũi nhọn trong chương trình xóa đói, giảm nghèo của nhiều địa phương, thực hiện được chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước là định canh, định cư cho đồng bào các dân tộc ít người, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và đặc biệt là góp phần thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Thành công trên gắn liền với lịch sử hơn 100 năm phát triển cây cao su ở Việt Nam. Năm 1897 cây cao su đầu tiên được người Pháp đưa vào trồng ở nước ta, đến ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975 sau hơn 7 thập kỷ phát triển diện tích cao su có trên 68.000 ha với sản lượng 21.000 tấn/năm chủ yếu tập trung tại miền Đông Nam bộ. Trong đó có nhiều diện tích cần thanh lý, có 10 cơ sở chế biến trong đó có 3 cơ sở đã hư hỏng hoàn toàn, các cơ sở khác ảnh hưởng không sử dụng được. Nhưng sau khi tiếp quản Đảng, và Nhà nước ta đã xác định : cao su là cây xuất khẩu mũi nhọn của sản xuất nông nghiệp và đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp tập trung đầu tư, khôi phục và phát triển cao su. Sau 35 năm, năm 2009 cả nước đã có 647.200 ha, sản lượng khai thác đạt 723.700 tấn, trong đó Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam quản lý 329.000 ha; sản lượng gần 300.000 tấn/năm; địa bàn có diện tích cao su đã phát triển rộng ra những vùng chưa từng có cao su như duyên hải miền Trung, Tây Bắc cả các nước Lào, Campuchia và hiện đang khảo sát để phát triển ở Myanmar và một số vùng thuộc Châu phi. Cao su Việt Nam hiện được xếp thứ 6 trên thế giới về diện tích (chiếm khoảng 6,4% diện tích cao su thế giới) và thứ 5 trên thế giới về sản lượng (khoảng 7,7% tổng sản lượng cao su thế giới). Đặc biệt về năng suất vườn cây Việt Nam được xem là nước đứng đầu thế giới, bình quân 1,65 tấn/ha.
Tây Bắc, Tây Nguyên là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng nhất là về an ninh, quốc phòng, nhưng hạ tầng cơ sở còn yếu kém, điều kiện sống của người dân còn khó khăn, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc ít người. Lợi dụng những yếu kém và hoàn cảnh khó khăn của đồng bào dân tộc, các thế lực thù địch thường dụ dỗ, lôi kéo với các chiêu bài “nhân quyền”, “ tự do tôn giáo” v.v…gây bạo loạn chính trị, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” và thực tế đã có một số đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên bị lôi kéo, xúi dục tham gia vào 2 cuộc bạo loạn năn 2001 và 2004. Nguyên nhân sâu xa đồng bào dân tộc ít người ở Tây Nguyên tham gia các cuộc bạo loạn thực chất không phải là đồng bào thiếu đất để canh tác, không chịu khó lao động hoặc không chịu học tập, mà bản chất của vấn đề là do đồng bào không có kinh nghiệm trong tổ chức sản xuất, không có người hướng dẫn, không có mô hình mẫu để học tập, không có việc làm thường xuyên, thu nhập không ổn định; với tập quán du canh, du cư, bấp bênh, nên cuộc sống của một bộ phận đồng bào luôn gặp khó khăn, nghèo đói. Đó là cơ sở để các thế lực thù địch tuyên truyền, kích động lòng hận thù dân tộc, dụ dỗ, lôi kéo đồng bào biểu tình chống lại Nhà nước và tạo ra các vụ bạo động, gây bất ổn chính trị… Để ổn định chính trị trên địa bàn Tây Nguyên, tăng cường giữ vững an ninh quốc phòng, vấn đề cơ bản và cấp thiết trong giai đoạn này là giải quyết các chính sách an sinh xã hội, hướng dẫn tổ chức sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào. Muốn làm được điều đó phải tạo được việc làm, có thu nhập ổn định cho đồng bào dân tộc, thay đổi tập quán du canh du cư của họ. Có nghĩa là phải có những vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa lớn để thực hiện tăng trưởng kinh tế gắn liền với giải quyết các vấn đề văn hóa xã hội (giáo dục văn hóa, việc làm, xóa đói, giảm nghèo, thu nhập, công bằng xã hội…). Tập đoàn có các đơn vị thành viên hầu hết đóng trên các địa bàn vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc trải dài từ Bắc vào Nam. Trong đó có 7 Công ty ở Tây Bắc có biên giới giáp Trung Quốc và Lào; 10 Công ty khu vực Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ có biên giới giáp Lào và Campuchia; 10 Công ty trồng cao su tại Camuchia và 2 Công ty tại Lào. Trên 30% công nhân tại các Công ty khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên là người đồng bào các dân tộc thiểu số. Đảng ủy và Lãnh đạo Tập đòan đã thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ trong lãnh đạo phát triển sản xuất với đảm bảo an ninh, quốc phòng. Một là: đẩy mạnh quy họach và phát triển cao su tại các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới để góp phần phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống của nhân dân và trong các dự án phát triển cao su của mình, Tập đoàn luôn dành quỹ đất để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội như: trường học, bệnh xá, hệ thống giao thông. Hai là: ưu tiên việc tiếp nhận đồng bào người dân tộc tại chổ vào làm công nhân cao su, hiện nay các công ty cao su khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc luôn có tỷ lệ công nhân là người dân tộc trên 30%; các đơn vị luôn có kế hoạch tổ chức, tạo điều kiện tốt nhất để đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cả về kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác cao su, về quản lý, về văn hóa, xã hội . . cho họ, có chính sách ưu tiên về tiền lương, thưởng cho công nhân và các chính sách ưu đãi khác về xã hội; luôn tạo ra các hoạt động văn hóa ở cơ sở, phát huy tốt các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trong lực lượng công nhân cao su, qua đó góp phần vào định hướng, lan tỏa cái tốt, cái đúng không để kẻ xấu lợi dụng kích động, gây mâu thuẩn, mất đoàn kết trong các dân tộc trên địa bàn, nhằm giúp họ ổn định, cải thiện và nâng cao đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần. Ba là: Chú trọng công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, xã hội, về xây dựng khối đại đoàn kết tòan dân, nâng cao ý thức bảo vệ an ninh, quốc phòng trong công nhân theo tinh thần Nghị định số 119/2004/NĐ-CP, chỉ thị 36/2005/CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác quốc phòng, xây dựng đơn vị cơ sở vững mạnh. Bốn là: Thường xuyên có sự phối hợp chặt chẽ giữa Tập đoàn với Đảng và chính quyền địa phương trong công tác quản lý, giáo dục công nhân, tạo được sức mạnh đồng bộ, thống nhất để hỗ trợ nhau cùng phát triển. Năm là: Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, thường xuyên được huấn luyện và trang bị phương tiện theo Chỉ thị 02/CT-BQP ngày 13/01/2006 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chỉ lệnh số 04 ngày 20/01/2006 của Tổng Tham mưu Trưởng về công tác dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng toàn dân. Đồng thời với cấp quản lý các đơn vị vũ trang là Quân khu, Bộ Công An, Bộ Tư lệnh Biên phòng . . . Tập đoàn cũng đã ký kết liên tịch để thực hiện, hỗ trợ nhau trong nhiệm vụ đảm bảo an ninh, quốc phòng cho từng đơn vị. Qua các chính sách và giải pháp cơ bản như đã nêu trên, Đảng bộ và Lãnh đạo Tập đoàn rút ra kinh nghiệm là đồng thời với việc chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng chính trị ổn định, thì phải nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào, xem đó là 3 trụ cột trong phát triển ổn định bền vững ; phải coi trọng mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển (như Nghị quyết TW5 – khóa VIII của Đảng đã khẳng định). Dự án cao su khá tiêu biểu tại Dak Đoa của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Păh được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai chọn làm thí điểm đưa dự án trồng cao su vào các vùng sâu, vùng xa thuộc chương trình 132, 134 trên diện tích đất rừng của các lâm trường nhằm tạo công ăn việc làm cho các hộ đồng bào dân tộc thay vì phải giao đất lại để cấp cho đồng bào trồng cây lương thực. Từ năm 2003 đến năm 2009 Công ty Chư Păh đã trồng được 2.200 ha cao su trên diện tích 3.000 ha đất tự nhiên của Dự án trồng rừng Đông Bắc Đăk-Đoa và Thanh niên xung phong của tỉnh Gia Lai. Dự án đã tạo việc làm cho 600 hộ đồng bào dân tộc, năm 2009 cao su bắt đầu mở miệng cạo, mỗi công nhân có thu nhập ổn định từ 3.000.000 đồng – 3.500.000 đồng người/tháng cộng với thu nhập phụ khoảng 1.500.000 đồng/tháng. Qua phát triển sản xuất, có thu nhập mọi người đã thấy kết quả lao động của mình càng hăng say, tiếp tục đầu tư sản xuất, nhiều hộ đã biết làm giàu, đời sống được cải thiện một cách rõ rệt (như điện, xe máy, ti vi . . .). Vùng dự án trước đây là một vùng đặc biệt khó khăn, là điểm nóng về chính trị, trật tự xã hội thì nay đã trở thành một vùng trù phú, đại bộ phận dân cư có cuộc sống ổn định. Đồng bào (trong đó có một bộ phận theo đạo) ở buôn làng trước kia có người từng tham gia các vụ bạo động, gây rối trật tự nay lại là những người tích cực nhất trong việc vận động bà con không nghe theo kẻ xấu kích động, có người tham gia vào lực lượng dân quân tự vệ của Công ty. Vùng Dự án nêu trên đã góp phần tạo ra một cộng đồng kinh tế phát triển hài hòa, đồng thuận mà trong đó vai trò chủ thể là đại bộ phận đồng bào dân tộc có ý thức và trách nhiệm với cuộc sống của mình, góp phần nâng cao đời sống vật chất và văn hóa tinh thần cho nhân dân trong thôn, buôn làng; ý thức chấp hành pháp luật trong cộng đồng được đề cao, đồng thời cùng vận động giáo dân thực hiện tốt phương châm : « sống tốt đời, đẹp đạo ». Đó cũng chính là sự vận dụng tốt mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển .
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam là một trong mười một Tập đoàn kinh tế lớn của quốc gia, trong chiến lược phát triển của mình, Đảng bộ và Lãnh đạo Tập đòan luôn nhận thức rõ vai trò của mình trong nhiệm vụ phát triển kinh tế phải gắn liền với phát triển văn hóa xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng. Về mục tiêu chiến lược của Tập đòan từ nay đến 2015 là đảm bảo tốc độ tăng trưởng bình quân 10%/năm; với tổng doanh thu 30.000 tỷ đồng; trong đó xuất khẩu đạt gần 1 tỷ đô la; tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu đạt từ 16 – 18%; tổng tài sản và vốn Nhà nước tăng bình quân 20%/năm và trị giá tổng tài sản đạt 100.000 tỷ đồng; trong đó vốn Nhà nước trên 40.000 tỷ đồng. Về phát triển cao su: trồng mới trung bình 40.000 ha/năm để đạt tổng diện tích từ 500.000 đến 520.000 ha vào năm 2015, trong đó diện tích trong nước từ 300.000 – 340.000 ha (gồm: Tây Bắc 50.000 ha; Tây Nguyên 95.000 – 100.000 ha), nước ngoài từ 160.000 – 200.000 ha. Giải quyết thêm từ 50.000 – 70.000 chổ làm cho lao động mới; nâng tổng số lao động lên 160.000 – 180.000 người và mức tăng trưởng bình quân 5%/năm; lương bình quân 350 – 400 USD/lao động/tháng vào 2015 Về phát triển công nghiệp và dịch vụ khác đến năm 2015: Xăm lốp ô tô, xe máy sản lượng khoảng 2 triệu bộ và chuẩn bị phát triển các sản phẩm nhúng ( găng tay, nệm, chỉ thun . . .) vào năm 2015 – 2020. Sản phẩm mủ li tâm khoảng 20.000tấn/năm. Nâng công suất các nhà máy tinh chế gỗ đạt 80.000 m3 gỗ thành phẩm; đạt mức tăng trung bình 8.000 m3/năm và đầu tư các nhà máy sản xuất gỗ nhân tạo (MDF, ván dăm . . . ) để tăng giá trị nguồn gỗ nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước, giảm nhập khẩu khoảng 500.000 m3. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng các Khu công nghiệp hiện có với quy mô cho thuê trên 10.000 ha, đầu tư các khu dân cư phục vụ khu công nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ để cho thuê được tối thiểu 60% diện tích và thu hút vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD vào các khu công nghiệp do Tập đoàn quản lý. Để đạt được các mục tiêu và chỉ tiêu trên, đồng thời gắn việc phát triển kinh tế xã hội với việc thực hiện nhiệm vụ an ninh quốc phòng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và Tây Bắc; tại Đại hội này, Đảng bộ Tập đoàn đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ có liên quan xem xét điều chỉnh kế họach phát triển cao su và lập bản đồ quy hoạch tổng thể phát triển cao su trên địa bàn các tỉnh phù hợp với tình hình mới theo Quyết định 750/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn 2020. Vấn đề chuyển đất rừng sang đất trồng cao su vẩn gặp nhiều khó khăn ở một số địa phương. Đề nghị Chính phủ và các Bộ chỉ đạo và hỗ trợ trong việc lập các văn bản pháp lý để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Có cơ chế phối hợp và rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt hồ sơ thủ tục để giao đất sớm cho các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn thực hiện kế hoạch trồng cao su kịp thời vụ. Các cơ quan chức năng xem xét việc chuyển giao các Công ty lâm nghiệp, các ban quản lý rừng hiện đang có nhiều quỹ đất sử dụng không hiệu quả nhưng có khả năng phát triển được cao su cho Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam quản lý, sử dụng để đầu tư và phát triển. Xem xét giao một phần quỹ đất trong Dự án phát triển 5 triệu ha rừng cho Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam trồng cao su thay các lọai cây trồng rừng khác. Tiếp tục xem xét cấp nguồn vốn ngân sách để đầu tư vào các công trình cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục . . . ở các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Đặc biệt khu vực Tây Nguyên và Tây Bắc theo tinh thần Thông báo 108/TB-VPCP ngày 30 tháng 3 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ. Trần Ngọc Thuận Bí thư Đảng uỷ, Tổng Giám đốc Tập đoàn |