.
.

CÁC THAM LUẬN TẠI ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ KHỐI DNTW NHIỆM KỲ 2010 - 2015

THAM LUẬN CỦA ĐẢNG BỘ TẬP ĐOÀN PHÁT TRIỂN NHÀ VÀ ĐÔ THỊ

Thứ Tư, 07/12/2011|13:55

 

VAI TRÒ CỦA TẬP ĐOÀN KINH TẾ NHÀ NƯỚC TRONG CÔNG TÁC PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ VÀ NHÀ Ở, GÓP PHẦN BÌNH ỔN, ĐIỀU TIẾT THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN

Kể từ khi đất nước ta thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thị trường bất động sản cũng được điều chỉnh theo cơ chế chung, đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân, quan hệ trực tiếp với các thị trường tài chính tiền tệ, thị trường xây dựng, thị trường lao động, v.v… Do đó, phát triển và quản lý có hiệu quả thị trường bất động sản sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tạo khả năng thu hút các nguồn vốn đầu tư, đóng góp thiết thực vào quá trình phát triển bền vững đô thị và nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thị trường bất động sản nói chung và thị trường bất động sản nhà đất nói riêng là thị trường cung cấp một loại hàng hóa đặc biệt, đáp ứng một trong những nhu cầu quan trọng nhất của con người là nhu cầu nhà ở. Cho nên việc quản lý và định hướng thị trường này với giá cả ổn định, hợp lý để nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân là vấn đề cực kỳ quan trọng. Những diễn biến thị trường bất động sản trong thời gian qua cho thấy sẽ có những bước phát triển mới, đột phá trong lĩnh vực phát triển nhà và đô thị, tạo sức ép đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tính cạnh tranh trên thị trường bất động sản ngày càng gay gắt. Diễn biến này đòi hỏi phải tăng cường quản lý và định hướng của Nhà nước đối với thị trường bất động sản.

Xuất phát từ những yêu cầu thực tế khách quan của thị trường bất động sản Việt Nam, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước dưới hình thức Tập đoàn kinh tế Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản có đủ tiềm lực về tài chính, về tổ chức và kinh nghiệm quản lý điều hành, đóng vai trò chủ lực trong thị trường nhà ở để đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị và nhà ở trong thời gian tới.

 

     TLhud1.jpg

Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam được hình thành trên cơ sở lựa chọn một đơn vị hội tụ đủ các yêu cầu cần thiết về năng lực tài chính, kinh nghiệm, thương hiệu làm nòng cốt, đồng thời liên kết các pháp nhân doanh nghiệp cùng ngành xây dựng và các thành phần kinh tế khác, gắn bó nhau về công nghệ, thị trường… nhằm khai thác thế mạnh của nhau, phát huy sức mạnh tổng hợp để đủ sức cạnh tranh với các đối tác trong và ngoài nước. Đây là Tập đoàn kinh tế có tổ chức quy mô lớn, đa sở hữu, trong đó Nhà nước giữ vai trò chi phối về vốn, có trình độ công nghệ hiện đại, chuyên môn hóa cao, kinh doanh đa ngành, trong đó đầu tư phát triển nhà ở và khu đô thị mới cùng những lĩnh vực liên quan là ngành kinh doanh mũi nhọn; gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất, kinh doanh và nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ để đủ sức cạnh tranh, hội nhập kinh tế quốc tế đạt hiệu quả cao. Tập trung nguồn lực, phát huy năng lực, kinh nghiệm, thương hiệu của đơn vị nòng cốt và các đơn vị thành viên trong Tập đoàn tạo lập quỹ nhà ở gắn với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được đầu tư xây dựng đồng bộ, có giá bán hợp lý, đáp ứng nhu cầu nhà ở của nhân dân.

Tập đoàn HUD là lực lượng nòng cốt để triển khai thực hiện định hướng phát triển nhà ở đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 76/2004/QĐ-TTg ngày 06/5/2004 và định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 07/04/2009 và các chương trình trọng điểm khác. Là công cụ hữu hiệu của Nhà nước để thực hiện các chương trình trọng điểm quốc gia, các mục tiêu kinh tế xã hội liên quan lĩnh vực phát triển nhà ở và đô thị như: xây dựng nhà ở xã hội cho các đối tượng học sinh, sinh viên, các cơ sở đào tạo, nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, người thu nhập thấp tại các đô thị; giúp các địa bàn kinh tế khó khăn phát triển nhà ở và đô thị, góp phần vào quá trình đô thị hóa của các địa phương, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh miền Trung, khu vực Tây Nguyên, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, … Chủ động tham gia tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia các hiệp định song phương và đa phương giữa Việt Nam và các nước trong lĩnh vực phát triển đô thị và nhà ở, từng bước nghiên cứu, triển khai đầu tư các dự án nhà ở tại các nước trong khu vực và trên thế giới.

Quá trình hình thành và phát triển của Công ty mẹ Tập đoàn phát triển nhà và đô thị là quá trình hình thành và phát triển Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị trong 10 năm qua gắn liền với quá trình đô thị hóa theo mô hình các khu đô thị mới đồng bộ hiện đại, gắn liền với xây dựng nhà ở mà chủ yếu là nhà chung cư có giá trung bình. Tại Thủ đô Hà nội, trong 10 năm qua, Tổng công ty đã xây dựng được nhiều khu đô thị mới với hơn 3 triệu m2 sàn nhà ở, trong đó chủ yếu là chung cư cao tầng gắn liền với mô hình quản lý chung cư. Do mô hình khu đô thị mới triển khai đồng bộ, đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp lại kết hợp với mô hình dịch vụ đô thị, dịch vụ chung cư nên các khu đô thị mới do Tổng công ty xây dựng trở nên hấp dẫn.

Quá trình triển khai các dự án đô thị mới do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị là chủ đầu tư có sự tham gia xây dựng của các doanh nghiệp xây lắp, sản xuất vật liệu xây dựng, cấp nước môi trường trong ngành xây dựng, để xây dựng các công trình nhà ở và hạ tầng kỹ thuật khu đô thị đảm bảo tiến độ và chất lượng. Mối quan hệ này cũng là tiền đề cho sự liên kết các thành viên sáng lập để hình thành Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam có sự tham gia của 4 Tổng công ty thành viên là Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Tổng công ty Thủy tinh và gốm xây dựng, Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng, Tổng công ty Đầu tư xây dựng cấp thoát nước và môi trường Việt Nam.

Kết hợp định hướng với mô hình phát triển hợp lý, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị, khi xây dựng đề án hình thành Tập đoàn cũng đồng thời xây dựng chiến lược phát triển của Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt nam. Chiến lược phát triển của Tập đoàn đã bám sát chương trình phát triển đô thị và nhà ở do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trước mắt, Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt nam tập trung triển khai 110 dự án khu đô thị mới và công trình nhà ở tại các Tỉnh, Thành phố trong cả nước tương đương với 30 triệu m2 sàn nhà ở (bao gồm cả nhà ở xã hội), trong đó, từ nay đến 2015 thực hiện 12,5 triệu m2 nhà ở.Trong đó, nhà ở xã hội: 1,25 triệu m2, chiếm 10%; nhà ở thu nhập cao: 2,5   triệu m2, chiếm 20%; nhà ở thu nhập trung bình:8,75 triệu m2, chiếm 70%.

Trong kế hoạch 2010, Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam đóng góp thiết thực vào chương trình phục hồi kinh tế đất nước, hướng tới chương trình phát triển nhà ở mà trọng tâm là nhà ở có mức giá trung bình để phục vụ cán bộ công nhân viên, người lao động, đẩy mạnh triển khai các dự án nhà ở xã hội theo chương trình của Chính phủ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, tạo động lực phát triển đô thị tại các địa phương, thực hiện vai trò chủ lực định hướng chiến lược phát triển đô thị, nhà ở, góp phần bình ổn, điều tiết thị trường bất động sản ở nước ta.

 

  TLhud.jpg

 

Để thực hiện tốt vai trò, vị trí của tập đoàn kinh tế nhà nước, đề nghị Chính phủ có cơ chế giao cho Tập đoàn làm chủ đầu tư triển khai các dự án có quy mô lớn về phát triển nhà ở và khu đô thị tại các thành phố lớn như: thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; các khu kinh tế trọng điểm của Nhà nước để tạo quỹ nhà ở, quỹ đất ở có hạ tầng. Sau khi hoàn thành bàn giao một phần cho địa phương để chủ động thực hiện kinh doanh nhà ở thông qua sàn giao dịch bất động sản để minh bạch thị trường nhà ở. Có cơ chế giao Tập đoàn phối hợp với các tổ chức tài chính, ngân hàng huy động các nguồn vốn ưu đãi để thực hiện Chương trình phát triển nhà ở. Vốn điều lệ của các đơn vị tại thời điểm hiện tại còn thấp so với nhu cầu và thực tế sản xuất kinh doanh và thấp so với giá trị thực tế của doanh nghiệp, đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính sớm cho phép điều chỉnh tăng vốn điều lệ cho phù hợp với giá trị thực tế của đơn vị. Sau khi các đơn vị chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, đề nghị Chính phủ cho tiếp tục triển khai công tác cổ phần hóa. Các dự án xử lý nước thải, rác thải đô thị thuộc lĩnh vực công ích, hiệu quả kinh tế thấp, vì vậy Chính phủ cần có cơ chế hỗ trợ để khuyến khích doanh nghiệp thực hiện các dự án trong lĩnh vực này.

Đầu tư phát triển nhà ở và đô thị trong nền kinh tế thị trường là lĩnh vực kinh tế còn mới mẻ ở nước ta, việc hình thành một tổ chức kinh tế mạnh hoạt động dưới hình thức một Tập đoàn kinh tế Nhà nước mặc dù là một mô hình mới và đang được triển khai thí điểm, nhưng với kinh nghiệm phát triển của các đơn vị thành viên, Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam sẽ phát huy và đáp ứng sự nghiệp phát triển đô thị và nhà ở với vai trò chủ đạo của doanh nghiệp Nhà nước và từng bước tham gia điều tiết thị trường nhà ở theo phương châm “kết hợp giữa kinh doanh và phục vụ, lấy phục vụ để phát triển”. Theo quan điểm đó, Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam sẽ là công cụ hữu hiệu của Nhà nước tham gia điều tiết thị trường bất động sản, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước. Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao phó, Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Việt Nam trân trọng cảm ơn và mong nhận được sự chỉ đạo thường xuyên của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự quan tâm tạo điều kiện của Bộ Xây dựng, các Bộ, ngành có liên quan, Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố, sự phối hợp của các Tập đoàn, Tổng công ty, các doanh nghiệp vì sự phát triển chung của đất nước.   

Với phương châm phát triển bền vững và là một địa chỉ tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, cán bộ, công nhân viên lao động Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Việt Nam sẽ phát huy truyền thống vẻ vang, không ngừng vươn lên những đỉnh cao của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

ĐUK
.
.
.
.