.
.

CÁC THAM LUẬN TẠI ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ KHỐI DNTW NHIỆM KỲ 2010 - 2015

Tham luận của Đảng bộ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam

Thứ Tư, 07/12/2011|13:41

 

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã chỉ rõ nhiệm vụ của ngành BCVT, CNTT đó là: “Tăng nhanh năng lực, hiện đại hoá ngành BCVT; phát triển nhanh các dịch vụ viễn thông... phát triển công nghệ cao, nhất là công nghệ thông tin, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế theo lộ trình, phù hợp với chiến lược phát triển đất nước từ nay đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.”

Xác định vai trò là doanh nghiệp chủ lực của đất nước trong lĩnh vực BCVT, CNTT, với nhiệm vụ là ngành kinh tế kỹ thuật cần phải đi trước để tạo điều kiện cho xã hội và các ngành kinh tế phát triển, Đảng ủy Tập đoàn BCVT Việt Nam đã nhận thức, quán triệt một cách sâu sắc tinh thần, định hướng của Nghị quyết Đại hội X đối với chiến lược phát triển ngành BCVT, CNTT. Từ đó, cụ thể hóa vào từng chiến lược phát triển của VNPT trong giai đoạn 2005 – 2010, trong đó một trong những mục tiêu chiến lược lớn nhất mà VNPT thực hiện thành công là: “Lãnh đạo xây dựng phát triển hạ tầng mạng BCVT- CNTT hiện đại, góp phần cải thiện đời sống người dân, thu hẹp khoảng cách giữa Việt Nam và Thế giới”. Để thực hiện thành công mục tiêu này trong 5 năm qua chúng tôi đã tập trung vào những vấn đề then chốt trong phát triển như:

Thứ nhất: Không ngừng đồng bộ, hiện đại hóa hạ tầng mạng lưới, nâng cao chất lượng dịch vụ, cung cấp nhiều dịch vụ hiện đại, tiện ích:

- Về lĩnh vực Bưu chính, VNPT đã tổ chức hoản chỉnh mạng trong nước, quốc tế và đảm nhận hầu như toàn bộ các dịch vụ bưu chính tại Việt Nam. Hiện nay VNPT đã có hàng chục ngàn km đường thư các cấp trong nước và đi quốc tế đang đáp ứng nhiều loại hình dịch vụ bưu chính từ truyền thống đến dịch vụ mới. Với hơn 20 nghìn điểm phục vụ trên cả nước (bình quân là 2,37km/điểm), Bưu chính VNPT đã đáp ứng chỉ tiêu tất cả người dân đều được tiếp cận và được cung cấp dịch vụ chu đáo. VNPT hiện có quan hệ hợp tác vận chuyển bưu chính trực tiếp với hơn 60 quốc gia và đã mở đường thư trên bộ trực tiếp với Trung Quốc, Lào và Campuchia. Tất cả các dịch vụ Bưu chính công ích đều do VNPT đảm nhận.

- Về viễn thông, hệ thống truyền dẫn đường trục quốc gia và quốc tế của VNPT đã đạt dung lượng lớn, tốc độ cao. Với ba phương thức chính là: cáp quang, Viba số và vệ tinh. Hệ thống truyền dẫn này đã hình thành nên các xa lộ thông tin, được kết nối với nhau liên hoàn, có tính dự phòng cao, đảm bảo nhu cầu thông tin liên lạc của đất nước trong mọi tình huống. Bảo đảm phổ cập dịch vụ VT, CNTT thỏa mãn nhu cầu về các dịch vụ điện thoại cố định, di động và Internet cho hầu hết mọi người dân trong phạm vi cả nước, từ trung ương đến địa phương. 

Tháng 4/2008, VNPT đã phóng thành công và đưa vào khai thác có hiệu quả vệ tinh Viễn thông đầu tiên của Việt Nam (Vinasat-1), vệ tinh này có ý nghĩa quan trọng, góp phần hoàn chỉnh hạ tầng thông tin quốc gia, nâng cao độ an toàn cho mạng lưới viễn thông, thúc đẩy và phát triển các dịch vụ viễn thông, CNTT, phát thanh truyền hình và phục vụ các yêu cầu về an ninh quốc phòng... Nhờ hệ thống vệ tinh này, thông tin liên lạc, các dịch vụ VT, CNTT tại bất cứ địa điểm nào trên đất nước đều được thực hiện một cách thuận tiện. Đặc biệt qua hệ thống truyền dẫn vệ tinh, người dân cả nước sẽ được tiếp cận các dịch vụ VT, CNTT, phát thanh, truyền hình chất lượng cao. Qua đó góp phần nâng cao đời sống, dân trí xã hội. Đồng thời tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

VNPT cũng tiên phong phát triển và đưa vào sử dụng hạ tầng mạng băng thông rộng, di động 3G, mạng viễn thông thế hệ mới (NGN)… đây là cơ sở, nền tảng cho phát triển các dịch vụ viễn thông mới có độ an toàn, tiện ích cao, phù hợp xu thế tích hợp đa dịch vụ trong tương lai. Đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, công nghiệp, công nghệ thông tin, Chính phủ điện tử, giáo dục đào tạo, phổ biến khoa học kỹ thuật, y tế, văn hóa, giải trí…

- Về giá cước các dịch vụ, song song với việc thực hiện giảm cước theo lộ trình, việc chủ động đề xuất giảm cước dịch vụ của VNPT thể hiện rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc hướng tới lợi ích của đại đa số người dân, tăng cường phổ cập dịch vụ trong xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đất nước. Tỷ lệ giảm cước trong 5 năm qua của VNPT bình quân đạt 15-20%/năm. Cụ thể, đến thời điểm này, giá cước viễn thông trong nước đã giảm đến 50% so với năm 2005. Triển khai hiệu quả chính sách giảm cước là một động thái tích cực của doanh nghiệp chủ lực thực hiện chính sách bình ổn giá, chống suy thoái kinh tế và hướng đến lợi ích của khách hàng. Về giá cước hiện nay, theo thống kê thì Việt Nam đang có mức giá cước dịch vụ VT, CNTT rẻ nhất thế giới, bên cạnh đó còn là quốc gia có độ phổ cập dịch vụ lớn. Du khách quốc tế đến Việt nam đều cảm nhận được sự thuận tiện, dễ dàng khi sử dụng dịch vụ BCVT, CNTT.

Thứ hai: Nỗ lực góp phần phát triển Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn – xây dựng nông thôn mới:

 Chiến lược phát triển nông thôn mới cũng là một trọng tâm của Đảng trong những năm qua và giai đoạn sắp tới. Nhận thức rõ tầm quan trọng của chiến lược này, VNPT đã xây dựng kế hoạch phát triển đặc thù mạng lưới BCVT, CNTT tại khu vực nông thôn theo hướng đồng bộ hóa, hiện đại hóa và trên cơ sở đó cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích đến tận địa chỉ của người dân.

Tính đến thời điểm hiện nay, mạng lưới thông tin liên lạc của VNPT đã phủ kín đến 100% các xã trên toàn quốc, tất cả những người dân ở vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo đều được hưởng các dịch vụ viễn thông, CNTT, xem các chương trình phát thanh, truyền hình một cách thuận lợi, thông suốt có chất lượng cao. Mạng Internet đã và đang được VNPT đưa đến tận hộ gia đình với chương trình đưa CNTT về nông thôn bằng các hoạt động như: phổ cập tin học, nối mạng tri thức cho thanh thiếu niên nông thôn, 1 triệu giờ đồng hành, chương trình viễn thông công ích, chương trình hỗ trợ kết nối Internet đến tất cả các trụ sở xã phường, trường học, cơ sở y tế… Qua những chương trình này, VNPT đã hỗ trợ một cách thiết thực, hiệu quả cho phát triển Giáo dục và y tế tại nông thôn. Mới đây, VNPT đã chính thức đưa vào hoạt động hai sản phẩm tiện ích phục vụ xã hội đã được đánh giá cao đó là cổng thông tin sức khỏe cộng đồng VHO và phần mềm hỗ trợ giáo dục VNPT School.

 Cùng với các dịch vụ di động, băng rộng, mô hình các điểm phục vụ BCVT, CNTT của VNPT trên toàn quốc tiếp tục giữ vai trò là một cầu nối thông tin tại nông thôn, giúp người dân nâng cao dân trí, tiếp cận với nguồn tri thức mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi trồng trọt, VH-XH… Tại nhiều địa phương, mô hình này đã trở thành nét đẹp văn hóa của nông thôn mới. Bên cạnh đó, việc thay đổi từ phương thức cung cấp dịch vụ thụ động sang chủ động, người nông dân đã được cảm nhận sự phục vụ tận tình của VNPT qua đội ngũ bán hàng lưu động, chăm sóc khách hàng tại nhà… Về chính sách giá cước đối với đối tượng khách hàng ở khu vực nông thôn, VNPT đã thiết kế nhiều gói cước dành cho nông dân với mức giá ưu đãi, nhằm mục đích phổ cập dịch vụ, tạo cơ hội thuận lợi để người dân tiếp cận dịch vụ mới. Đặc biệt, VNPT còn thực hiện việc tặng thiết bị đầu cuối, miễn phí thuê bao cho nông dân tại các khu vực vùng sâu, vung xa, biên giới hải đảo.

Những chương trình này, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nói chung, của toàn xã hội, mà còn trực tiếp thúc đẩy công cuộc phát triển kinh tế xã hội, CNH-HĐH, xóa đói giảm nghèo tại khu vực nông thôn và từng ngày làm thay đổi bộ mặt nông thôn mới của nước ta.

Song song với việc phát triển mạng lưới, dịch vụ, trong những năm qua VNPT còn được biết đến là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong công tác an sinh xã hội. Trong 10 năm qua, VNPT đã dành 435.559 tỷ đồng cho công tác này. Gần đây, VNPT là một trong những doanh nghiệp tiên phong thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ tham gia hỗ trợ 2 huyện nghèo nhất nước là Sìn Hồ và Mường Tè của tỉnh Lai Châu thoát nghèo bền vững và phát triển KT-XH.

Tính đến thời điểm cuối tháng 8/2010, Việt Nam có khoảng trên  150 triệu thuê bao điện thoại, trong đó gần 140 triệu thuê bao di động. Số thuê bao di động của Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực. Tỷ lệ người dùng Internet của Việt Nam đạt mức trên 28% dân số. Mới đây, tại báo cáo “Hiện trạng Internet toàn cầu”, Việt Nam đã được xếp trong bảng 20 quốc gia trên thế giới có lượng người sử dụng Internet nhiều nhất. Những con số này cho thấy tốc độ phát triển và khả năng đáp ứng dịch vụ VT, CNTT cho người dân ở nước ta đạt mức cao tương đương các nước phát triển. So sánh về giá cước với các nước, từ cuối năm 2004, Ngân hàng Thế giới (WB) đã ghi nhận giá cước điện thoại và thuê kênh quốc tế của Việt Nam đã tương đương với mức khu vực ASEAN. Tính đến thời điểm hiện nay, giá cước các dịch vụ VT, CNTT của Việt Nam đã ở mức thấp hơn các nước trong khu vực.

Với những thành tựu lớn về tốc độ phát triển lĩnh vực BCVT, CNTT của đất nước, khoảng cách giữa Việt Nam và thế giới đã được thu hẹp. Đóng góp vào những thành công này, VNPT hiện đang giữ vai trò là doanh nghiệp chủ đạo dẫn dắt thị trường. Cụ thể, về dịch vụ cố định VNPT đang chiếm gần 90% thị phần, dịch vụ thông tin di động 60%, dịch vụ Internet tốc độ cao chiếm 70%, dịch vụ MyTv (truyền hình theo nhu cầu) mới ra mắt nhưng đã từng bước khẳng định thương hiệu, đây chính là dịch vụ hiện đại nhất nhờ hội tụ công nghệ giữa VT, CNTT và phát thanh truyền hình.

Thứ ba: Ứng dụng CNTT vào điều hành, quản lý doanh nghiệp theo phong cách hiện đại, với quy mô toàn Tập đoàn:

Là đơn vị có quy mô lao động, bộ máy lớn, lại quản lý 1 hệ thống mạng lưới kỹ thuật và dịch vụ, khách hàng rộng khắp trên địa bàn cả nước (VNPT có trên 170 đơn vị đầu mối với 9 vạn lao động, hàng trăm triệu khách hàng), do vậy để quản lý đồng bộ, thống nhất trong toàn tập đoàn là một công việc khá phức tạp. Vì thế chỉ có ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý, điều hành SXKD mới đảm bảo hiệu quả thiết thực. Đặc biệt trong giai đoạn thị trường cạnh tranh mạnh mẽ, việc ứng dụng CNTT vào SXKD sẽ vừa là phương tiện, công cụ để VNPT phát triển bền vững.

Trong những năm qua, VNPT đã có chương trình trọng điểm về ứng dụng CNTT hiện đại, đồng bộ, tập trung trong toàn tập đoàn trên tất cả các lĩnh vực, đảm bảo tính thống nhất, tập trung, ổn định và độ an toàn cao. Với hệ thống phần mềm ứng dụng tiện ích cao, VNPT đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống báo cáo điện tử, quản lý lao động tiền lương, thống kê, tài chính, quản lý dự án, tài sản, quản lý dữ liệu kinh doanh... Đặc biệt đáng chú ý là hệ thống quản lý kỹ thuật mạng lưới, chất lượng dịch vụ, tính cước, dữ liệu khách hàng, chăm sóc khách hàng đã được tin học hóa thống nhất từ tập đoàn đến các đơn vị thành viên. Hiện tất cả những ứng dụng trên đều được tích hợp trên cổng thông tin điện tử của Tập đoàn. Nhờ vậy, các thông tin trên toàn mạng lưới được cập nhật, cung cấp một cách kịp thời, chính xác, giúp lãnh đạo các cấp xử lý có hiệu quả. Mới đây, năm 2009, VNPT đã đưa vào sử dụng hệ thống mạng truyền hình trực tuyến từ tập đoàn đến 70 điểm cầu là các đơn vị thành viên trên cả nước. Việc điều hành trực tuyến trong thời gian qua đã phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo thống nhất từ cấp Tập đoàn đến các đơn vị.

Không chỉ góp phần thúc đẩy các hoạt động SXKD, việc ứng dụng CNTT cũng phát huy hiệu quả trong các hoạt động Đảng, đoàn thể như quản lý Đảng viên; hệ thống hồ sơ, dữ liệu, hoạt động tài chính của Đảng… cũng được số hóa đảm bảo tính an toàn, bảo mật và tiện lợi.

Trong những năm qua, việc ứng dụng CNTT vào quản lý, điều hành SXKD không chỉ đem lại phong cách làm việc tiên tiến, năng động và hiệu quả mà còn giúp VNPT tiết kiệm được lượng lớn thời gian, nhân lực và chi phí trong SXKD. Đây cũng chính là một nguyên nhân gián tiếp để VNPT góp phần phát triển nền kinh tế đất nước theo yêu cầu của thời kỳ CNH-HĐH.

Sau những thành công đã đạt được trong giai đoạn vừa qua, bài học mà VNPT rút ra để làm cở sở tổng kết kinh nghiệm và phát huy thế mạnh đó là:

- Luôn bám sát định hướng của Đảng, chiến lược của Ngành về tăng tốc độ phát triển, đưa Việt nam trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông, phục vụ kịp thời yêu cầu trong công tác chỉ đạo điều hành của Đảng, Nhà nước, đáp ứng yêu cầu cho sự nghiệp CNH-HĐH đất nước;

- Sự chỉ đạo quyết liệt, xuyên suốt của Đảng ủy, các cấp lãnh đạo Tập đoàn là nhân tố then chốt quyết định thành công;

- Tinh thần tiến công trong công tác ứng dụng công nghệ hiện đại vào SXKD, liên tục tìm tòi áp dụng những giải pháp mới về công nghệ để làm phong phú đa dạng dịch vụ;

- Chú trọng công tác ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh;

- Mọi chiến lược phát triển luôn phải gắn liền, kết hợp hài hòa 3 nhóm lợi ích cơ bản là Xã hội, khách hàng và doanh nghiệp;

- Luôn quan tâm đến mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống người dân thông qua các dịch vụ BCVT, CNTT, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước;

- Luôn xác định rõ vai trò chủ lực trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị cũng như công tác SXKD mà Đảng, Nhà nước đã giao cho.

Để tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phục vụ, SXKD và khẳng định vai trò tập đoàn kinh tế chủ lực của đất nước, VNPT mong muốn sẽ nhận được sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước qua một số đề xuất, kiến nghị như sau:

Thứ nhất, về cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động của mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước. Là một trong những Tập đoàn kinh tế được hình thành theo chủ chương xây dựng thí điểm mô hình Tập đoàn kinh tế mạnh của quốc gia, từ năm 2006, VNPT vừa thực hiện nhiệm vụ phục vụ và nhiệm vụ SXKD vừa tiến hành xây dựng, hoàn thiện mô hình Tập đoàn. Mới đây, từ 1/7/2010 VNPT tiếp tục thực hiện công tác chuyển đổi loại hình doanh nghiệp sang loại hình Công ty TNHH 1 thành viên sở hữu nhà nước. Trong một khoảng thời gian chưa dài khi thực hiện mô hình Tập đoàn, đề nghị Nhà nước kịp thời có những tổng kết, đúc rút kinh nghiệm để làm cơ sở cho việc chuẩn hóa, hoàn thiện mô hình. Về hệ thống các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động chung cho mô hình Tập đoàn khi chuyển sang loại hình Công ty TNHH 1 thành còn thiếu đồng bộ, thậm chí chồng chéo. Đây là một trong những khó khăn cho các tập đoàn trong quá trình sắp xếp tổ chức, vận hành bộ máy và SXKD. Do vậy, để đảm bảo hoạt động của mô hình doanh nghiệp có hiệu quả, đề nghị Đảng, Nhà nước, Chính phủ tiếp tục và sớm hoàn thiện hành lang phát lý mang tính đồng bộ, thống nhất, để chuẩn hóa mô hình hoạt động cho các tập đoàn kinh tế nói chung trong đó có VNPT.

Thứ hai, đó là vấn đề xây dựng thị trường dịch vụ BCVT, CNTT cạnh tranh lành mạnh hướng đến lợi ích nhiều bên giữa xã hội, doanh nghiệp và khách hàng. Như chúng ta thấy, trong 5 năm qua, thị trường dịch vụ BCVT là một thị trường có tính cạnh tranh quyết liệt. Chúng tôi thừa nhận rằng việc cạnh tranh là quy luật tất yếu của phát triển, tuy nhiên, cạnh tranh như thế nào là phù hợp khuôn khổ pháp luật cũng như đạo đức kinh doanh đó đang là điều cần hướng đến. Việc san sẻ nhiệm vụ công ích, xã hội cũng cần được xem xét đối với các doanh nghiệp. Việc những doanh nghiệp mới chỉ tập trung ở những địa bàn trung tâm, mầu mỡ, còn những lĩnh vực khó khăn như đầu tư phát triển cho vùng xâu vùng xa, nông thôn miền núi lại dồn lên vai doanh nghiệp nhà nước. Từ những thực tế như trên, chúng tôi kiến nghị cần có những nghiên cứu, đánh giá từ thực tiễn để có những quy định cụ thể hơn về cạnh tranh lành mạnh.

Trong những năm qua, với những nỗ lực, tâm huyết của hàng vạn Đảng viên, CBCNV VNPT qua các thế hệ đã góp phần không nhỏ đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Ghi nhận những đóng góp đó, Đảng, Nhà nước đã trao tặng nhiều phần thưởng cao quý cho VNPT như Huân chương Sao vàng, Danh hiệu Anh hùng Lao động và nhiều phần thưởng cao quý khác. Trong giai đoạn tới, với quyết tâm cao nhất, toàn thể Đảng viên, CBCNV VNPT đặt ra mục tiêu phấn đấu đưa VNPT trở thành một trong 10 nhà cung cấp dịch vụ, giải pháp VT, CNTT hàng đầu trong khu vực. Do đó VNPT rất mong nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước, sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân. Đây sẽ là động lực quan trọng để VNPT tiếp tục lớn mạnh.

                               Phạm Long Trận

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV - VNPT

                                                                                                         

 
.
.
.
.