.
.

CÁC THAM LUẬN TẠI ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ KHỐI DNTW NHIỆM KỲ 2010 - 2015

Tham luận của Đảng bộ Tập đoàn Dệt May

Thứ Tư, 07/12/2011|13:52

ĐẢNG BỘ TẬP ĐOÀN DỆT MAY VIỆT NAM LÃNH ĐẠO MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU VÀ PHÁT TRIỂN MẠNH THỊ TRƯỜNG NỘI ĐỊA

Tập đoàn Dệt May Việt Nam là một Tập đoàn kinh tế lớn, giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế đất nước. Trong nhiều năm gần đây, Ngành Dệt May nói chung và Tập đoàn Dệt May Việt Nam nói riêng đã đóng góp một phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Ngành Dệt May Việt Nam sử dụng trên 1,3 triệu lao động công nghiệp, chiếm tỉ trọng trên 10% so với lao động công nghiệp cả nước và đạt kim ngạch xuất khẩu 9,1 tỉ USD, là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất với mức đóng góp trên 16% tổng xuất khẩu cả nước.

Có được những thành công to lớn đó, là sự lãnh đạo sáng suốt và kiên định với những chủ trương và quan điểm hợp thời đại của Đảng bộ Tập đoàn Dệt May Việt Nam, sự nhất trí cao độ của Hội đồng quản trị, Cơ quan Tổng Giám đốc và tinh thần đoàn kết được thiết lập trên đội ngũ cán bộ, công nhân lao động có trình độ và tay nghề, có lòng yêu nghề và gắn bó sâu sắc. Tạo dựng được những mối tương quan tốt đẹp đó trong toàn Tập đoàn, là sự nỗ lực định hướng đúng đắn của BCH Đảng uỷ và sự tín nhiệm cao của người lao động đối với  Đảng bộ Tập đoàn Dệt May Việt Nam.

“Lấy xuất khẩu là động lực và phát triển thị trường nội địa là khâu để tạo cân bằng” là quan điểm chỉ đạo chung để phát triển ngành Dệt May Việt Nam của Đảng bộ, HĐQT, Cơ quan TGĐ Tập đoàn Dệt May Việt Nam. Với quan điểm trên, Đảng bộ Tập đoàn chủ trương: “giá trị cốt lõi trong mỗi sản phẩm của Tập đoàn sản xuất là: Chất lượng + Thời trang + Quan hệ Lao động hài hoà + Bảo vệ môi trường”.

Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu đã đề ra, Đảng bộ Tập đoàn đã lãnh đạo xây dựng chương trình chiến lược mở rộng thị trường xuất khẩu và phát triển mạnh thị trường nội địa được cụ thể hoá bằng những quy trình và hành động cụ thể:

- Lãnh đạo mở rộng thị trường xuất khẩu bằng những chiến lược đột phá thị trường lớn.

Trong 5 năm qua, xu hướng quốc tế hoá thời trang đang phát triển mạnh mẽ, biết nắm bắt cơ hội và vận dụng sáng tạo, hợp lý tất yếu sẽ dẫn đến thành công - từ thực tế này, Đảng bộ Tập đoàn Dệt May Việt Nam chủ trương lãnh đạo các đơn vị nghiên cứu và khai thác thị hiếu các thị trường lớn.

- Đột phá thị trường Mỹ

Nhận thấy Mỹ là thị trường có dung lượng tiêu thụ sản phẩm may mặc lớn nhất thế giới và có khả năng nhận các hợp đồng gia công và mua bán rất lớn. Xong, do điều kiện hàng dệt may Việt Nam lúc đó còn bị áp thuế phân biệt đối xử nên chưa xuất khẩu được đáng kể vào thị trường này, vì thế hàng dệt may Việt Nam chưa có tên trên bản đồ nhập khẩu của Mỹ. Các nhà sản xuất và nhập khẩu của Mỹ chưa biết gì nhiều về hàng dệt may Việt Nam. Để có thể xâm nhập mạnh hơn vào thị trường này, Đảng bộ Tập đoàn đã lãnh đạo Hiệp hội Dệt May Việt Nam và Tập đoàn Dệt May Việt Nam thực hiện hai chương trình chiến lược. Một là: Liên tục tiếp cận thị trường và quảng bá khả năng của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam; hai là: Tích cực vận động chính sách thương mại dệt may Mỹ - Việt để tạo điều kiện mở cửa thị trường Mỹ cho hàng dệt may Việt Nam.

  TLDetmay.jpg

 

Với những nỗ lực to lớn của những tập thể và các cá nhân trong hai chương trình chiến lược trên, xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào thị trường Mỹ đã gia tăng một cách đột biến: Năm 2005: 2,603 triệu USD, năm 2007: 4.400 triệu USD, năm 2009: 5.100 triệu USD.

Hàng dệt may Việt Nam từ chỗ chưa có tên trong bản đồ nhập khẩu năm 2001 đã vươn lên là nhà xuất khẩu lớn thứ Nhì ở thị trường Mỹ vào năm 2009.

Tính đến nửa đầu tháng 8/2010, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt khoảng 6,3 tỷ USD, tăng hơn 17% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ chiếm 55% tổng kim ngạch xuất khẩu và là thị trường quyết định trong việc hoàn thành mục tiêu xuất khẩu của ngành dệt may.

- Chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Nhật

Thị trường nhập khẩu hàng dệt may của Nhật là thị trường lớn thứ 3 trên thế giới. Trong nhiều năm liền từ 1995 đến 2007, hàng dệt may Việt Nam phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ Trung Quốc. Do vậy, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này chỉ dao động ở mức tăng trưởng 1 – 2 % mỗi năm. Năm 2005 kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam vào Nhật đạt 605 triệu USD, tăng 1% so với năm trước và chỉ chiếm 2,5% thị phần nhập khẩu của thị trường này.

Để có thể cạnh tranh với Trung Quốc tại thị trường này, Đảng bộ Tập đoàn lãnh đạo xây dựng chiến lược đẩy mạnh hợp tác với các nhà sản xuất Nhật bằng công thức: công nghệ và quản trị của Nhật + lao động Việt Nam = Xuất khẩu sang Nhật, tiến hành vận động các nhà sản xuất Nhật chuyển hướng hợp tác mạnh mẽ với Việt Nam. Liên tục tổ chức các diễn đàn và xúc tiến thương mại, đầu tư tại Nhật. Tổ chức vận động các nhà sản xuất Nhật tăng cường đầu tư và chuyển các đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Trong năm 2008, cùng với Hiệp hội Dệt May Nhật Bản (JTF) vận động cho sự ra đời của Hiệp định kinh tế Việt - Nhật (VJCEPT) và Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Nhật (AJCEPT). Qua đó, hàng dệt may Việt Nam bước đầu đã có thể cạnh tranh với Trung Quốc tại thị trường Nhật. Trong năm 2009, kim ngạch xuất khẩu hàng Dệt May Việt Nam vào Nhật lần đầu tiên đã vượt ngưỡng 1 tỉ USD, tăng 13,5% so với năm trước và thị phần đã được nâng lên 4,1%.

- Khai thác và mở rộng hợp tác đưa hàng dệt may Việt Nam vào thị trường các nước EU

Đặc điểm của thị trường Châu Âu là thị trường khó tính ; đơn hàng thường nhỏ lẻ, chi phí cao, khó sản xuất. Đầu 2005, EU bãi bỏ hạn ngạch Quota đối với Dệt May Việt Nam. Mặc dù vậy, Doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp khó khăn do sự cạnh tranh khốc liệt của hàng Trung Quốc với lợi thế giá thấp. Các mặt hàng chủ lực xuất sang EU là áo jacket, quần âu, áo thun, áo khoác, quần short. Đây là những mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu cao và có tỷ lệ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao.

 Đã tổ chức nhiều đoàn doanh nghiệp tham dự Hội chợ, Triển lãm Dệt May tại Châu Âu nhằm giới thiệu chất lượng sản phẩm, năng lực sản xuất, năng lực quản lý của các công ty và tay nghề lao động cao tới khách hàng. Giúp nâng cao sự hiểu biết của khách hàng đối với chất lượng của sản phẩm Dệt May Việt Nam, đóng góp một phần vào quyết định của nhiều khách hàng lớn trong việc chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.

- Chiến lược đẩy mạnh quảng bá thương hiệu Dệt May Việt Nam trên toàn thế giới

Thương hiệu là yếu tố sống còn của Doanh nghiệp trên thị trường, nhất là trong lĩnh vực thời trang. Để quảng bá thương hiệu, trước hết, các Doanh nghiệp phải tìm được lợi thế cạnh tranh, sản phẩm mũi nhọn để xây dựng thương hiệu. Các Doanh nghiệp phân tích thị trường mục tiêu, các đối thủ cạnh tranh tại thị trường này, tận dụng lợi thế trong sản xuất, thiết kế, kỹ thuật, từ đó xây dựng thị trường "ngách". Ðồng thời, doanh nghiệp xây dựng hệ thống các thương hiệu hiện có, biểu tượng, lo go, tên gọi sản phẩm, hệ thống cửa hàng phân phối để mở rộng thị phần tiêu thụ sản phẩm và có các chương trình truyền thông dài hạn như quảng cáo, biểu diễn thời trang, cửa hàng giới thiệu sản phẩm... đưa thương hiệu đến với người tiêu dùng.

Một thương hiệu mạnh với hệ thống nhận diện thương hiệu nhất quán, sẽ giúp DN không chỉ chiếm lĩnh được thị trường nội địa mà còn dễ dàng thâm nhập thị trường thế giới

Một số thương hiệu mạnh của doanh nghiệp thuộc Tập đoàn đã có mặt ở nước ngoài.Tháng 7-2010, Tổng công ty cổ phần may Nhà Bè (NBC) đã mở cửa hàng đầu tiên mang thương hiệu “Mattana” tại thành phố Cagliari, Ý. Các cam kết về cung cấp sản phẩm, trưng bày cửa hiệu cũng như việc sử dụng thương hiệu “Mattana” của NBC được quy định khá chặt chẽ. Tổng Công ty CP May Việt Tiếnchọn hình thức mở tổng đại lý phân phối tại thị trường Campuchia, Lào từ giữa năm 2009 giới thiệu bốn thương hiệu Việt Tiến, Việt Tiến Smart Casual, San Sciaro và Việt Long. Sau Campuchia và Lào, mục tiêu Việt Tiến tiếp tục hướng tới là Thái Lan, Myanmar, Singapore, Malaysia... Bước đầu kết quả kinh doanh ở hai nước Campuchia và Lào rất khả quan.

- Kết quả kim ngạch xuất khẩu

Xuất khẩu sang các thị trường trong 5 năm qua

Năm

Thị trường Mỹ

Thị trường Nhật

Thị trường EU

Các nước khác

2005

2603 triệu USD

603 triệu USD

882,8 triệu USD

749 triệu USD

2006

3186 triệu USD

627 triệu USD

1,245 tỷ USD

776 triệu USD

2007

4400 triệu USD

704 triệu USD

1,499 tỷ USD

1,191 tỷ USD

2008

5100 triệu USD

820 triệu USD

1,704 tỷ USD

1,496 tỷ USD

2009

4800 triệu USD

955 triệu USD

1,651 tỷ USD

1,610 tỷ USD

 

Thị phần dệt may Việt Nam xuất khẩu đi các thị trường năm 2009

Năm

Thị phần ở Mỹ

Thị phần ở Nhật

Thị phần ở EU

Thị phần ở các nước khác

2009

918 triệu USD

187 triệu USD

323 triệu USD

272 triệu USD

 

Sản phẩm chủ yếu của dệt may Việt Nam ở từng thị trường

Thị trường

Sản phẩm chủ yếu

Mỹ

Áo sơ mi, áo thun, quần short, quần áo thể thao

Nhật

Áo jacket, quần âu, áo khoác, áo sơ mi, quần short.

Các nước EU

Áo jacket, quần âu, áo thun, áo khoác, quần short.

Các nước khác

Áo sơ mi, áo thun, áo khoác, quần áo thể thao, quần áo trẻ em.

Thị trường thế giới đã biết đến hàng dệt may Việt Nam và uy tín của dệt may Việt Nam đã được đền bù xứng đáng trong lòng người tiêu dùng thế giới. Nhiều thương hiệu, nhãn hàng nổi tiếng thế giới đã đặt hàng ở Việt Nam như: Nike, JC Penney, Pierre Cardin, Mitsui, Target, C & A, Camel, Itochu, Kamata, Next, Otto, Marc & Spencer,…

- Lãnh đạo phát triển thị trường nội địa

Bên cạnh tăng trưởng xuất khẩu khả quan, Đảng bộ Tập đoàn đặc biệt quan tâm lãnh đạo các doanh nghiệp dệt may nỗ lực chinh phục thị trường nội địa - một thị trường quan trọng cho sự phát triển bền vững ngành Dệt May Việt Nam.

Trong 6 tháng đầu năm 2010, tổng doanh thu tại thị trường nội địa của ngành đã tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Toàn ngành có trên 1.500 cửa hàng và đại lý trên khắp cả nước. Đây là hậu phương vững chắc để ngành dệt may có động lực phát triển bền vững, toàn diện. Hệ thống siêu thị của Tập đoàn Dệt May hiện nay với số lượng 58 siêu thị Vinatex Mart trên 22 tỉnh, thành trên cả nước, với khả năng thu hút từ vài trăm đến cả ngàn lượt người đến mua mỗi ngày/một siêu thị, đã đạt doanh thu bình quân ở một số siêu thị là khoảng 300 triệu/ngày.

Nhiều doanh nghiệp như May 10, Nhà Bè, Việt Tiến, Thăng Long... cũng mở thêm các cửa hàng bán sản phẩm, may đo theo nhu cầu khách hàng, đầu tư các cửa hàng bán sản phẩm cao cấp cho người Việt; liên kết với các doanh nghiệp phân phối để thực hiện chuỗi cửa hàng dệt may Việt Nam với cách bài trí nổi bật, bắt mắt. Nhiều thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp trong Tập đoàn như Việt Tiến, May 10, Sanciaro, Việt Thắng, Manhattan, Mattana,… đã lan toả khắp cả nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn mở rộng kênh phân phối bán sỉ, bán lẻ, đưa hàng về nông thôn các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Lạng Sơn, Bạc Liêu, An Giang, Đồng Tháp, Thái Bình,… đón nhận được tình cảm và niềm tin của khách hàng đối với hàng dệt may Việt Nam, được bà con ủng hộ nhiệt tình.

Xuất khẩu đang có ưu thế, nhưng để tạo thế cân bằng cho sự phát triển ngành dệt may Việt Namthì khai thác thị trường nội địa là một chiến lược hợp lý cho ngành.

 

   TLDmayy.jpg

 

Đảng bộ Tập đoàn đã lãnh đạo các doanh nghiệp đẩy mạnh chiến dịch xây dựng thương hiệu nội địa qua nhiều chương trình và kênh thông tin, nhưng cốt lõi vẫn là chất lượng của sản phẩm dệt may ViệtNam. Các chương trình, hình thức để quảng cáo hình ảnh và thương hiệu được các doanh nghiệp tập trung đầu tư. Bên cạnh đó là việc thiết kế mẫu mã sản phẩm theo thị hiếu người Việt, phù hợp với độ tuổi khách hàng, giá cả phải chăng. Khi được hỏi đánh giá về sản phẩm dệt may Việt Nam, nhiều người tiêu dùng Việt đã phấn khởi trả lời họ thích và tin tưởng vào hàng dệt may Việt Nam, giá cả lại phù hợp, dùng an toàn, thoải mái và yên tâm hơn nhiều so với những sản phẩm dệt may Trung Quốc đang bán tràn lan trên thị trường Việt Nam.

Nắm bắt được thị hiếu khách hàng Việt, các doanh nghiệp cũng đặc biệt quan tâm đến xây dựng hình thức trang trí các cửa hàng đại lý, cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm sao cho bắt mắt, không rườm rà, loè loẹt, bày trí gian hàng hợp lý, tạo cảm giác thoải mái và thuận lợi cho khách tham quan mua sắm và thử đồ, gây ấn tượng cho khách hàng khi bước vào đã có cảm giác yên tâm về chất lượng và giá cả.

Với chiến lược khai thác thị trường nội địa hợp lý, đã góp phần tăng thị phần dệt may Việt Namtrên thị trường nội địa: năm 2009 chiếm 30%. Trong thời gian tới ngành phấn đầu chiếm giữ 50% thị phần nội địa.

Hiện Đảng bộ Tập đoàn Dệt may Việt Nam đang lãnh đạo thực hiện nhiều chương trình đầu tư nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa cho các sản phẩm xuất khẩu bằng việc đầu tư sản xuất bông ở trang trại và dự tính sẽ xây thêm 2 khu công nghiệp dệt nhuộm tại Trà Vinh và Thái Bình.

Ngành dệt may còn thực hiện tái cơ cấu, dịch chuyển sản xuất về những địa phương có lao động để ổn định sản xuất, tiết kiệm chi phí, sản xuất những sản phẩm chất lượng cao, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm để tăng sức cạnh tranh.

Với hơn 85 triệu dân Việt Nam như hiện nay thì khai thác hiệu quả thị trường nội địa là chiến lược lâu dài cho ngành dệt may Việt Nam phát triển bền vững, kết hợp song song đẩy mạnh xuất khẩu thì dệt may Việt Nam nhất định sẽ có vị trí xứng đáng trên bản đồ dệt may thế giới.

Nhờ những nỗ lực mở cửa các thị trường xuất khẩu chủ lực đó, cùng với chính sách yểm trợ đầu tư và phát triển thị trường nội địa của Chính phủ và Bộ Công thương, năng lực sản xuất của ngành dệt may trong những năm gần đây đã phát triển mạnh mẽ: năng lực sản xuất sợi tăng gấp 3 lần, vải tăng hơn 2,5 lần và may mặc tăng trên 4 lần, kim ngạch xuất khẩu tăng 11 lần. Năm 1995, dệt may Việt Nam chỉ xuất khẩu được 850 triệu USD và chưa có tên trong bản đồ xuất khẩu dệt may thế giới, thì đến năm 2009 vừa qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu và hầu hết các nước xuất khẩu dệt may lớn trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia,… đều suy giảm xuất khẩu, nhưng ngành dệt may Việt Nam đã xuất khẩu được 9,1 tỉ USD (tương đương với năm trước). Dệt May Việt Nam đã trở thành ngành kinh tế có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu trong cả nước và xếp thứ 9 trong những nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.

- Kiến nghị

- Đối với thị trường xuất khẩu

Ngành dệt may Việt Nam trong những năm qua có những bước đột phá trên, ngoài sự nỗ lực cố gắng của Đảng bộ, HĐQT, Cơ quan Tổng Giám đốc và toàn thể cán bộ, công nhân lao động trong ngành thì sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Chính phủ; sự động viên, sát sao của Nhà nước là động lực to lớn để ngành dệt may Việt Nam đã đang và sẽ tiếp tục bước những bước phát triển vững chắc hơn nữa.

Để thị trường xuất khẩu cho ngành dệt may Việt Nam ngày càng được mở rộng và hiệu quả, Đảng bộ Tập đoàn xin kiến nghị Đảng và Chính phủ quan tâm chỉ đạo thương lượng Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiệp định kinh tế song phương Việt Nam – EU.

- Đối với thị trường nội địa

 Cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hỗ trợ cho các chương trình phân phối hàng về vùng sâu, vùng xa. Kiểm soát chặt chẽ hàng hoá nhập lậu.

ĐUK

.
.
.
.