.
.

Kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Ðảng (3-2-1930 - 3-2-2012)

Nâng cao tính tiên phong gương mẫu của người đảng viên (*)

Thứ Ba, 31/01/2012|14:03

Trong lịch sử đấu tranh của Ðảng ta qua mỗi chặng đường cách mạng và trong mọi hoạt động của cuộc sống hằng ngày, nhất là trên mặt trận chiến đấu và sản xuất, rất nhiều cán bộ, đảng viên tỏ ra anh dũng, gương mẫu, gian khổ đi trước, hưởng thụ đi sau và đã làm nên những thành tích vẻ vang.

Tiếp nối truyền thống cách mạng ấy, từ khi bước vào thời kỳ đổi mới đến nay, nói chung đội ngũ cán bộ, đảng viên đã phát huy được vai trò tiên phong, gương mẫu, bảo đảm được yêu cầu của nhiệm vụ chính trị. Những thành tựu đã đạt được trong sự nghiệp đổi mới hơn hai thập niên qua, chứng tỏ chúng ta có một đội ngũ cán bộ, đảng viên tốt, có bản lĩnh, trưởng thành và phát triển nhanh, vững vàng trước những diễn biến phức tạp của tình hình; thông minh, năng động, sáng tạo, bước đầu đáp ứng được những đòi hỏi của giai đoạn cách mạng mới. Từ đất liền tới vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, từ các viện nghiên cứu âm thầm đến những nơi phải trải qua những trận cuồng phong, bão lũ; từ Ban Chấp hành Trung ương đến mỗi địa phương, cơ sở, ở trong nước hay công tác nước ngoài..., ở đâu, trong lĩnh vực nào cũng đều xuất hiện những người đảng viên gương mẫu. Ðó có thể là những chủ trương, quyết sách ở đường hướng vĩ mô, có thể là những việc làm ở tầm vi mô mà sức lan tỏa lại không hề nhỏ. Chẳng hạn, những đảng viên sẵn sàng dỡ nhà ở và hiến đất thổ cư cho Nhà nước làm đường, làm trường học; sẵn sàng di chuyển từ đường thờ tự và mồ mả tổ tiên để xây dựng khu công nghiệp. Việc làm của những đảng viên cao tuổi đã tác động mạnh mẽ đến đông đảo quần chúng, dấy lên phong trào hiến của riêng cho sự nghiệp chung; tiêu biểu như ở: Thái Nguyên (1), Quảng Nam, Ðà Nẵng; những đảng viên đi đầu "cắm" bản ở Lai Châu, Yên Bái, Thái Nguyên (2)..., thường xuyên gần dân, nói và làm để dân hiểu, dân nghe, dân tin và làm theo, từng bước xóa nghèo, nâng cao dần đời sống cho nhân dân. Qua đó, có thể thấy trong điều kiện đời sống còn nhiều khó khăn và còn nhiều tác động tiêu cực của xã hội, số đông vẫn giữ được lối sống lành mạnh, chăm lo đến sự nghiệp chung.

Tuy nhiên, cùng những ưu điểm, đội ngũ cán bộ, đảng viên của ta cũng còn không ít những nhược điểm, khuyết điểm. Nổi bật nhất là: tình trạng sa sút về phẩm chất chính trị, đạo đức và lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Bên cạnh những biểu hiện dao động, phân tâm, mất niềm tin vào chủ nghĩa xã hội và sự lãnh đạo của Ðảng. Hiện tượng chạy theo đồng tiền, lợi dụng chức quyền và những sơ hở trong cơ chế, chính sách, luật pháp, làm giàu bất chính là có thật. Một số vụ tham nhũng, buôn lậu, hình thành những đường dây có tổ chức, số người giàu nhanh bất bình thường gia tăng đang bị dư luận nghi vấn; ở không ít nơi lợi ích cá nhân đang lấn dần lợi ích tập thể, cộng đồng; lợi ích cục bộ lấn át lợi ích toàn bộ. Một số người bộc lộ rất rõ tham vọng cá nhân, kèn cựa, địa vị, gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền; ý thức tổ chức kỷ luật kém, phát ngôn tùy tiện, gây mất đoàn kết, bất chấp các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng và lợi ích của nhân dân v.v.

Tình hình trên có nhiều nguyên nhân; trong đó, có ba nguyên nhân rất quan trọng: một là, cấp ủy, tổ chức đảng cơ quan, đoàn thể, buông lỏng công tác giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, quá thiên về lợi ích vật chất và xem nhẹ việc giáo dục lý tưởng, tinh thần trách nhiệm. Hai là, cơ chế, chính sách, pháp luật còn thiếu đồng bộ và có nhiều sơ hở. Ba là, bản thân người cán bộ, đảng viên không chú ý tự rèn luyện thường xuyên, chạy theo lợi ích cá nhân, không giữ gìn phẩm chất đạo đức, tư cách; thiếu ý thức gương mẫu đi đầu của người đảng viên cộng sản.

Cùng với học tập đạo đức theo tấm gương sáng Bác Hồ, thực hiện Ðiều lệ Ðảng, gương mẫu chấp hành nghiêm Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, Pháp lệnh Cán bộ, công chức; đã đến lúc chúng ta cần có những giải pháp khả thi, phù hợp đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải tự ý thức, nỗ lực vươn lên xứng tầm là những người tiên phong trong đội ngũ tiên phong của giai cấp và dân tộc.  

Ðảng lãnh đạo cách mạng không chỉ bằng chủ trương, đường lối, bằng chính sách... mà còn bằng "nêu gương"; tức là "từ sự gương mẫu về mọi mặt của các tổ chức và từng cán bộ, đảng viên trong bộ máy Ðảng, Nhà nước và các đoàn thể mà phát huy vai trò lãnh đạo". Hồ Chí Minh viết: "Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ "cộng sản" mà ta được họ yêu mến... Muốn hướng dẫn nhân dân mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước...". Có thể nói, đây là một vấn đề vừa rộng lớn, cao xa, vừa thường nhật, gần gũi; vừa hăng hái, xung phong, vừa kiên trì, bền bỉ, tinh tế; vừa liên quan đến lý tưởng sống - lẽ sống, vừa hiển hiện trong lối sống, hành vi sống thường ngày...

Trước hết, đề cao hơn nữa ý tưởng sống, lẽ sống của người đảng viên cộng sản.

Suốt 80 năm qua, trong cuộc đấu tranh mất còn với kẻ thù, chúng ta đã trải qua vô vàn khó khăn phức tạp như: Khủng bố trắng thời kỳ 1930-1931 và Xô-viết Nghệ-Tĩnh, đối phó với thù trong và giặc ngoài khi chính quyền dân chủ nhân dân còn non trẻ, giữ gìn lực lượng trước thủ đoạn "Tố Cộng, diệt Cộng" của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai Ngô Ðình Diệm; và ngay cả sau chiến thắng 30-4-1975, chúng ta đã trải qua những tình huống khó khăn phức tạp như khắc phục hậu quả của chiến tranh, khôi phục, quản lý kinh tế, đổi mới cơ chế quản lý, chống chiến tranh ở biên giới phía Tây Nam và phía Bắc... Trong phong ba bão táp, Ðảng ta đã kiên định vững vàng, không từ bỏ mục tiêu, lý tưởng, không run sợ trước áp lực của kẻ thù, không nhụt chí trước khó khăn chồng chất, không hạ thấp vị trí tiền phong chiến đấu và trách nhiệm là người tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng, một lòng tận tụy phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Hàng chục vạn đảng viên, cán bộ ta trước kia cũng như hiện nay đã mãi mãi để lại những tấm gương quên mình, âm thầm và oanh liệt. Bởi thế, nhân dân gọi Ðảng là "Ðảng ta" và đã đặt trọn niềm tin vào Ðảng, thừa nhận Ðảng là đội tiên phong chính trị, người lãnh đạo chân chính, duy nhất của cả dân tộc.

Ðược như vậy cũng còn bởi "Ðảng ta là con nòi, xuất thân từ giai cấp lao động" như Bác Hồ đã nói. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, như "vàng đã thử lửa", trong chiến tranh cũng như trong hòa bình, trong môi trường thế giới thuận lợi cũng như khi có những bất đồng, biến động, trong thắng lợi cũng như khi vấp váp sai lầm, khuyết điểm, Ðảng ta vẫn đứng vững trên nền móng của một đứa "con nòi", đó là bản chất giai cấp công nhân, bản chất cách mạng và khoa học, giữ vững niềm tin cộng sản, dù trong lao tù, máu lửa, trong xây dựng kinh tế hay trong đời sống hằng ngày... Còn nhớ, nhân dịp 50 năm thành lập Ðảng, Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm Quảng Ninh, nói chuyện với cán bộ, đảng viên công nhân mỏ (từ ngày 24 đến ngày 25-1-1960), đồng chí nhấn mạnh: Một người công nhân có giác ngộ lý tưởng không phải chỉ làm để lấy tiền lương, không phải chỉ làm cho mình mà làm cho cả dân tộc, cho cả mai sau(3). Từng đảng bộ, mỗi người cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu. Chính gương mẫu đi đầu là cội nguồn của thắng lợi. Hãy thắp sáng mãi lý tưởng và niềm tin cộng sản như mỗi người từng đặt tay nơi trái tim mình tuyên thệ dưới Ðảng kỳ, âm vang mãi trong tâm hồn ta bài Quốc tế ca bất hủ.

Sẽ còn một số người suy nghĩ đắn đo về lý tưởng, lẽ sống là cái gì trừu tượng, xa xăm; tuy tốt đẹp và cao thượng đấy, nhưng có tính đếm được đâu trong cơ chế thị trường? Suy cho cùng, đã là con người thì ai chẳng phải một lần vấn vương vì cái chết. Ai cũng qua ải đó, có ai mang được tiền của đi theo? Người cộng sản xưa vượt qua cái đói, vượt qua làn gió thoảng mùi thơm quyến rũ của "con cá chột nưa", rồi thà chết đấu tranh, giành lại một mùa thu Cách mạng Tháng Tám đổi đời cho mọi kiếp người và hồi sinh cho cả dân tộc. Cái chết ấy đã gieo mầm cho sự sống vĩnh hằng. Cán bộ, đảng viên, những người cộng sản ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này "đã dấn thân vô" cho sự nghiệp giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp, giải phóng con người thì phải đề cao lý tưởng sống, lẽ sống. Sống đẹp như những hình tượng truyền đời, vượt mọi rào ngăn biên giới. Phu-xích (Séc - Xlôvakia), Chêghêvara (Cuba), Paven Coocxaghin (Nga), Lôi Phong (Trung Hoa) đều cùng một lý tưởng: "Ðời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì dĩ vãng ti tiện và đớn hèn của mình, vì những năm tháng đã sống hoài sống phí; để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức mạnh ta đã đấu tranh cho sự nghiệp cao đẹp nhất tren đời - sự nghiệp đấu tranh giải phóng con người!"; và chung một lẽ sống, một phương châm hành xử: "Với đồng chí ấm áp như mùa Xuân, với việc chung cháy nồng như nắng hạ, với chủ nghĩa cá nhân như gió mùa thu quét lá, với quân thù như băng giá đêm đông"...

Thứ hai, người đảng viên cộng sản phải thật sự tôn trọng danh dự, tư cách, trách nhiệm của mình.

Nhớ vào khoảng thời gian những năm 90 thế kỷ XX, ở một thành phố lớn phía Nam, để được tuyển dụng vào làm việc trong một số cơ sở sản xuất, kinh doanh đã có những đảng viên phải "giấu" thẻ Ðảng của mình đi để dễ bề xin việc. Ngược lại, cũng có luồng suy nghĩ không thành văn bản nhưng được người ta thừa nhận trong thực tế rằng, vào Ðảng là đặt chân vào nấc thang thăng tiến. Không bình luận về những câu chuyện đại loại kiểu này, song, rõ ràng là có vấn đề trong câu chuyện danh hiệu của người đảng viên cộng sản và những hệ lụy phát sinh vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể đó. Nếu thực sự động cơ vào Ðảng, trở thành người đảng viên cộng sản là một quá trình phấn đấu vì lý tưởng, tự nguyện, xả thân cống hiến; là trải qua khó khăn và vượt qua được những thử thách cam go ví như "vàng qua lửa đỏ", thì mỗi người đảng viên hẳn phải ý thức được, tự kiểm chứng "ái giá trị thật", phẩm chất thật của mình: tôi luyện ra sao, trưởng thành như thế nào? Chí ít là vượt hơn chính bản thân mình khi chưa được đứng trong hàng ngũ Ðảng. Vượt hơn về bản lĩnh, trí tuệ, văn hóa, về đạo đức, lương tâm, danh dự. Và hơn hết là trách nhiệm với tổ chức, trách nhiệm với xã hội, trách nhiệm với mọi người. Không phải tất cả đều trở thành những vĩ nhân nhưng xã hội luôn cần những đảng viên có trách nhiệm. Họ phải biết suy nghĩ lại những việc làm của mình khi quần chúng phàn nàn rằng: Ông (bà) ấy là đảng viên mà lại thế! Quần chúng, nhân dân nhìn thấu những điều này. Ai là người đi đầu, đâu là kẻ đã theo đuôi những phần tử cực đoan, quá khích trong các vụ tranh chấp đất đai, gây thiệt hại lớn về người, về của và làm rối loạn trật tự an ninh xã hội? Theo đuôi quần chúng tức là đã đánh mất vai trò tiền phong lãnh đạo của Ðảng. Người đảng viên phải tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, nâng cao nhận thức của nhân dân lên ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng hiện nay.

Hơn thế nữa, không chỉ tích cực trong tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục nhân dân mà người đảng viên và gia đình ở cơ sở cần phải gương mẫu trong hành động thực tế, thật sự trở thành tấm gương sáng về lao động, làm giàu chính đáng, học tập nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa... để nhân dân noi theo, tin theo trong thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Ðảng và Nhà nước. "Ðảng viên đi trước, làng nước theo sau". Ðây là một phương pháp công tác tốt của người đảng viên - thống nhất giữa nhận thức và hoạt động thực tiễn; đồng thời đây cũng chính là một nguyên tắc của đạo đức Hồ Chí Minh: Lời nói đi đôi với việc làm mẫu mực, năng động, sáng tạo, xông xáo của người cán bộ, đảng viên là những "mệnh lệnh không lời" đầy sức thuyết phục, cảm hóa và lôi cuốn nhân dân. Thông qua lời nói và việc làm gương mẫu của người đảng viên, nhân dân tin Ðảng, theo Ðảng. Và cũng cần nói thêm rằng, quần chúng, nhân dân ở cơ sở cần những đảng viên, người lãnh đạo có trí tuệ sáng suốt, biết trọng chữ "Tín", nói đúng, làm giỏi, có năng lực vận dụng tri thức khoa học và tổ chức thực tiễn; biết tập hợp, giác ngộ và dẫn dắt quần chúng vào các phong trào hành động cách mạng sôi nổi, liên tục, có hiệu quả.

Ðể xứng đáng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ của nhân dân mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng rèn luyện, phấn đấu: "Ðặt lợi ích của Ðảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Ðảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc"(4).

Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên; đồng thời phải dựa vào dân để xây dựng Ðảng.

Mỗi cán bộ, đảng viên đều sinh hoạt trong một tổ chức cơ sở đảng, khi rời nơi làm việc thường cư trú trên một địa bàn nhất định. Bên cạnh việc đảng viên thực hiện tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng, cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ cần phải tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng. Công tác này cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, liên tục và định kỳ  giữa cấp ủy cơ quan, đơn vị công tác và cấp ủy cơ sở nơi đảng viên cư trú. Như vậy cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc vận động quần chúng, nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên thông qua việc phản ánh trực tiếp hoặc lấy phiếu góp ý. Thực hiện nghiêm quy định của Bộ Chính trị về xử lý đảng viên vi phạm; về những điều đảng viên không được làm. Cấp ủy cơ sở phải là những người gương mẫu trong mọi công việc, đồng thời cần giám sát đảng viên về các mặt; hằng năm phải tổ chức cho cơ sở đảng đăng ký phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ với cấp ủy cấp trên. Trong đó, có nội dung cam kết không có cán bộ, đảng viên tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Ðó là căn cứ để cấp ủy cấp trên đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên vào cuối năm.

Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Ðánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, sự vững mạnh của các tổ chức trong hệ thống chính trị và đặc biệt là chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên; đồng thời cần thông báo để quần chúng, nhân dân tham gia ý kiến. Cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng phải kiểm tra, thẩm định chặt chẽ và chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên trong phạm vi quản lý của cấp mình. Cần xây dựng quy trình chặt chẽ, khách quan, khoa học để nâng cao chất lượng của việc đánh giá tổ chức cơ sở đảng và đảng viên...

Ðặc biệt, chú trọng hơn việc phát hiện, biểu dương, khen thưởng những tổ chức đảng, những đảng viên có thành tích xuất sắc và có các biện pháp tuyên truyền, phổ biến nhân rộng các tấm gương điển hình đó.

 

(*)Theo cuốn: Ðảng Cộng sản Việt Nam 80 năm xây dựng và phát triển. Nxb Chính trị - Hành chính, H.2010.

(1) Xem Tạp chí Xây dựng Ðảng, số 9-2009, tr.51.

(2) Xem Tạp chí Xây dựng Ðảng, số 5-2009, tr.30-32.

(3) Xem Lịch sử Ðảng bộ tỉnh Quảng Ninh (1975-2005), t.4, tr.30.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2002, t.9, tr.285

TS HOÀNG VĂN TUỆ - Theo Nhan Dan
 
 
 
.
.
.
.