.
.

Bản lĩnh và trí tuệ Đảng ta

Thứ Tư, 01/02/2012|13:10

Năm 2011 đến với chúng ta trong đầy ắp những khó khăn, thách thức, thiên tai, dịch bệnh dồn dập cùng những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế được tích tụ từ nhiều năm trước. Trong bối cảnh đó, với sự nỗ lực của cả nước, chúng ta đã giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ kinh tế tăng trưởng ở mức gần 6%, lạm phát cuối năm được kiềm chế, bội chi ngân sách lần đầu tiên ở mức dưới 5%. Kim ngạch xuất khẩu và sản lượng lương thực đạt mức kỷ lục.

Việc Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng kinh tế tiến bộ và việc Đảng ta vững vàng lãnh đạo đất nước vượt qua những khó khăn do tác động cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu từ năm 2009 trở lại đây, một lần nữa khẳng định bản lĩnh và trí tuệ của một Đảng cầm quyền đã lập nên nhiều kỳ tích cùng dân tộc.

Thực tiễn lịch sử 82 năm kể từ khi ra đời đến nay, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta vượt qua rất nhiều thử thách, trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử và đều giành được thắng lợi vẻ vang. Nhìn lại và suy ngẫm về những cột mốc chủ yếu của thực tiễn sinh động ấy sẽ giúp chúng ta vững vàng niềm tin, bừng lên sức sống mới, quyết tâm mới, phát huy bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, tạo nên sức mạnh tổng hợp để tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ do Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đề ra.

Tháng 8-1945, Đảng lãnh đạo nhân dân giành được chính quyền trong cả nước. Có được thắng lợi to lớn như vậy, Đảng cũng đã phải rút kinh nghiệm từ thất bại của các cuộc khởi nghĩa và các phong trào đấu tranh cách mạng trước đó, đặc biệt là cuộc khởi nghĩa ở Nghệ An - Hà Tĩnh năm 1930 và cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, đã bị kẻ thù dìm trong biển máu.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chính quyền cách mạng còn trong trứng nước, lâm vào tình thế “nghìn cân treo sợi tóc”, phải đương đầu ngay với một liên minh phản động quốc tế: Ở phía Bắc có 20 vạn quân Tưởng, ở phía Nam có quân Anh, Pháp cùng với hàng chục nghìn hàng binh phát xít Nhật. Đặc biệt nguy hiểm là mưu đồ “diệt Cộng cầm Hồ” của Tưởng Giới Thạch. Trong tình thế hiểm nghèo đó, bản lĩnh và trí tuệ của Đảng được thể hiện qua những sách lược quan trọng, thực hiện “hòa để tiến” nhằm phân hóa kẻ thù, thực hiện “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, sẵn sàng chấp nhận cả việc tuyên bố giải tán Đảng, đưa Đảng trở lại hoạt động bí mật nhằm tranh thủ mọi cơ hội, biến thời gian thành lực lượng, đưa cách mạng vượt qua bão tố.

Từ 23-9-1945 đến 30-4-1975, Đảng lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, 30 năm trời ròng rã, phải chịu nhiều tổn thất, hy sinh to lớn. Sau đó, chúng ta còn phải tiến hành cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, kết hợp với việc cứu giúp nước bạn Cam-pu-chia trước nguy cơ bị diệt chủng, trong nhiều tình huống không thể lường trước. Đặc biệt, sau khi chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu bị sụp đổ (1991), cơn bão táp của thoái trào chính trị trên thế giới tưởng như sẽ cuốn phăng các nước XHCN còn lại, trong đó có Việt Nam. Nhưng bằng sức mạnh nội sinh của một dân tộc khát khao hòa bình, độc lập và CNXH, Đảng đã đồng hành cùng nhân dân, cùng đất nước bước qua khủng hoảng bằng công cuộc đổi mới với những tư duy vượt tầm nhưng vẫn trên tinh thần kiên định chủ nghĩa Mác Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh .

Tư tưởng Hồ Chí Minh, sự vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào thực tiễn cách mạng ở nước ta càng đi vào cuộc sống, càng được chứng minh là rất đúng đắn. Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã "mang sức ta mà giải phóng cho ta", vĩnh viễn thoát khỏi ách nô dịch của các nước đế quốc. Việt Nam đã trở thành một quốc gia độc lập thống nhất, có đầy đủ chủ quyền, được pháp lý quốc tế công nhận; có lực lượng vũ trang mạnh, có nền văn hóa, khoa học kỹ thuật đang trên đà phát triển, tự định đoạt các vấn đề đối nội, đối ngoại, có vị thế quan trọng, sánh vai cùng với các nước trên thế giới.

Qua chiến đấu và chiến thắng, Đảng ta, cả dân tộc và mỗi người dân Việt Nam yêu nước được rèn luyện về nhiều mặt, càng nhận thức được đúng đắn hơn vị trí, khả năng và sức mạnh của mình.

Vị thế và uy tín của Việt Nam đã được nâng lên ngang tầm với các nước, các dân tộc trên thế giới, biểu hiện rõ nét qua những thắng lợi lớn về ngoại giao của Việt Nam ta trong những năm qua.

Ngày nay, Việt Nam được nhân dân thế giới nhắc đến với một thái độ trân trọng, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Ngày càng có nhiều nước trên thế giới coi Việt Nam là đối tác hợp tác tin cậy. Mối quan hệ giữa Việt Nam với Lào và Cam-pu-chia, với các nước đang đi trên con đường xây dựng CNXH hoặc có xu hướng XHCN và với các nước trong khối ASEAN được tăng cường.

Thành quả to lớn nhiều mặt của công cuộc đổi mới theo định hướng XHCN hơn 25 năm qua, đã khiến chúng ta ngày càng vững tin trên con đường đi lên CNXH. Hiện nay, chúng ta đang phấn đấu đến năm 2020 trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đồng thời, chúng ta cũng phấn đấu khắc phục những nguy cơ mà Đại hội Đảng lần thứ XI tiếp tục chỉ ra. Đó là nền kinh tế tăng trưởng theo bề rộng, chưa bền vững, rất cần phải tái cấu trúc lại. Đó là tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, gắn với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn rất nghiêm trọng. Đó là những biểu hiện xa rời mục tiêu của CNXH theo lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh chưa được khắc phục. Đó là chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch hòng gây bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta.

Để đưa đất nước phát triển đúng hướng và vững chắc, để đẩy lùi các nguy cơ nêu trên, sự lãnh đạo của Đảng tập trung vào những vấn đề lớn như sau:

- Một là, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, nắm vững và kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Độc lập dân tộc là mục tiêu chiến lược hàng đầu của cách mạng Việt Nam. Độc lập dân tộc phải gắn liền chủ nghĩa xã hội. Nước độc lập phải gắn liền với CNXH, nhân dân lao động được làm chủ, được hưởng tự do hạnh phúc. Dựng nước phải đi đôi với giữ nước. Cần có ý thức sâu sắc về luận điểm đã được lịch sử chứng minh “giành chính quyền đã khó, giữ được chính quyền cách mạng còn khó hơn”. Kết hợp hài hòa các hoạt động kinh tế, văn hóa - xã hội với quốc phòng - an ninh. Phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết dân tộc và xây dựng thế trận lòng dân. Nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ trên mọi lĩnh vực, thường xuyên bồi dưỡng nâng cao lòng yêu nước, quyết tâm bảo vệ chủ quyền, bảo vệ lãnh thổ, vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, biết xử lý khôn khéo khi có tranh chấp, theo hướng giữ vững hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

- Hai là, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân ngày càng đầy đủ hơn. Quyền làm chủ của nhân dân cần được phát huy toàn diện. Trong quyền làm chủ thì quyền lựa chọn và bầu ra đại biểu đủ đức, đủ tài để làm việc, cùng với việc thực hiện các quyền tự do dân chủ của nhân dân đã ghi trong Hiến pháp và việc nâng cao không ngừng đời sống của nhân dân, đời sống của bà con lao động nghèo cần được đặc biệt chú trọng. Đời sống vật chất và tinh thần của đông đảo các tầng lớp nhân dân, lao động trí óc, lao động chân tay ngày càng được cải thiện là động lực mạnh mẽ của sự nghiệp cách mạng XHCN.

- Ba là, đổi mới phương thức lãnh đạo, tiếp tục nâng cao vai trò, hiệu lực lãnh đạo của Đảng. Xây dựng hệ thống chính trị bao gồm tổ chức Đảng các cấp, bộ máy Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội trong sạch vững mạnh, đấu tranh quyết liệt hơn nữa với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Cần rút kinh nghiệm để cải cách nền hành chính mang hiệu quả thiết thực, thực hiện tốt hơn việc phản biện và giám sát của mặt trận, các đoàn thể và xã hội. Nâng cao ý thức tôn trọng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện tốt yêu cầu “thống nhất ý Đảng, lòng dân với phép nước”.

Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc xây dựng Đảng và xây dựng ý thức giữ gìn đạo đức tốt đẹp trong nhân dân. Cần đẩy mạnh hơn nữa việc học tập trong Đảng và mở rộng trong nhân dân, đặc biệt chú trọng việc vận động làm, thực hành theo tấm gương của Bác Hồ. Đây cũng là một việc quan trọng nhằm vun đắp bản lĩnh chính trị và làm giàu có trí tuệ Đảng ta hiện nay.

Đại tá, PGS, TS Lê Duy Chương

QDND

.
.
.
.