.
.

Nên sớm cụ thể hóa Nghị quyết thành những việc làm cụ thể, thiết thực

Thứ Ba, 21/02/2012|23:32

Nghị quyết T.Ư 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay" được đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân phấn khởi đón nhận, tin tưởng  và đặt nhiều kỳ vọng. Chính vì thế, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cần sớm có chủ trương ban hành chương trình hành động, việc làm cụ thể để tạo chuyển biến ngay từ bước đầu triển khai Nghị quyết, đáp ứng mong đợi của toàn Ðảng, toàn dân. Về các giải pháp thực hiện thì trong Nghị quyết đã đề cập khá đầy đủ, điều cốt yếu lúc này là phải khẩn trương cụ thể hóa các giải pháp đó thành những việc cụ thể. Việc gì có thể làm được ngay thì làm luôn không cầu  toàn,  không  chần  chừ,  do dự.

Ðương nhiên, đây là việc rất khó, nhưng càng khó thì càng phải có cách làm, có quyết tâm làm và phải làm cho bằng được. Cần quán triệt rõ và thống nhất quan điểm đó. Việc gì cần làm trước thì làm trước, làm từ dễ đến khó, làm từ điểm đến diện, giải quyết được thì giải quyết ngay, có kết quả rõ từng việc để cán bộ, đảng viên và nhân dân ai cũng  tin tưởng việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Ðảng lần này. Ví dụ như trong Nghị quyết có nói, phát huy dân chủ thật sự trong Ðảng, thực hiện nghiêm túc Quy chế chất vấn trong Ðảng, nhất là chất vấn tại các kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương và cấp ủy các cấp. Vậy thì, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nên sớm  tổ chức gặp gỡ để lắng nghe ý kiến đóng góp của các đồng chí nguyên là lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, MTTQ góp ý về cách triển khai Nghị quyết, nên tiến hành cụ thể như thế nào cho hiệu quả (tổ chức tự phê bình và phê bình cấp ủy, cá nhân... như thế nào sẽ trúng và đúng). Theo tôi, khi tiến hành, cần phê bình cụ thể cả các cấp ủy các cấp khóa X và cá nhân các đồng chí có trách nhiệm ở các khóa trước nếu thấy cần thiết. Làm như thế để hiểu đầy đủ và chỉ rõ ra được là  những năm qua công tác xây dựng Ðảng còn nhiều yếu kém thì ai phải chịu trách nhiệm. Vì lãnh đạo Ðảng khóa XI mới làm một năm, không dễ gì có khuyết điểm cụ thể mà nêu. Hay trong Nghị quyết có nêu, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư tiến hành kiểm điểm, đánh giá, liên hệ bản thân về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, đề ra biện pháp khắc phục... Tôi cho rằng, trước khi kiểm điểm, cần có hình thức tập hợp ý kiến góp ý, gợi ý kiểm điểm của các cơ quan tham mưu của Ðảng, Nhà nước. Nên quy định ngay hình thức bỏ phiếu đánh giá, tín nhiệm đối với các cán bộ lãnh đạo trước khi tiến hành kiểm điểm hằng năm hoặc giữa nhiệm kỳ đại hội. Quyết định cả chủ trương tổ chức cho các tổ chức MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội và các tổ chức khác ngoài hệ thống chính trị (các hội, các tổ chức của các tôn giáo...) hằng năm góp ý kiến cho Ðảng. Trong những cuộc gặp gỡ ấy, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Ðảng, Nhà nước các cấp nên trực tiếp dự, lắng nghe góp ý của nhân dân. Cần quy định ngay việc định kỳ bỏ phiếu tín nhiệm  đối với lãnh đạo chủ chốt từ T.Ư đến cơ sở. Làm được thế thì dân sẽ vui, sẽ tin tưởng vào việc triển khai thực hiện Nghị quyết. Trong nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng, Nghị quyết có nêu: đổi mới cách lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá, nhận xét cán bộ theo hướng mở rộng đối tượng tham gia. Những người không đủ năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, có tín nhiệm thấp cần được sắp xếp lại cho phù hợp; kịp thời thay thế những cán bộ không đủ tín nhiệm mà không nên chờ hết nhiệm kỳ, hay hết tuổi công tác. Từ đó, nên liên hệ để  kết luận và xử lý ngay những vụ việc nổi cộm, đang gây nhiều bức xúc trong nhân dân ở một số địa phương, đơn vị, coi như làm điểm để thực hiện Nghị quyết. Tổ chức bỏ phiếu đánh giá, tín nhiệm đội ngũ cán bộ hiện nay cũng là để tạo nguồn cán bộ cần lựa chọn cho khóa sau. Nên tạo điều kiện cho nhân dân dám nói thẳng, nói thật, nói đúng về đội ngũ cán bộ của Ðảng mà không e ngại. Làm thế thì sẽ chọn đúng người, bố trí đúng việc và nhân dân sẽ rất phấn khởi, tin tưởng vào việc triển khai Nghị quyết; sẽ tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Ðảng.

Muốn dân tin thì phải có hành động, giải quyết ngay những việc cụ thể. Vì thế, cần sớm cụ thể hóa Nghị quyết thành những việc làm cụ thể, thiết thực tạo niềm tin trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Và cũng nên coi đây là việc làm cấp bách trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 4: Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay.

 

PHẠM THẾ DUYỆT

Nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị

.
.
.
.