.
.

Người dân hiến kế thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng - Thực hiện nghiêm “lệnh” của Đảng

Thứ Ba, 14/02/2012|20:35

 

Nhằm góp phần triển khai đưa Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng vào cuộc sống, Ban Biên tập trân trọng đăng tải các cụm ý kiến tâm huyết của bạn đọc hiến kế thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng”.  
 
Đưa Nghị quyết Đảng thấm sâu vào tư tưởng đảng viên
 
Là lớp cán bộ lớn tuổi, chúng tôi rất tâm đắc trong thời điểm cả nước cùng hướng về kỷ niệm 82 năm ngày thành lập Đảng CSVN, Hội nghị TƯ4 khóa XI đã ban hành Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng”. Đặc biệt, chúng tôi thấm thía tận tâm cang lời phát biểu thật tâm huyết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong khai mạc hội nghị: “Xây dựng chỉnh đốn Đảng là công việc hệ trọng nhưng rất khó vì nó dễ đụng chạm đến danh dự, lợi ích, quan hệ của con người. Khó nhưng không thể không làm vì nó liên quan đến sinh mạng của Đảng và sự tồn vong của chế độ”. Chúng tôi nghĩ rằng Nghị quyết Hội nghị TƯ4 chính là “món quà” quan trọng nhất, ý nghĩa nhất để toàn Đảng cùng mừng Đảng ta tròn 82 tuổi.
 
Hồi kháng chiến, “lệnh” của Đảng rất nghiêm: “Nhất hô là bá ứng”. Nghị quyết của Đảng khi đã ban hành là toàn Đảng nhanh chóng thực hiện sục sôi như “cơm sôi già lửa”. Vì vậy, tôi rất hoan nghênh báo đài đã nhanh nhạy phổ biến toàn văn Nghị quyết Hội nghị TƯ4. Báo Sài Gòn Giải Phóng, Tuổi Trẻ… cũng đã nhanh tay có số bài viết giá trị, xoay quanh nội dung nghị quyết quan trọng này, thu hút được sự quan tâm của dư luận chung.
 
Tuy nhiên, những động thái đó cũng vẫn chỉ là những khởi động bước đầu. Nhìn lại, đã có Nghị quyết Đảng khi triển khai học tập thì rầm rộ nhưng trong thực hiện lại lơi dần, làm cho tính khả thi của nghị quyết không cao, trong đó, chúng tôi suy nghĩ và tự hỏi rất nhiều, vì sao việc học tập theo gương đạo đức Bác Hồ, ta đã và đang thực hiện nhưng vẫn có cán bộ còn làm ngơ, sa vào hư hỏng, sai phạm (như gần đây có một số cán bộ chơi cờ thua bạc tỷ, đang bị dư luận phê phán gay gắt). Vậy có phải chăng độ thấm Nghị quyết Đảng – lệnh của Đảng – trong từng cán bộ đảng viên chưa cao, chưa nghiêm?
 
Vì vậy, theo tôi, muốn Nghị quyết TƯ4 trở thành hiện thực thì chủ yếu nhất, Đảng phải mở một đợt chỉnh huấn thật nghiêm ngặt, đưa tinh thần và nội dung nghị quyết thật sự thấm sâu và thấm đầy đủ trong tư tưởng từng cán bộ đảng viên. Ban Tuyên giáo TƯ và tuyên giáo các cấp phải nghiên cứu đổi mới cách triển khai nghị quyết để làm thế nào tạo được một cú hích, “một cú va đập” thật mạnh, làm cho mỗi cán bộ đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, thật sự thức tỉnh, tự thấy mình đang có bệnh gì để tự điều trị, tự chống suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống. Nếu không, việc triển khai Nghị quyết TƯ4 cũng sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn.
 
Bên cạnh, mỗi cá nhân tự thức tỉnh không thôi cũng chưa đủ, mà cần phải có sự kết hợp tổng lực, đồng loạt từ nhiều phía. Trên cơ sở thống nhất cao 4 nhóm giải pháp do Nghị quyết TƯ4 đề ra gồm nhóm thực hiện “về gương mẫu của cấp trên, về tổ chức cán bộ và sinh hoạt Đảng, về cơ chế chính sách, về công tác giáo dục chính trị tư tưởng”, tôi hiến kế trước hết, từng chi bộ phải là mỗi pháo đài vững chắc nhất, quản lý chặt đảng viên của mình.
 
Mỗi động tĩnh gì của đảng viên cũng phải nắm thật chắc, không để xảy ra chuyện tày trời của đảng viên, người khác phanh phui mà chi bộ vẫn chưa hay. Bí thư chi bộ, nhất là Bí thư chi bộ cơ quan, phải cứng, do có đảng viên là lãnh đạo cơ quan, đơn vị, cùng sinh hoạt, để đủ lực lãnh đạo chi bộ chống tiêu cực như đồng chí Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chỉ rõ: “Đấu tranh với tham nhũng dù đó là ai, ở cấp nào, không có vùng cấm”!
 
Các ban Đảng là những cơ quan trực tiếp tham mưu về công tác Đảng, cần phải nâng cao khả năng chiến đấu, tăng cường chức năng kiểm tra, giám sát, thường xuyên chỉnh đốn đội ngũ, bổ sung cán bộ có phẩm chất tốt, năng lực giỏi, có kinh nghiệm công tác Đảng, đổi mới tư duy sáng tạo để đủ sức tham mưu công tác Đảng.
 
Các cơ quan thông tin đại chúng cũng cần vào cuộc tích cực, nhất là các báo Đảng như Báo SGGP chẳng hạn, cần duy trì trang mục xây dựng Đảng, mời gọi cán bộ nghỉ hưu, nhân sĩ, trí thức, lực lượng trẻ… có nhiều bài viết hiến kế cho Đảng, góp phần đưa Nghị quyết TƯ4 vào cuộc sống.
 
VÕ VĂN LIÊM
(Nguyên Bí thư Huyện ủy Hóc Môn)
 
Để dân chủ trong Đảng được phát huy
 
Bàn về công tác xây dựng Đảng, đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng, đã nói: “Mới là phê bình hình thức, ông này nóng tính, ông kia thế này thế khác... không đi thẳng vào vấn đề, không dám đi vào những vấn đề như anh hư hỏng, lộng quyền, xa dân. Trong hội nghị không nói gì, nhưng ra ngoài lại nói, nghĩa là có vấn đề nội bộ. Rồi thấy cái sai lờ đi, thấy cái đúng không bảo vệ. Nếu kéo dài tình trạng đó thì nguy hiểm. Tôi cho rằng họp Trung ương phải chất vấn cao hơn Quốc hội chất vấn. Nói phát huy dân chủ trong Đảng, tại sao không để Trung ương chất vấn từ Tổng Bí thư trở xuống. Bên cạnh đó, hàng năm có thể lấy phiếu tín nhiệm lại từ Tổng Bí thư đến Ủy viên Trung ương. Làm tốt thì nói tốt, làm không tốt thì để người khác thay. Dân chủ phải thể hiện ra được bằng cơ chế mà không có sợ ai cả. Sợ ở đây chẳng qua là sợ cái ghế, muốn giữ cái ghế đó, chứ nếu muốn vì đất nước thì anh có mất đầu cũng không sợ”. (Tuổi Trẻ ngày 30-12). 
 
Theo tôi, lời nhận xét của đồng chí Lê Khả Phiêu rất đúng và cũng rất khách quan bởi công tác đấu tranh tự phê bình và phê bình trong Đảng còn e dè nể nang, không dám nói thẳng. Tại sao như vậy và phải làm gì để dân chủ trong Đảng được phát huy ? Theo tôi có mấy nguyên nhân sau:
 
Một là, trong sinh hoạt Đảng vẫn còn xưng hô “chú cháu”, thậm chí xưng con. Việc đảng viên xưng hô như vậy trong sinh hoạt Đảng, nhất là với đảng viên có chức vụ quyền hạn, vừa không phát huy tinh thần dân chủ trong Đảng vừa không đúng với nguyên tắc sinh hoạt Đảng.
 
Hai là, tư tưởng “phong kiến” trong Đảng vẫn còn ở nơi này nơi kia, địa phương này địa phương kia. Khi lãnh đạo cấp trên về kiểm tra cấp dưới, có cần thiết phải treo băng rôn “Nhiệt liệt chào mừng đồng chí Nguyễn Văn A.” chức nọ chức kia đến làm việc không? Tại sao phải “trân trọng giới thiệu” đồng chí A. là thường vụ hoặc cấp ủy nơi đồng chí A. đang sinh hoạt Đảng? Cho dù đảng viên A. là thường vụ hoặc trong cấp ủy thì cũng là đảng viên sinh hoạt trong Đảng bộ, chi bộ cơ mà. Phải chăng đó là nguyên nhân dẫn đến dân chủ trong Đảng chưa được phát huy?
 
Ba là, trong Đảng cũng có “bệnh thành tích” nên thành tích thì kể thật nhiều nhưng khuyết điểm lại “gọt cho nhỏ, bó cho tròn”. 
 
Để phát huy dân chủ trong Đảng, theo tôi có mấy việc có thể làm được. Đó là mở diễn đàn xây dựng Đảng trên các báo, đài như đã từng làm. Hai là, thực hiện “chấm điểm” cán bộ công chức như quận 1 và “chấm điểm” các cơ quan nhà nước như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã làm. Ba là, có cơ chế khuyến khích người thực sự tài đức tham gia quản lý nhà nước cho dù họ không phải đảng viên.  
 
BÙI TRỌNG HIỂN
(146A8 Cao Thắng phường 17, Phú Nhuận)
 
Lãnh đạo phải nêu gương
 
Học tập qua tấm gương từ lâu đã là một biện pháp quan trọng và hữu hiệu trong quá trình hình thành và hoàn thiện nhân cách của mỗi người. Việc Bác Hồ nêu nguyên tắc về xây dựng nền đạo đức mới thông qua việc nêu gương chính là sự đúc kết lại từ lịch sử và kinh nghiệm thực tiễn. Một khẩu hiệu đã trở thành nguyên tắc hoạt động của Đảng là “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, tức là những người lãnh đạo, những người đứng đầu phải làm gương cho cấp dưới. Đó là phải làm gương trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện các quy định, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đó là phải làm gương trong việc phòng chống tham nhũng, lãng phí, trong việc thực hiện lối sống trong sạch, lành mạnh, giản dị.
 
Đó là phải làm gương trong các mối quan hệ: với cấp trên, kính trọng mà không xun xoe; với cấp dưới, nghiêm túc mà không khắt khe; với nhân dân, tôn trọng mà không a dua. Đó là phải làm gương trong các mối quan hệ gia đình: biết kính trên nhường dưới, hiếu thảo trong đạo con cháu, chung thủy trong đạo vợ chồng, nghiêm khắc mà độ lượng trong đạo làm cha mẹ… Đó là phải thể hiện đầy đủ và chân thành tình yêu thương con người, nhất là với những người nghèo khó, hoạn nạn, biết nhường cơm sẻ áo, biết yêu biết ghét đúng mực, biết bảo vệ lẽ phải và đấu tranh với cái sai trái, tiêu cực…
 
Việc học tập từ các tấm gương của lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, đơn vị mang lại nhiều tác dụng tích cực. Đối với cán bộ, đảng viên dưới quyền, họ có được tấm gương cụ thể, sinh động và gần gũi, vì vậy dễ học, dễ làm theo. Đối với bản thân người lãnh đạo, người đứng đầu, họ tự ý thức phải luôn làm gương vì bản thân là hình mẫu của nhiều người khác noi theo. Đối với cơ quan, đơn vị, sẽ tạo ra được sự giám sát chặt chẽ của tất cả cán bộ, đảng viên đối với hoạt động nói chung và của những người đứng đầu nói riêng. Từ đó, sẽ dễ tạo ra một tập thể thống nhất, đoàn kết vì mục tiêu chung, hạn chế được tình trạng chia rẽ bè phái.
 
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, ở phần nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cấp trên, trong đó nhấn mạnh: “Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương tiến hành kiểm điểm, đánh giá liên hệ bản thân về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao liên quan đến một số vấn đề cấp bách nêu trong nghị quyết này, đề ra biện pháp khắc phục. Tập trung làm rõ trách nhiệm cá nhân, gương mẫu thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình, nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức, lối sống”...
 
Vì vậy, trong Đảng, việc làm gương phải bắt đầu từ các đồng chí lãnh đạo cấp Trung ương cho đến cấp tỉnh, cấp huyện và cơ sở. Có như vậy mới tạo ra sự lan tỏa sâu rộng trong toàn Đảng, trong toàn xã hội. Có như vậy, việc củng cố, chỉnh đốn Đảng mới có chuyển biến sâu sắc, thiết thực.
 
Trúc Giang 
(234 Võ Thị Sáu, TPHCM)
 
Xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên sai phạm
 
Điều nhức nhối hiện nay là có quá nhiều vụ án kinh tế bị phanh phui, hầu hết liên quan đến cán bộ, đảng viên nắm giữ cương vị chủ chốt ở các cấp, các ngành. Dư luận lo lắng đặt câu hỏi: đâu rồi cái tâm, cái đức của những người được Đảng chăm lo giáo dục, bồi dưỡng; được Nhà nước đào tạo, giao trọng trách; được nhân dân gửi gắm niềm tin? Có thể khẳng định, nguyên nhân chủ yếu khiến các sai phạm đó chưa được đẩy lùi là cơ chế kiểm tra, giám sát trong các cơ quan chức năng còn bất cập, cụ thể là việc phát hiện, xử lý sai phạm chưa thực sự nghiêm minh theo quy định của Đảng và Nhà nước.
 
Nhìn vào thực tế những năm gần đây, nhiều vụ tham nhũng, lãng phí với số tiền lớn hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng, khi bị công luận phanh phui, việc điều tra, xét xử tiến hành chậm trễ, không ít trường hợp sai phạm sau khi phê bình, khiển trách lại được điều chuyển sang vị trí khác tương đương, cán bộ giữ cương vị càng cao xử lý càng nhẹ, làm giảm lòng tin trong nhân dân vào kỷ cương phép nước.
 
Vì vậy, để thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, tôi xin đề xuất mấy ý kiến sau đây:
 
Trước hết, phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, của cơ quan chức năng quản lý Nhà nước đối với các tổ chức Đảng và cơ quan, doanh nghiệp thuộc hệ thống chính trị. Phát huy quy chế dân chủ trong Đảng, trong cơ quan, đơn vị, đặc biệt coi trọng công khai những nội dung trọng tâm liên quan đến đề bạt, bổ nhiệm, miễn nhiệm và tài chính phục vụ hoạt động chuyên môn cũng như đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Quy trách nhiệm pháp lý của người đứng đầu, đồng thời xem xét cả trách nhiệm thẩm định của cơ quan chuyên môn trong quá trình thực hiện giám sát dự án.
 
Nếu làm tốt và thường xuyên nội dung này, chắc chắn sẽ sớm phát hiện những dấu hiệu sai phạm của tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu để kịp thời chấn chỉnh. Mặt khác, khi lấy phiếu thăm dò phục vụ công tác quy hoạch, bổ nhiệm, cần công khai số phiếu tín nhiệm, bởi hiện tại vấn đề này không được công bố trước tập thể.
 
Thứ hai là xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm, không né tránh trong bất cứ trường hợp nào, mọi cán bộ, đảng viên nếu vi phạm đều phải chịu mọi hình thức kỷ luật của Đảng, của pháp luật, kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự. Sau khi điều tra, kết luận, tùy mức độ sai phạm ở các lĩnh vực đạo đức lối sống, kinh tế, hình sự…, kiên quyết đưa ra khỏi Đảng, cách chức, buộc thôi việc, cảnh cáo để lập lại kỷ cương phép nước, nâng cao sức chiến đấu của Đảng, làm trong sạch bộ máy công quyền.
 
Cần xóa bỏ ngay hiện tượng “xử lý nội bộ” theo kiểu chiếu lệ, dĩ hòa vi quý, cao lắm là nhận hình thức khiển trách, rồi đâu vào đó, khiến tình hình tiêu cực ngày càng diễn biến phức tạp, song cuối năm báo cáo đều ưu điểm, thành tích, chẳng có tồn tại, thiếu sót trong khi tình trạng tham nhũng, lãng phí không ngừng gia tăng.
 
Nguyễn Tiến Đạt
(Giám đốc BHXH huyện Đức Trọng, Lâm Đồng)
 
Theo SGGP
.
.
.
.