.
.

Đồng bộ

Thứ Ba, 22/05/2012|16:15

Hội nghị Trung ương 5 khóa XI Ban Chấp hành Trung ương vừa quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Không thành lập ban chỉ đạo tỉnh, thành phố về phòng, chống tham nhũng, tỉnh ủy, thành ủy trực tiếp lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng. Lập lại Ban Nội chính Trung ương, thực hiện chức năng một ban đảng và là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Lập ban nội chính ở các tỉnh ủy, thành ủy, giao Bộ Chính trị quyết định cụ thể. Đây là một quyết tâm mới của Đảng về phòng, chống tham nhũng, khắc phục tình trạng “vừa đã bóng, vừa thổi còi”.

Tuy nhiên, đây chỉ là một trong nhiều biện pháp giúp Trung ương, Bộ Chính trị chỉ đạo, điều hòa, phối hợp công tác của các cơ quan chức năng; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện. Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng không làm thay các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước. Ban chỉ đạo không phải  như "một chiếc đũa thần",  thành lập xong là xoay chuyển ngay được tình hình.

Chống tham nhũng, lãng phí chỉ có kết quả:

Khi có sự vào cuộc đồng bộ, thực sự của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, trước hết là các đồng chí Ủy viên Trung ương, các đồng chí đứng đầu trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của các ngành, các cấp. Nêu gương, tạo “nước sạch từ nguồn” và “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.

Khi có cơ chế kiểm tra, giám sát lẫn nhau của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, quyền lực được kiểm soát, chống lạm quyền. Đảng lãnh đạo xây dựng Nhà nước pháp quyền - luật pháp là tối thượng. Nhà nước pháp quyền là nhà nước mà ở đó mọi quyền lực nhà nước đều được pháp luật chế ước chặt chẽ. Người dân có thể làm bất cứ điều gì pháp luật không cấm, nhưng Nhà nước dứt khoát chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Làm cho quan chức không dám, không thể, không muốn và không cần tham nhũng như kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới.

Khi có sự tham gia tích cực của nhân dân. Người tích cực chống tham nhũng được khuyến khích, tôn vinh, bảo vệ an toàn tính mạng, danh dự, tài sản của bản thân và gia đình. “Dễ vạn lần không dân cũng chịu/ khó vạn lần dân liệu cũng xong” không chỉ là lời dạy của Bác mà còn là bài học lịch sử của mọi giai đoạn cách mạng nước ta.

Khi được gắn chặt với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” với đặc điểm lần này là thực hiện từ trên xuống, trước hết từ Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. 

Tạp chí Xây dựng Đảng
.
.
.
.