.
.

Nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tập đoàn năm 2011

Thứ Sáu, 09/12/2011|00:52

 

Cuối tháng 11 và đầu tháng 12/2012, Hội đồng khoa học Tập đoàn Dệt May Việt Nam do ông Lê Tiến Trường, Thành viên HĐTV- Phó TGĐ thường trực làm Chủ tịch hội đồng đã tổ chức nghiệm thu 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tập đoàn năm 2011 của Viện Dệt May và Viện NC Bông và PTNN Nha Hố.


Dưới đây là một số ý  kiến đánh giá kết luận của  ông Chủ tịch Hội đồng về từng đề tài sau khi Chủ nhiệm đề tài đã trình bày tại Hội đồng và được sự đóng góp nhận xét của các thành viên hội đồng.

 

Chủ tịch Hội đồng khoa học đánh giá kết luận đề tài

 
Đề tài: “Khảo sát đánh giá hiện trạng ngành Nhuộm- Hoàn tất trên cơ sở đó nghiên cứu (có SX thử nghiệm) và đề xuất các giải pháp ổn định chất lượng và nâng cao tỷ lệ RFT
 do TS. Nguyễn Văn Thông, Viện trưởng Viện Dệt May làm Chủ nhiệm


Đề tài hoàn thành về cơ bản khối lượng khảo sát: Công suất, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp nhuộm trong và ngoài Vinatex. Đã chỉ ra được thực tế giảm sút về sản xuất và đầu tư trong lĩnh vực nhuộm - hoàn tất của ngành Dệt May trong thời gian qua và nguyên nhân của thực trạng này. Đã đề xuất quy trình, nội dung trong công tác quản lý sản xuất, quản lý nguyên liệu đầu vào, quan lý phong thí nghiêm, quản lý công nghệ, …


Vấn đề tồn tại cần chỉnh sửa, bổ sung:


Trong phần đánh giá thực trạng: Các điểm yếu cần khắc phục về thiết bị, công tác quản lý kỹ thuật công nghệ, nhân lực ở các nhà máy nhuộm hiện nay cần phải được bổ sung, chỉnh sửa đảm bảo yêu cầu về tính đầy đủ (các yếu tố ảnh hưởng tới nhuộm RFT), tính logic và tính cụ thể, rõ ràng. Kết thúc phần đánh giá thực trạng cần có kết luận chung về thực trạng ngành nhuộm- hoàn tất của ngành Dệt May Việt Nam nói chung và Vinatex nói riêng hiện nay. Phần các nội dung đề xuất các giải pháp ổn định và nâng cao tỷ lệ RFT: Cần trình bày rõ ràng và cụ thể hơn.


Lưu ý: Đề xuất cần đưa ra các giải pháp có tính phổ quát có thể áp dụng được ở hầu hết các doanh nghiệp nhuộm của Tập đoàn hiện nay; các biện pháp cụ thể, chi tiết hơn có thể trích dẫn tại tài liệu “cẩm nang kỹ thuật nhuộm” đảm bảo sự khớp nối giữa hai tài liệu một cách hợp lý và chuẩn xác thông tin. Chỉnh sửa báo cáo theo ý kiến góp ý của các phản biện và các thành viên khác của hội đồng về lỗi chính tả, đánh số thứ tự đề mục, đảm bảo sự thống nhất về nội dung/số liệu của cùng một vấn đề được đề cập ở các phần khác nhau của báo cáo, mục lục báo cáo, …


Đề tài “Nghiên cứu một số giải pháp kinh tế kỹ thuật để xây dựng mô hình bông trang trại có hiệu quả cao” do KS. Nguyễn Thị Nhã của Viện NC Bông và PTNN Nha  Hố làm Chủ  nhiệm.


Đề tài đã khảo sát bước một về tình hình canh tác nông nghiệp tại các vùng bông chính Ninh Thuận, Bình Thuận và Tây Nguyên. Đã tổ chức sản xuất niên vụ 2010/2011 theo mô hình mới tập trung, có tưới với sản lượng tốt hơn các năm trước và bước đầu có hình ảnh rõ rệt hơn về mô hình sản xuất trang trại. Tuy nhiên, nhóm tác giả chưa làm rõ định hướng và dự kiến kết quả đạt được của 2 năm tiếp theo. Chủ nhiệm đề tài cần xây dựng lại đề  cương cụ thể của các năm tiếp theo trình tập đoàn trong tháng 12/2011, với sự tham gia của các Công ty Bông Việt Nam và Công ty Cổ phần nguyên liệu. Mục tiêu của đề tài là phải xây dựng được cẩm nang hoạt động và trang trại mẫu cho trang trại có tưới. Đề nghị xem xét việc nghiên cứu trên cơ sở đề xuất đề cương mới của Viện. Nhóm nghiên cứu  cần hoàn thiện, bổ sung và chỉnh  sửa theo ý kiến góp ý của Hội đồng, hoàn chỉnh hồ sơ để thanh quyết toán đề tài theo quy định.


Đề tài “Chuẩn hóa chương trình, nội dung đào tạo chuyên ngành Dệt May tại các trường Đại học và Cao đẳng của Tập đoàn” do TS. Nguyễn Sỹ Phương, Phó Viện trưởng Viện Dệt May  làm Chủ nhiệm đề tài. Với đề tài này, Chủ tịch Hội đồng khoa học chưa thông qua kết quả đề tài nghiên cứu và có kết luận như sau:


Nhóm thực hiện đề tài đã có sự nhầm lẫn về mục tiêu của đề tài ngay từ khi triển khai thực hiện. Vì vậy hướng nghiên cứu đã đi vào phạm vi quá rộng của đối tượng nghiên cứu đó là chương trình và nội dung đào tạo. Những vấn đề đó, tự bản thân nó đã vượt quá khả năng đối với nhóm nghiên cứu. Hơn nữa ngay cả một tổ chức như Viện Dệt May cũng không có chức năng, tư cách pháp nhân và chuyên môn để xây dựng một chương trình đào tạo bởi vì các trường thuộc Tập đoàn vẫn phải tuân thủ chương trình đã được phê duyệt  bởi các bộ - ngành dọc (giáo dục đào tạo) cấp trên. Nhóm đề tài cần tập trung vào chuẩn hóa nội dung kiến thức đào tạo tại các trường đào tạo của Tập đoàn cho ba lĩnh vực kéo sợi, dệt vải và hóa nhuộm.


Về nội dung đào tạo, nhóm nghiên cứu cũng đã đưa ra đề xuất mà chưa lấy chuẩn đầu ra làm căn cứ khoa học; chưa nêu bật được điểm khác biệt (ưu điểm) với giáo trình hiện có. Vì vậy, đề xuất (kết quả đề tài) của nhóm nghiên cứu về nội dung đào tạo mới chỉ ở dạng “bán thành phẩm”, chỉ có giá trị tham khảo mà chưa thể sử dụng được. Cần phải có sự điều chỉnh cả về mục tiêu, phạm vi và nội dung nghiên cứu cho phù hợp, tên đề tài chỉnh sửa lại Chuẩn hóa nội dung đào tạo chuyên ngành sợi, dệt và hóa nhuộm tại các trường của Tập đoàn.


Yêu cầu Viện Dệt May và nhóm nghiên cứu: Căn cứ ý kiến kết luận trên đây về nội dung đề tài; căn cứ ý kiến nhận xét đánh giá của phản biện và các thành viên Hội đồng. Phối hợp cùng Ban Kỹ thuật Đầu tư, Ban Quản lý Nguồn Nhân lực Tập đoàn để rà soát lại các nội dung liên quan, trong đó lưu ý về: Mục tiêu “chuẩn hóa”,  đối tượng “chuẩn hóa” - phạm vi và mức độ “chuẩn hóa, phương thức “chuẩn hóa”, khả năng áp dụng,tên đề cương nội dung nghiên cứu. Trên cơ sở đó đề xuất hiệu chỉnh đề tài đảm bảo phù hợp về tính pháp lý, tính khoa học và thực trạng nội dung giáo trình chuyên ngành sợi dệt nhuộm đang được sử dụng để giảng dạy và học tập tại các trường đào tạo thuộc Tập đoàn hiện nay.


Sau khi hoàn thiện báo cáo chỉnh sửa, Viện Dệt May và nhóm nghiên cứu lấy ý kiến nhận xét đánh giá (bằng văn bản) kết quả đề tài của 02 phản biện và các thành viên khác của Hội đồng. Gửi báo cáo và các văn bản nhận xét nói trên về Tập đoàn Dệt May Việt Nam trước 31/12/2011 để Chủ tịch Hội đồng xem xét quyết định.


PV

.
.
.
.