Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2012 - Đâu là cơ hội?
Gần 300 nhà nghiên cứu, các chuyên gia kinh tế, các nhà quản lý và đại diện các doanh nghiệp đã tham dự Hội thảo Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2012 - Đâu là cơ hội, tổ chức ngày 9/12, tại Thành Hồ Chí Minh.
Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận, đánh giá thực trạng của tình hình kinh tế-xã hội và dự báo toàn cảnh về kịch bản kinh tế Việt Nam 2012, đặt trong vị thế tương quan với tình hình kinh tế thế giới để cùng đề xuất các giải pháp góp phần đẩy lùi lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và cùng nhau phát triển.
Trong tham luận của mình, ông Trương Đình Tuyển, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia đã nhận định về những cơ hội trong năm 2012 như lạm phát giảm dần kéo theo lãi suất tín dụng giảm, chính phủ tiếp tục các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, kinh tế thế giới phục hồi chậm nhưng cao hơn hơn năm 2011, những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn có khả năng tốt, sẽ có làn sóng đầu tư mới từ Nhật Bản…
Quang cảnh hội thảo “Kịch bản kinh tế Việt Nam 2012: Đâu là cơ hội?” tại Tp.HCM. Một năm đầy sóng gió của nền kinh tế trong nước và thế giới sắp sửa khép lại. |
Ông nêu rõ những thách thức như việc giảm đầu tư và hậu quả của lạm phát 2011 sẽ gây sức ép lên doanh nghiệp, sức ép giảm giá VNĐ vẫn còn lớn, lãi suất sẽ giảm nhưng còn cao, thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản chưa có khả năng phục hồi nhanh.
Từ đó, ông cho rằng các doanh nghiệp cần rà xét lại kế hoạch kinh doanh gắn với kế hoạch tài chính và sự vận động của dòng tiền; mở rộng thị trường nội địa; tìm cách tăng khả năng xuất khẩu và tiến hành tái cấu trúc doanh nghiệp.
Ông Lê Đăng Doanh nhấn mạnh về chủ đề doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tái cơ cấu để vượt lên khó khăn, thử thách và đưa ra các giải pháp như cần hợp tác, liên kết để cắt giảm tối đa chi phí, đưa hàng về nông thôn, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh theo tín hiệu thị trường; cải cách, tái cơ cấu doanh nghiệp...
Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia nêu bật mục tiêu tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và những biện pháp tái cơ cấu trên nguyên tắc bảo về lợi ích người gửi tiền, đảm bảo an toàn hệ thống, trách nhiệm của cổ đông lớn và khuyến khích tái cơ cấu sở hữu, mua lại, sáp nhập.
Tiến sỹ Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội giới thiệu về lộ trình và bước đi trong quá trình tái cấu trúc và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế và cho rằng cần phải tái cấu trúc các tập đoàn và tổng công ty Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và vị trí của nó trong nền kinh tế thị trường; cần “làm ấm” thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản…/.