.
.

Cảm nhận của các doanh nhân về Kinh tế Việt Nam năm Nhâm Thìn

Thứ Hai, 23/01/2012|13:32

Gặp gỡ và chia sẻ với báo chí  những ngày cuối năm với những dự cảm về kinh tế Việt Nam năm Nhâm Thìn, nhiều doanh nhân đã bộc lộ những khoảng lặng điển hình cho năm Tân Mão, năm của khó khăn mở rộng ở nhiều lĩnh vực kinh tế, ở hầu khắp các khối doanh nghiệp. Song, quyết tâm và kỳ vọng, họ cũng đang hướng về một năm có nhiều đổi thay…

Chứng khoán 2012, cơ hội cho dòng tiền thật

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI)

“Năm 2011 nếu bỏ đi các cổ phiếu vốn hóa lớn thì thực ra VN-Index đã suy giảm rất nhiều, xuống “đầu hai” rồi.

Nhưng đó cũng là cái may cho thị trường chứng khoán: giá đã giảm rất nhiều, nên nếu có giảm thêm nữa thì cũng không đến mức như 2011. Giá cổ phiếu giảm rất mạnh thì trở nên rẻ. Giá rẻ thì sẽ thu hút tiền vào. Rất nhiều cơ hội đối với các cổ phiếu làm ăn tốt, trả cổ tức tiền mặt cao, đầu tư an toàn. Tôi cho rằng thời nhà đầu tư mua cổ phiếu để chờ giá tăng vù vù và bán đi hưởng chênh lệch lớn đã qua rồi.

Đầu năm 2012, chúng tôi đã nhìn ra được chiến lược kinh doanh. Đầu năm 2011, thực sự SSI vẫn chưa biết bắt đầu bằng chiến lược gì. Đã là người làm kinh doanh thì trong bất cứ điều kiện nào cũng đừng đổ tại cho hoàn cảnh. Trong mọi hoàn cảnh người làm doanh nghiệp cũng phải xác định được hướng đi.

Thị trường chứng khoán 2012 thậm chí còn khó khăn hơn 2011. Lạm phát 2011 trên 18% mà muốn xuống dưới 10% tức là hãm phanh rất mạnh. SSI năm 2012 sẽ lấy lợi nhuận từ hoạt động đầu tư là chính. Hoạt động này đã góp phần đem lại thành công năm 2011. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào những công ty tốt để nhận cổ tức. Khi tổ chức đầu tư vào một doanh nghiệp khác chiếm tỉ trọng đủ lớn về vốn thì trở thành công ty liên kết và có thể hợp nhất báo cáo tài chính.

Năm 2012 sẽ là năm tạo ra cơ hội cho những người có tiền. Một đồng vốn lúc này có thể giá trị bằng 4 đồng cách đây ba năm. Năm 2011 thị trường suy giảm nhưng cũng có một điểm tốt: đó là hoạt động đầu tư chộp giật, “đội lái”, “thổi giá” đều thiệt hại nặng nề. Theo tôi đó mới là điểm quan trọng.

Cơ hội bây giờ dành cho việc đầu tư theo giá trị. Từ năm 2011 trở về trước, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán không biết đâu là đúng đâu là sai. Hoạt động đầu tư không có đất sống mà đầu cơ lại phát triển. Doanh nghiệp lỗ, cổ phiếu tăng giá, đầu tư thiệt hai nhiều hơn lướt sóng.

Bây giờ, chính là thời điểm cho dòng tiền thật có cơ hội chọn lọc và quay trở lại các giá trị cơ bản!”.

Năm Rồng nhưng khó bay cao

Ông Nguyễn Văn Đực, Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành

“Năm 2011 vừa qua, ai cũng biết không chỉ doanh nghiệp bất động sản gặp khó mà phần lớn cộng đồng doanh nghiệp đều có số phận tượng tự. Với những dự báo vừa qua, tôi đang lo một kịch bản không mấy thuận lợi trong năm nay.

Với bất động sản, chẳng hạn, một doanh nghiệp có số vốn là 200 tỷ đồng, vay ngân hàng 300 tỷ đồng và thu của khách hàng 200 tỷ đồng, đang nợ thầu thi công 50 tỷ đồng. Như vậy, với tổng tiền đầu tư là 750 tỷ đồng, doanh nghiệp đã xây dựng gần hoàn thiện công trình, nhưng đến đây thì “đắp mền”, không thể vay thêm ngân hàng để xây dựng tiếp, khách hàng cũng không đóng thêm tiền nữa. Cái khối bê tông 750 tỷ đồng ấy trở nên vô dụng.

Nếu ngân hàng siết nợ, khối bê tông chỉ được định giá 300 tỷ đồng, vừa đủ số nợ ngân hàng, nên doanh nghiệp, thầu thi công và khách hàng phút chốc trắng tay. Kịch bản này cho thấy những khó khăn trên thị trường bất động sản, nếu xử lý không tốt sẽ dẫn đến xáo trộn xã hội rất nguy hiểm.

Theo tôi, năm 2012 chắc chắn sẽ là một năm khó khăn nhất từ trước tới nay. Trong năm 2011 nhiều doanh nghiệp địa ốc của Tp.HCM đã phải bán sản phẩm dưới giá thành, chịu lỗ. Sang năm nay, sẽ có nhiều người phải bán dự án hay doanh nghiệp cho ngân hàng hay công ty nước ngoài. Như vậy, dù đây là năm con Rồng nhưng rất có thể doanh nghiệp khó mà bay cao lên được, thậm chí rất nhiều khả năng con Rồng 2012 sẽ biến thành con Rắn 2013.

Còn về kế hoạch trong năm mới, Đất Lành chúng tôi vẫn theo định hướng căn hộ xanh - nhỏ - rẻ, đáp ứng được khả năng và nhu cầu của đa số người dân”.

Khó khăn, vẫn phải “cất cánh”

Ông Pritam Singh, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hàng không VietJet (VietJetAir)

“Xin chúc mừng năm mới!

Tại Việt Nam, riêng trong ngành hàng không, từ năm 2008 đến nay, một loạt hãng mới đã chính thức đi vào hoạt động. Các hãng hàng không đang khai thác cũng liên tục tăng tải trên các đường bay, nhưng đôi khi vẫn không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Nền kinh tế toàn cầu từ năm 2008 trở lại đây đều trong tình trạng khủng hoảng, khó khăn nối tiếp khó khăn. Tuy nhiên, Việt Nam với sự điều hành linh hoạt từ Chính phủ đã phần nào thoát khỏi sự ảnh hưởng của những biến động từ bên ngoài. Theo tôi, nếu doanh nghiệp nào cũng ngồi đợi để cho nền kinh tế thuận lợi mới chính thức triển khai hoạt động kinh doanh sẽ càng làm cho sự cạnh tranh không được khuyến khích phát triển, nền kinh tế càng “ì” hơn nữa.

Vì vậy, 2011 mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng VietJetAir vẫn phải “cất cánh”. Phương châm của VietJetAir là mang lại cơ hội bay cho tất cả mọi người dân và khách du lịch tại Việt Nam thông qua chính sách giá linh hoạt và hợp lý để khách hàng lựa chọn, với chiến lược kinh doanh theo mô hình hàng không thế hệ mới, chi phí thấp.

Chúng tôi cũng đã nghiên cứu những bài học kinh nghiệm của các hãng hàng không thua lỗ tại Việt Nam để tránh lặp lại những sai lầm trong kế hoạch kinh doanh của hãng. Bên cạnh đó, chúng tôi mong rằng, tới đây những chính sách của Chính phủ sẽ cởi mở hơn, tạo điều kiện cho những hãng hàng không tư nhân có thể cân đối thu chi và có lãi. VietJetAir cũng có kế hoạch sẽ trở thành hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam thực hiện các chuyến bay quốc tế đến các nước trong khu vực và châu Á”.

Rất cám ơn khách hàng đã tin tưởng

Ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (Vingroup)

“2012 là năm nhiều dự án của chúng tôi đi vào hoàn thiện. Ngay từ những ngày đầu tiên của năm 2012, bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec theo tiêu chuẩn khách sạn 5 sao đã khai trương và đi vào hoạt động. Dự kiến tới 10/10/2012 sẽ khai trương tổ hợp Vincom Center A tại trung tâm quận 1, Tp.HCM… Đặc biệt trong đó, lần lượt một số hạng mục trong các dự án lớn như Vincom Village, Times City, Royal City… sẽ tiếp tục được hoàn thiện và dần đưa vào hoạt động.

Thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung hiện đang gặp nhiều khó khăn và thực tế chúng tôi cũng phải chịu nhiều ảnh hưởng bởi những khó khăn đó. Tuy nhiên, với mỗi dự án, chúng tôi đều có sự chuẩn bị đầu tư bài bản, đặc biệt là về việc huy động vốn; vì vậy, cho đến nay, chúng tôi luôn chủ động được trong mọi tình huống.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất cám ơn khách hàng đã tin tưởng và ủng hộ chúng tôi trong mỗi dự án. Chính nguồn đầu tư từ khách hàng trong việc mua biệt thự, căn hộ, thuê văn phòng, trung tâm thương mại… là một nguồn vốn bổ sung lớn, kịp thời và bền vững để chúng tôi thực hiện dự án.

Ví dụ như tại dự án Vincom Village, đến thời điểm này, riêng nguồn vốn mà khách hàng mua biệt thự thanh toán theo tiến độ cho chúng tôi đã lên đến hàng nghìn tỷ đồng và chính vì vậy, chúng tôi rất yên tâm trong việc triển khai dự án… Có thể coi đó là “bí quyết” quan trọng nhất đảm bảo sự thành công của tập đoàn Vingroup từ trước tới nay.

Một điều quan trọng là những doanh nghiệp bất động sản như chúng tôi phải tìm được những điểm mấu chốt mà thị trường đón đợi, và nếu được như vậy thì cũng có thể yên tâm hơn trong năm 2012, một năm mà nhiều chuyên gia dự đoán vẫn còn nhiều khó khăn cho kinh tế Việt Nam và thế giới trước khi bước vào giai đoạn hồi phục…

Xin chúc các bạn một năm mới nhiều niềm vui và hạnh phúc!”.

Các ngân hàng nên thận trọng

Ông Sumit Dutta, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam

“Theo nhận định của tôi, Việt Nam vẫn là một thị trường mới nổi còn nhiều tiềm năng, do đó, nền kinh tế sẽ vẫn còn trải qua những chu kỳ kinh tế khác nhau chứ chưa thể đi vào ổn định ngay trong vài năm.

Nhưng, chính những thay đổi đó lại đem lại nhiều cơ hội để đổi mới và phát triển cho nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng. Chúng ta đều đang mong đợi một sự chuyển biến tích cực đối với nền kinh tế bằng việc tái cơ cấu nều kinh tế, đặc biệt ở ba mục tiêu chính: tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Ngành ngân hàng trong năm 2012 sẽ có nhiều chuyển biến. Chúng ta sẽ chứng kiến việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng một cách mạnh mẽ mà trong thời gian vừa qua Chính phủ đã hoạch định rõ lộ trình thực hiện. Điều này sẽ giúp cho hệ thống ngân hàng phát triển mạnh mẽ hơn, minh bạch hơn. Chúng tôi hy vọng nhìn thấy những tín hiệu tích cực cho ngành ngân hàng vào thời điểm cuối năm sau.

Đồng thời, đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2012 sẽ còn có nhiều khó khăn, hoạt động ngành ngân hàng Việt Nam nói chung và ngân hàng HSBC Việt Nam nói riêng năm tới cũng cần hết sức thận trọng trong việc điều chỉnh tốc độ tăng trưởng.

Với tăng trưởng tín dụng cuối năm 2011 đạt 13% trong tổng số 20% mục tiêu đặt ra, chúng ta thấy có thể vẫn có cơ hội phát triển với một số ngân hàng, nhưng theo tôi, năm 2012 các ngân hàng nên thận trọng và đây chưa phải là năm lấy tăng trưởng làm mục tiêu ưu tiên.

Năm 2012, tôi và các cộng sự của mình vẫn đang nỗ lực để đưa ngân hàng HSBC Việt Nam trở thành ngân hàng tốt nhất tại đây. Tốt nhất ở đây theo nghĩa chúng tôi có thể mang lại những sản phẩm chất luợng cao nhất với dịch vụ khách hàng tốt nhất, theo đúng tiêu chuẩn quốc tế cho các khách hàng tại Việt Nam.

Thay mặt cho toàn thể nhân viên ngân hàng HSBC Việt Nam, tôi xin chúc bạn đọc của VnEconomy một năm mới tràn đầy niềm vui và hạnh phúc!”.

Hết sức khó khăn cho ôtô trong nước

Ông Akito Tachibana, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam

“Nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn hết sức khó khăn, cùng với chính sách tiền tệ bị thắt chặt, tỷ giá và lãi suất ngân hàng quá cao, đã kéo theo sự suy giảm chung của thị trường ôtô Việt Nam. Song trên thực tế, nhu cầu thực của người dân đối với ôtô vẫn tương đối cao, do vậy đã có sự dịch chuyển rõ rệt trong phân khúc thị trường với sự tăng đột biến của các dòng xe cá nhân so với xe thương mại bất chấp những khó khăn của thị trường.

Tôi cho rằng những khó khăn xảy ra trong năm 2011 sẽ vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng đến tình hình năm 2012. Bên cạnh đó, các yếu tố và chính sách kinh tế như: sự suy giảm kinh tế, sự thắt chặt của chính sách tiền tệ, tăng tỷ giá… cũng vẫn sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến thị trường ôtô 2012.

Với những chỉ tiêu về kinh tế của năm 2012 mà Chính phủ vừa đề ra được Quốc hội thông qua với định hướng hy sinh tăng trưởng để ổn định kinh tế vĩ mô bằng các biện pháp lớn tầm quốc gia, như thắt chặt tín dụng để kiềm chế lạm phát, và giảm chi tiêu công, và mới đây là những biện pháp bổ sung của các địa phương, như tăng thuế trước bạ và phí đăng ký xe ôtô, chúng tôi dự báo năm 2012 sẽ là năm hết sức khó khăn đối với ngành sản xuất ôtô và thị trường trong nước. Ước tính doanh số của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) sẽ giảm khoảng 20%.

Chúng tôi rất mong Chính phủ sẽ có chiến lược và chính sách rõ ràng, ổn định và nhất quán để hỗ trợ tốt sự phát triển ngành của ngành sản xuất ôtô và phụ tùng trong nước nhằm góp phần thực hiện thành công chủ trương công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước vào năm 2020. Chúng tôi cũng hoàn toàn ủng hộ Chính phủ xây dựng một dòng xe chiến lược để ngành công nghiệp ôtô phát triển quy mô hơn và vững chắc hơn. Điều này đó chỉ có thể thực hiện được khi có các chính sách thuế khuyến khích và ổn định, qua đó góp phần phát triển cả thị trường và ngành công nghiệp.

Chúc các bạn một năm mới nhiều sức khỏe và may mắn!”.

Một năm sẽ nhiều thay đổi

Ông Michael Sasha Cluzel, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Viễn thông di động Toàn Cầu (Gtel Mobile)

“Đầu tiên, xin được chúc mừng năm mới tới tất cả các độc giả VnEconomy. Chúc các bạn một năm mới Nhâm Thìn hạnh phúc, an khang, thịnh vượng!

Nhìn trên bối cảnh kinh tế vĩ mô, tôi cho rằng, Việt Nam vẫn được xem là một nền kinh tế mở và là một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài, với mức đầu tư khá ổn định trong năm 2011.

Năm 2012, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng cơ chế giám sát điều tiết thị trường viễn thông, tập trung vào tái cơ cấu các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, cũng như quá trình hợp nhất và sáp nhập. Do vậy, chúng tôi đã nhìn thấy 2012 là một năm sẽ có nhiều thay đổi và điều chỉnh, điều này sẽ giúp thị trường viễn thông có thể phát triển mạnh hơn, và chúng tôi tin tưởng mình sẽ tiếp tục lớn mạnh. Chúng tôi rất hy vọng vào những thay đổi này để Beeline có thêm nhiều cơ hội mang lại các sản phẩm sáng tạo và độc đáo cho khách hàng Việt Nam.

Mục tiêu hàng đầu của chúng tôi vẫn như chúng tôi đã đặt ra khi đến Việt Nam, đó là trở thành mạng di động lớn thứ 4 tại đây. Tôi rất vui khẳng định rằng Beeline đang từng bước tiến gần hơn mục tiêu này. Trong năm 2012, chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp cho người dùng những trải nghiệm độc đáo nhằm gia tăng giá trị và quyền lợi cho khách hàng theo cách tốt nhất có thể”.

Niềm tin kinh tế sẽ “sáng”

Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI)

“Theo tôi, năm 2012, mọi tín hiệu kinh tế vĩ mô sẽ tốt hơn, từ vấn đề dòng tiền, giải pháp tái cơ cấu kinh tế, cho đến các đánh giá của quốc tế, vốn đầu tư nước ngoài...

Trong suy nghĩ của tôi, kinh tế vĩ mô năm nay sẽ tích cực hơn năm 2011. Tuy nhiên, để đưa ra kế hoạch cụ thể, thì sau Tết, sang tháng 2, nếu lạm phát không vượt quá 1% thì tôi hoàn toàn tin tưởng kinh tế sẽ “sáng”. Nếu lạm phát trên 1,5% thì nguy cơ khó khăn sẽ lớn. Nếu từ trên 1 - 1,5% thì cũng e dè. Lúc đó, chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch ở nhiều cấp độ.

Dù gì thì quan điểm tôi là không cắt giảm nhân sự và sa thải nhân viên. Tôi tin là tín hiệu vĩ mô sẽ tốt lên, vì thế Hội đồng Quản trị SGI chỉ xây dựng kịch bản tích cực.

Tôi nghĩ đa số độc giả VnEconomy quan tâm nhiều tới các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, vàng và tỷ giá. Từ góc nhìn của mình, tôi cho rằng trong năm 2012 nhà đầu tư không nên mua nhiều vàng và USD để tích trữ, vì tôi tin Nhà nước sẽ không để trượt giá đồng tiền, vàng thì cũng khó lên giá. Vì thế, chỉ còn chứng khoán và bất động sản, nhưng vẫn nên đầu tư vào chứng khoán nhiều hơn”.

Hiện thực hóa dự án Tây Hồ Tây

Mr. Lee Kwon Sang, Tổng giám đốc Công ty Phát triển T.H.T, chủ đầu tư dự án khu đô thị Tây Hồ Tây, Hà Nội

“Năm 2012 được dự báo sẽ có nhiều khó khăn, không chỉ với nền kinh tế Việt Nam mà còn với kinh tế toàn cầu. Kinh tế Việt Nam đang trải qua những thử thách lớn, nhưng nếu Việt Nam khéo léo sử dụng các lợi thế của mình thì có thể vượt qua những khó khăn này.

Chúng tôi được biết, hiện nay Chính phủ Việt Nam đã có chủ trương tái cấu trúc lại nền kinh tế, đây là thử thách, nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam cân bằng lại nền kinh tế theo hướng ưu tiên cho phát triển công nghiệp phụ trợ và hàng hóa xuất khẩu.

Đối với dự án khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây, trong lúc thị trường bất động sản đang khó khăn thì lợi thế của chúng tôi là chủ động về nguồn lực tài chính. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho công tác khởi công, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, công trình kiến trúc của dự án. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sớm chuẩn y việc khởi công dự án để thiết thực chào mừng 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước Hàn - Việt.

Tây Hồ Tây là dự án tiêu biểu mang nhiều ý nghĩa quan trọng, nên chúng tôi tin tưởng rằng sẽ được sự quan tâm hỗ trợ tích cực từ cả hai phía chính phủ để có thể phát triển dự án theo đúng tiến độ và thành công.

Trong năm nay, chúng tôi dự kiến sẽ khởi công động thổ, thi công hạ tầng kỹ thuật, tiến hành giải phóng mặt bằng giai đoạn hai và bắt đầu triển khai xây dựng một phần công trình kiến trúc. Đây là những bước đi rất quan trọng nhằm hiện thực hóa kế hoạch đầu tư đầy ý nghĩa của mình.

Xin cám ơn các bạn, và, xin chúc mừng năm mới!”.

Tận dụng cơ hội để vượt lên

Ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch Công ty Cổ phần Môi trường xanh An Phát (AAA)

“Theo tôi, 2012 là năm không thuận lợi với các doanh nghiệp. Lý do là Chính phủ vẫn có xu hướng kiểm soát và thắt chặt tín dụng. Các doanh nghiệp vay nợ nhiều sẽ chịu áp lực lãi vay cao và đình đốn sản xuất do khó có thể vay thêm.

Đồng thời, Chính phủ sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn các khoản đầu tư công, dòng tiền từ các tập đoàn, tổng công ty lớn của nhà nước ra ngoài ngành có thể bị thu hẹp.

Trong khi đó, lạm phát luôn có khả năng cao và chịu tác động từ giá cả một số mặt hàng thiết yếu nhập khẩu vẫn có khả năng tăng. Với các doanh nghiệp xuất khẩu thì còn có thể gặp thêm áp lực từ việc kinh tế Mỹ và châu Âu đang khó khăn, nhu cầu tiêu dùng giảm sút…

Là một doanh nghiệp xuất khẩu đi thị trường châu Âu, An Phát cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, trong những lúc khó khăn này, doanh nghiệp nào có nền tảng kinh doanh tốt, bài bản, quản trị tốt và sản phẩm là loại thiết yếu vẫn không đáng ngại lắm. Có thể lãi không nhiều như thời gian trước, nhưng để phá sản thì khó!

Vì vậy, theo tôi trong lúc này nên tận dụng cơ hội để vượt lên, vì cơ hội lớn thường đến trong lúc khó khăn. Và quan trọng là cần xây dựng được hệ thống quản trị doanh nghiệp, hệ thống quản trị và kiểm soát rủi ro thật tốt để thích ứng với thị trường.

Năm 2012, An Phát vẫn chọn con đường phát triển trong thế ổn định. Chúng tôi không có ý định co cụm mà sẽ tận dụng lợi thế sẵn có của mình, nhất định không đầu tư vào những ngành mà mình không chuyên như chứng khoán, bất động sản... Và chúng tôi hy vọng sẽ giữ được tốc độ phát triển như những năm trước.

Cuối cùng, xin chúc các bạn sang năm mới mạnh khoẻ, hạnh phúc, vạn sự như ý và vượt qua được thời khắc khó khăn này!”.

.
.
.
.