.
.

Năm 2012, doanh nghiệp đồng lòng vượt khó, nỗ lực sản xuất

Thứ Sáu, 27/01/2012|18:28

Ngay từ những ngày đầu năm 2012, nhiều doanh nghiệp đã đề ra các kế hoạch cụ thể nhằm vượt khó khăn đã được cảnh báo để duy trì và phát triển sản xuất.

Năm 2012 được các chuyên gia nhìn nhận là năm còn nhiều khó khăn, khó khăn từ nội tại của nền kinh tế trong việc tiếp tục duy trì kiểm soát chặt chẽ tài chính nhằm ổn định kinh tế vĩ mô,khó khăn từ tác động của nền kinh tế thế giới với nhiều tiềm ẩn khó lường. Những khó khăn ấy chắc chắn sẽ tác động ít nhiều đến kế hoạch sản xuất kinh doanh và tăng trưởng của doanh nghiệp.

Trao đổi với phóng viên , các doanh nghiệp đều bày tỏ một niềm tin sẽ vượt qua khó  khăn của năm 2012

Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam Đỗ Văn Hậu cho biết, năm 2012 Tập đoàn được Chính phủ giao  thực hiện các chỉ tiêu  sản xuất kinh dooanh cao hơn năm 2011, trong đó khai thác dầu bảo đảm 15,8 triệu tấn và 9 tỷ m3 khí, trong bối cảnh công tác tìm kiếm thăm dò của ngành gặp khó khăn bởi một số mỏ có dấu hiệu chững lại.

Vì vậy ngay từ tháng 12/2011 Tập đoàn đã bắt tay ngay vào triển khai, tập đoàn tập trung vào ba giải pháp, đó là phát triển khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực và giải pháp quản lý điều hành doanh nghiệp

Tập đoàn sẽ  triển khai quyết liệt công tác thăm dò vùng nước sâu và tiến ra nhiều vùng mới, năm 2012 tập đoàn dự kiến sẽ đưa  vào khai thác một số  mỏ như sư tử trắng, Lan Đỏ và đưa thêm hai mỏ mới  ở Nhennhetsky (LB Nga) vào khai thác.

Về công nghiệp khí, Tập đoàn cam kết sẽ đảm bảo cung cấp đủ khí cho các hộ tiêu thụ, trước mắt tập đoàn sẽ tập trung triển khai các dự án hạ tầng  vận chuyển khí lô B – Ô môn, Nam Côn Sơn và dự án  vận chuyển phân phối khí ở vùng vịnh Bắc bộ, tiếp tục mở rộng thu gom khí đồng hành để tăng hiệu quả khai thác tài nguyên.

Ngoài việc đưa vào phát điện một số dự án điện trong quý I/2012 như điện gió ở đảo Phú  Quý, thủy điện Hủa Na… đối với dịch vụ  kỹ thuật dầu khí, tập đoàn  sẽ tiếp tục thúc đẩy nâng cao  năng lực và khả  năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tập đoàn phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 20% so với  năm 2011 từ thiết kế, chế tạo, lắp đặt các công trình biển đến các khâu dịch vụ khác

Dự cảm năm 2012 là năm khó khăn bởi các dự báo kinh tế  cho thấy, thế giới vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng, điều này tác động không nhỏ tới hoạt động của doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam Trần Xuân Hòa, Tập đoàn sẽ xây dựng đồng bộ các nhóm giải pháp để huy động vốn, đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, trong đầu tư năm 2012 Vinacomin sẽ xã hội hóa để thu hút các nguồn vốn, trong đó tập trung thu hút vào các hệ thống vận chuyển băng tải, dịch vụ. Năm 2011nhờ việc xã hội hóa này tại một số băng tải đã giảm được 20% chi phí đơn giá. Năm 2012, Tập đoàn sẽ tiếp tục triển khai tại một loạt các doanh nghiệp trực thuộc khác.

Năm 2012, Tập đoàn phấn đấu sản xuất 44,2 triệu tấn than thương phẩm; đặt mục tiêu sẽ giảm tổn thất than trong khai thác hầm lò tối thiểu 1%/năm để đến năm 2015 hệ số tổn thất than chí ít giảm xuống dưới mức 24%... 

Ngoài ra, Tập đoàn sẽ sản xuất và cung ứng 7,1 tỉ kWh điện.

Còn Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam Trần Quang Nghị chia sẻ, ngành Dệt May Việt Nam vẫn đặt mục tiêu  xuất khẩu đạt 15 tỷ USD tăng từ 10-12% so với năm 2011 mặc dù 2012 được dự báo là một năm đầy thủ thách với Dệt may Việt Nam.

 Bên cạnh việc đổi mới sắp xếp lại doanh nghiệp, tập đoàn sẽ tập trung vốn vào các doanh nghiệp ngành nghề cốt lõi, thực hiện đầu tư phát triển theo chủ trương nguyên liệu tập trung gần các khu công nghiệp sản xuất sợi, dệt, nhuộm, đối với ngành may sẽ thực hiện đầu tư phân tán, ưu tiên khu vực miền trung  và các vùng kinh tế còn nhiều khó khăn

Ngành cũng sẽ  chuyển dần phương thức sản xuất gia công sang FOB và  ODM phấn đấu đạt mục tiêu tăng tỷ lệ  FOB từ nay đến 2015 từ  38% và lên 50%  và ODM từ 5% lên 10%, đồng thời nâng cao chất lượng dự báo và đánh giá thị trường. Tiếp tục các biện pháp cắt giảm chi phí, mở rộng diện tích trồng bông phục vụ sản xuất  phấn  đấu cuối năm 212  đạt 15.000 ha điện tích trồng bông

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, năm 2012 các doanh nghiệp cần khai thác tối đa năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường  để đáp ứng các sản phẩm thiết yếu cho nền kinh tế, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, cung cấp nguyên liệu cho các ngành dệt may, da giày, các chi tiết cho ngành cơ khí chế tạo, đóng tàu cũng như đầu tư đổi mới công nghệ, làm chủ các công nghệ nhập ngoại ưu tiên công nghệ tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm.

Bộ sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Linh Đa

Cổng thông tin Điện tử Chính phủ

.
.
.
.