.
.

Từ bức thư của Bác Hồ tới Nghị quyết của Đảng về Doanh nhân

Thứ Năm, 26/01/2012|21:03

Khi biết nội dung cuộc trao đổi về Nghị quyết đầu tiên của Đảng về doanh nhân, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) không ngần ngại thu xếp lịch hẹn.

 

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trao tặng TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI bức ảnh Bác Hồ với giới công thương Hà Nội nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân VN 13/10/2004
 
“Để tôi giới thiệu cho nhà báo bức ảnh này nhé!”. TS Vũ Tiến Lộc đưa tôi đến bức ảnh đen trắng được treo ở vị trí trang trọng nhất trong phòng làm việc. Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp với đại diện các nhà công thương Hà Nội trong tuần lễ vàng ngày 18/9/1945 đậm nét được giữ gìn cẩn thận.

“Đây là bức ảnh truyền thống và là tặng phẩm đặc biệt của VCCI. Điều mà tôi muốn chia sẻ với các hiệp hội DN, các doanh nhân, các cơ quan chính quyền và bạn bè quốc tế khi trao tặng bức ảnh này, đó là sự ghi nhận của Hồ Chủ Tịch đối với giới doanh nhân ngay từ những ngày đầu lập nước… Không phải vô tình mà giới công thương là giới chức đầu tiên Bác gặp ngay sau khi Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà chính thức bắt tay vào điều hành đất nước. Và bức thư Bác Hồ gửi giới công thương vào ngày 13/10/1945 có lẽ là văn kiện đầu tiên của Nhà nước ta về đội ngũ này”.

Đây không phải lần đầu ông nhắc tới bức thư 200 chữ gửi giới công thương. Còn nhớ, vào khoảng năm 2004, cũng trong một buổi phỏng vấn về những cơ sở để VCCI và các hiệp hội DN đề nghị Chính phủ chọn ngày 13/10 là Ngày Doanh nhân VN, ông Lộc đã kể về hành trình đi tìm định nghĩa doanh nhân trong lịch sử và từ điển VN, để rồi phát hiện ra rằng, cả một thời gian dài, hai chữ doanh nhân không những không tồn tại trong đời sống chính trị, xã hội VN mà còn bị quên lãng trong cả từ điển tiếng Việt.

“Chúng tôi khi đó đã động viên nhau rằng, đang đi tìm tên cho mình. Nhưng hoá ra, trước đây cả 100 năm, vào năm 1925, trong Điều lệ của tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội, nền kinh tế nhiều thành phần, tư tuởng áp dụng chính sách tân kinh tế đã được Bác Hồ lựa chọn. Rõ ràng, cộng đồng DN không phải chỉ đi tìm tên, mà phải gọi đúng là tìm lại vị trí, tìm về với tư tưởng Hồ Chí Minh về nền kinh tế nhiều thành phần và vai trò của doanh nhân…” - ông Lộc nhớ lại.

- Có thể nói, công cuộc đi tìm định nghĩa doanh nhân trong từ điển, vị trí của doanh nhân trong xã hội đã khiến bức thư của Hồ Chủ Tịch gửi giới công thương hồi sinh, thưa ông ?

Lịch sử luôn có những dấu ấn đặc biệt. Chúng ta không ở vào thời điểm đó để hiểu hết giá trị của bức thư gần 200 chữ này, nhưng những gì mà giới công thương đã cống hiến, xả thân cho dân tộc, cho cách mạng, tôi tin rằng, bức thư mà Bác Hồ gửi gắm thông điệp tới một lực lượng đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển kinh tế sau chiến tranh có sức hút vô cùng to lớn.

Còn vào thời điểm những năm đầu thế kỷ XX, khi Luật DN 1999 như một luồng gió mới thôi thúc tinh thần kinh doanh của người VN sau một thời gian “ngủ yên” do yếu tố lịch sử, những lứa doanh nhân đầu tiên đã gánh chịu những đánh giá không mấy thiện cảm. Lật giở lại những bài báo, thước phim thời đó, hình ảnh doanh nhân được xây dựng đa phần ở góc nhìn không thuận.

Chính vì vậy, khi tìm được bức thư Bác Hồ gửi giới công thương, chúng tôi như tìm được một điểm tựa, sự nâng đỡ tinh thần vô cùng quan trọng. Và Ngày Doanh nhân VN ra đời.

- Chẳng ở đâu trên thế giới này lại có một ngày dành riêng cho giới doanh nhân. Cũng không ở quốc gia nào có một Nghị quyết về doanh nhân, thưa ông ?

Trước hết, phải khẳng định ngay, Nghị quyết 09-NQ/TƯ là một thông điệp chính trị vô cùng quan trọng, khích lệ đội ngũ doanh nhân trong thời điểm rất khó khăn hiện nay.

Tại buổi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với VCCI về Nghị quyết số 09, các doanh nhân đã chia sẻ, Nghị quyết như một luồng gió mới, động viên tinh thần doanh nhân. Lúc khó khăn, lời động viên, sự ghi nhận thực sự là vô giá…

Cũng trong buổi làm việc đó, Tổng bí thư đã đặt ra câu hỏi cho các doanh nhân, rằng DN VN là ai và khác gì doanh nhân các nước trên thế giới… trước khi nhắc lại vị trí của doanh nhân, từ không có tên, tới lúc được nhắc tới là các nhà DN đứng rất xa, rất mờ nhạt trong khối đại đoàn kết, rồi mới tới doanh nhân ở vị trí thứ 4 trong Văn kiện Đại hội Đảng và rồi có Nghị quyết dành riêng cho doanh nhân. Vị trí, vị thế của doanh nhân VN đã khác rất nhiều.

Cách đây khoảng 10 năm, khi tôi còn kiêm nhiệm chức danh Tổng biên tập Báo DĐDN, trên trang bìa số Tết của Báo có bức ảnh ấn tượng về một cậu bé khôi ngô trong vòng tay của mẹ đã bập bẹ một lời ước: “Lớn lên con sẽ làm doanh nhân”…

Trước đó, những đứa trẻ vẫn thường được dạy lớn lên làm giáo viên, bác sĩ, kỹ sư hay trở thành chú bộ đội. Khái niệm doanh nhân ít được nhắc đến trong sách vở. Thậm chí, cả trong kho tàng truyện cổ tích VN do tác giả Nguyễn Đổng Chi biên soạn chỉ có hai câu chuyện Đồng Tiền Vạn Lịch và Mụ Lường đề cập đến doanh nhân, nhưng đều với hình ảnh xấu.

Với hình ảnh ước mơ của một đứa trẻ, chúng tôi muốn gây dựng một hình ảnh đẹp cho giới trẻ về doanh nhân. Tôi vẫn mong có những bài giảng cho bọn trẻ về doanh nhân, về tấm gương doanh nhân tiêu biểu bên cạnh hình ảnh của thầy giáo, của chú bộ đội, bác nông dân, cô công nhân…Tôi hi vọng tinh thần kinh doanh sẽ được đưa vào giáo dục học đường.

- Hình như phải tới Lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân VN lần thứ hai do VCCI tổ chức, câu nói doanh nhân – người lính thời bình mới được nhắc tới như một khẩu hiệu của giới doanh nhân, thưa ông ?

Đúng vậy. Doanh nhân tự xác định mình là người lính thời bình, và đã được ghi nhận, tôn vinh bởi những đóng góp vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. Nhưng không phải đã hết điều phải bàn về doanh nhân, về văn hoá doanh nhân VN…nhất là khi trong Nghị quyết những yêu cầu về xây dựng đội ngũ doanh nhân ngang tầm khu vực, có tinh thần dân tộc, có trách nhiệm xã hội… được xác định là nhiệm vụ của không chỉ đội ngũ doanh nhân VN mà là trách nhiệm của Đảng, của cả hệ thống chính trị.

Ông Lộc thực sự là một người nhiệt tâm với sự phát triển của đội ngũ doanh nhân. Suốt trong những năm gần đây, hầu như năm nào VCCI cũng tổ chức hội thảo về tư tưởng Hồ Chí Minh và nhiệm vụ xây dựng đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới. VCCI cũng đã tổ chức sưu tầm, biên tập và xuất bản cuốn sách “Bác Hồ với DN, doanh nhân”... Có lẽ đây là những nền tảng quan trọng để VCCI kiến nghị với Đảng xây dựng Nghị quyết về doanh nhân. Và chính ông Lộc đã được phân công là một trong những người chắp bút chính xây dựng Đề án và Dự thảo Nghị quyết.

Vào lúc này, khi các DN đang gặp khó, ông Lộc cũng nhìn ra khía cạnh rất nhân văn trong kế hoạch của các doanh nhân khi thay vì đóng của, tạm nghỉ để cắt lỗ, nhiều doanh nhân tiếp tục kinh doanh để có lương cho công nhân, có việc làm cho người lao động… Dù biết có thể khó đủ sức gồng mình qua giai đoạn cam go này, nhiều doanh nhân vẫn kiên trì đề nghị Chính phủ theo đuổi chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát... để hướng tới giai đoạn phát triển mới bền vững hơn…

Trở lại câu chuyện rằng kế hoạch đến năm 2020 có những doanh nhân tầm cỡ khu vực có phải khiêm tốn không khi VN đã có PVN, Viettel, Hoàng Anh Gia Lai, Vinamilk, FPT… những thương hiệu đã đưa VN không chỉ đến với các nước trong khu vực mà còn tới nhiều vùng đất xa xôi của Châu Phi, Châu Mỹ...

Đã có một thời doanh nhân VN đặt hoài bão trở thành to lớn. Từ văn phòng, phuơng tiện đến các sự kiện… đều được tổ chức hoành tráng. Ngay cả các kế hoạch kinh doanh cũng được đo bằng gía trị tiền chứ không hẳn là hiệu quả… Khủng hoảng kinh tế những năm vừa qua chấm dứt cách kinh doanh tận dụng cơ hội bằng mọi giá khi lộ ra gót chân Achilles của những chàng khổng lồ… Nhiều doanh nhân ngộ ra rằng, tầm khu vực phải được hiểu là sự xứng tầm về quản trị, thương hiệu, văn hoá kinh doanh chứ không đơn giản là quy mô; rằng cách kinh doanh tận khai tài nguyên, thâm dụng lao động, thiếu trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng là không bền vững, rằng với các DN quy mô vừa, năng lực cạnh tranh tốt thì khả năng tham gia các chuỗi giá trị tốt hơn nhiều các DN to mà không mạnh…

Đây cũng là điều tôi muốn chia sẻ với các doanh nhân trong các bước cơ cấu lại DN để phù hợp với mô hình phát triển mới của nền kinh tế VN và cũng là xu thế chung mà những bộ phận tiên tiến nhất trong cộng đồng doanh nhân thế giới đang hướng tới. Thậm chí, tại sao chúng ta không đặt mục tiêu có thể đi trước, đón đầu về tính nhân văn trong kinh doanh ?

Câu hỏi mà ông Lộc đưa ra chắc không dành cho tôi. Nhưng tôi chợt nghĩ, có lẽ, vào năm 1945, với lời hiệu triệu từ bức thư của Bác Hồ, các nhà công thương khi cống hiến cả gia sản cho sự hồi sinh của đất nước cũng xuất phát bởi tinh thần dân tộc, nhân văn thấm đẫm trong đời sống của họ. 66 năm sau, Nghị quyết 09 đang tiếp thêm sức mạnh dân tộc để giới doanh nhân chung tay cùng Chính phủ tạo nên những bước phát triển mới cho nền kinh tế…

Khánh An thực hiện

.
.
.
.