Xúc tiến đầu tư ở Quảng Ninh: Tư duy mới, cách làm mới
Bên cạnh những nhiệm vụ, các mục tiêu và những chỉ tiêu về kinh tế xã hội được đề ra tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh (QN) lần thứ 13 (nhiệm kỳ 2011- 2015) là: Từng bước cải cách thủ tục hành chính, để trên cơ sở tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước sớm tiếp cận với QN.
Hài hòa lợi ích giữa tỉnh và doanh nghiệp
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh- Nguyễn Văn Đọc, QN đã báo cáo Chính phủ và Thủ tướng cho phép được thuê tư vấn nước ngoài về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Hội đồng nhân dân tỉnh QN đã biểu quyết dành 40% kinh phí chi thường xuyên hàng năm để đầu tư cho khoa học công nghệ, vì hàm lượng khoa học công nghệ đối với sản phẩm của QN còn thấp, hiện tại các mặt hàng đều xuất thô, kể cả than. QN đang kêu gọi đầu tư nước ngoài có tầm cỡ vào lĩnh vực này để nâng giá trị gia tăng các sản phẩm.
Quan điểm kêu gọi đầu tư, thu hút đầu tư là hài hòa lợi ích giữa tỉnh QN với các doanh nghiệp (DN). Coi trọng lợi ích của DN chính là sự khẳng định cho tính bền vững trong chiến lược phát triển của tỉnh. Với tinh thần đó, QN sẽ giới thiệu những ưu đãi trên cơ sở những chính sách của Nhà nước và đặc thù của tỉnh. “Chúng tôi coi đó là cách hỗ trợ tốt nhất đối với các nhà đầu tư, để các nhà đầu tư yên tâm, xác định rõ không gian để phát triển, xác định được lộ trình và cả tầm ảnh hưởng khi quyết định các dự án”- ông Nguyễn Văn Thành – Phó chủ tịch UBND tỉnh QN - cho biết. Những lĩnh vực đầu tư được tỉnh khuyến khích và cho hưởng cơ chế chính sách ưu đãi là nhằm vào những lợi thế vốn có như công nghiệp, đặc biệt là chú trọng công nghiệp sạch, công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao. QN quyết tâm phấn đấu đến năm 2015 sẽ cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, về trước cả nước 5 năm.
Do đó, nhiệm vụ của QN, cùng với các nhà đầu tư là làm thế nào để hàm lượng công nghiệp, hàm lượng khoa học công nghệ vào từng sản phẩm công nghiệp chế biến và sản phẩm dịch vụ được nâng cao. Đồng thời lĩnh vực du lịch, dịch vụ, đặc biệt dịch vụ logictics, được quan tâm nhiều hơn. Với dịch vụ logictics, QN đang tập trung phát triển từ kho bãi, khâu vận chuyển, hệ thống hạ tầng cho đến đội ngũ quản lý ở các cửa khẩu.
Phát triển công nghiệp song song với du lịch
Công nghiệp và du lịch là một trong những ngành lợi thế của QN. Lượng khách hiện nay đến vịnh Hạ Long khoảng 6 triệu lượt người/năm. Ngoài ra, QN còn rất nhiều điểm du lịch lịch sử và tâm linh khác. Bên cạnh đó, QN là nơi có trưc lượng than lớn nhất cả nước, sản lượng khai thác chiếm tới 96% sản lượng than của Việt Nam. Tuy nhiên, vùng có than lại “ôm” trọn cả vùng vịnh Hạ Long và Bái Tử Long.
QN có một số cảng nước sâu, một số hoạt động, liên quan đến cảng, tàu… đều liên quan đến than đá và vật liệu xây dựng. Đây là những yếu tố vừa có lợi, vừa bất lợi. Vừa qua, Trung ương đã chỉ đạo là QN vừa phát triển công nghiệp, đồng thời cũng phát triển du lịch theo hướng suy giảm tối đa những tác động xấu của ngành này đến ngành kia và tăng lợi thế cho QN.
Kế hoạch khai thác than sẽ phải có lộ trình để song hành với phát triển du lịch bền vững
Ví dụ như sản xuất than, Chính phủ đã phê duyệt lộ trình làm sao để hạn chế mỏ than lộ thiên. Hiện đã có lộ trình từng mỏ và việc xử lý toàn bộ nước thải ở mỏ cũng có lộ trình. Đến nay, trên địa bàn QN, tất cả các mỏ than đã được đưa ra khỏi quyết định 64 và cũng không còn những khu công nghiệp nguy hại và độc hại. Toàn bộ việc vận chuyển hiện nay, ngành Than đang nỗ lực triển khai từng bước, thay vận tải bằng ôtô thành băng tải ống và đường sắt. Hiện đã khánh thành tuyến băng tải ống từ Mạo Khê ra Bến Cân và đường sắt từ Vàng Danh- Uông Bí. Đây là lộ trình mà Tập đoàn Công nghiệp Than & Khoáng sản Việt Nam đang quyết liệt thực hiện, được tỉnh QN đánh giá rất cao.
Ngành Than cũng đang hướng tới xây dựng một số mô hình du lịch liên quan đến hầm lò, đến sản phẩm hoặc hoàn nguyên lại toàn bộ những nơi mà ngành than đã làm. Những vấn đề ảnh hưởng tới môi trường vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, đến bến cảng, vận chuyển… - đều đã được hạn chế và có đánh giá cụ thể tác động của môi trường.
Xúc tiến đầu tư vào các khu vực có lợi thế
Những năm qua, với xu thế đổi mới, QN đã từng bước đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, để làm sao các lợi thế kể trên được tuyên truyền nhiều nhất tới các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Từ đầu năm nay, Cơ quan Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư (IPA) đã được đưa vào vận hành. Đây là hệ thống đầu mối một cửa minh bạch và rút gọn, để giúp các nhà đầu tư từ khâu tiếp cận đưa ra ý tưởng đến việc triển khai dự án. IPA cũng là đầu mối tháo gỡ những khó khăn trong đầu tư, để đảm bảo các dự án được thành công.
Quảng Ninh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các nhà đầu tư
Tổng vốn đầu tư FDI, vốn đăng ký tính từ năm 1989 (thời điểm QN chính thức kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài) đến nay là 3,745 tỷ USD. Mặc dù vậy, so với tiềm năng và lợi thế của QN thì dường như “chưa thấm”. Và Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2012 được tổ chức lần này, chính là để tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ, sự ủng hộ của các bộ, ngành Trung ương và tiếp cận trực tiếp với các tổ chức quốc tế, các DN trong và ngoài nước. Điều này thể hiện tính cầu thị và sự quyết tâm của QN về hoạt động này. Với cách làm mới, tư duy mới, hội nghị sẽ tạo ra bước đột phá trong thu hút các nguồn lực đầu tư, trong đó có vốn đăng ký và vốn thực hiện FDI tại QN sẽ tăng cao hơn, tạo đà cho sự phát triển mới, xứng tầm với vị thế và vai trò của tỉnh. Chủ đề “Hội tụ và lan tỏa”của hội nghị đã phần nào nói lên tư duy rất mới của QN trong cách tiếp cận. Hội tụ tất cả những trí tuệ, tài năng và kinh nghiệm, cũng như các nền văn hóa của tất cả các nước đến với QN. Sự hội tụ đó là chọn lọc, để xây dựng QN trở thành đầu tàu thúc đẩy phát triển toàn khu vực, đặc biệt trong cực tăng trưởng phía Bắc của cả nước.
Thanh Hà Thúy - Báo Công thương