Hoạt động HĐQT ở Việt Nam: “Thật thà thì thua thiệt”
Theo ông Nguyễn Đình Cung, ở Việt Nam quyền lực thường tập trung theo kiểu “3 trong 1” nghĩa là HĐQT bao gồm luôn quyền điều hành và là cổ đông lớn.
Hôm nay (ngày 1/11/2012) Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Tổ chức tài chính Quốc tế (IFC) và Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan (SET) đã phối hợp tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng quản trị”.
Theo ông Trần Văn Dũng – Tổng giám đốc HNX, Hội đồng quản trị (HĐQT) có vai trò quyết định trong việc giúp các doanh nghiệp niêm yết nâng cao chất lượng hoạt động và giúp các cổ đông, nhà đầu tư có môi trường đầu tư minh bạch và an toàn hơn.
Thông tư 121 vừa ban hành yêu cầu trong ban HĐQT của các doanh nghiệp Việt Nam phải có 1/3 thành viên là thành viên HĐQT độc lập, trong đó các thành viên này khôn phải là cổ đông của công ty cũng như không nằm trong ban điều hành, điều này gây ra nhiều vướng mắc cho các thành viên thị trường.
Trong khi đó, theo tiến sỹ Warapatr Todhanakasem, chuyên gia của SET, của các doanh nghiệp Thái Lan cho phép các thành viên HĐQT độc lập được nắm giữ cổ phiếu của doanh nghiệp nhưng giới hạn tỷ lệ 0,5%, đây là một tỷ lệ khá thấp để vẫn giữ được tính độc lập trong các quyết định của các thành viên này.
Tiến sỹ Warapatr cũng cho rằng các thành viên HĐQT cần phải đủ mạnh mẽ để phản đối các quyết định của cổ đông lớn của công ty.
"Kinh nghiệm quốc tế cho thấy thù lao trả cho các thành viên HĐQT độc lập không quá thấp để còn khuyến khích họ gắn bó với công ty nhưng cũng không được quá cao để ảnh hưởng đến tính độc lập của họ" - ông Warapatr nói.
Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung - Phó giám đốc Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, ở Việt Nam quyền lực thường tập trung theo kiểu “3 trong 1” nghĩa là HĐQT ở nước ta bao gồm luôn quyền điều hành và là cổ đông lớn, trong khi đó ban kiểm soát lại rất thụ động và do HĐQT bầu ra nên họ có vị thế thấp trong công ty.
Ông Cung đã lấy một câu nói vui về quản trị ở Việt Nam đó là “cấp dưới thì không bảo được cấp trên” nên hiện tại Ban kiểm soát ở các doanh nghiệp Việt Nam thường không có tiếng nói.
Chính vì thế ông Cung kiến nghị: “Nên thí điểm mô hình hoạt động có thành viên HĐQT độc lập thì không cần có Ban kiểm soát hoặc ngược lại. Sau đó, dùng chính những bài học từ thực tế này để quyết định duy trì thành viên HĐQT độc lập hay Ban kiểm soát”.
Hơn nữa, doanh nghiệp Việt Nam còn có văn hóa ngại công khai minh bạch, có tâm lý che đậy các thông tin nội bộ công ty bởi họ sợ rủi ro khi công khai minh bạch ảnh hưởng đến các lợi ích mình mong muốn, theo lời ông Cung đó là tình trạng sợ “thật thà thì thua thiệt”.
Thêm nữa, việc điều hành kiểu “gia đình trị” sẽ không thể cho kết quả tốt, thị trường đòi hỏi các doanh nghiệp phải quản trị theo thể chế, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế bởi hiện nay các doanh nghiệp đang lớn lên thì đòi hỏi phải đa dạng hóa sở hữu, cần vốn của nhiều cổ đông bên ngoài.
Phương Mai – Khánh Linh
Theo TTVN